Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 13): Báo thù nhà Ngũ Viên tiến tướng tài; giết Khánh Kỵ Yêu Ly dùng nhục kế

Yêu Ly (giữa) mời Khánh Kỵ ra ngồi ở mũi thuyền (Tranh minh hoạ: solitaire).

Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay… 

Sau khi thích sát Ngô Vương Liêu, Hạp Lư phong con trai của Chuyên Chư làm Thượng khanh, trao cho Ngũ Tử Tư chức Đại phu, thu nhận Bá Bĩ người đồng cảnh ngộ diệt cả nhà giống Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư giúp Hạp Lư quy hoạch kiến tạo đô thành, huấn luyện binh sĩ, biến Ngô quốc thành giàu có, đông đúc và lớn mạnh. Mà Hạp Lư lại có một nỗi lo, chính là con trai của Vương Liêu là Khánh Kỵ. Khánh Kỵ là người võ công cực cao, Yêu Ly mà Ngũ Tử Tư tiến cử lại là người nhỏ thó, trói gà không chặt. Vậy thì Yêu Ly dùng phương cách gì để thích sát Khánh Kỵ đây?

Khi đó Ngô Vương Hạp Lư đã giết được Vương Liêu, ông rất lo lắng việc Khánh Kỵ trở lại, bèn phái binh đến bờ sông chờ Khánh Kỵ. Khi xe của Khánh Kỵ đi qua, Ngô Vương dùng cung tên bắn Khánh Kỵ, Khánh Kỵ khi đó dùng tay bắt lấy tên. Tên bắn đến như cào cào bay, Khánh Kỵ chính là dùng tay mà bắt như thế. Động tác của y rất nhanh nhẹn, sau đó bỏ chạy. Ngô Vương dẫn binh xa truy đuổi phía sau nhưng bắt không được. Trong “Đông Chu liệt quốc chí” có nói Khánh Kỵ “chạy nhanh hơn ngựa” nên y đã chạy thoát khỏi vòng vây quân Ngô khá dễ dàng. 

Hạp Lư trở về đô thành, khi đó nước Sở lại phát sinh một đại sự. Phí Vô Kỵ của nước Sở đã định ra một gian kế, tiêu diệt cả nhà một đại tướng nước Sở lúc bấy giờ là Bá Khước Uyển. Sau khi diệt cả nhà, một người con trai của Bá Khước Uyển chạy thoát, từ nước Sở cũng đến nước Ngô, người này tên là Bá Bĩ. Khi Bá Bĩ đến nước Ngô thì trông thấy Ngũ Tử Tư. Đó không chỉ là đồng hương gặp đồng hương, hai hàng lệ ướt đẫm, mà họ còn có một kẻ thù chung là Phí Vô Kỵ. Cho nên Ngũ Tử Tư rất đồng tình với Bá Bĩ, thưa lên Ngô Vương Hạp Lư, phong cho Bá Bĩ làm đại phu.

Khi đó người giỏi xem tướng là Bị Ly nói với Ngũ Tử Tư: “Làm sao có thể lưu lại Bá Bĩ?”. Ngũ Tử Tư đáp: “Tục ngữ nói: “Cùng lo thì giúp nhau, cùng bệnh thì thương nhau”, tôi với Bá Bĩ có chung kẻ thù. Ông ta cũng giống tôi, cả nhà bị sát hại, sau đó chạy đến đây, tôi sao có thể không dung ông ta?”.

Bị Ly nói: “Ông chỉ có thể thấy bề ngoài của sự việc, không thấy được bản chất. Con người Bá Bĩ này mắt như ưng, bước đi như hổ. Người tướng mạo như thế thì “chuyên công mà thiện sát”, chính là không chỉ đố kỵ công lao người khác mà còn giết người không chớp mắt. Nếu ông làm đồng sự của y, tương lai nhất định sẽ bị hại chết”. Nhưng Ngũ Tử Tư không nghe.

Chúng ta biết Phí Vô Kỵ đã hại chết phụ thân của Ngũ Tử Tư, hại chết cả anh trai Ngũ Tử Tư, sau đó thông qua giết Bá Khước Uyển khiến cho Bá Bĩ lưu lạc đến nước Ngô, sau này Ngũ Tử Tư lại chết dưới tay của Bá Bĩ. Tương đương với việc Phí Vô Kỵ không những giết được phụ thân và sư huynh của Ngũ Tử Tư, cũng gián tiếp hại chết Ngũ Tử Tư. Bá Bĩ lưu lại nước Ngô, làm đại phu, cũng làm tướng quân.

