Dẫu là một giọt nước, dẫu là một hạt gạo, thì những thứ lãng phí tích tụ lâu ngày sẽ nhiều dần lên, sẽ tiêu giảm một phần phúc báo của bạn và con cái mình. Thứ mất đi sẽ phải hoàn trả, khi con người đến tuổi xế chiều không bệnh nọ tật kia thì cũng nghèo túng. Đây gọi là tiêu giảm phúc báo. Nếu lãng phí một cách nghiêm trọng, họ thậm chí còn bị tiêu giảm cả thọ mệnh.
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!”
Có câu nói rất hay rằng: Lãng phí là tội ác rất lớn. Trong những năm tháng vật chất thiếu thốn, mọi người thường nhắc nhau câu này. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội và cuộc sống vật chất được nâng cao, câu nói nổi tiếng chí lý này cũng dần nhạt nhoà trong ký ức mọi người. Trong xã hội ngày nay, hiện tượng lãng phí này nơi nào cũng có, đặc biệt là thức ăn và nước uống.
Không phải ai cũng có cơm ăn ngày ba bữa…
Trong các gia đình, thức ăn thừa thường bị đổ đi không chút thương tiếc. Trong các nhà hàng, khách sạn, rất nhiều đồ ăn thượng hạng chưa hề động đũa cũng bị trút hết vào thùng rác. Đặc biệt là khi mọi người ăn uống bằng “tiền chùa”, thì cảnh tượng một lượng lớn đồ ăn thừa bị lãng phí lại càng phổ biến.
Những người trẻ ngày nay rất khó có thể hiểu được những gian khổ và sự cần kiệm trong cuộc sống của thế hệ trước. Những người sống sung túc giàu có rất khó hiểu với hai chữ “lãng phí” này. Họ cho rằng cuộc sống của mình đã tốt lên thì lãng phí một chút đồ ăn cũng chẳng hề gì.
Nhưng lãng phí đồ ăn là hành vi vô trách nhiệm với xã hội và bản thân, còn khiến tiêu giảm phúc báo hữu hạn của mình. Lương thực do nông dân vất vả một nắng hai sương làm ra: “Cày đồng đang buổi ban trưa, mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Những vần thơ này chúng ta nghe cũng đã quen tai, hầu như từ nhỏ ai ai cũng thuộc làu làu. Nó miêu tả bức tranh người nông dân đầu đội cả trời nắng to, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, miệt mài cày ruộng vỡ đất. Nó giúp chúng ta hiểu được đạo lý về nỗi vất vả, truân chuyên của người nông dân.
Trên thế gian này không phải ai cũng có cơm ăn ngày ba bữa. Tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng mang tính quốc tế vẫn không có được những chuyển biến căn bản trong suốt một thời gian dài. Do vậy, lãng phí lương thực là một hành vi vô sỉ.
Ngoài ra, tiết kiệm cũng là một nét đẹp trong đạo đức truyền thống của dân tộc ta. Cổ nhân có câu: “Thấy một hạt cơm, một thìa cháo cũng nên nghĩ rằng có được nó không hề đơn giản. Thấy từng sợi chỉ, từng manh áo cũng nên nghĩ rằng có được nó thật gian nan”. Từ cổ chí kim, dân tộc ta đều ca ngợi cuộc sống cần kiệm. Mặc dù ngày nay cuộc sống đã tốt hơn, nhưng nét đẹp đạo đức này cũng không thể để mất.
Lãng phí là một hành vi bần tiện. Sự cao quý của một người không nằm ở của cải của họ, mà thể hiện trong hành vi cao thượng của họ. Trên thế giới cũng có không ít người giàu có nhưng họ sống rất tiết kiệm, không hề lãng phí. Họ nói rằng: Phải biết trân quý thức ăn mà Thượng đế ban cho, chúng ta phải biết ơn Ngài. Đừng đổ bỏ dẫu chỉ là một hạt gạo, đừng lãng phí dẫu chỉ là một giọt nước.
Xét từ góc độ Phật Pháp, lãng phí là hành vi tiêu giảm phúc báo, gieo mầm ác cho bản thân
Trong cuộc sống hiện thực có rất nhiều người không hề biết trân quý một cái bánh bao, một bát cơm, một tờ giấy hay một ly nước. Họ cho rằng bỏ đi một chút thức ăn, nước uống cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thôi. Nhưng, hôm nay chúng ta lãng phí một chút, ngày mai lại lãng phí một chút, cả một đời tích cóp lại sẽ là một con số không nhỏ.
