Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 16): Quân Ngô đại thắng chiếm Dĩnh Đô; Tử Tư nuốt hận truy cừu địch

Ảnh minh họa.

Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay… 

Năm 506 TCN, nước Ngô dưới sự chỉ huy của Tôn Vũ, dốc sáu vạn binh sĩ tấn công nước Sở. Nước Sở khi đó ‘dân chúng phản đối, thân tín quay lưng’, Nang Ngoã dẫn binh lại là hạng không có năng lực. Lần chạm trán đầu tiên, quân Sở thua trận. Lần thứ hai cướp trại, đã trúng bẫy của Tôn Vũ. Lần thứ ba nước Ngô khiến Nang Ngoã tơi bời tan tác, bản thân Nang Ngoã chạy đến nước Trịnh. Lần thứ tư, Hạp Lư tiếp thu sách lược của em trai là cho một nửa quân Sở qua sông rồi mới tấn công, đả bại nước Sở lần nữa, qua sông Hán Thuỷ. Chính lúc Hạp Lư tán dương sách lược của Phu Khái, Ngũ Tử Tư cảnh báo ông: “Phu Khái là người lông tơ mọc ngược, tất có việc bội quốc phản chủ”. Quân Ngô khi đó cách đô thành của nước Sở chỉ một bước là qua, vậy thì Tôn Vũ công chiếm Dĩnh Đô như thế nào đây?

Lại nói chuyện, Đường Hầu ba năm không trở về nước, thế tử Đường quốc rất kỳ quái, nói: “Phụ thân vì sao đến nước Sở lâu như vậy không trở về?”. Thế là, thế tử bèn phái một Đại phu đến nước Sở xem xét tình hình. Đại phu đó thấy Đường Hầu bèn nói: “Quốc vương à, ngài sao không nghĩ một chút, rốt cuộc quốc gia quan trọng hay là một con ngựa quan trọng?”. 

Đường Hầu nói: “Quốc gia tuy quan trọng nhưng thể diện của ta còn quan trọng hơn. Con ngựa đó nếu đưa cho hắn thì thứ nhất ta mất đi một thứ rất tốt, thứ hai giống như ta vì chịu uy hiếp mà phải cống ngựa, quả là hèn nhát”. Quan đại phu thấy không ổn, bèn nghĩ ra một kế, đúng lúc nửa đêm lấy một ít rượu chuốc người nuôi ngựa say mèm. Sau khi người nuôi ngựa say khướt, bèn lấy ngựa trộm đi, giao cho Lệnh doãn nước Sở Nang Ngoã. 

Nang Ngoã sau khi lấy được ngựa, bèn chạy đến Sở Vương nói: “Đường Hầu đã đợi ở đây ba năm rồi, Đường quốc là một quốc gia nhỏ như thế, ông ta dù có nương nhờ nước Ngô xem ra cũng không làm được điều gì, cứ thả ra là xong”. Sở Vương cũng đồng ý, bèn để Đường Hầu được thả ra như thế.

Thái Hầu thấy Đường Hầu giao ngựa được trở về, bèn lấy áo cừu lớn trên thân cởi ra, cũng đưa cho Nang Ngoã. Sau đó Nang Ngoã lại chạy đến trước mặt Sở Vương nói: “Đường Hầu với Thái Hầu là một nhóm với nhau, Đường Hầu đã đi, Thái Hầu không nên lưu lại một mình, cũng thả Thái Hầu về nước”.

Như thế, Thái Hầu cũng được thả về Thái quốc. Thái Hầu khi về nước phải qua sông Hán Thuỷ, bởi vì thủ đô của Thái quốc hiện nay là phụ cận huyện Tân Thái tỉnh Hà Nam, nên ông ắt phải qua Hán Thuỷ. Khi qua Hán Thuỷ, Thái Hầu bèn lấy viên ngọc ném chìm xuống sông, nói: “Quả nhân nếu không thể diệt được nước Sở, đời này kiếp này không qua sông Hán Thuỷ nữa”.

Đường Hầu và Thái Hầu sau khi về đến nước mình xong, lập tức đến bệ kiến Thiên tử nhà Chu (Chu Thiên tử) mà tố cáo, yêu cầu Thiên tử xuất binh thảo phạt nước Sở. Bấy giờ chỉ có duy nhất một nước có thể đối kháng với nước Sở chính là nước Tấn. Chu Thiên tử lệnh nước Tấn dẫn đầu, một tiếng hạ lệnh, mười tám lộ chư hầu tề tựu, sẵn sàng đến tấn công nước Sở.

