Đại Kỷ Nguyên

Phán đoán phẩm hạnh của một gia đình, nhìn vào 3 điểm này là chuẩn nhất

Có những bậc cha mẹ chỉ nhất mực nuông chiều con cái, mà chẳng bao giờ thử nghĩ xem yêu con như vậy sẽ mang tới biết bao trở ngại cho cuộc đời của trẻ, sẽ khiến những năm tháng cuối đời của mình tăng thêm biết bao hiểm nguy.

Một gia đình có tầm nhìn nông cạn về cơ bản là không có tương lai, dẫu cho rất giàu có, họ cũng chẳng thể giàu quá 3 đời. Dẫu hiện tại rất bình yên, thì sự bình yên này chẳng qua cũng chỉ là cầu vồng sau cơn mưa mà thôi.

Cậu bé hai tay bóng nhẫy mân mê chiếc điện thoại của người lạ như chỗ không người

Lần nọ tôi tham dự một bữa tiệc, một bà mẹ đưa con mình cùng đi. Bữa cơm hôm đó tôi ăn không hề ngon miệng chút gì. Mọi người vừa ngồi ấm chỗ thì cậu bé đã hét lên: “Con muốn ăn cá, sao lại không để cá trước mặt con?”. Người mẹ vội vàng dỗ dành con mình: “Cái bàn này có thể xoay, đợi chút nữa nó sẽ xoay tới chỗ hai mẹ con mình”.

Nhưng đứa trẻ vẫn không chịu, cứ nằng nặc đòi mẹ phải ngay lập tức đặt đĩa cá trước mặt mình. Những người lớn xung quanh dĩ nhiên cũng không so đo với một đứa trẻ, đặc biệt là người ngồi trước đĩa cá. Cô vội vàng bê đĩa cá qua cho đứa trẻ. Mẹ cậu bé vừa nói cảm ơn vừa để đĩa cá xích lại phía trước cậu bé: “Được rồi, cá của con đây, đừng ồn ào nữa”.

Cậu bé yên lặng được 1 phút thì nhìn thấy chiếc điện thoại di động của cô gái trẻ ngồi bên cạnh. Chiếc điện thoại di dộng được bọc bởi một cái ốp lưng vô cùng đẹp mắt. Cậu bé chẳng buồn suy nghĩ, thò tay ra với lấy chiếc di động như đồ của mình.

Cô gái lặng người, muốn lấy lại, nhưng không tiện giành chiếc di động với đứa trẻ, dẫu rằng đó là điện thoại của mình. Cô chỉ biết nhìn chiếc điện thoại xinh đẹp của mình không chớp mắt đang trườn trong đôi tay bóng nhẫy của cậu bé. Dường như có thể thấy ngọn lửa đang sôi ùng ục trong ánh mắt cô.

Người phụ nữ liếc nhìn mẹ cậu bé, hy vọng cô ấy có thể mở miệng bảo con mình trả lại chiếc đi động. Nhưng người mẹ có lẽ đã quen hoặc phản ứng quá chậm chạp, như nhìn mà không thấy. Cô gái trẻ đành phải thương lượng với cậu bé, nói: “Cháu muốn ăn gì, dì gắp cho cháu nhé”. Cậu bé cũng chẳng buồn ngẩng đầu lên nhìn, đáp lại: “Cháu muốn chơi điện tử, sao lại không mở ra được?”.

Cha mẹ nuông chiều con cái quá sẽ khiến đứa trẻ trở nên ích kỉ (Ảnh minh họa: Popsugar)

Cô gái nói: “Dì không cài mật mã, trong di động cũng không có trò chơi đâu”. Nhưng cậu bé vẫn bấm bấm liên hồi vào chiếc di động của cô. Hơi bực mình, cô gái giựt lấy chiếc điện thoại. Thế là cậu bé khóc ầm lên. Lúc này mẹ cậu bé cũng có phản ứng.

Trước tiên cô nhìn “kẻ tội đồ” đã làm con mình khóc, sau đó đưa chiếc di động của mình cho con, dỗ dàng: “Bảo bối của mẹ, đừng khóc nữa. Điện thoại của mẹ tốt hơn. Dì không cho mẹ con mình chơi, thì mình không chơi nữa, chơi di động của mẹ được không?”. Cô gái trẻ chỉ biết cười ngượng nghịu, bữa tiệc chưa tàn cô đã xin cáo lui. Nếu tôi không may ngồi cạnh đứa trẻ đó, chắc tôi cũng phải kiếm cớ chuồn cho lẹ.

