Đại Kỷ Nguyên

Phải sống cùng sói hoặc sư tử, cuối cùng bầy cừu đã lựa chọn ra sao?

Bầy cừu phải chọn sống chung với một loại thiên địch của mình, chúng có hai lựa chọn: Sống chung với sói hay sống chung với sư tử? Và kết quả thực sự khiến chúng ta phải suy ngẫm. 

Trên một vùng thảo nguyên có hai bầy cừu, Thượng đế đã an bài một bầy sống ở phía Nam, một bầy sống ở phía Bắc. Thượng đế còn cho hai bầy cừu tự tìm kiếm hai loại kẻ thù tự nhiên (thiên địch), một là sư tử, một nữa là sói.

Thượng đế nói với bầy cừu rằng: “Nếu như các ngươi chọn sói thì ta sẽ cấp cho các ngươi một con và nó có thể tùy ý cắn giết các ngươi. Còn nếu như các ngươi chọn sư tử thì sẽ cấp cho các ngươi hai con, các ngươi có quyền lựa chọn sống cùng một con trong chúng và tùy thời điểm mà hoán đổi”. 

Nếu như là bạn, thì bạn sẽ chọn sói hay chọn sư tử? Rất dễ dàng để lựa chọn phải không nào? Lựa chọn xong rồi, bạn hãy nhớ kỹ lựa chọn của mình và theo dõi tiếp để biết lựa chọn của bầy cừu. 

Bầy cừu ở phía Nam nghĩ rằng, sư tử thì hung mãnh hơn sói rất nhiều, hay là chúng ta chọn sói đi! Thế là, chúng chọn một con sói. 

Bầy cừu ở phía Bắc nghĩ rằng, mặc dù sư tử hung mãnh hơn sói rất nhiều, nhưng chúng ta lại có quyền hoán đổi một trong hai con sư tử nên chúng ta chọn sư tử đi! Thế là chúng chọn hai con sư tử.

Ở phía Nam, sau khi sói tiến vào bầy cừu, nó liền bắt đầu ăn thịt chúng.

Thân thể sói nhỏ, sức ăn cũng nhỏ, cho nên một con cừu cũng đủ cho nó ăn mấy ngày. Và như thế, bầy cừu vài ngày mới bị truy đuổi một lần.

Đàn cừu phía Nam đã quyết định chọn sói do thân thể sói nhỏ, sức ăn cũng nhỏ, cho nên một con cừu cũng đủ cho nó ăn mấy ngày. (Ảnh: americanliterature)

Bầy cừu ở phía Bắc chọn một con sư tử, con sư tử còn lại được lưu lại ở nơi của Thượng đế. Sư tử sau khi tiến vào bầy cừu, nó cũng bắt đầu ăn chúng. Sư tử không những hung mãnh hơn sói, mà sức ăn của nó cũng kinh người. Mỗi ngày nó đều phải ăn một con cừu. Như vậy, bầy cừu ngày ngày bị truy sát nên cũng vô cùng hoảng loạn.

Bầy cừu phía Bắc đã vội vã xin Thượng đế đổi con sư tử kia. Nhưng thật không ngờ rằng, con sư tử kia khi lưu lại chỗ Thượng đế đã không hề được ăn gì, đói khát không chịu được, nên đã nhào vào bầy cừu mà cắn giết còn điên cuồng hơn con lúc trước.

Bầy cừu phía Bắc suốt ngày chỉ lo trốn chạy để khỏi chết, ngay cả cỏ cũng không kịp ăn.

Bầy cừu phía Nam may mắn khi đã lựa chọn đúng kẻ thù thiên địch, lại cười nhạo bầy cừu phía Bắc không có con mắt tinh tường khi lựa chọn.

Bầy cừu phía Bắc thấy hối hận vô cùng và thống thiết kể khổ với Thượng đế, cầu mong được thay đổi thiên địch – đổi thành sói.

Thượng đế nói: “Một khi đã lựa chọn thiên địch rồi thì không thể thay đổi được, nhiều đời sau cũng phải tuân theo, các ngươi chỉ có quyền lợi duy nhất là ở cùng hai con sư tử đã lựa chọn đó mà thôi”.

Bầy cừu phương Bắc đành phải không ngừng hoán đổi chung sống với hai con sư tử.

Nhưng hai con sư tử đều hung tàn như nhau, hoán đổi con nào thì cũng bị thê thảm hơn bầy cừu phương Nam rất nhiều. Chúng dứt khoát không hoán đổi nữa, khiến cho một con ăn đến béo mập, cơ thể cường tráng, con còn lại thì bị đói bụng đến gầy còm.

Khi con sư tử gầy đói kia sắp chết, bầy cừu liền lên Thượng đế xin đổi sang ở cùng với nó.

Con sư tử gầy trải qua thời gian dài đói khát dần dần hiểu ra một đạo lý: dù cho là kẻ mạnh thế nào cũng không thể chiến thắng số mệnh. (Ảnh: wikipedia.org)

Con sư tử gầy trải qua thời gian dài đói khát dần dần hiểu ra một đạo lý: Bản thân tuy hung mãnh phi thường, 100 con cừu cũng không là đối thủ, nhưng vận mệnh của nó là nằm trong tay bầy cừu điều khiển. Bầy cừu bất cứ lúc nào cũng có thể đưa nó trở về chỗ Thượng đế, cho nó chịu đủ sự dày vò, hành hạ của đói khát, thậm chí có thể bị chết đói.