Hạp Lư hỏi Ngũ Tử Tư về việc triều chính: “Ở vùng biển phía Đông Nam nước ta, đường đi hiểm trở, địa thế vừa ẩm vừa thấp, thêm vào đó là mối lo về thuỷ triều, kho chứa không có, đất đai không người khai khẩn, quốc gia không có thành quách phòng hộ, bách tính không có chí hướng kiên định, làm thế nào mới có thể chống lại cường quốc đây?”. (Nước Ngô thời bấy giờ nằm ở phía Đông Nam). 

Ngũ Tử Tư nói: “Thần nghe nói đạo an dân chính là phải làm cho họ an cư lạc nghiệp, mà người xưng bá ắt phải lập thành đô, thiết lập phòng bị, làm đầy kho lương, sửa sang giáp mũ, làm tốt cả quân sự lẫn kinh tế. Thế mới đạt được việc tiến có thể công, thoái có thể thủ”.

Hạp Lư nói: “Ta giao việc này cho khanh vậy”. Thế là Ngũ Tử Tư căn cứ địa thế cao thấp, chọn lô đất có phong thuỷ tốt, bắt đầu quy hoạch tạo dựng thành mới. Thành có 8 cửa trên mặt đất, có 8 cửa nước, vị trí mỗi cửa và hình dạng vật trang trí trên mặt đều được nghiên cứu kỹ. Ở trong thành, thậm chí nơi nào đặt tông miếu của triều đình, nơi đâu là vị trí của triều trước, nơi đâu là chợ, nơi nào đặt đàn tế Thần thổ địa… đều được Ngũ Tử Tư quy hoạch.

Sau đó Ngũ Tử Tư lại bắt đầu dạy bách tính làm thế nào để tác chiến, làm thế nào bắn tên, làm thế nào phòng thủ. Thành này hiện nay chính là thành phố Giang Châu tỉnh Giang Tô. Ngũ Tử Tư thực sự có tài kinh bang tế thế, có năng lực an bang định quốc.

Khi đó Hạp Lư đăng cơ vương vị, lòng dân quy thuận nhưng mối lo lớn nhất của ông chính là công tử Khánh Kỵ vẫn còn sống. Ông bèn thương lượng với Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư nói: “Nếu muốn giải quyết công tử Khánh Kỵ, thần tiến cử cho ngài một người”. Hạp Lư nói: “Lẽ nào lại có một dũng sĩ giống Chuyên Chư nữa sao?”. Ngũ Tử Tư nói: “Người này không phải có thân hình cao to, mặt mũi khôi ngô hay võ công cao. Đây chỉ là một người bình thường tên là Yêu Ly. Người này tuy rằng võ công không quá cao nhưng anh ta là người có đầu óc”. Hạp Lư nói: “Ngươi hãy dẫn đến để ta xem xem”. Thế là Ngũ Tử Tư dẫn Yêu Ly đến trước mặt Ngô Vương.

Ngô Vương thấy Yêu Ly liền cảm thấy rất thất vọng. Thân ông ta cao chưa đến năm xích, chỉ bằng một nửa so với Ngũ Tử Tư, thắt lưng nhỏ như bó lại, chính là tấm lưng rất là nhỏ, hoàn toàn không phải hình tượng “mình hổ lưng gấu”, nhìn rất khó coi. Khi đó Hạp Lư nói với Ngũ Tử Tư: “Ngươi sao có thể tiến cử người như thế này? Khánh Kỵ gân cốt như sắt, vạn người khó địch, người nhỏ bé như thế này làm sao có thể làm thích khách?”.

Ngũ Tử Tư nói: “Tôi kể ngài câu chuyện, Đông Hải có một dũng sĩ tên là Tiêu Khâu Tố. Tiêu Khâu Tố khi ấy đang cho ngựa uống nước ở bờ sông, người khác nói với anh ta rằng dưới sông có Thủy Thần, hễ cho ngựa uống nước ở nơi này thì Thủy Thần nhảy ra bắt ngựa ăn mất. Tiêu Khâu Tố nói: “Tôi là một dũng sĩ, không ai dám mạo phạm tôi”. Anh ta không nghe khuyến cáo của người khác, kết quả ngựa anh ta thật sự bị một thứ gì đó dưới sông bắt mất đi. Tiêu Khâu Tố bèn mang bảo kiếm nhảy xuống nước, cùng với Thần sông của con sông này mà quyết chiến. Trải qua thời gian ba ngày ba đêm, anh ta từ trong nước sông nhảy ra. Khi đó, một con mắt của anh ta bị hỏng, con ngựa đó cũng không lấy lại được. Nhưng trong một lần có đại tiệc, anh ta lại lấy kinh nghiệm chiến đấu với Thần sông mà ngạo mạn với tất cả mọi người”. 