Cậu bé ngỗ ngược trên bàn tiệc và sự im lặng kỳ lạ của các bậc làm cha làm mẹ

Một lần khác, tôi và chồng đi dự tiệc. Cũng ngay trên mâm cơm, con một người họ hàng liên miệng văng tục, nói năng không có trên có dưới, cũng chẳng để ý đến vệ sinh, khiến cả mâm chẳng ai nuốt nổi. Điều bất lực hơn là cha mẹ của cậu bé như không nhìn thấy chuyện gì bất thường.

Dẫu cậu bé trách mắng bề trên, mắng mỏ cả cha mẹ mình, họ cũng ngồi yên bất động. Chồng tôi không thể chịu đựng được trước sự ngỗ ngược, bất lịch sự này của cậu bé, định mở miệng dạy dỗ vài câu. Tôi nhanh chân đá vào chân anh, ra hiệu anh hãy yên lặng.

Chồng tôi đành phải nuốt “cục tức” vào trong. Một lúc sau cậu bé lại có những hành vi thái quá hơn, chồng tôi quả thực không thể tiếp tục nhẫn nại, định mở lời. Tôi phải liếc xéo ra hiệu cho anh đừng quản chuyện nhà người ta. Cuối cùng anh nuốt vội vàng vài miếng rồi rời khỏi bữa tiệc. Tôi cũng viện cớ đã ăn no, chạy ra ngoài tìm anh.

Cha mẹ đôi khi trở nên bất lực với những đứa con ngỗ ngược (Ảnh: Madame MAPO) 

Tôi vừa xuất hiện trước mặt thì anh đã tỏ vẻ không vui hỏi tôi: “Em vừa đá chân anh, vừa liếc xéo anh rốt cuộc là em định làm gì?”. Tôi nói: “Em không định làm gì cả, em chỉ hy vọng anh đừng rước thêm bực mình vào thân thôi. Anh nghĩ là anh mở miệng dạy dỗ con nhà người ta thì cha mẹ nó sẽ cảm thấy anh có ý tốt mà cảm ơn anh sao? Họ sẽ chỉ cảm thấy anh nhiều chuyện, khiến con họ mất mặt thôi. Dẫu vì nể nang mà không đôi co với anh lúc đó, nhưng trong tâm họ chắc chắn sẽ oán hận anh”.

Chồng tôi nhìn tôi chằm chằm như chợt hiểu ra điều gì đó. Tôi nhanh chóng tiếp lời: “Nếu họ đã phân biệt được tốt xấu thì đã không giáo dục con mình như vậy. Trong mắt chúng ta đứa trẻ đó rất không có giáo dưỡng, nhưng trong mắt cha mẹ chúng, họ vẫn cảm thấy con mình rất tốt đẹp! Dẫu biết rằng con mình rất không tốt họ cũng không muốn thừa nhận. Trên đời này, chuyện khó khăn nhất đại khái chính là buộc cha mẹ phải thừa nhận mình thất bại trong việc giáo dục con cái. Dẫu con mình ngồi tù thì họ cũng không chấp nhận điều này”.

Chồng tôi nghĩ ngợi một lát, đành thừa nhận những điều tôi nói.

Tôi xưa nay không hề tham gia vào việc làm thế nào để giáo dục con cái của người khác, nhưng tôi cũng không muốn qua lại gần gũi với những gia đình giáo dục con cái rất tệ như vậy.

Nhiều người cho rằng, giáo dục trẻ không tốt chỉ là vấn đề giáo dục mà thôi, chuyện bé xé ra to làm gì? Nhưng kỳ thực tình trạng này có thể phản ánh vấn đề một cách vô cùng toàn diện. Trong một gia đình, nếu con không có lễ phép, không có giáo dưỡng thì chí ít sẽ phản ánh những điều dưới đây:

Cha mẹ tốt luôn biết cách giáo dục trẻ (Ảnh minh họa: Elle)

1. Thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan của gia đình này không đúng đắn

Đúng vậy, đó là sự lệch lạc trong quan niệm về nhân sinh quan, giá trị quan của toàn bộ gia đình này. Có người có thể nói rằng có lẽ chỉ là một trong hai người trong gia đình như vậy thôi. Ví như ông nội hay bà nội quá nuông chiều, nhưng cha mẹ vẫn tốt thì sao? Cách tháo gỡ này có thể được nhiều người đồng tình ủng hộ, nhưng kỳ thực không phải vậy.

