Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 12): Chuyên Chư dâng cá ám sát vua; Ngô Vương sai người đúc tuyệt kiếm

Chuyên Chư dâng cá ám sát vua (Ảnh minh họa).

Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay…

Lời bạch: Ngũ Tử Tư nhân cơ hội Sở Bình Vương băng hà đã điều các trọng thần thân cận của Vương Liêu đi xa. Công tử Quang mượn yến tiệc thỉnh mời Vương Liêu, sai thích khách Chuyên Chư dùng ngư trường kiếm hành thích Vương Liêu. Theo ghi chép trong “Sử ký – Thập nhị chư hầu niên biểu”, thời gian mà Chuyên Chư thích sát Vương Liêu là ngày Bính Tý, tháng tư, năm 515 TCN. Công tử Quang đăng cơ vương vị, chính là Ngô vương Hạp Lư nổi tiếng trong lịch sử.

Thời cơ làm đại sự cuối cùng cũng đến, công tử Quang gọi Chuyên Chư đến gặp mặt. Không đợi đến lúc công tử Quang mở miệng, Chuyên Chư đã hiểu rồi. Chuyên Chư nói: “Hiện tại đã đến lúc làm đại sự rồi, lần này tôi đi hành thích, chắc chắn tính mệnh khó giữ, tôi muốn về nhà thăm mẹ một phen”. Công tử Quang nói: “Được”.

Chuyên Chư hành thích Ngô Vương

Chuyên Chư về đến nhà thăm hỏi mẹ, còn chưa kịp nói thì nước mắt đã rơi. Mẹ của ông thấy Chuyên Chư khóc liền biết rằng cuối cùng đã đến lúc báo đại ân của công tử Quang. Mẫu thân của ông liền cười nói: “Ta rất vui mừng vì con có thể có được cơ hội như thế này. Ân huệ của công tử Quang đối với chúng ta đã rất lớn rồi. Từ xưa, trung hiếu không thể vẹn đôi đường, ta hy vọng con có thể tận trung. Hơn nữa nếu sau khi con làm thành công sự tình này, danh tiếng lưu vào sử xanh, ta cũng vì con mà cảm thấy tự hào. Còn về ta đây, con không cần lo lắng, ta tin công tử Quang nhất định sẽ chăm sóc ta rất tốt”.

Lời mà mẹ Chuyên Chư nói: Điều thứ nhất là báo ân, đây là đại nghĩa. Điều thứ hai, trung hiếu không thể vẹn cả đôi đường, “ta hy vọng con tận trung”. Điều thứ ba “ta ở bên này con không cần lo lắng, công tử Quang có thể chăm sóc ta rất tốt”.

Chuyên Chư tuy cũng hiểu đạo lý này nhưng trong tâm vẫn vô cùng lưu luyến, bèn quay lại nhìn mẹ một lần nữa. Mẹ của ông nói: “Ai da, đừng khóc nữa. Ta hiện tại thấy khát lắm, con có thể thay ta đến bờ sông lấy ít nước mát được không?”. Chuyên Chư đến bờ sông lấy nước, khi trở lại thì phát hiện phòng ngủ của mẹ đã đóng.

Ông bèn hỏi vợ: “Tại sao không thấy mẫu thân ở gian nhà chính?”. Vợ ông nói: “Mẫu thân vừa nãy nói với thiếp rằng người cảm thấy mệt, muốn ngủ một lát, nói chúng ta đừng làm phiền”. Chuyên Chư khi đó cảm thấy điềm chẳng lành, đẩy mở cánh cửa phòng mẫu thân thì thấy bà đã treo cổ rồi…

Mẹ ông đã dùng cái chết của mình để củng cố quyết tâm của Chuyên Chư, một mặt có thể cắt đứt mối bận tâm của ông đối với mẹ, bởi vì nếu bận lòng về mẹ thì khi hành thích sẽ không quyết đoán. Ngoài ra mẹ của ông muốn tiến một bước để kiên định quyết tâm của con trai. Mẹ vì chuyện này mà chết cho nên Chuyên Chư nhất định phải thành công mới có thể tận hiếu với mẹ. Cho nên mẹ ông lấy cái chết của bà để tác thành sự nghiệp của con trai.