Khi đó Yêu Ly cũng có mặt, có chút bất bình, bèn nói: “Mất ba ngày ba đêm mà không cứu được ngựa của mình, lại còn mù một con mắt. Tôi cảm thấy anh là người vô dụng nhất ở trời đất này, làm sao có thể nhìn người khác được cơ chứ!”. Khi đó Tiêu Khâu Tố không nói câu nào, đứng lên xin lỗi rồi rời khỏi yến hội.

Yêu Ly về nhà nói với thê tử của ông: “Buổi tối hôm nay sẽ có người đến giết ta, bởi vì ta ở chốn đông người đã khiến Tiêu Khâu Tố không ngẩng đầu lên được. Yêu Ly bèn mở rộng cửa nhà, cũng không thèm cài then cửa phòng ngủ, nằm ở trên giường. Đến nửa đêm, Tiêu Khâu Tố thật sự đã đến, một mạch chạy đến trước giường của Yêu Ly, rút kiếm đặt lên cổ của Yêu Ly.

Tiêu Khâu Tố nói: “Ngươi đã làm ba chuyện đáng chết. Ngươi biết không?”. Yêu Ly nói: “Ta không biết, mời anh nói cho”. Tiêu Khâu Tố nói: “Chuyện thứ nhất, ở nơi đông người mà vũ nhục ta. Chuyện thứ hai, ngươi về nhà mà lại không đóng cửa. Chuyện thứ ba, thấy ta đến lại không chạy”.

Yêu Ly nói: “Ta không có ba chuyện đáng chết nhưng ta cảm thấy anh làm một việc rất không có tiền đồ. Việc thứ nhất, khi ta nói anh vô dụng, nếu anh có lý anh sẽ nói lại nhưng một câu cũng không dám nói. Hiển nhiên là anh đuối lý nên mới phải bỏ đi. Việc thứ hai, vào nhà không báo chính là có tâm lén lút. Vào nhà ta ngay cả cửa cũng không gõ, cứ mở cửa mà tiến vào, cũng không có lễ độ. Nếu anh cho rằng mình là dũng sĩ, có thể bảo ta cùng quyết chiến với anh, nhưng anh không làm vậy. Sau khi anh rút kiếm kề vào cổ ta mới dám nói với ta, hiển nhiên là trong tâm của anh rất e sợ khiếp đảm. Đây là ba việc anh làm mà không có tiền đồ chút nào”. 

Tiêu Khâu Tố nói: “Ôi chao! Tôi luôn cho rằng mình là một dũng sĩ, không ngờ rằng thế gian còn có người dũng cảm hơn tôi”. Tiêu Khâu Tố nói thêm: “Tôi không còn mặt mũi nào để sống nữa”. Anh ta bèn đâm đầu vào cột mà chết. Người mà Ngũ Tử Tư tiến cho Hạp Lư là con người như thế. 

Yêu Ly nói với Hạp Lư: “Nếu muốn hành thích Khánh Kỵ, chúng ta phải nghĩ cách tiếp cận hắn”. Đương nhiên lần này món cá nướng là không được (ngày trước Chuyên Chư hành thích Vương Liêu nhờ vào món cá nướng). Yêu Ly nói: “Tôi có một chủ ý. Ngài chặt đi tay phải của tôi, đem toàn bộ thê tử tôi giết đi. Chính là giả như tôi đã đắc tội với ngài. Sau đó tôi sẽ đến nương nhờ công tử Khánh Kỵ”. 

Khổ nhục kế này quả thực rất tàn độc. Yêu Ly nói: “Như thế công tử Khánh Kỵ mới tin tưởng tôi”. Khánh Kỵ ban đầu không tin Yêu Ly, lại phái người đi điều tra. Sau khi biết việc này là hoàn toàn có thật, bèn cho Yêu Ly đi theo bên mình. Một người chỉ cao năm xích như Yêu Ly, Khánh Kỵ cảm thấy làm không thành việc gì lớn. 

Khi đó công tử Khánh Kỵ đang ở nước Vệ, đô thành của nước Vệ ở Triều Ca, hiện tại là huyện Hoạt, tỉnh Hà Nam. Khánh Kỵ mang theo binh sĩ nước Vệ tiến đến nước Ngô, chuẩn bị báo thù, Yêu Ly đứng ở phía trước anh ta. Khi đó đang ở trên dòng sông lớn, Yêu Ly nói với Khánh Kỵ: “Công tử nên ngồi ở trước mũi mà điều phối các thuyền. Thế là Khánh Kỵ ngồi ở trước thuyền chỉ huy. Yêu Ly cầm một cây mâu đứng sau Khánh Kỵ.

