Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 2): Long tranh hổ đấu, thắng thua khó đoán

Trận chiến Xích Bích diễn ra vào tháng 7 năm Kiến An thứ 13 (Ảnh minh họa).

Lời toà soạnCác dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Loạt bài này chúng tôi lấy tên là “Mạn đàm thế sự”, còn có một tên gọi khác là “Tiếu đàm phong vân” (‘Bàn luận gió mây’). Vì sao gọi là “phong vân”? Trong Kinh Dịch có câu: “Vân tòng long, Phong tòng hổ”, nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp. Phần lớn trong loạt bài này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những câu chuyện long tranh hổ đấu, vậy nên mới gọi là “phong vân”.

Chúng ta biết “phong vân” nghĩa đen là gió mây, hàm ý chỉ về tình hình biến đổi của lịch sử, và tất nhiên đó là điều không ai nắm bắt được. Nhất là trong những trận chinh chiến, một cơn gió lớn cũng có thể thay đổi toàn bộ cục diện binh đao, từ đó định ra ai là đế vương lập quốc. Hôm nay chúng tôi sẽ kể một vài câu chuyện liên quan đến ‘gió lớn’.

Câu chuyện thứ nhất khá quen thuộc, đó là trận chiến Xích Bích. Bởi loạt bài này là căn cứ theo chính sử, trên cơ bản dựa theo ghi chép trong Nhị thập tứ sử và Tư trị thông giám làm cơ sở, do đó chúng tôi gắng hết mức thoát ly khỏi phần diễn nghĩa và gán ghép của các tiểu thuyết gia để giảng bộ mặt nguyên gốc của lịch sử. Vậy nên, rất nhiều điều bàn luận dưới đây có thể không ăn khớp lắm với Tam quốc diễn nghĩa.

Trận chiến Xích Bích diễn ra vào tháng 7 năm Kiến An thứ 13. Vào năm 208 SCN, Tào Tháo thống lĩnh toàn quân đi xuống phía nam để công đánh Lưu Biểu. Tào Tháo xuất binh vào tháng 7, đến tháng 8 thì Lưu Biểu qua đời vì bệnh. Khi đại quân Tào Tháo tiến đến Kinh Châu, con trai của Lưu Biểu là Lưu Tông đã đầu hàng. Lưu Bị nguyên vốn trú đóng ở Phàn Thành. Sau khi đại quân Tào Tháo đến, Lưu Bị thấy rõ tình hình bất lợi nên bắt đầu tháo chạy. Tào Tháo đuổi theo sau, khi đến Trường Bản ở Đương Dương hai bên đã đánh một trận – điều này hầu hết chúng ta đều đã biết cả rồi. Lưu Bị bại trận, dọc đường rút lui đến Hạ Khẩu. Hạ Khẩu chính là thành phố Vũ Hán, tỉnh Hà Bắc bây giờ. Nhưng thay vì đuổi theo Lưu Bị, Tào Tháo thống lĩnh quân đội đi đến Giang Lăng, chính là huyện Giang Lăng thuộc tỉnh Hồ Bắc bây giờ.

Chúng ta biết Tào Tháo trong mỗi trận đánh đều rất lợi hại. Ông là một nhà quân sự vô cùng kiệt xuất, bắt đầu từ năm Kiến An thứ hai ông đã hàng phục Trương Tú, trừ khử Lữ Bố, tiêu diệt Viên Thuật, đánh bại Viên Thiệu, bình định Lưu Biểu, từ vùng Trường Giang về phía bắc hầu như đều đã được ông thống nhất cả rồi. Hơn nữa xưa kia trong trận chiến ở Quan Độ, về mặt quân sự thì Tào Tháo ở vào thế bất lợi hoàn toàn, lúc bấy giờ trong tay chỉ có vỏn vẹn 7 vạn quân nhưng ông lại có thế đánh bại 70 vạn đại quân của Viên Thiệu. Còn binh lực hiện giờ của Tào Tháo là bao nhiêu đây? 83 vạn. Khi đối diện với hai tập đoàn quân sự của Giang Đông và Lưu Bị, ông cảm thấy tình thế quả thật giống như “núi cao đè xuống đỉnh đầu”, hễ đại quân tiến đến là giang sơn sẽ quy về một mối. Vậy nên khi đi chinh phạt Lưu Bị, ông đã mang trong mình một tâm thái hào khí vạn trượng.

