“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.
- Trọn bộ Phong Thần truyền kỳ
Lại nói, bấy giờ Văn Vương ngồi xe qua Linh Đài bói quẻ có văn võ bá quan và tùy tùng hộ giá rất đông. Xa giá của Văn Vương vừa đến cửa Nam Môn, thấy người gánh củi đi tới, quân sĩ nạt lớn:
– Tránh đường cho thánh giá đi.
Võ Kiết nghe quát tháo giật mình kinh sợ, vội xoay gánh củi lại định nép sang một bên đường. Chẳng ngờ gánh củi kềnh càng đập vào mang tai một tên lính đang đà chạy tới khiến hắn chết tươi. Quân lính hai bên thấy thế la hét lên ầm ỹ:
– Lão tiều phu này dám đánh chết lính!
Ngay sau đó quân lính liền bắt Võ Kiết đem nạp cho Văn Vương.
Văn Vương hỏi:
– Người này ở đâu vậy?
Quân lính thưa:
– Người này vô cớ đánh chết tên quân hầu tên là Vương Tường.
Văn Vương lại hỏi:
– Nhà ngươi tên họ là chi? Vì sao lại đánh chết quân lính của trẫm?
Võ Kiết tâu:
– Thảo dân là Võ Kiết dân ở Tây Kỳ, bởi tránh xe đại vương, đường hẹp khó trở vai nên xoay gánh củi đụng nhằm chú lính.
Văn Vương phán:
– Võ Kiết đụng chết người phải đền mạng.
Nói rồi truyền vẽ một vòng tròn dưới đất làm trại giam, dựng một cái cây trước cửa Nam làm quân canh, bắt Võ Kiết đứng trong vòng. Bấy giờ ở đất Tây Kỳ luật pháp rất nghiêm minh, trừng phạt rất nhẹ mà không ai dám trốn tránh.
Võ Kiết bị ngồi trong vòng ba bữa, nhớ mẹ than thầm:
– Chắc là mẹ ở nhà dựa cửa trông con, thân già mòn mỏi.
Than rồi mủi lòng khóc lớn. Mọi người nghe tiếng khóc xúm lại xem.
Táng Nghi Sinh lúc này cũng vừa đi đến, thấy vậy hỏi:
– Hôm trước nhà ngươi đụng chết lính, mạng đền mạng là lẽ thường, oan ức gì mà khóc?
Võ Kiết thưa:
– Thời vận tôi rủi ro lắm, tránh đường hẹp mà làm chết người, đền mạng đã đành, tôi đâu dám than thở. Ngặt vì tôi không có vợ con anh em gì hết, còn lại mẹ già tuổi đã bảy mươi, nếu không có tôi lấy ai nuôi dưỡng? Mẹ tôi thân già mắt kém chắc phải nhào xuống sông mà chết, hoặc nhịn đói nên bỏ mình. Tôi nghĩ tôi bất hiếu với mẹ, nên tủi phận khóc than.
Táng Nghi Sinh nghĩ thầm: “Võ Kiết là con chí hiếu, còn việc giết người là rủi ro không cố ý, nếu cứ theo luật pháp mà không nghĩ đến hoàn cảnh riêng sao gọi là công bằng”. Nghĩ rồi liền nói với Võ Kiết:
– Thôi, ngươi đừng khóc nữa, để ta tâu với vua tha cho ngươi về xứ, hãy sắm đủ gạo, mắm muối, áo quần, tiền bạc hòm rương cho sẵn chu cấp cho mẹ ngươi, rồi đến mùa thu năm tới ngươi sẽ đem mình đến đây mà nạp mạng.
Võ Kiết cảm động thưa:
– Đội ơn quan lớn. Nếu được như vậy tôi sẽ nhất định sẽ giữ lời, mùa thu năm sau quyết tới đây chịu tội, tuyệt không thất hẹn!
Táng Nghi Sinh đến yết kiến Văn Vương, tâu rõ mọi điều. Văn Vương y tấu cho Võ Kiết về xứ.
Võ Kiết ra khỏi ngục thất, vì nhớ mẹ nên không kể trời đất gì nữa, ôm đầu chạy một mạch về đến nhà, mồ hôi thấm rách áo mình mẩy đầy cát bụi.
Bà mẹ Võ Kiết đứng tựa lưng trước cổng trông con, thấy Võ Kiết chạy về liền hỏi:
– Con đi đâu bỏ mẹ mấy ngày trời? Mẹ tưởng con bị cướp bắt hay hùm xé xác trong rừng sâu rồi, đau buồn quá sức.