Yêu ly đâm Khánh Kỵ (Ảnh: Wikipedia)

Đột nhiên khi thuyền đang ở giữa dòng, mặt sông bỗng nổi một trận gió to, thổi mạnh đến mức Khánh Kỵ không mở mắt nổi. Khi đó, Yêu Ly vẫn đứng ở đằng sau Khánh Kỵ. Khi Khánh Kỵ quay người lại thì Yêu Ly lập tức lấy xà mâu đâm vào tim Khánh Kỵ, từ trước ngực đâm thấu đến sau lưng. Khi Khánh Kỵ mở mắt thì đã biết mình không có cách nào sống sót. Nhưng Khánh Kỵ vốn có sức mạnh phi thường, bèn bắt lấy Yêu Ly, từ mũi thuyền mà nhấn xuống nước, tổng cộng ba lần, sau đó đặt Yêu Ly trên đầu gối của mình.

Khánh Kỵ cười nói: “Ta đây tự cho mình là dũng sĩ thế mà ngươi còn dám đến giết ta. Trên đời này còn có kẻ dũng cảm hơn ta sao?”. Đoạn bèn quay lại nói với tả hữu xung quanh: “Hôm nay ta chắc khó sống nhưng đừng để chỉ trong một ngày mà thiên hạ mất đi hai dũng sĩ. Yêu Ly là người dũng cảm, sau khi ta chết các ngươi hãy thả hắn đi”. Nói xong, Khánh Kỵ rút cây mâu từ ngực ra, máu chảy như rót nước, không lâu sau thì chết. Sau khi Khánh Kỵ chết, bọn tả hữu xung quanh thực sự đã thả Yêu Ly đi. 

Nhưng Yêu Ly nói: “Ta đã làm ba việc đại bất nghĩa. Thứ nhất là đã nương nhờ Khánh Kỵ rồi thích sát người ta, đây là bất trung. Thứ hai là thê tử không có tội, nhưng vì ta làm việc này mà chết, đây là bất nghĩa. Thứ ba là vì làm việc này, ta đã cho Ngô Vương chặt một cánh tay, đây là bất trí. Cho nên ta không muốn lại sống trên cõi đời này nữa”. Sau đó Yêu Ly nhảy xuống nước tự vẫn.

Việc Yêu Ly thích sát Khánh Kỵ không có ghi chép trong “Sử ký”, nhưng trong chương “Nguỵ sách” của “Chiến quốc sách” có ghi lại. Các học giả thời tiên Tần cũng đề cập qua việc Yêu Ly giết thê tử để hành thích Khánh Kỵ nhưng không giảng tường tận. Tuy nhiên trong “Đông Chu liệt quốc chí” lại viết rất tường tận. Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, có một chương chuyên nói về thích khách gọi là “Thích khách liệt truyện”. Chuyên Chư trong “Thích khách liệt truyện” xếp hạng hai. Nhưng sự tích Yêu Ly thích sát Khánh Kỵ thì không có trong “Thích khách liệt truyện”, có thể là vì kế sách của Yêu Ly quá tàn độc.

Bây giờ chúng ta trở lại Ngô quốc, Ngô Vương Hạp Lư đã giải quyết tận gốc vấn đề Khánh Kỵ, thành trì cũng đã sửa sang xong. Hạp Lư lại cứu tế bách tính, an định lòng dân, chính quyền của ông đã rất ổn định, không còn ai trong nước có thể khiêu chiến với ông. Ngũ Tử Tư lập được công lao lớn, cho rằng đây là lúc thích hợp nhất để thỉnh cầu Hạp Lư phái binh giúp mình báo thù.

Hạp Lư nói: “Ta cũng muốn giúp ông báo thù nhưng cảm thấy đánh Sở là một việc rất nguy hiểm. Ta cần một đại tướng đủ tài cầm quân, bách chiến bách thắng, tài hoa và thao lược. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể tiêu diệt được nước Sở”. 

Về năng lực soái lĩnh của Ngũ Tử Tư và Bá Bĩ, trong tâm Ngô Vương Hạp Lư hiển nhiên chưa hoàn toàn tín nhiệm. Ngũ Tử Tư bèn nói với Ngô Vương Hạp Lư: “Thần biết một người, người này trong lòng chứa đựng xảo diệu của trời đất, có kế sách quỷ Thần khó đoán, chỉ cần ông ta cầm binh đánh trận, đánh Sở tất thắng”. Vậy thì Ngũ Tử Tư tiến cử ai? Mời quý vị xem tập tiếp theo: “Binh gia Tôn Vũ”. 

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, đăng trên NTDTV

Exit mobile version