Đại Kỷ Nguyên

Những tướng lĩnh nổi danh đã thất bại tại Đại Việt (P.6): Mộc Thạnh mang nhục ở đất Nam

Bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh đã từng có phen chiến bại trên dải đất Đại Việt, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam…

Sau khi nhà Trần chiến thắng quân Mông Cổ một cách oanh liệt, nhà Hồ kế vị đã làm mất nước vào tay nhà Minh. Lần đầu tiên sau hơn 400 năm độc lập, nước ta một lần nữa phải trải qua 20 năm Bắc thuộc vô cùng đen tối và tủi nhục. 

Thế nhưng, vật cực tất phản, “nhật nguyệt hối rồi lại minh”, sau khoảng thời gian u ám nhất chính là ánh bình minh huy hoàng. Sự quật khởi của triều đại Hậu Lê của Lê Lợi đã viết nên những trang sử oai hùng nhất của dân tộc chúng ta.

Phần 6: Mộc Thạnh (1368-1439)

Danh gia vọng tộc gốc Hồi nổi tiếng của Trung Quốc từ thời Nguyên đến nay

Vân Nam Mộc gia trấn thủ Vân Nam suốt mấy trăm năm thời Minh là một trong những danh gia vọng tộc lớn của người Hán. Họ Mộc Vân Nam vốn gốc người Hồi, là dòng họ người Nạp Tây, làm thổ ti xứ này trải ba triều đại, với 22 thế hệ, tổng cộng là 470 năm bắt đầu từ nhà Nguyên. Dòng họ này được triều Nguyên phong làm Thổ ti, sau đó quy thuận nhà Minh, được Minh Thái Tổ ban cho họ Mộc của người Hán, trở thành họ chính thức và từ đó họ cũng học theo văn hóa Hán. Tuy chỉ là Thổ ti, nhưng uy thế và sự giàu sang của họ Mộc không kém gì các bậc vương công, và phủ đệ còn vượt xa các vương phủ về độ rộng lớn huy hoàng.

Sang đến triều Thanh, họ Mộc vẫn còn trung thành với hậu duệ nhà Minh nên bị phế bỏ tước vị, Mộc phủ cũng dần hoang phế. Tuy nhiên, dòng dõi Mộc gia vẫn còn có uy thế đến tận khi thành lập Trung Hoa Dân Quốc (1911).

Ngày nay, địa danh Mộc Phủ Vân Nam vẫn còn là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất, nằm trong số những vương phủ cổ xưa vừa được trùng tu khá nguyên vẹn.

Ngoài ra, nếu các bạn là “fan” hâm mộ của truyện kiếm hiệp Kim Dung thì chắc hẳn sẽ biết đến gia tộc họ Mộc này. Họ cũng góp một vài nhân vật trong tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký như tiểu quận chúa Mộc Kiếm Bình – sau này thành vợ của Vi Tiểu Bảo, và anh trai cô là Mộc Kiếm Thanh:

“Mao Thập Bát buông tiếng thở dài đáp:

Hễ là người từng trải giang hồ khi chạm trán với những nhân vật Mộc phủ Vân Nam tự nhiên phải tỏ lòng cung kính, đứng né bên đường nhường lối cho họ đi trước. Giả sử vừa rồi nếu họ có ý ra tay thật sự thì dù ta có muốn ngăn cản cũng không đủ bản lãnh”.

(Trích Lộc Đỉnh Ký, chương 8)

Địa danh Mộc Phủ Vân Nam được ví như Tử Cấm thành của phương nam. (Ảnh: flickr.com)

Con trai của Khai quốc công thần Kiềm Ninh vương Mộc Anh

Mộc Thạnh là con trai thứ hai của Kiềm Ninh vương Mộc Anh (1345-1392) – công thần khai quốc nhà Minh, nguyên gốc là người huyện Định Viễn, tỉnh An Huy.

Nhờ công lao chiến đấu và lòng trung thành, Mộc Anh được Minh Thái Tổ nhận làm con nuôi và ban cho họ Mộc là một họ của người Hán. Ông cũng là một trong số hiếm hoi các đại thần thoát khỏi cuộc thanh trừng thời Hồng Vũ. Năm 1381, Mộc Anh tham gia cuộc chinh phạt Vân Nam đánh đuổi tàn quân Nguyên và các lực lượng người Hồi theo nhà Nguyên còn cát cứ ở đây. Sau khi chinh phạt thắng lợi, Mộc Anh được triều đình nhà Minh cho cai trị Vân Nam. Con cháu Mộc Anh cũng được nối nghiệp này.

Mộc Thạnh tính cách giống cha, thích đọc sách và thận trọng trong lời ăn tiếng nói nên rất được Minh Thái Tổ quý mến. Mộc Thạnh tham gia vào quân đội, thăng dần lên Hậu quân đô đốc phủ thiêm sự, rồi Tả đô đốc, tước Tây Bình hầu (năm 1399), trấn giữ Vân Nam.

Đánh bại nhà Hồ, phong tước Kiềm quốc công

Cũng giống như Liễu Thăng, An Nam có lẽ là nơi “đất lành” để Mộc Thạnh lập đại công và thăng quan phát tài.

Năm 1400, Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần rồi nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, dâng biểu báo nhà Minh là nhà Trần không còn người nối dõi tông đường.

Năm 1403, Bùi Bá Kỳ – tì tướng của Trần Khát Chân – chạy sang tố cáo cha con Quý Ly giết vua, cướp nước, lại có Trần Thiêm Bình tự nhận là con cháu nhà Trần.