Chúng ta hãy cùng đọc Tiền Xích Bích phú của Tô Thức, trong đó có đoạn: “Khi xưa Tào công phá đất Kinh Châu, xuống thành Giang Lăng, thuận dòng mà sang mặt đông, thuyền bè muôn dặm, cờ tán rợp trời, rót chén rượu đứng trên mặt sông, cầm ngang ngọn giáo ngâm câu thơ, đó thực là anh hùng một đời“. Chính là nói Tào Tháo đã công phá Kinh Châu, sau đó thống lĩnh quân đội đến Giang Lăng. Khi đó Tào Tháo dẫn theo đại quân thủy bộ lên đường tiến về phía Giang Đông. Tào Tháo một tay bưng hũ rượu, một tay cầm ngọn giáo mà làm thơ. Ông làm bài thơ gì đây? Chính là bài Đoản hành ca nổi tiếng:

“Trước ly rượu ta nên ca hát,
Một đời người thấm thoát là bao?
Khác chi mấy hạt sương mai,
Ngày qua sầu tủi hỏi ai không buồn?”

Nếu như bạn đọc bài thơ đến phần sau cùng, thì sẽ thấy câu Tào Tháo viết chính là: “Ta giống như Chu Công tiếp đãi hiền tài, thiên hạ sẽ quy thuận về ta”.

Tào Tháo cho rằng sau khi bình định Giang Đông thì chính là lúc thiên hạ thống nhất, vậy nên bốn chữ sau cùng là “thiên hạ quy tâm” (thiên hạ sẽ quy thuận về ta). Lúc này, lòng tự tin của Tào Tháo lên đến đỉnh điểm, ông đã viết một lá thư cho Tôn Quyền. Lá thư này chỉ vỏn vẹn có 30 chữ nhưng lại thể hiện trọn vẹn trình độ chính trị cũng như tài năng văn học của ông. Lá thư trên thực tế là để khuyên Tôn Quyền đầu hàng, nhưng ông lại viết rất ngắn gọn:

“Cận giả phụng từ phạt tội, tinh huy nam chỉ, Lưu Tông thúc thủ, kim trị thủy quân bát thập vạn chúng, phương dữ tướng quân hội liệp ư Ngô“.

Đại ý là: Gần đây, ta phụng mệnh Thiên tử thảo phạt kẻ phản nghịch có tội, quân kỳ chỉ hướng phía nam, Lưu Tông đã hàng phục. Nay, ta thống lĩnh 80 vạn thủy quân, sắp cùng tướng quân săn bắn một trận ở đất Ngô.

Mặc dù chỉ có 30 chữ, nhưng Tào Tháo đã nói đến ba tầng ý tứ. Ý thứ nhất: “Gần đây, ta phụng mệnh thiên tử thảo phạt những kẻ có tội“, chính là nói, ta vâng mệnh thiên tử đến đây để thảo phạt ngươi, vậy nên nói về phương diện chính trị ta là có lý do chính đáng. Ý thứ hai: Tào Tháo nói ta có ưu thế về quân sự “nay ta dẫn theo 80 vạn thủy quân“. Khi đó, quân đội của Tôn Quyền là bao nhiêu đây? Chẳng qua chỉ ước chừng từ 3 đến 5 vạn. Vậy nên Tào Tháo nói ta có quân đội nhiều như vậy, nhà ngươi tự suy nghĩ xem nên làm thế nào. Ý thứ ba: Tào Tháo lại chỉ ra cho Tôn Quyền một con đường, đó là tấm gương “Lưu Tông đã chịu hàng phục“, chính là nói với Tôn Quyền rằng: ta chưa đánh mà Lưu Tông đã đầu hàng rồi, vậy nên ta cũng mong nhà ngươi có thể đầu hàng giống như Lưu Tông vậy.

Tào Tháo trong mỗi trận đánh đều rất lợi hại. Ông là một nhà quân sự vô cùng kiệt xuất (Ảnh: ĐSPL).

Về phía Tôn Quyền, khi nhận được lá thư của Tào Tháo thì có phản ứng thế nào?

