Đại Kỷ Nguyên

Phong Thần truyền kỳ (Kỳ 5): Trụ Vương vô đạo nên phạm thượng, Nữ Oa toán mệnh tỏ Thần uy

“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.

Về việc Khương Tử Nha xem bói đắc thời ra sao và vô vàn tích chuyện ly kỳ xoay quanh nhân vật này như thế nào, những kỳ sau sẽ lại kể tiếp…

Bây giờ lại kể đến vua Trụ (Trụ Vương):

Trụ Vương là con thứ ba của vua Ðế Ất. Vua Ðế Ất có ba người con là Vi Tử Khải vốn là con trưởng, Vi Tử Ðiển vốn là con thứ và Ân Thọ là con út, cũng chính là Trụ Vương sau này.

Sinh thời, nhân khi vua Ðế Ất ngự ngoài vườn xem hoa mẫu đơn với các quần thần, thấy lầu Phi Vân gãy mất một kèo, liền truyền các quan thay cây kèo ấy. Các quan xúm lại đỡ không nổi.

Bấy giờ có Ân Thọ đi theo, thấy vậy một mình xốc lại, một tay đỡ cây kèo, một tay nhổ cột lên thay.

Các quan trông thấy sức mạnh của Hoàng tử Ân Thọ như vậy thì ai cũng quỳ lạy chúc mừng.

Thừa Tướng Thương Dung và quan Ðại phu Mai Bá, Triệu Khải đồng quỳ tâu với vua Ðế Ất rằng: “Thọ Vương tuy là con út nhưng tài năng như vậy có thể làm rạng rỡ nhà Thương sau này, xin bệ hạ phong làm Thái tử để nối ngôi”.

Ðế Ất bằng lòng, bèn nhân chuyện này mà lập Ân Thọ lên làm Thái tử.

Vua Ðế Ất trị vì được ba mươi năm thì băng hà. Lúc lâm chung có di nguyện truyền ngôi cho Thái tử Ân Thọ, từ đó Ân Thọ nối ngôi Thiên tử tức Trụ Vương, đóng đô tại Triều Ca.

Hai người anh của vua Trụ tuy không được nối ngôi, song vẫn một lòng hòa thuận, không hiềm khích hoặc có ý ganh tỵ. Bởi vậy từ trong đến ngoài đều an lạc.

Nhà Thương bấy giờ, văn thì có Thái sư Văn Trọng đủ tài trị nước, võ thì có Trấn Quốc Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ đủ tài trấn áp các nước chư hầu. Bởi lẽ đó vua Trụ ngồi hưởng thái bình, muôn dân lạc nghiệp, mưa hòa gió thuận, tưởng không có gì sung sướng hơn.

Ngoài uy danh nhiếp chính, nhà Thương còn cầm đầu một số nước chư hầu gồm hơn bảy trăm trấn chia làm bốn cõi, mỗi cõi có một chư hầu lớn thay mặt nhà Thương điều khiển. Bốn trấn cõi chư hầu lớn này gồm có:

1- Ðông Bá Hầu Khương Hoàng Sở (cha của Khương Hoàng Hậu)

2 – Tây Bá Hầu Cơ Xương (Văn Vương)

3 – Nam Bá Hầu Ngạt Sùng Võ

4 – Bắc Bá Hầu Sùng Hầu Hổ

Mỗi cõi chư hầu lớn cai trị gần hai trăm chư hầu nhỏ, tổng cộng là hơn bảy trăm trấn chư hầu đều thần phục Triều Ca.

Sau khi Trụ Vương lên ngôi được bảy năm thì có một số chư hầu nhỏ phía Bắc do Viên Phước Thông cầm đầu nổi loạn. Thái sư Văn Trọng phải tuân lệnh đi đánh dẹp.

(Ảnh minh họa: zing.vn)

Văn Trọng ra đi, việc triều chính thiếu người định đoạt. Một hôm vào tiết tháng ba, vua Trụ ngự triều, Thừa tướng Thương Dung tâu: “Ngày mai là ngày rằm, cũng nhằm ngày thờ phụng bà Nữ Oa, cẩn tâu bệ hạ xa giá cùng các đại thần trong triều đi dâng hương cầu phước”.

Vua Trụ hỏi: “Bà Nữ Oa là người thế nào mà đến nỗi trẫm phải bỏ ngai vàng đi dâng hương?”.

Thương Dung tâu: “Bà Nữ Oa hiện là một vị thần linh hiển lắm. Trước kia Cung Công làm phản, đụng đầu vào núi Bất Châu, đất bị nghiêng sụp, bà Nữ Oa bèn lấy đá ngũ sắc vá trời. Bởi có công với đời như vậy, nên mấy triều vua đều lập điện miếu phụng thờ. Nơi nào thành tâm thờ cúng bà thì nơi ấy mưa thuận gió hòa, mối nước được yên, dân gian khỏe mạnh. Xin bệ hạ đến đó dâng hương, chẳng nên khinh dễ”.