Võ Kiết thưa:
– Con rủi ro lắm mẹ ơi!
Võ Kiết vừa nói vừa ôm chân mẹ khóc sướt mướt. Bà Mẹ vuốt tóc con, hỏi:
– Chuyện gì nói cho mẹ hay?
Võ Kiết nói:
– Hôm kia con gánh củi xuống thành Tây bán, chẳng ngờ gặp lúc xa giá nhà vua đi qua Linh Đài. Bọn quân canh dẹp đường cho thánh giá đi, đang lúc lúng túng, con trở vai quay gánh củi để tránh đường, chẳng ngờ đụng nhằm mang tai một tên lính chết tươi. Vua bèn lệnh bắt con cầm ngục…
Bà mẹ nghe nói đến đây, thất kinh hỏi:
– Theo luật pháp, giết người phải đền mạng. Con làm sao trở về đây với mẹ được?
Võ Kiết thưa:
– Lúc con đang bị giam ngục, con nhớ mẹ quá sức, sợ mẹ trông chờ, sợ không người nuôi dưỡng, nên khóc mãi. May nhờ có quan Ðại Phu Táng Nghi Sinh thương tình tâu với vua cho phép con về nhà một năm để lo gạo, sắm áo quần, vật dụng cho mẹ đủ dùng, mùa thu sang năm con sẽ đến nạp mình chịu tội.
Nói đến đây Võ Kiết khóc òa. Bà mẹ ôm con than:
– Suốt đời con chưa làm việc hung dữ, thờ mẹ rất có hiếu, sao trời đất lại xui khiến gặp chuyện tai ương như vậy!
Võ Kiết nói:
– Chắc con bị lão già câu cá ở Bàn Khê độc miệng rủa con nên con mới bị rủi ro như vậy?
Bà lão nói:
– Ông già câu cá rủa thế nào?
Võ Kiết liền kể lại câu chuyện gặp gỡ Tử Nha, và nói:
– Lão nói mặt con đỏ bầm, hai con mắt tròng xanh tròng đỏ, thế nào cũng đụng chết người, bị bắt bồi thường nhân mạng. Lão độc miệng rủa con nên con mới đến nông nỗi này, nay con phải tìm lão đánh một trận cho bõ ghét, tránh để lão ta vì độc miệng mà gieo thêm tai vạ cho thiên hạ.
Bà lão nói:
– Con đừng trách người ta như vậy, theo lời con nói, mẹ đoán chắc ông già ấy có tài xem tướng rất hay, con nên đến đó cầu khẩn ông ta may ra có cách cứu được.
Võ Kiết tuân lời mẹ, lạy tạ mẫu thân rồi lập tức tìm đến Bàn Khê. Tới nơi thấy Khương Thượng đang ngồi câu trên bàn thạch, bèn chạy đến kêu lớn:
– Khương lão gia ơi!
Tử Nha nghe gọi ngoảnh lại thấy Võ Kiết liền hỏi:
– Ngươi phải gã tiều phu hôm trước chăng?
Võ Kiết nói:
– Ðúng rồi, Khương lão gia còn nhớ tôi sao?
– Hôm trước ngươi có đụng người ta chết hay không?
Võ Kiết nói:
– Lão gia quả thật thánh thần, có con mắt nhìn thấu đáo.
Tử Nha hỏi:
– Ngươi làm chết người sao về được nơi đây?
Võ Kiết một lần kể hết lại sự tình cho Tử Nha nghe và nói:
Xin lão gia ra ân cứu mạng tôi với, ơn ấy mẹ con tôi ngàn thuở không quên.
Tử Nha nói:
– Người có số mạng. Ngươi làm chết người phải đền tội. Ta làm sao cải số trời cho được?
Võ Kiết khóc lóc, năn nỉ mãi:
– Lão gia đã có lòng nhân xin tìm cách cứu mẹ con tôi trong cơn tai nạn, dẫu đến đầu bạc răng long tôi vẫn không quên được.
Tử Nha thấy Võ Kiết lắm lời năn nỉ, lại thương người có hiếu nên bảo:
– Nếu muốn ta cứu mạng, ngươi phải gọi ta bằng sư phụ mới được.
Võ Kiết mừng rỡ lật đật sụp lạy thưa:
– Xin sư phụ ra ơn làm phước, đệ tử không bao giờ đổi lòng.