Khi đó hai tướng quân lãnh binh của nước Tấn, một người là Sĩ Ưởng, một người là Tuân Dần. Mà tướng quân nhận lệnh của Chu Thiên tử chính là Tổng Nguyên soái của mười tám lộ chư hầu, tên là Lưu Quyền. Sĩ Ưởng và Tuân Dần cũng rất tham lam. Hai người tìm đến Đường Hầu và Thái Hầu nói: “Con ngựa đó còn hay không, bộ y phục đó cũng có hay không, liệu có thể cho hai chúng tôi một thứ, hoặc cho hai chúng tôi cả hai thứ chăng?”.

Đường Hầu và Thái Hầu không ngờ hai người họ lại tham lam như thế bèn nói: “Tất cả những thứ tốt đều đã bị nước Sở lấy rồi. Nếu các ngươi muốn áo cừu hoặc là ngựa, chỉ cần đánh vào đô thành nước Sở thì những thứ đó đều của các ngươi”. Sĩ Ưởng và Tuân Dần nghe vậy cũng cảm thấy không còn mặt mũi nào nữa, thực là đã bị người ta cự tuyệt rồi.

Sau khi đại quân xuất chinh không lâu, gặp phải mưa xuân giáng hạ và nước sông dâng cao. Tổng Nguyên soái Lưu Quyền mà Chu Thiên tử phái lãnh binh bị rốt rét. Xuất binh mười ngày, cả mười ngày mưa, bệnh sốt rét của Lưu Quyền cũng không khỏi. Sĩ Ưởng và Tuân Dần lấy điều này làm cớ, một là chủ tướng sinh bệnh, thêm nữa là thiên thời không tốt, cứ rút quân là xong. Kết quả là sau khi họ đề nghị, mười tám lộ chư hầu nhất loạt giải tán.

Đường Hầu và Thái Hầu rất thất vọng. Sau khi đại quân giải tán, họ bèn đến nước Ngô, thỉnh cầu nước Ngô xuất binh diệt Sở. Ngô Vương Hạp Lư nghe nói Đường Hầu và Thái Hầu đến, vô cùng cao hứng. Vua ngô cảm thấy cuối cùng cũng đợi được đến khi thuộc quốc của nước Sở lục đục. Bởi trong mười tám lộ chư hầu đã xuất binh có rất nhiều thuộc quốc của nước Sở như: Đốn, Hứa, Trần, Thái đều ở trong đó. Tôn Vũ vốn luyện binh ở ngoài, khi đó cũng về đến đô thành của nước Ngô. Ông nói với Ngô Vương: “Hiện tại là lúc tiến binh rồi. Có thể gọi là tư tưởng lớn gặp nhau rồi!”.

Năm 506 TCN, Ngô Vương dốc hết đại binh của quốc gia, tổng cộng sáu vạn, thuỷ bộ cùng tiến, quyết chiến với nước Sở. Ngô Vương lệnh cho nguyên soái lãnh binh là Tôn Vũ, phó soái là Ngũ Tử Tư và Bá Bĩ, tiên phong là em trai Ngô Vương tên Phu Khái, mà lãnh binh nước Sở là… Nang Ngoã. Con người Nang Ngoã này đặc biệt thích tiền nhưng đánh trận lại quá tồi. Trận thứ nhất Nang Ngoã bị đánh bại, sau đó quân Sở một mạch chạy lên trên Đại Biệt Sơn (dãy núi ở ranh giới ba tỉnh Hồ Bắc, An Huy và Hà Nam), quân Ngô đuổi theo.

Đại tướng Sử Hoàng thủ hạ của Nang Ngoã hiến kế nói: “Đêm nay nhân lúc quân Ngô vừa mới lập trại, chúng ta đến cướp trại, cũng có thể chiếm được một vài lợi thế”. Mà trong đại doanh của nước Ngô, Tôn Vũ cũng bố trí trước, ông nói: “Con người Nang Ngoã này tấc lòng nhỏ hẹp, đã thất bại thì rất muốn lấy lại thể diện, đêm nay khả năng hắn đến cướp trại là rất lớn”. 