Trước hết, chúng ta hãy cùng điểm qua một chút về tình hình lúc đó: Vào năm Kiến An thứ 12, Tào Tháo đã tiêu diệt tàn quân của Viên thị, trên cơ bản là đã thống nhất mạn bắc của Trường Giang. Lưu Biểu ở phía nam thì quá đỗi tầm thường, Lưu Chương ở Ích Châu và Trương Lỗ ở Hán Trung đều không cách nào đối kháng với Tào Tháo. Lưu Bị thì đang nương nhờ Kinh Châu, binh ít tướng mỏng. Tôn Quyền khi ấy chỉ mới có 26 tuổi, trước sau chưa từng thi triển tài năng chính trị và quân sự kiệt xuất giống như Tào Tháo. Tào Tháo lúc này rất lấy làm đắc chí, mục tiêu nhất thống thiên hạ đã sắp nằm gọn trong tay. Năm Kiến An thứ 13, Tào Tháo thống lĩnh đại quân đi xuống phía nam. Ông viết thư uy hiếp Tôn Quyền, hy vọng giành được phần thắng mà chẳng cần động đến binh đao.

Sau khi nhận được thư, Tôn Quyền liền đưa lá thư này cho các văn thần võ tướng dưới trướng xem. Khi đó, các quan văn do Trương Chiêu dẫn đầu đều chủ trương đầu hàng, cho nên áp lực đè lên Tôn Quyền là rất lớn. Tôn Quyền bèn mở hội nghị quân sự, hỏi các cận thần và gần như tất cả đều tỏ ý muốn đầu hàng. Tôn Quyền liền nói rằng các ông hãy cứ thương lượng thương lượng với nhau trước, ta đi vệ sinh chút đã. Trong Tư trị thông giám gọi là “Tôn Quyền đứng dậy đi thay áo”, chính là nói ông muốn đi vệ sinh.

Lúc này, Lỗ Túc liền đi theo sau Tôn Quyền. Đến chỗ dưới mái hiên, Lỗ Túc nói với Tôn Quyền rằng: “Những lời mấy vị kia vừa nói, chúa công chớ nên nghe. Đám người đó đều có thể đầu hàng, Lỗ Túc đây cũng có thể đầu hàng, nhưng tướng quân ngài đây thì tuyệt đối không thể đầu hàng được”. Ông nói, Lỗ Túc sau khi đầu hàng Tào Tháo rồi thì tình huống xấu nhất chính là về lại quê nhà. Nhà ông ta có ruộng, ông ta có thể cày cấy, đồng thời cũng có thể cưỡi xe trâu gặp gỡ giao du cùng các nhân sĩ. Ông ta có thể gây dựng lại danh tiếng của mình, tích lũy công lao, sau này làm thứ sử của một châu quận cũng cảm thấy không phải hổ thẹn gì. Nhưng chúa công đầu hàng Tào Tháo rồi, ngài sẽ đi đâu đây?

Tôn Quyền liền nói với Lỗ Túc, rằng ta cũng không muốn đầu hàng. Nhưng hiện giờ lực lượng quân sự của chúng ta so với Tào Tháo thì quả thật thua xa. Chính ngay lúc đó, Chu Du nguyên vốn huấn luyện thủy quân ở Phàn Dương, nay đã về đến Sài Tang là nơi cai trị của Tôn Quyền. Chu Du đã phân tích ba vấn đề then chốt cho Tôn Quyền. Chu Du nói:

Điểm thứ nhất, Tào Tháo không có ưu thế về mặt chính trị. Bởi vì ông ta “mượn danh thừa tướng nhà Hán, nhưng kỳ thực ông ta lại là giặc”, ngoài miệng nói là phụng mệnh Thiên tử, nhưng chẳng qua chỉ là bóp méo xuyên tạc ý tứ của Thiên tử mà thôi. Vậy nên Tào Tháo không có lý do chính đáng về mặt chính trị, mà bên ta mới thật sự có lý do chính đáng.

Điểm thứ hai, Tào Tháo cũng không có ưu thế về quân sự. Tại sao? Bởi vì quân đội của Tào Tháo đều là binh sĩ phương bắc, vốn không quen với việc đánh nhau trên sông nước. Tuy người rất nhiều nhưng họ không lên thuyền được, hễ lên thuyền liền choáng váng buồn nôn, căn bản không có bất cứ khả năng tác chiến gì.

Điểm thứ ba, đó là vẫn còn Mã Siêu và Hàn Toại đang ở hậu phương của Tào Tháo. Hơn nữa quân đội Tào Tháo mang theo là quân bộ, có rất nhiều chiến mã, mùa đông không có cỏ khô, ngựa không có cái để ăn, hậu cần đảm bảo không được tốt.