Người lãng phí nghiêm trọng thì kiếp sau chắc chắn sẽ ăn chẳng no hoặc đầu thai làm ngạ quỷ, chịu quả báo bị bỏ đói bỏ khát. Có người vì muốn thể hiện ta đây giàu có, mà tuỳ tiện tiêu pha, kiếp sau chắc chắn họ sẽ là một người nghèo khó. Nhìn thấy cảnh mọi người lãng phí, tôi quả thực sốt ruột lo lắng thay cho những người không hiểu luật nhân quả này.
Con người sống trên đời, nếu hàng ngày đều lãng phí những thứ mình có, thì dẫu chỉ là một hạt gạo cũng đã bị cắt giảm một chút phúc thọ của bản thân. Cả đời một con người có thể “ăn” bao nhiêu, có thể “dùng” bao nhiêu cũng đều có định số, không phải là chúng ta có tiền thì có thể chi tiêu tuỳ tiện, hoang phí. Con người hễ khởi tâm động niệm đều sẽ có nhân quả, huống hồ là việc lãng phí?
Mọi người thường nói “Trên đầu ba tấc có Thần linh”. Hành vi và suy nghĩ hàng ngày của chúng ta đều được Thần linh ghi chép lại. Chúng ta nhất thiết không được tự cho mình thông minh mà không tin nhân quả. Những lời các vị đại đức thời xưa và Phật, Bồ Tát nói hết thảy đều là chân thực. Chúng ta cần cẩn thận lắng nghe và làm theo, không nên ngốc nghếch làm những chuyện như “kẻ điếc trộm chuông”.
Một lần nọ tôi và các bạn cùng đi ăn cơm. Một người bạn của chúng tôi mới từ nước ngoài về. Có thể anh ấy muốn thể hiện sự giàu có của mình, nên đã gọi rất nhiều đồ ăn. Tôi gợi ý anh ấy nên gọi bớt đi một vài món, không nên lãng phí. Anh ấy nói: “Tôi có tiền nên không sợ giảm phúc”. Tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Người không biết trân quý phúc báo, đến khi bị trừng phạt thì hối hận cũng chẳng thể cứu vãn được gì.
Như đã nói ở trên, một đời người ăn được bao nhiêu hạt cơm cũng đều có định số cả rồi. Khi con người dần dần lãng phí số cơm mình được ăn trong một đời thì cũng sẽ có ngày họ ốm đau, bệnh tật chẳng thể nuốt trôi miếng cơm, thậm chí còn phải kết thúc sinh mệnh. Đây chính là sự trừng phạt do việc lãng phí đồ ăn gây nên. Dẫu là một giọt nước, dẫu là một hạt gạo, thì những thứ lãng phí tích tụ lâu ngày sẽ nhiều dần lên, sẽ tiêu giảm một phần phúc báo của bạn và con cái mình. Thứ mất đi sẽ phải hoàn trả, khi con người đến tuổi xế chiều không bệnh nọ tật kia thì cũng nghèo túng. Đây gọi là tiêu giảm phúc báo. Nếu lãng phí một cách nghiêm trọng, họ thậm chí còn bị tiêu giảm cả thọ mệnh.
Trong cuộc sống của chúng ta vẫn luôn có một hiện tượng rất đáng sợ, chính là ăn uống bằng tiền chùa. Kiểu ăn uống này thông thường sẽ khiến thức ăn thừa trên cả một bàn tiệc thịnh soạn bị đổ bỏ toàn bộ, vô cùng lãng phí. Như vậy, mỗi người tham gia ăn uống đều phải gánh chịu nghiệp quả lãng phí đồ ăn này. Thử nghĩ mà xem, sự lãng phí mà những người thường xuyên tham gia những bữa tiệc như vậy tích cóp lại chẳng đáng sợ lắm sao. Như vậy kiếp sau, số phận của họ sẽ thế nào, chúng ta có thể ngẫm mà thấy được.
Cổ nhân có câu: “Tĩnh để tu thân, kiệm để tu đức”. Tiết kiệm cũng là một kiểu phúc phận, không lãng phí cũng chính là đang tích đức cho bản thân.