Vua Trụ nhận lời: “Nếu vậy mai trẫm sẽ đến đó dâng hương cầu phước, sẵn dịp du ngoạn một chuyến”.

Hôm sau, vua Trụ truyền long giá ra đi, các quan đi theo phò tá rất đông. Ba ngàn binh kỵ mã, tám trăm quân Ngự Lâm do Hoàng Phi Hổ điều khiển, trước sau đông nghẹt.

Xa giá đến đâu dân chúng đều thắp nhang đèn trước cửa nô nức vọng bái.

Khi đến trước đền thần Nữ Oa, vua Trụ bước xuống xe đến nơi chính điện đặt một đĩnh trầm rồi thi lễ. Phía dưới các quan cũng cung kính đồng lạy.

Vua Trụ trông thấy trong điện trang nghiêm lắm, những hình tượng toàn bằng vàng ngọc đứng hầu hai bên. Những tượng tiên đồng cầm phướng đúc bằng vàng, những tượng ngọc nữ dâng hương chạm bằng ngọc. Trên điện không thiếu gì hạc đứng loan xòe, rồng bay phượng múa, đèn chưng như sao mọc, khói tỏa như mây mờ, uy nghiêm mà thanh thoát chẳng khác gì chốn tiên cảnh.

Trụ Vương đang chăm chú quan sát, thì bỗng một luồng gió nhẹ thổi qua làm bức màn che chính giữa bảo điện vẹt qua một bên. Tức thời vua trông thấy tượng bà Nữ Oa hiện ra rất rõ, hình dung hết sức sống động, mỹ hảo tột cùng chẳng khác gì gặp đại tiên nữ giáng trần, hương trời sắc nước xưa nay chưa từng có…

Lời xưa thường nói: Nước gần hết vận ắt xuất hiện hôn quân, vua Trụ nhìn tượng thần Nữ Oa không nháy mắt, tự nhủ với lòng: “Ta tuy làm vua giàu có bốn biển, nhưng trong tam cung lục viện không thấy có người nào được cái nhan sắc như vậy”.

Nghĩ rồi truyền thị vệ đem bút mực đến, và đề một bài thơ ngay trên bức tường bảo điện:

Lạnh lùng trướng phủ xõa màn loan

Bóng sắc khen ai khéo điểm trang

Liễu uốn mày ngài khoe sắc lục

Xiêm tung sóng nưóc điểm non vàng

Hải đường sương đượm màu tươi tốt

Thược dược mưa nhuần bóng vẻ vang

Ðem về cung điện dựa thiên nhan

Thừa tướng Thương Dung thấy vua Trụ đề thơ như vậy thất kinh quá, quỳ tâu: “Bà Nữ Oa là thần thánh đời thượng cổ. Thần nghĩ tưởng bệ hạ chỉ nên dâng hương cầu phước cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng. Còn việc đề thơ có ý trêu cợt như vậy không nên. Xin bệ hạ truyền lấy nước rửa đi kẻo thiên hạ trông thấy truyền ngôn cho rằng bệ hạ không có đức ngay chính”.

Vua Trụ nói: “Trẫm thấy tượng thần xinh đẹp, đề một bài thơ tán thưởng chứ chẳng có ý gì khác. Vả lại trẫm là thiên tử cũng nên để lại bút tích mà tả cho thiên hạ rõ nhan sắc của bà, và chiêm ngưỡng thi tài của trẫm chứ?”.

Dứt lời truyền hồi cung, các quan không ai dám nói lời nào nữa. Về đến đền Long Ðức, các quan đồng thi lễ chúc mừng rồi ai về dinh nấy.

Bấy giờ nói đến bà Nữ Oa đi lên cung Hỏa Vân thăm Tam Thánh là: Phục Hy, Thần Nông, và Hoàng Ðế.

Tạo hình Nữ Oa nương nương trên màn ảnh. (Ảnh: youtube.com)

Khi bà Nữ Oa quay trở về, bước lên ngồi nơi chánh điện. Hai bên ngọc nữ, tiên đồng cung kính thi lễ, bà Nữ Oa nhìn qua bên vách liền nhìn thấy bài thơ của vua Trụ, tức thời nổi giận nói:

“Ân Thọ hôn quân vô đạo! Không lo sửa mình trị thiên hạ lại sinh tâm tà bậy, chẳng sợ luật trời. Thật đáng ghét! Trước kia tổ tông của y là vua Thành Thang đuổi vua Kiệt thu thiên hạ, hưởng dư sáu trăm năm đến nay tuần thời đã hết. Nếu ta không báo ứng sao gọi là linh nghiệm”.