Từ ba điểm trên, Chu Du khuyên Tôn Quyền nên đánh, rằng “tướng quân tóm gọn Tào Tháo chỉ trong nay mai”, và rằng lần này chính là thời cơ tốt nhất để đánh bại Tào Tháo.

Lời mà Chu Du nói, trong binh pháp Tôn Tử gọi là “miếu toán”. Miếu toán là gì? “Miếu” ở đây là tông miếu (nơi thờ tổ tiên của vua chúa), bởi trước đây người ta cho rằng chuyện hệ trọng nhất của quốc gia gồm hai điều: một là tế tự, và một là chiến tranh. Trong Tả truyện viết là: “việc lớn của đất nước duy chỉ có tế tự và quân sự”. Vậy trước tế tự và quân sự thì thế nào? Đó là cần phải đến tông miếu để cân nhắc suy tính. Dựa theo cách nói trong Binh pháp Tôn Tử, chính là suy tính bảy tham số:

“Chủ thục hữu đạo, tướng thục hữu năng, thiên địa thục đắc, pháp lệnh thục hành, binh chúng thục cường, sĩ tốt thục luyện, thưởng phạt thục minh”.

Đại ý là: quân vương bên nào là minh quân đắc được lòng dân, tướng lĩnh bên nào có năng lực hơn, bên nào chiếm được ưu thế về thiên thời địa lợi, pháp lệnh của bên nào nghiêm minh hơn, quân sĩ của bên nào mạnh hơn, binh sĩ của bên nào được huấn luyện thành thục hơn, bên nào thưởng phạt công minh hơn. Cần phải suy tính bảy phương diện này.

Chu Du đã suy tính kỹ lưỡng về ba trong bảy tham số trên:

Thứ nhất là “Quân vương bên nào là bậc minh quân đắc được lòng dân” – đây là điều mà Tôn Tử muốn xét đến đầu tiên. Khi Tôn Tử viết binh pháp, ông chỉ rõ rằng người của bên nào đắc được lòng dân là đúng đắn chính trị. Vậy nên Chu Du nói: quân vương nào có đạo lý? Chúng ta có đạo lý. Bởi chúng ta là bên phòng thủ, chúng ta là bên đánh trả lại sự xâm lược, huống hồ Tào Tháo vốn không phải thật sự phụng mệnh Thiên tử, ông ta là bóp méo mệnh lệnh của Thiên tử. Vậy nên chúng ta là bên có đạo lý.

Thứ hai là “Binh sĩ của ai mạnh hơn”. Chu Du nói: về điều này thì chúng ta mạnh hơn, bởi vì quân đội của chúng ta được huấn luyện trên sông, còn quân đội của Tào Tháo chưa từng trải qua huấn luyện thủy quân một cách hệ thống. Tào Tháo khi đó cũng có thủy quân, nhưng chất lượng thủy quân không được tốt lắm. Thủy quân của Tào Tháo gồm hai bộ phận: một bộ phận là được Tào Tháo huấn luyện khi ở hồ Huyền Vũ, còn bộ phận còn lại là do hợp nhất với thủy quân của Lưu Biểu ở Kinh Châu. Như vậy năng lực chiến đấu là không thể so sánh với quân sĩ của Đông Ngô. Vậy nên Chu Du nói: quân đội ai mạnh hơn, chính là chúng ta mạnh.

Thứ ba là: “Ai được thiên thời địa lợi?”. Chu Du nói chính là bên ta đắc được thiên thời, bởi vì Tào Tháo mùa đông dẫn theo quân đội đi tác chiến, ngựa không có cỏ khô, hậu cần lại không được đảm bảo. Vậy nên Chu Du đã dùng cách này để thuyết phục Tôn Quyền.

Chu Du khuyên Tôn Quyền nên đánh Tào Tháo (Ảnh: Dân Việt).