Người thường lãng phí thì đức sẽ tiêu biến rất nhanh
Một người bạn của tôi lên thành phố lớn làm ăn, phát triển sự nghiệp. Chỉ trong năm năm, anh ấy đã làm ăn rất khấm khá. Ngay khi công ty đang lên như diều gặp gió thì đột nhiên anh lại bị phá sản. Nhìn vào thói quen sinh hoạt hàng ngày của người bạn này là có thể đoán được rằng anh ấy là người không có phúc.
Anh ấy không hiểu nhân quả báo ứng do lãng phí đồ ăn gây nên, và cũng không hiểu trân quý phúc báo là thứ gì. Cả nửa bát cơm ăn dở dẫu chưa ôi thiu anh cũng đổ hết đi mà không chút xót xa. Quần áo lót anh ấy giặt đi giặt lại bằng nước sạch tới cả chục lần. Tôi biết rằng thói quen này của anh thật không tốt chút nào, và cũng nhiều lần khuyên nhủ anh đừng nên lãng phí, nếu không sau này sẽ không kiếm được tiền nữa đâu. Phúc một người mà mỏng thì rất khó kiếm được tiền. Anh ấy không hiểu những gì tôi nói nên đáp lại rằng: “Không có tiền thì làm sao anh có thể lãng phí được!”. Anh ấy có lý lẽ riêng của mình.
Anh ấy mua một bộ vest đắt đỏ, mặc được một năm anh ấy không thích nữa bèn vứt vào thùng rác. Tôi hỏi: “Bộ vest đẹp thế này anh không mặc nữa, sao không cho người khác?”. Anh ấy nói rằng vứt đi thì tốt hơn, vứt bỏ đồ cũ tức là phủi đi vận rủi. Tôi không thể nào hiểu được cách sống của anh ấy. Hai năm nay sự nghiệp của anh ấy xuống dốc không phanh, theo tôi thấy anh ấy đang không ngừng làm tiêu giảm phúc báo của mình. Anh ấy thường tới tắm gội ở những trung tâm cao cấp, còn có cả các em út kề bên. Anh ấy cho rằng làm vậy là đang hưởng thụ cuộc sống. Tôi thấy anh ấy thật đáng thương, đã tiêu tán âm đức của mình mà còn tưởng mình rất giàu có. Quả là mê muội! Con người sống đến tuổi trung niên mà vẫn không biết tích phúc cho bản thân.
Vì sao trong chùa có những người tu hành chân chính khi ăn cơm không dám lãng phí dẫu chỉ là một hạt gạo. Sau khi ăn cơm xong, họ đều dùng giẻ lau sạch chiếc bát hoá duyên? Bởi vì họ nhận cúng dường của tín chủ mười phương, nên lãng phí một hạt gạo thì tội nghiệp chồng chất như núi. Hậu quả thật đáng sợ biết bao! Lẽ nào con người lãng phí ở nhà mình lại không phạm phải nhân quả hay sao? Kỳ thực họ cũng đều bị tiêu giảm phúc báo như nhau.
Lượng nước con người được sử dụng cả đời cũng đều có hạn mức
Tôi thường bắt gặp rất nhiều người mở vòi nước rất to, họ xối nước không ngừng. Quả thực tôi rất lo lắng cho họ. Dẫu không phải là nước của nhà mình tôi cũng thấy vô cùng trân quý. Họ không biết được rằng lượng nước con người được sử dụng trong một đời cũng có hạn mức. Mọi người thường không hiểu những đạo lý thâm sâu này, vì vô tri nên không biết sợ. Con người hễ về già không còn phúc báo thì bệnh tật, hoạn nạn sẽ nhiều. Hơn nữa quan nạn bệnh tật này còn không dễ vượt qua. Đây chính là sự trừng phạt theo luật nhân quả.
Chúng ta không nên tuỳ tiện lãng phí bất kỳ thứ gì trong cuộc sống. Chúng ta phải lấy mình làm gương mà giáo dục thế hệ trẻ biết cách trân quý từng giọt nước, từng hạt gạo. Đây chính là đạo lý tích đức cho bản thân và những người thân yêu của mình.
Theo Secretchina.com
Hiểu Mai biên dịch