Đại Kỷ Nguyên

Quan Công bị khốn ở Mạch Thành: Tâm thanh tự ngọc, chết rồi để sống

Quan Công bị khốn ở Mạch Thành, lòng trung nghĩa vẫn chẳng hề suy suyển (Cảnh phim Tam quốc diễn nghĩa 1996).

Tam quốc diễn nghĩa khắc hoạ chân dung của biết bao anh hùng hào kiệt, nhưng hiếm có ai mà sự ra đi của họ lại khiến người đời vừa tiếc thương, vừa tôn kính như Quan Vân Trường.

 Cuối Hán ai là giỏi?
Vân Trường mấy kẻ tày!
Thần oai, võ đã mạnh.
Nho nhã, văn cũng hay.
Lòng ngay tỏ như kính,
Khí nghĩa cao ngất mây.
Nghìn thu danh tiếng để
Không những nhất đời nay!

Khi Quan Công đang vây đánh Phàn Thành, Tương Dương thì Lã Mông dùng kế “áo trắng sang đò”, đánh úp lấy Kinh Châu. Tướng giữ thành Giang Lăng và Công An đều hàng Đông Ngô, Mạnh Đạt và Lưu Phong lại thấy chết không cứu, Quan Công cùng đường phải chạy đến Mạch Thành.

Thà làm ngọc nát còn hơn làm ngói lành

Tam quốc diễn nghĩa, hồi 76:

“Lại nói, Quan Công ở Mạch Thành, mong ngóng quân Thượng Dung đến cứu, mà mãi không thấy đến. Thủ hạ thì chỉ còn năm sáu trăm người, lại bị thương hơn một nửa; trong thành lương đã cạn, khổ sở vô cùng.

Chợt ở dưới thành có một người, tỏ ý xin đừng bắn tên ra, muốn vào ra mắt Quan Công nói chuyện.

Quan Công sai mở cửa cho vào, thì là Gia Cát Cẩn. Cẩn vào lạy xong, nói rằng:

– Tôi phụng mệnh Ngô hầu, đến đây dụ tướng quân. Từ xưa có câu rằng: “Biết thời thế gọi là tuấn kiệt”. Nay chín quận Kinh Tương của tướng quân đã vào tay người khác cả rồi, chỉ còn một xó Mạch Thành này, trong thì hết lương, ngoài thì không có quân cứu, nguy đến ngay trước mắt. Tướng quân sao không về hàng với Ngô hầu, lại trấn thủ ở Kinh Tương, và giữ toàn được cả gia quyến, xin quân hầu nghĩ cho kỹ mà xem!

Quan Công sầm mặt lại, nói rằng:

– Ta là một kẻ võ phu ở Giải Lương, được nhờ chủ ta coi như anh em thủ túc, có lẽ đâu ta lại trái nghĩa mà theo hàng với người khác! Thành này mà phá, ta chỉ còn cái chết nữa thôi. Ngọc tuy đập vụn được, nhưng không sao đổi được sắc trắng; trúc đốt cháy được, nhưng không sao huỷ được gióng thẳng; thân người tuy chết, nhưng còn danh tiếng truyền mãi trong sử sách đời sau. Ngươi đừng nói làm chi cho phí lời, xin mời ra thành cho mau, ta muốn đánh nhau với Tôn Quyền một trận nữa!

Quan Công khẳng khái cự tuyệt Gia Cát Cẩn (Cảnh phim Tam quốc diễn nghĩa 1996).

Cẩn nói:

– Ngô hầu muốn cùng với quân hầu kết làm dâu gia với nhau, hiệp sức lại để đánh Tào Tháo, chớ không có bụng dạ nào đâu, quân hầu sao lại gàn thế.

Cẩn nói vừa dứt lời thì Quan Bình rút gươm ra, chạy xâm xâm đến toan chém.