Thế là Tôn Vũ đã sắp đặt đâu vào đó, đem tất cả quân ra ngoài đại doanh, chỉ để lại tàn binh già yếu, treo cờ nghi binh. Sau đó ông đem quân phân thành hai cánh, cánh thứ nhất mai phục bên ngoài quân doanh của mình, đợi khi Nang Ngoã đến cướp trại, thì đánh úp phía sau. Cánh quân còn lại do Ngũ Tử Tư dẫn đầu, trực tiếp đi cướp trại của Nang Ngoã. Bởi vì nếu Nang Ngoã đến cướp trại thì đại doanh của ông ta khẳng định là trống không.

Kết quả lần này Nang Ngoã tiếp tục thua trận, một mạch bị thua và đẩy dần đến bờ sông Hán Thuỷ. Trong khi tháo chạy, Ngõa gặp được Đường Hầu và Thái Hầu. Đường Hầu nói: “Trả ngựa Túc Sương của ta, tha ngươi một lần chết”. Thái Hầu cũng nói: “Đem y phục trả lại ta, ta sẽ tha mạng ngươi”. Nang Ngoã vừa thẹn vừa tức.

Khi Nang Ngoã thoái binh đã ở vào tình cảnh rất nguy hiểm rồi. Khi đó Sở Vương phái tướng quân Vĩ Xạ ứng cứu ông. Quân đội nước Sở lại lập trại đóng quân một lần nữa. Tướng quân Vĩ Xạ hỏi Nang Ngoã nên đánh trận thế nào? Nang Ngoã nói: “Tướng quân lãnh binh của nước Ngô rất lợi hại, ta đã bại trận hai lần rồi”.

Vĩ Xạ quyết định lập hai trại cùng với Nang Ngoã, thành thế ỷ giốc để giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng Nang Ngoã cảm thấy tước vị của bản thân rất cao, cảm thấy nếu có việc mà đến thương lượng với Vĩ Xạ thì không còn thể diện nữa. Vĩ Xạ lại cảm thấy Nang Ngoã là hạng không có năng lực, cũng không muốn thương lượng với ông ta. Cho nên tuy nói là lập thế ỷ giốc nhưng giữa các đội với nhau không có sự kết nối nào cả. Tôn Vũ biết chủ soái của hai đội không hợp, thế là phái tiên phong Phu Khái, em trai của Ngô Vương Hạp Lư, trực tiếp xông vào đại doanh của Nang Ngoã.

Đại doanh Nang Ngoã là yếu nhất. Thấy Phu Khái đến, Nang Ngoã lập tức bỏ chạy. Lần bỏ chạy này, Nang Ngõa đến nước Trịnh, mà người của đại doanh Nang Ngoã thì lại chạy đến trại của Vĩ Xạ. Vĩ Xạ khi đó phái quân đội của ông ta đứng bên ngoài đại doanh, dùng cung tiễn thủ doanh trại, nói với binh sĩ dưới trướng rằng: “Kẻ nào loạn, trảm!”. Kết quả quân Ngô tuy rằng nhiều lần cố gắng xông vào đại doanh nhưng không thành công.

Vĩ Xạ điểm lại số quân của mình, đại khái chỉ có một vạn người, mà quân Ngô hiện tại là sáu vạn, binh lực lại cường thịnh, cho nên Vĩ Xạ cảm thấy không thể quyết chiến với quân Ngô lần nữa, chỉ có thể rút lui. Ông chuẩn bị mang binh vượt sông Hán Thuỷ.

Quân Ngô chuẩn bị toàn lực để truy kích. Khi sắp truy đuổi đến nước Sở, tiên phong Phu Khái đột nhiên nói với Ngô Vương: “Chúng ta không nên truy nữa”. Phu Khái nói: “Vì sao phải làm vậy? Bởi nếu ta đẩy quân Sở đến bờ sông Hán Thuỷ, họ sẽ quyết trận thư hùng. Vì nếu thoái nữa sẽ chìm xuống sông mà chết, cho nên họ nhất định sẽ liều mạng. Chó cùng rứt giậu, huống hồ là những một vạn địch quân”.

Phu Khái nói: “Kế trước mắt là chúng ta lui về phía sau một chút. Quân Sở nhất định phải qua sông Hán Thuỷ. Ta đợi đến khi họ qua quá nửa mới tấn công. Khi đó những người qua Hán Thuỷ không thể trở lại nữa, người chưa qua thì muốn nhanh chóng nhân cơ hội mà qua. Có thuyền rồi, thì người phía trước khi đang giao chiến, người phía sau khẳng định sẽ lên thuyền thoát thân. Lúc đó quân vô kỷ luật, là thời cơ tốt nhất để đánh bại họ”.