Nói rồi liền đằng vân bay vào Triều Ca, hướng thẳng cung điện nhằm trừng trị vua Trụ để tỏ uy nghiêm. Nhưng vừa lướt đến phía ngoài hậu cung, bà Nữ Oa gặp hai đạo hào quang xông đến mà cản lại.

Hai đạo hào quang này là của Ân Hồng và Ân Giao (Nguyên vua Trụ có hai người con trai, người anh là Ân Hồng, người em là Ân Giao, sau này đều được phong Thần, nên mới có hào quang như vậy). Hôm ấy hai anh em vào hậu cung chầu vua Trụ. Bà Nữ Oa thấy hào quang níu cản‎ chừng như muốn xin tha mạng cho Trụ Vương, bà bấm tay tính ra mới biết vua Trụ còn hai mươi tám năm nữa mới tận số, bèn đằng vân trở về điện.

Tuy nhiên Nữ Oa trở về, lòng vẫn không vừa ‎ý, bà liền gọi Thể Vân đồng tử lấy bầu vàng đem ra để giữa sân giở nút, rồi đưa tay chỉ một cái, tức thì trong bầu bay ra một đạo hào quang trắng phau mềm như dải lụa, dài hơn năm trượng. Ðạo hào quang lại hiện ra hình một cây phướng ngũ sắc tua tủa khắp một vùng.

Phướng này gọi là phướng chiếu yêu. Trong giây phút sương mù bao phủ, gió lộng ào ào, các yêu đều hiện đến.

Bà Nữ Oa ra lệnh cho Thể Vân đồng tử bảo các yêu lui về gần hết, chỉ chừa lại ba con yêu tại mả Huỳnh Ðế và cho vào ra mắt.

Ba yêu vâng lệnh, vào quỳ lạy xưng: “Chúng tôi là hồ ly ngàn năm, chim trĩ chín đầu và đàn tỳ bà bằng đá ngọc thạch đến chầu nương nương”.

Bà Nữ Oa nói: “Nay cơ nghiệp Thành Thang đã mỏi mòn, vua Trụ sắp đến ngày mất nước. Núi Kỳ Sơn phụng gáy nơi nhà Tây Châu, người đó là khí số do trời định. Ba chị em bay hãy giấu mình yêu quái, trà trộn vào cung điện, làm cho Trụ Vương điêu đứng. Ðợi cho Võ Vương đánh Trụ thành công, ta cho chúng bay thành Thần. Song ta cấm một điều là không được tàn hại bá tính dân lành, chỉ trả thù Trụ Vương thôi”.

Ba yêu vâng lệnh lui ra, đằng vân về động.

Vua Trụ từ khi dâng hương đền Nữ Oa trở về, mê bóng sắc pho tượng đến nỗi đêm ngủ không ngon, ngày ăn không được, coi ba cung sáu viện như không có, chẳng đoái hoài đến. Tâm tư canh cánh bên lòng buồn bã không muốn nói chuyện với ai nữa.

Ngày kia Trụ Vương đến đền Hiển Thánh, có các hoạn quan theo phò trong lúc buồn bã, Trụ Vương sực nhớ đến Vưu Hồn, Bí Trọng. Hai tên này thường nói nhiều điều vui tai nịnh hót, Trụ Vương biết có thể nhờ hai người này tìm cách giải khuây được, bèn cho đòi Bí Trọng đến.

Bí Trọng lúc này giữ chức quan Trung Gián đại phu, nghe vua triệu kiến liền ứng hầu ngay, và tâu: “Bệ hạ có việc gì cần sai khiến hạ thần?”.

Trụ vương buồn bã nói: “Vừa rồi trẫm có đi dâng hương đền Nữ Oa, thấy tượng Nữ Oa xinh đẹp đến nỗi trong tam cung lục viện của trẫm cũng không có kẻ nào bằng. Nếu sắc đẹp ấy trẫm không được thưởng thức thì dẫu trẫm có làm vua cũng không toại nguyện. Khanh có cách gì giải buồn cho trẫm không?”.

Bí Trọng tâu: “Bệ hạ giàu có bốn biển, đức sánh Thuấn, Nghiêu. Mọi vật trên đời này đều là của bệ hạ hết, có gì mà bệ hạ không toại nguyện? Nếu bệ hạ cần một sắc đẹp tuyệt mỹ thì bệ hạ chỉ cần xuống lệnh cho bốn trấn chư hầu tuyển bốn trăm mỹ nữ đem dâng thì thiếu gì kẻ tuyệt sắc”.

Trụ Vương nghe tâu rất đẹp dạ, phán: “À, thế mà trẫm nhất thời không nghĩ ra. Thôi để ngày mai trẫm sẽ truyền lệnh vậy”.

Nói rồi Trụ Vương truyền xa giá trở về triều.

(Còn tiếp)

Đường Phong

Exit mobile version