Trong một gia đình không thể có chuyện mọi người đều cao như nhau, người cao người thấp cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu người làm chủ gia đình ấy có quan niệm đúng đắn, có hiểu biết thông thường sẽ không đến nỗi nào. Bởi lẽ người có quan niệm không chính làm chủ gia đình, thì gia đình đó ắt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.

Còn người có quan niệm đúng đắn lại để người có quan niệm không chính làm chủ thì bản thân điều này cũng là một sự vô bất lực, cũng là một hình thức khác của quan niệm không đúng đắn.

2. Gia đình này vô cùng tự tư tự lợi, hiếm có lòng biết ơn

Một đứa trẻ không có giáo dục sẽ mang đến rất nhiều phiền phức cho xã hội và người khác. Nhưng cha mẹ hoặc những bậc trưởng bối còn chút công đức thì chắc chắn sẽ không nuôi dưỡng thế hệ sau của mình thành người như vậy. Chỉ cần nhìn thấy con mình gây phiền toái cho người khác trong tâm họ sẽ thấy không yên, sẽ thấy ngại ngùng. Một gia đình có nề nếp tuyệt đối sẽ không cho phép con cái mình gây phiền phức cho người khác.

Còn những gia đình sinh ra những đứa trẻ không có giáo dưỡng thì ắt có những đặc trưng này: Cảm thấy mọi người trên thế giới dường như đều đang xoay quanh bản thân mình. Vậy nên họ rất kiêu ngạo. Khi hành vi của người nhà mình ảnh hưởng đến người khác họ không những không cảm thấy xấu hổ, mà còn cảm thấy người khác không đủ khoan dung và yêu cầu quá cao. Qua lại với những gia đình như vậy thì chẳng thể mong chờ họ sẽ đối đãi với bạn một cách công bằng, khách quan.

Gia đình là môi trường đầu tiên trẻ tiếp xúc và được dưỡng thành (Ảnh: eva.vn)

3. Gia đình này có tầm nhìn nông cạn

Trước kia khi thấy các gia đình giáo dục con cái mình thành những người khiến ai gặp cũng phải ghét bỏ, tôi vẫn luôn cảm thấy rất kỳ quặc. Dạy dỗ con mình thành những đứa trẻ đến đâu cũng khiến người ta chán ghét vừa hại mình vừa hại người. Đứng ở một phương diện nào đó bị người khác ghét bỏ, là biểu hiện của trí thông minh cảm xúc thấp. Nếu một người có trí tuệ cảm xúc thấp thì con đường đời của họ sẽ gặp rất nhiều trắc trở. Điều này rất dễ thấy.

Hơn nữa, những bậc cha mẹ nuôi này cũng không được chào đón. Người khác không nói ra không có nghĩa là trong tâm họ không suy nghĩ. Thậm chí rất nhiều người vì vấn đề này mà mất đi mối làm ăn, mất đi cơ hội trong đời. Bởi lẽ người ta cho rằng: Bạn giáo dục con tệ như vậy thì những việc khác lại có thể làm tốt được sao? Sau này tôi mới dần hiểu ra rằng các bậc phụ huynh đã không nghĩ tới điểm này. Nếu không thì căn bản họ đã không để xảy ra kết quả như vậy.

Có những bậc cha mẹ chỉ nhất mực nuông chiều con cái, mà chẳng bao giờ thử nghĩ xem yêu con như vậy sẽ mang tới biết bao trở ngại cho cuộc đời của trẻ, sẽ khiến những năm tháng cuối đời của mình tăng thêm biết bao hiểm nguy. Một gia đình có tầm nhìn nông cạn về cơ bản là không có tương lai, dẫu cho rất giàu có, họ cũng chẳng thể giàu quá 3 đời. Dẫu hiện tại rất bình yên, thì sự bình yên này chẳng qua cũng chỉ là cầu vồng sau cơn mưa mà thôi.

Sợi dây vô hình kết nối gia đình và xã hội chính là những đạo lý làm người. Khi nuôi dạy con mình thành những người chân thành, lương thiện, nhẫn nại, luôn biết lo nghĩ tới người khác mới là phúc phận mà cha mẹ để lại cho con cháu. 

Theo Soundofhope
Hiểu Mai biên dịch

Exit mobile version