– Em hắn là Khổng Minh ở Thục, giúp bác con, nếu giết đi thì chẳng làm cho đau lòng anh em người ta lắm ru?

Liền sai tả hữu đuổi Gia Cát Cẩn ra thành. Cẩn thẹn đỏ mặt, lên ngựa đi về, nói với Tôn Quyền rằng:

– Quan Công bụng vững như sắt đá, không sao nói chuyển được!

Tôn Quyền than rằng:

– Người như thế mới thực là trung thần!”.

Cả cuộc đời Quan Công thờ hai chữ Trung Nghĩa, ở bước đường cùng tấm lòng trung nghĩa của ông lại càng sáng tỏ. Trước, ông vì nghĩa mà treo ấn gói vàng, ra khỏi Tào doanh, vượt năm ải chém sáu tướng để trở về bên huynh trưởng. Sau, ông lại vì nghĩa mà sẵn lòng chịu tội chém, tha Tào Tháo ở hẻm Hoa Dung. Cái chết đối với Quan Vân Trường đâu có đáng kể gì, sao Gia Cát Cẩn có thể chiêu hàng nổi?

Bắc Tề Thư có câu “Thà làm ngọc nát còn hơn làm ngói lành”, kể chuyện Cao Dương đoạt lấy chính quyền Đông Ngụy, kiến lập Bắc Tề, tru sát quý tộc họ Nguyên. Lúc bấy giờ, viên huyện lệnh tên là Nguyên Cảnh An muốn xin được đổi sang họ Cao để khỏi chết, người anh họ của ông ta là Nguyên Cảnh Hạo nghiêm khắc nói rằng: “Làm sao có thể bỏ tổ tiên mà đổi sang họ khác được. Đại trượng phu thà làm ngọc nát chứ không thèm làm ngói lành”.

Con người sống ở đời phải giữ tấm lòng sắt son thanh khiết như ngọc, sao có thể vì bảo toàn mạng sống, vì vinh hoa phú quý mà bán rẻ lương tâm? Quan Công nhớ đến nghĩa đào viên cùng Lưu Bị, nghĩ tới đạo của bầy tôi nhà Hán, trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc ông lẫm liệt, thanh cao như ngọc – “tuy đập vụn được, nhưng không sao đổi được sắc trắng”, hiên ngang như trúc – “đốt cháy được, nhưng không sao huỷ được gióng thẳng”. Khí tiết ngất trời của ông khiến người ta chấn động tâm can, lệ chảy thành hàng!

Cái chết thành bất tử

Thế cùng, Quan Công dẫn thuộc hạ chạy ra cửa bắc Mạch Thành, hòng về Tây Xuyên thu nhặt binh mã khôi phục Kinh Châu, đến xứ Quyết Thạch “hai bên toàn núi, lau sậy, dây mơ rễ má um tùm” thì bị địch phục kích bắt sống. 

Tam quốc diễn nghĩa, hồi 77:

Buổi sáng hôm ấy, Tôn Quyền được tin hai cha con Quan Công bị bắt, mừng lắm, bèn tụ cả các tướng lại ở dưới trướng.

Một lát, Mã Trung đem Quan Công đến, Quyền hỏi:

– Tôi lâu nay vẫn mộ tiếng tướng quân, muốn kết hiếu Tần Tấn với nhau, sao tướng quân khinh tôi quá thế? Tướng quân xưa nay vẫn coi thiên hạ chẳng ai ra gì, hôm nay bị bắt, đã chịu Tôn Quyền này chưa?

Quan Công quát lên rằng:

– Thằng nhãi con mắt biếc, con chuột râu tía kia! Tao cùng với Lưu hoàng thúc kết nghĩa ở vườn đào, thề với nhau cùng giúp nhà Hán, lại thèm bầu bạn với quân giặc phản nhà Hán à! Tao nay mắc phải mẹo gian, chỉ có chết là cùng, can gì phải căn vặn tao cho lắm!