Sau khi mẹ mất, Chuyên Chư khóc nức nở một phen, đến gặp công tử Quang nói: “Trước đây tấm thân này phải chăm sóc mẫu thân, hiện tại mẫu thân tôi đã tạ thế, từ giờ trở đi thân thể này thuộc về công tử”. Công tử Quang nói: “Chúng ta làm thế này: Khi ta lên triều sẽ thỉnh Ngô Vương đến nhà dùng bữa, sau đó chúng ta sẽ bố trí vài giáp sĩ trong nhà. Nhân lúc Vương Liêu ở trong nhà, chúng ta sẽ ra tay hành động”.

Ngày hôm sau lên triều, công tử Quang mới mời Vương Liêu: “Đại vương à, nhà của hạ thần có một đầu bếp rất nổi tiếng (ý chỉ Chuyên Chư), món cá nướng của anh ta vô cùng tuyệt hảo. Có thể thỉnh ngài đến nhà thần không? Thần mời ngài dùng bữa”. Vương Liêu nói: “Vương huynh đã mời thì đương nhiên phải đi rồi”.

Khi Vương Liêu về cung bèn nói chuyện với mẫu thân: “Ngày mai con sẽ đến nhà vương huynh dùng bữa”. Mẹ của ông nói: “Con không thể đi được, con người công tử Quang này mỗi lần lên triều, hễ thấy con thì trên mặt có sắc hận. Con đến nhà cậu ta ăn cơm là một việc rất nguy hiểm, ta khuyên con không nên đi”.

Ngô Vương Liêu nói: “Con đã nhận lời huynh ấy rồi, nếu không đi giữa huynh đệ sẽ sinh ra ngờ vực oán ghét”. Ông nói thêm: “Vậy thế này đi, ngày mai con sẽ lấy việc bảo vệ an toàn làm việc nghiêm mật nhất”.

Hôm sau, Ngô Vương Liêu mang áo giáp ba lớp trên mình, phía ngoài lại khoác lên cẩm bào. Hộ binh của ông từ cổng cung của mình mà bắt đầu, đứng kéo dài đến tận trong nhà công tử Quang. Đồng thời ông lại tuyển thêm 100 lực sĩ là dũng sĩ, đứng ở hai bên ông mà hộ vệ.

Mỗi lần trước khi món ăn được đem lên, 100 lực sĩ sẽ cởi y phục của đầu bếp, sau đó rà soát trên thân để đảm bảo không mang theo bất cứ vật sắc nhọn nào. Sau đó lại đưa lại y phục cho đầu bếp mặc lại, khi đó mới có thể cho phép đầu bếp đưa món ăn lên. Hơn nữa khi đưa món chỉ có thể quỳ mà tiến về phía trước, hai bên lại có lực sĩ kèm cặp anh ta. Sau đó lấy món ăn đặt ở trên bàn của Ngô Vương, lập tức phải quay người mà thoái lui, cũng không được ngẩng đầu mà nhìn. Khi đó việc đảm bảo an toàn đạt đến trình độ nghiêm mật đến như thế.

Công tử Quang đang ăn đang ăn, đột nhiên nói với Ngô Vương Liêu: “Ai da, hai hôm trước thần bị trật chân, giờ vẫn còn đau”. Vương Liêu nói: “Vậy thì làm thế nào?”. Công tử Quang nói: “Mỗi lần như vậy thần đều dùng băng quấn lại chân, quấn chặt lại như thế mới có thể ngừng đau”. Vương Liêu nói: “Huynh cứ việc làm, huynh cứ đi quấn chân đi”. Công tử Quang bèn vào phòng trong.

Lúc này Chuyên Chư bê món cá nướng lên. Cũng giống lần trước, đầu tiên cởi y phục sau rồi kiểm tra, rồi thay y phục, sau đó quỳ mà tiến về phía trước, lực sĩ lại kèm cặp anh ta. Khi anh ta đem cá đặt trước mặt Vương Liêu, món cá này quả thực là mùi vị rất ngon, Vương Liêu cúi đầu xem con cá. Chuyên Chư nhân lúc Vương Liêu cúi đầu, đột nhiên mở bụng con cá, từ đó rút ra một thanh gươm, một gươm đâm đến ngực của Ngô Vương Liêu, thấu qua ba lớp áo giáp, từ phía trước ngực đâm tới, xuyên qua lưng phía sau.