Hạp Lư nghe theo kiến nghị của Phu Khái, quả nhiên quân Sở qua được một nửa thì quân Ngô bắt đầu tấn công. Quân Sở một chút lực chiến đấu cũng chẳng còn. Cuối cùng, Hán Thuỷ không giữ được, mà quân Ngô mau chóng bao vây Dĩnh Đô (đô thành nước Sở).

Ngô Vương Hạp Lư nói: “Ta có em trai Phu Khái xuất sắc như thế, không chỉ vô cùng dũng cảm mà còn có mưu lược như vậy, lo gì không xưng bá thiên hạ?”. 

Ngũ Tử Tư nói với Hạp Lư: “Ngài biết không, thần tướng Bị Ly (người đã xem tướng cho Ngũ Tử Tư) từng xem tướng cho Phu Khái, nói Phu Khái “lông tơ mọc ngược, tất có việc bội quốc phản chủ”, tương lai hắn nhất định sẽ tạo phản”. Nhưng Hạp Lư căn bản không để ý chuyện này.

Đại quân của nước Ngô đã bao vây Dĩnh Đô của nước Sở. Khi đó ngoại thành Dĩnh Đô còn có hai thành nhỏ vệ tinh, một gọi là Kỷ Nam thành, một là Mạch thành.

Ngũ Tử Tư phụng mệnh công hạ Mạch thành, Tôn Vũ vâng mệnh tấn công Kỷ Nam thành, còn Ngô Vương Hạp Lư tự mình dẫn binh bao vây Dĩnh Đô. Lúc đó Ngũ Tử Tư dùng một kế, phái một vài người vào trong Mạch thành để mở cổng, rất nhanh chóng công phá được Mạch thành.

Tôn Vũ là một người không thích công thành nhất. Chúng ta xem “Tôn Tử binh pháp – Mưu công thiên” sẽ thấy rằng, công thành là lựa chọn thấp kém nhất, bất đắc dĩ mới dùng. Tôn Vũ cơ bản không công thành. Khi đó ông xem xét địa thế, thấy ở bên cạnh Kỷ Nam thành có một con sông, gọi là Chương Giang. Tôn Vũ đào nước của Chương Giang dẫn vào Kỷ Nam. Nước rất nhanh tràn vào tường thành. Tôn Vũ cho quân chèo thuyền trực tiếp vào trong Kỷ Nam thành. Đồng thời nước cũng ngập đến tường thành của Dĩnh Đô.

Sở Chiêu Vương thấy tình huống như vậy cảm thấy Dĩnh Đô thủ không được nữa rồi, thế là bèn bỏ nước Sở mà chạy. Như vậy trải qua năm lần chiến đấu, dưới sự chỉ huy của Tôn Vũ, nước Ngô đã tiến vào Dĩnh Đô, có thể nói là binh lưu không lâu, một mạch đánh thắng.

Sau đó, Ngô Vương Hạp Lư mở đại yến tiệc đãi quần thần ở Chương Hoa đài, bởi vì đây là thắng lợi quân sự xuất sắc. Nước Sở xưa nay chưa có thất bại nặng nề như vậy, nước Ngô xưa nay chưa có thắng lợi huy hoàng như thế.

Nhưng trong yến tiệc, Ngũ Tử Tư bỗng nhiên khóc lớn. Vì sao vậy? Bởi vì kẻ thù Sở Bình Vương của Ngũ Tử Tư đã chết rồi, mà con trai Sở Bình Vương là Sở Chiêu Vương lại không biết lưu lạc nơi đâu. Trong khi đó Phí Vô Kỵ là kẻ buông lời gièm pha hại chết phụ thân và huynh trưởng của Ngũ Tử Tư đã bị Sở Chiêu Vương giết rồi.

Cho nên mối thù của Ngũ Tử Tư dường như tức khắc đã mất đi đối tượng. Ngũ Tử Tư bèn thỉnh cầu Ngô Vương nói: “Thần hy vọng có thể tìm thấy thi thể của Sở Bình Vương. Dù chỉ có thể tìm thấy thi thể của ông ta, thần cũng phải báo thù”.

Ngũ Tử Tư không chỉ nhớ được ai đã làm hại ông để báo thù, ông cũng nhớ trên con đường lánh nạn, đã có rất nhiều người có ơn huệ với mình. Vậy Ngũ Tử Tư làm thế nào báo thù, làm làm thế nào báo ân? Mời mọi người xem phần tiếp theo “Khoái ý ân cừu” (báo ân báo oán). 

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, đăng trên NTDTV

Exit mobile version