Quyền ngoảnh lại bảo với các tướng rằng:

– Vân Trường là bậc hào kiệt trên đời, ta lấy làm yêu mến lắm; nay muốn dùng cách tử tế để y theo hàng với ta, các ngươi nghĩ làm sao?

Chủ bộ là Tả Hàm thưa rằng:

– Không nên! Khi xưa Tào Tháo bắt được người ấy phong hầu cho tước, ba hôm thết một tiệc yến nhỏ, năm hôm thết một tiệc yến to, khi lên ngựa thưởng một nén vàng, khi xuống ngựa thưởng một nén bạc, ân lễ đến thế là cùng! Thế mà vẫn không sao lưu được người ấy ở lại, phải để mặc cho phá cửa ải, giết tướng mình mà đi. Để đến nỗi, ngày nay bị người ấy đánh lại, toan thiên đô lánh đi chỗ khác. Chúa công nay đã bắt được người ấy, nếu không trừ đi, e rằng để vạ về sau!

Quyền ngồi ngẫm nghĩ một hồi, rồi nói rằng:

– Ngươi nói phải lắm!

Liền sai đem hai cha con Quan Công ra hành tội. Bấy giờ là năm Kiến An thứ 24 (219) tháng mười mùa đông. Quan Công bấy giờ năm mươi tám tuổi”.

Cha con Quan Công bị hành quyết (Cảnh phim Tam quốc diễn nghĩa 1996).

Người yêu mến Tam quốc xưa nay, yêu cái thiện, ghét cái ác, ủng hộ chính nghĩa của Lưu – Quan – Trương, đọc đến đoạn quân Lưu Bị thắng thì mừng vui, nghe đến hồi nước Thục thua thì buồn thương rơi lệ. Bản thân người viết bài này sau khi khép lại trang cuối cùng của Tam quốc diễn nghĩa, tuy nhiều phen đọc lại những hồi tâm đắc, nhưng khi phải một lần nữa đi qua đoạn nguy khốn của Quan Công thì miễn cưỡng vô cùng. Bởi đó là một mất mát đau xót thấu tim gan, tựa hồ như phải chia lìa một điều gì rất đỗi thiêng liêng và thân thiết.

Nhưng ngẫm cho cùng, con người sống trên đời nào có ai không chết? Như Thừa tướng cuối triều Tống là Văn Thiên Tường từng nói: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Tạm dịch: Người đời tự cổ ai không chết/ Lưu giữ lòng son sáng sử xanh). Nếu có thể đem sinh mạng mình làm sáng tỏ nghĩa lớn, thì cái chết đến dù muộn hay sớm cũng đều vinh diệu biết bao! Còn những kẻ ham sống sợ chết mà khom lưng luồn cúi, bán rẻ nhân luân, thì sống dài sống thọ cũng chỉ sống thừa mà thôi!

Quan Công trọn đời trung thành với Lưu hoàng thúc, khiến quân địch chịu nhiều tổn thất, nhưng vẫn nhận được sự kính yêu của đối thủ là Tào Tháo và Tôn Quyền, chính là bởi cốt cách thanh cao rắn rỏi như ngọc, nghĩa khí chẳng thẹn với Trời xanh. Ông chọn cái chết, mà tên tuổi sống mãi cùng nhật nguyệt. 

Quả đúng là:

 "Anh hùng còn nhớ Giải Lương xưa,
Lẫm liệt Quan Công tiếng đến giờ.
Huynh đệ một ngày tình nghĩa nặng,
Đế vương muôn kiếp khói hương thờ.
Gương trung vằng vặc, soi trời bể,
Khí nghĩa ầm ầm, nổi gió mưa.
Đình miếu đến nay đâu chả có.
Trải bao nhiêu tháng vẫn trơ trơ!"
.

Thanh Ngọc

Video: 20 Tháng 7 – Một ngày đáng nhớ trong lịch sử nhân loại

Exit mobile version