Khi đó các lực sĩ đều mắt trừng miệng đơ, không ngờ anh ta lấy thanh gươm nhét vào bụng con cá. Thanh gươm này gọi là “Ngư trường kiếm” (gươm để trong ruột cá), một thanh gươm rất sắc nhọn, thấu qua cả áo giáp sắt, tức khắc có thể đâm đến tim của người ta, từ phía trước ngực mà đâm đến sau lưng. Khi đó 100 giáp sĩ đao kiếm chỉnh tề, lao vào băm vằm thân thể Chuyên Chư. Công tử Quang ở phòng trong nghe thấy bên ngoài nổi loạn, biết Chuyên Chư đã ra tay. Ông bèn dẫn vệ binh của mình ở phòng trong xông ra đánh giết.

Một mặt, Ngô Vương Liêu đã chết cho nên uy thế lúc này đã giảm. Mặt khác, công tử Quang bên này vì thích sát thành công, sĩ khí dâng cao, kết quả trong chốc lát đã đánh bại quân đội của Ngô Vương Liêu.

Công tử Quang lên xe, một mạch tiến đến cung điện nước Ngô, hướng đến đại thần mà tuyên bố vương mệnh. Công tử Quang cho rằng bản thân mình mới là người xứng đáng làm Ngô vương. Cùng với việc thuyết phục các đại thần, đồng thời ông nhanh chóng mở kho phát lương, giảm thuế, làm bách tính được lợi. Thế là bách tính cũng dần yên lòng.

Diên Lăng Quý Tử khi đó từ nước Tấn quan sát tình hình, cũng về đến Ngô quốc. Công tử Quang còn giả vờ nhường cho, ông nói: “Cháu sở dĩ giết Vương Liêu là để thúc về làm quốc vương, vì khi đó ông nội nói như vậy”. Diên Lăng Quý Tử nói: “Ngươi tự thân giết Ngô vương, chẳng phải muốn làm vua sao, còn giả vờ khách khí với ta làm gì chứ?”.

Diên Lăng Quý Tử là một người rất hiền minh, cũng rất thông minh, Khổng Tử vô cùng tán thưởng ông. Có một vài câu chuyện về ông được ghi lại trong “Sử ký”. Hồi ấy Tấn quốc chỉ có một vài quan đại phu, nhưng Diên Lăng Quý Tử đến nước Tấn, ông xem qua rồi nói: “Nhân tài ưu tú nhất trong quốc gia đều tập trung ở Hàn gia, Triệu gia và Ngụy gia, tương lai sẽ có một ngày nước Tấn phân thành ba nhà đấy”. Ông xem vô cùng vô cùng chuẩn xác. 50 năm sau đã phát sinh “Tam gia phân Tấn”, nước Tấn phân thành ba nước là Hàn, Triệu, Ngụy.

Diên Lăng Quý Tử cũng là người rất có đạo đức. Có một lần ông đi sứ đến nước Từ, quốc vương nước Từ rất thích bảo kiếm của ông. Nhưng vì ông phải đi sứ đến nước khác nên không thể không có kiếm, cho nên ông định bụng sẽ tặng kiếm sau khi xong việc. Đợi đến khi về lại nước Từ, tất cả các hoạt động ngoại giao đã làm xong, nhưng quốc vương nước Từ đã mất rồi. Quý Trát bèn lấy bảo kiếm của ông treo trên mộ của quốc vương nước Từ.

Người khác hỏi: “Tại sao ông phải đem kiếm treo nơi đó?”. Quý Trát nói: “Bởi vì trong tâm tôi đã chuẩn bị lấy kiếm này tặng ông ấy, lúc đó tôi chưa nói ra. Chẳng qua vì tôi phải đi sứ cho nên tôi phải mang kiếm này theo. Hiện tại việc đã xong rồi, tôi nguyện ý đem kiếm này treo tại đây để làm tròn lời hứa trong tâm mình”.

Vua Ngô rèn kiếm

Công tử Quang làm Ngô Vương, vì báo đáp Chuyên Chư, bèn cho con trai Chuyên Chư là Chuyên Nghị nhậm chức Thượng khanh. Chúng ta biết thời Đông Chu, tước vị là như thế này, dưới chư hầu phân thành sáu cấp tước vị là: Thượng khanh, Trung khanh, Hạ khanh, Thượng đại phu, Trung đại phu, Hạ đại phu. Vì báo đáp Chuyên Chư, công tử Quang lấy tước vị cao nhất của quốc gia cấp cho con trai của Chuyên Chư là Chuyên Nghị, đây cũng là một vị tướng quân rất nổi tiếng.