Tử Nha nói:
– Ngươi đã dốc lòng nhận ta làm sư phụ, tất nhiên ta phải ra sức cứu ngươi. Vậy ngươi về nhà đào một cái hầm dưới gầm giường, bề sâu bốn thước, tối đến ngươi nằm dưới hầm ấy mà ngủ, dặn bà lão thắp một ngọn đèn chong dưới chân, một ngọn chong trên đầu, hốt ba nắm gạo trắng rắc lên mình, ủ một mớ cỏ xanh trên miệng huyệt. Ta ở nơi đây sẽ làm phép để ngươi nằm dưới huyệt mà ngủ. Sáng ngày ngươi lại leo lên, cứ việc vác rìu vào núi đốn củi như thường, như vậy sẽ bình yên vô sự, không cần phải nạp mạng.
Võ Kiết sụp lạy tạ ơn sư phụ rồi lập tức chạy về nhà.
Có bài thơ khen Tử Nha rằng:
“Tây Bá nói tuy thật
Tử Nha ếm cũng mầu
Nếu không bày phép nhiệm
Sao đặng đến sân chầu?
Cứu một người tên Kiết
Yên trăm họ nước Châu
Chẳng ra tài Vương Bá
Sao rõ mặt Công Hầu”.
Lời bàn:
Giới tu luyện xưa nay thường giảng về chữ Duyên, lại có câu: ‘Hữu duyên xa mấy cũng gần; Vô duyên ngày gặp mấy lần cũng xa’. Cuộc gặp gỡ giữa Tử Nha và Võ Kiết chính là cái duyên thầy trò. Trong duyên lại có cớ cho nên mới có từ: Duyên cớ. Việc Võ Kiết gặp nạn vừa là cái cớ để anh chàng tiều phu này nhận Tử Nha làm sư phụ, vừa là cái cớ để tạo nên mối quan hệ nhân duyên chủ – tớ với Văn Vương. Bởi vậy mọi việc xảy ra đều có nguyên do, tuyệt đối không phải là vô duyên vô cớ.
Võ Kiết phạm tội ngộ sát mà Văn Vương chỉ truyền: ‘Vẽ một vòng tròn dưới đất làm trại giam, dựng một cái cây trước cửa Nam làm quân canh, bắt Võ Kiết đứng trong vòng tròn đó’. Ấy thế mà Võ Kiết cũng không hề nghĩ đến chuyện bỏ trốn. Mới hay bậc Bá vương Thiên tử trị quốc xưa kia rất tin tưởng con dân bách tính, con dân bách tính cũng hết mực tôn kính Thiên tử, việc này cũng cho thấy tâm tính và đạo đức mới là phương tiện quyền năng nhất để ước thúc lòng người và duy trì trị an xã hội, chứ đâu phải là dựa vào pháp chế ngục tù, lính canh, gươm giáo…
Xưa nay người ta đã quen ‘Có mới nới cũ, sùng kim bài cổ’, lại coi những giá trị truyền thống xa xưa là lỗi thời lạc hậu mà đâu có hay xã hội càng thuần phác đạo đức mới càng dễ có cơ hội để hồi thăng. Nhân tâm, sinh mệnh, và vạn sự vạn vật cũng nhờ thế mà an định. Lại nhớ Phật gia có giảng rằng xưa kia Trương Quả Lão trong “Bát Tiên” cưỡi lừa ngược, vì ông phát hiện ra con người ta càng tiến lên lại chính là càng thụt lùi, xem ra cũng thật là có đạo lý.
Vì sao Tử Nha nói với Võ Kiết: “Nếu muốn ta cứu mạng, ngươi phải gọi ta bằng sư phụ mới được” – Bởi trong giới tu luyện Chính pháp môn thuộc Phật gia và Đạo gia xưa nay đều có giảng: Không thể tùy ý thay đổi vận số của một người, bởi làm như vậy là trái với Thiên ý, trừ khi người này xuất tâm tu luyện. Khương Thượng đạo nhân muốn cứu tiều phu Võ Kiết thì chỉ có thể bằng cách nhận người này làm đệ tử mà dìu dắt anh ta đi trên con đường tu luyện mới mong giúp được đệ tử của mình chuyển dữ hóa lành, biến nguy thành an. Con người ngày nay gặp chuyện tốt, chuyện xấu gì cũng đều dùng nhân tâm mà cầu xin Thần Phật, những mong chiếm được ưu thế về danh-lợi-tình hơn hẳn người khác, hỏi làm thế có được không? Điều này chỉ cần trầm tĩnh, thanh tỉnh mà suy xét qua là thấu tỏ.
Vận số của thầy trò Tử Nha, Võ Kiết sẽ ra sao? Tình tiết tiếp theo của câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào? Kính mời quý độc giả đón xem hồi sau sẽ rõ.
Đường Phong