Sau khi nghĩ thông suốt đạo lý đó, con sư tử gầy gò đối xử với bầy cừu rất khiêm nhường, nó chỉ ăn con cừu chết hoặc con cừu bị bệnh, mà không ăn con cừu khỏe mạnh nào nữa.

Bầy cừu mừng rỡ, có mấy con cừu nhỏ muốn đề nghị ở cố định với con sư tử gầy, không muốn con sư tử mập kia nữa.

Một cừu già liền nhắc nhở: “Con sư tử gầy này là sợ chúng ta trả nó lại nơi Thượng đế để nó chịu đói chịu khát nên mới đối tốt với chúng ta như thế. Nhưng ngộ nhỡ con sử tử mập kia chẳng may chết đói thì chúng ta sẽ không có sự lựa chọn nào nữa, vì con sư tử gầy này sẽ rất nhanh chóng khôi phục lại bản tính hung tàn của nó”. 

Bầy cừu cảm thấy con cừu già nói rất có lý, vì không muốn cho con sư tử mập kia chết đói, chúng vội vàng đổi nó về sống cùng.

Con sư tử béo tốt trước kia bây giờ cũng đã đói bụng đến nỗi chỉ còn lại da bọc xương, hơn nữa cũng hiểu được đạo lý rằng số mệnh của mình là nằm trong sự điều khiển của bầy cừu. Để có thể sống trên thảo nguyên lâu hơn nữa, nó lại tìm mọi cách để nịnh nọt bầy cừu. Còn con sư tử bị trả về nơi Thượng đế kia khổ sở đến chảy nước mắt.

Bầy cừu phía Bắc sau khi đã trải qua trùng trùng điệp điệp những trắc trở, cuối cùng chúng đã vượt qua và sinh sống tự do tự tại.

Tình cảnh của bầy cừu phía Nam thì càng ngày càng bi thảm, con sói kia vì không có đối thủ cạnh tranh, bầy cừu lại không có cách gì thay thế nó, nó lại được thể làm xằng làm bậy. Mỗi ngày đều muốn cắn chết mấy chục con cừu, con sói từ sớm đã không thèm ăn thịt cừu nữa, nó chỉ uống máu của cừu, còn không cho phép con cừu nào được kêu. Con cừu nào mà kêu thì sẽ bị nó cắn chết ngay lập tức.

Bầy cừu phía Nam lúc này chỉ có thể than thở trong lòng: “Sớm biết như thế này, chi bằng lựa chọn hai con sư tử còn hơn!“

Bầy cừu phía Nam lúc này chỉ có thể than thở trong lòng và chấp nhận số mệnh của mình sống chung với con sói. (Ảnh: jofogas.hu)

Đại Kỷ Nguyên bàn:

Câu chuyện nhỏ nhưng mang lại cho chúng ta thật nhiều bài học sâu sắc.

Bạn muốn được sống một cuộc đời vui vẻ thoải mái, thì ngoài khả năng mạnh yếu bên ngoài, còn cần tự mình “nắm giữ quyền quyết định”. Cuộc đời mỗi người đôi khi phải đứng trước nhiều sự lựa chọn, vì vậy chúng ta phải chọn phương án giúp nắm chắc vận mệnh của mình. Cuộc sống có thể vui vẻ, khổ đau nhưng hãy để tự mình quyết định mang đến những điều chúng ta khao khát.

Nếu không nắm trong tay quyền quyết định, thì dù bạn có mạnh đến đâu cũng không thắng được số phận. Bầy cừu phương Nam chọn sói vì nghĩ nó bớt hung hãn hơn, và với sức ăn của sói chúng ngỡ rằng mình sẽ không bị ăn thịt nhanh chóng. Thế nhưng, quyền làm chủ thuộc về sói nên bầy cừu phương Nam phải chịu một kết cục thương tâm. Tương tự, hai chú sư tử tưởng mạnh mẽ, dữ dằn, có thể điều khiển được bầy cừu phương Bắc, nhưng cuối cùng, khi nhận ra nó không điều khiển được số phận của mình, nó đã phải nhượng bộ.  

Có nhiều người nghĩ mình tài giỏi, và chỉ cần có sức mạnh là có thể làm được mọi thứ, nhưng khi quyền quyết định không nằm ở bạn, thì mọi “vật ngoại thân” ấy đều không có nghĩa lý gì.

Khi đối diện với kẻ địch rất mạnh, trí tuệ luôn là vũ khí sắc bén để vượt qua những nghịch cảnh tưởng như khó vượt qua nhất. Bầy cừu phương Bắc khi lâm vào đường cùng chúng đã tìm được con đường sống cho mình. Giống như chiến thuật “Đưa vào nơi mất để mà còn, rơi vào chỗ chết để mà sống” trong “Binh pháp Tôn Tử”, bầy cừu đã chọn 2 con sư tử rất hung dữ, như đặt mình vào chỗ chết vậy, nhưng chính đường cùng này đã mở ra ánh sáng và cuộc đời cho chúng.

Mọi quyết định đã xảy ra đều không thể lấy lại, con đường nào đã đi cũng không thể quay đầu. Bầy cừu phương Bắc khi thấy sự hung dữ của sư tử đã muốn cầu xin Thượng đế đổi thiên địch, thế nhưng, đó không phải là bài học mà Thượng đế muốn chúng hiểu ra. Ai cũng phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình, và phải vượt qua những rào cản sinh ra từ bản thân mới có thể tiếp tục tiến lên để đón nhận những điều tốt đẹp hơn.

Chân Tâm 

Exit mobile version