Bảo kiếm khi Chuyên Chư thích sát Vương Liêu gọi là “Ngư trường kiếm”. Hạp Lư cảm thấy ngư trường kiếm là vật không may mắn vì nó đã giết vua, bèn đem nó chôn xuống đất. Nhưng ông cũng hy vọng có thể tìm được bảo kiếm sắc nhọn như ngư trường kiếm. Thế là ông bèn thỉnh mời một đại sư rèn đúc kiếm thời bấy giờ là Can Tương đến Ngô quốc.

Lời bạch: Can Tương, Mạc Tà là hai thanh kiếm nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Trong lịch sử thì Can Tương và Mạc Tà là vợ chồng. “Đông Chu liệt quốc chí” ghi lại, rằng hai vợ chồng chọn loại sắt tốt nhất và các kim loại khác, chọn ngày lành, chư Thần đến xem, lệnh cho 300 đồng nam đồng tử thổi gió đốt than, tinh chế trong ba tháng làm ra loại sắt không gỉ. Thế là Mạc Tà sau tắm gội trai giới, lấy tấm thân nhập vào lò, tức khắc kim loại dung hoá (nóng chảy), luyện thành hai thanh kiếm Thư Hùng. Hùng kiếm gọi là Can Tương, Thư kiếm gọi là Mạc Tà. Can Tương đem Hùng kiếm cất đi, còn lấy Thư kiếm dâng cho Hạp Lư.

Sự việc này khiến không ít người người cảm thấy rất huyền hoặc, trong chính sử xác thực cũng không có ghi lại, nhưng trong truyền thuyết người ta đều biết. Can Tương, Mạc Tà là “một quân vương, một hoàng hậu” trong các loại bảo kiếm. Liệu có bằng chứng nào không? Liệu có hai thanh kiếm đó không?

Có một chút bằng chứng: Một là sau khi Can Tương dâng tặng cho Ngô vương Hạp Lư, Hạp Lư từng dùng thanh kiếm này chặt một tảng đá. Tảng đá cứ theo tay mà tách ra, giống như cắt đậu phụ vậy, tảng đá này gọi là “Thí kiếm thạch” (đá thử kiếm), hiện nay vẫn còn. Gần Tô Châu có một nơi tên là Hổ Khâu, di tích hiện nay vẫn còn, chính là thí kiếm thạch.

Còn có một bằng chứng nữa, năm 1965 ở huyện Giang Lăng tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc phát hiện trên núi có ngôi mộ số 1, đào lên được một thanh kiếm. Trên thanh kiếm này có khắc tám chữ triện “kiếm tự làm của Việt Vương Câu Tiễn”. Thanh kiếm này đương thời là kiếm của Việt Vương Câu Tiễn, nó đã trải qua thời gian 2500 năm. Khi đào lên, mở phần mộ đó, bảo kiếm lấp lánh phát quang, một chút gỉ sét cũng không có, giống hệt như mới.

Những năm đó khi người ta trắc định độ sắc bén của kiếm đã dùng 20 tờ giấy, cầm kiếm vạch nhè nhẹ lên một đường, 20 tờ giấy in chốc lát tách ra làm đôi. Sau 2500 năm, một thanh kiếm không hề sinh ra gỉ sét, mà còn sắc nhọn lấp lánh phát quang như thế! Điều này nói rõ những năm thời Xuân Thu, công nghệ đúc kiếm đã cực kỳ phát triển.

Nghe nói trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng có chứa tượng gỗ binh mã, họ lại đào lên một thanh kiếm. Vì đất phủ lên làm thanh kiếm cong đi, nhưng sau khi phủi hết đất, thanh kiếm đó lập tức khôi phục lại trạng thái vốn có của nó một cách thần kỳ, là giống như hợp kim mà có thể ghi nhớ trạng thái của bản thân trong ký ức. Đây là một sự việc không thể nghĩ bàn. Thuật đúc kiếm của Trung Quốc thời Xuân Thu xác thực là vô cùng phát triển.

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, đăng trên NTDTV

Exit mobile version