Tôn Quyền liền toàn quyền bổ nhiệm Chu Du phụ trách trận chiến này, còn chuyện sau đó ra sao, chúng ta đều đã rõ rồi. Quân đội của Tào Tháo quả thật không quen thủy chiến, vậy nên Tào Tháo đã dùng xích sắt nối tất cả các chiến thuyền lại với nhau. Trong Tam quốc diễn nghĩa viết là Bàng Thống đã dâng lên kế liên hoàn này, nhưng trong chính sử lại không thấy có ghi chép, nên có thể suy đoán đây là sự tình mà chính Tào Tháo muốn làm, chứ không phải do Bàng Thống đưa ra. Sau khi các thuyền đã được nối với nhau rồi, tướng quân bên Đông Ngô là Hoàng Cái đã nảy ra chủ ý. Ông ta nói chiến hạm của Tào Tháo đã nối lại với nhau, chúng ta có thể dùng biện pháp hỏa công. Sau đó, Hoàng Cái đã dâng thư trá hàng, cuối cùng xảy ra trận chiến hỏa thiêu Xích Bích, câu chuyện này rất nhiều người trong chúng ta đều đã rõ.

Sự tình này, nếu suy nghĩ kỹ càng thì sẽ nhận thấy có một vấn đề:

Trận chiến “hỏa thiêu Xích Bích” diễn ra vào tháng 12 năm Kiến An thứ 13, chính là mùa đông. Chúng ta biết sông Trường Giang trên cơ bản là chảy từ hướng tây sang đông, nhưng từ đoạn Vu Hồ của tỉnh An Huy đến vùng Nam Kinh của Giang Tô thì sông lại chảy ngược về phía bắc. Thế thì, khi sông Trường Giang chạy ngược về phía bắc, nó sẽ có một bên ở phía tây và một bên ở phía đông. Bên phía đông gọi là Giang Đông. Vùng Giang Đông này, không chỉ là vào thời của Tôn Quyền mới được gọi như vậy, mà trước đó cũng đã được gọi là Giang Đông rồi. Hạng Vũ từng nói: “Ta cùng tám ngàn con em Giang Đông vượt Trường Giang đi về hướng tây, nay không còn lấy một người trở về! Dù cho các bậc cha anh ở Giang Đông thương ta, cho ta làm vương, ta cũng còn mặt mũi nào mà thấy họ nữa”, đều là chỉ khu vực này.

Vậy thì vào mùa đông, Tào Tháo là ở trên bờ tây bắc của sông Trường Giang, còn Tôn Quyền thì ở bờ đông nam của Trường Giang, chúng ta biết gió thổi vào mùa đông là gió tây bắc, tức ngọn gió đó là từ hướng tây bắc thổi về phía đông nam. Như vậy nếu dùng hỏa công, thì gió một khi nổi lên, cũng bằng như toàn bộ chiến thuyền của Tôn Quyền đều bị thiêu rụi hết. Nhưng ngay trong cái ngày tác chiến đó, bất ngờ lại có gió đông nam. Trong Tam quốc diễn nghĩa nói là Gia Cát Lượng đã mượn gió đông, nhưng trong chính sử lại không hề ghi chép. Vào ngày hôm đó, chỉ có gió đông nam thổi thì Đông Ngô mới có thể giành được chiến thắng.

Chúng ta thấy rằng, trong trận chiến Xích Bích khi đó, một trận gió lớn đã đánh cho Tào Tháo phải trở về phía bắc. Và cũng chính trận chiến này đã định ra cục diện Tam Quốc chia ba thiên hạ sau này. Bởi quân đội của Tào Tháo trong chốc lát đã tổn thất nhiều như vậy, nên phe cánh bên Đông Ngô và phe cánh bên Lưu Bị mới có thể lớn mạnh dần lên.

Khi nhìn lại trận đánh lịch sử ấy, Đỗ Mục, một thi nhân nổi tiếng thời nhà Đường đã cảm thán mà viết nên bài thơ “Xích Bích hoài cổ”:

Hán Việt:

Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu,
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều.
Đông phong bất dữ Chu lang tiện,
Đồng Tước xuân thâm toả nhị Kiều.

Dịch nghĩa:

Mũi kích gãy nằm trong cát, sắt chưa mòn hết,
Tự tay mình mài giũa, đã nhận thấy dấu vết triều đại vừa qua.
Gió đông ví không thuận tiện cho chàng Chu Du,
Thì cảnh xuân thâm nghiêm của đài Đồng Tước đã khoá chặt hai nàng Kiều.

Tạm dịch:

Cát vùi lưỡi kích còn trơ,
Rũa mài nhận dấu triều xưa rõ ràng
Gió đông ví phụ Chu Lang
Một nền Đồng Tước khoá xuân hai Kiều

(Còn nữa)

Vũ Dương
(Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV)

Exit mobile version