Tháng 4 năm 1406, Minh Thành Tổ sai sứ giả hộ tống Trần Thiêm Bình về nước để làm vua, bị Hồ Hán Thương sai người đón đường giết đi. Thành Tổ liền lấy ngay cớ ấy, sai Mộc Thạnh cùng Chu Năng đem quân tấn công nước Đại Ngu nhà Hồ.

Tháng 9 năm 1406, Chinh Di phó tướng quân Tây Bình hầu Mộc Thạnh đem quân từ đường Mông Tự (tên huyện, thuộc phủ Lâm An, nay là châu tự trị Hồng Hà thuộc tỉnh Vân Nam), Lâm An (tiếp giáp với ải Lê Hoa châu Quy Hóa nhà Hồ, nay là Lào Cai), tiến quân đánh quan ải Phú Lệnh (thuộc tỉnh Tuyên Quang), kéo thẳng đến sông Thao. Còn Chu Năng từ Quảng Tây tiến sang, nhưng ốm chết dọc đường nên Trương Phụ thay thế. Hai cánh quân này hợp nhau tại sông Bạch Hạc.

Tháng 12 năm 1406, quân Minh do Trương Phụ và Mộc Thạnh chỉ huy đánh phá được thành Đa Bang, nhân đà thắng thế xuôi dòng chiếm lấy Đông Đô.

Tháng 2 năm 1407, Mộc Thạnh đánh cho quân nhà Hồ thua to ở sông Mộc Hoàn. Quân nhà Hồ rút lui, giữ cửa biển Đại An. Tháng 6 cùng năm, quân Minh bắt được cha con Hồ Quý Ly.

Mộc Thạnh cùng Trương Phụ rút quân về nước; đến năm 1408 được phong là Kiềm quốc công, bổng lộc 3.000 thạch.

Sau khi đánh bại nhà Hồ, Mộc Thạnh được phong là Kiềm quốc công. (Ảnh minh họa: soha.vn)

Đại bại trận Bô Cô

Vừa mới thăng chức Kiềm quốc công thì ngay trong năm đó, Mộc Thạnh phải nếm quả đắng trên dải đất An Nam với chiến bại triệt để đầu tiên trong binh nghiệp. Đó là trận đại chiến Bô Cô với quân nhà Hậu Trần – Giản Định Đế và cha con Đặng Tất, Đặng Dung cùng tướng Nguyễn Cảnh Chân.

Bô Cô hay Bồ Cô là tên một bến đò thuộc xã Bồ Cô, nay thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Đại Việt sử ký toàn thư chép về trận đánh này như sau:

“Tháng 12, ngày 14, Quốc công Đặng Tất cả phá quân Minh tại Bồ Cô hãn. Bấy giờ nhà Minh sai Tổng binh Mộc Thạnh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh Di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bồ Cô, vừa khi vua Giản Định cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, sai các quân đóng cọc giữ và lên hai bên bờ đắp lũy. Thạnh cũng chia quân thủy, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh các quân thừa cơ xông đánh từ giờ Tỵ [khoảng 11 giờ] đến giờ Thân [16 giờ], quân Minh thua chạy, chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn về thành Cổ Lộng”.

Sử liệu từ Minh thực lục cũng xác nhận chiến thắng này, còn cho biết rõ hơn về lý lịch các tướng lãnh, quan lại cao cấp của nhà Minh tử trận, bản dịch như sau:

“Ngày 24 tháng 12, năm Vĩnh Lạc thứ 6 [9/1/1409]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh giao tranh với đầu đảng giặc Giao Chỉ, Giản Định, tại sông Sinh Quyết bị thua. Đô đốc thiêm sự Lữ Nghị, Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Tham chính Giao Chỉ Bố chánh ty Lưu Dục đều chết.

Lữ Nghị người đất Hạng Thành, Hà Nam; khởi đầu giữ chức Bách hộ vệ Tế Dương. Thời Tĩnh Nan, Nghị theo chinh phạt mấy lần lập kỳ công, được thăng đến chức Đô chỉ huy đồng tri. Năm Vĩnh Lạc thứ ba thăng Đô đốc thiêm sự, cùng với Hoàng Trung luyện binh tại Quảng Tây; lại cùng mang binh đem cháu của An Nam vương là Trần Thiêm Bình về nước. Vì làm trái chiếu chỉ, nên Nghị không tránh được thất bại ở Kê Lăng; rồi được tha tội cho giữ nguyên chức tòng chinh, mệnh sung Ưng Dương tướng quân. Giao Chỉ bình, có công được giữ chức Đô ty Giao Chỉ. Nghị tính thâm trầm, dũng lược, đánh trận thâm nhập, bị hãm chết trận.

Lưu Tuấn người đất Giang Lăng, Hồ Quảng; đậu tiến sĩ năm Ất Sửu. Thời Hồng Vũ, giữ chức Chủ sự bộ Binh, rồi được thăng lên Tả thị lang bộ này. Thời Kiến Văn giữ chức Thị trung. Khi Thiên tử [Thành Tổ] tức vị, được thăng hàm Thượng thư. Tuấn cẩn thận, cần mẫn trong công việc, có mưu trí, giỏi ứng biến, nên được tín nhiệm. Trước đây quan Tổng binh chinh phạt Giao Chỉ, mệnh Tuấn tham mưu quân vụ, góp nhiều công ích, nên sau khi bình Giao Chỉ được ban thưởng. Rồi lại được cử sang Giao Chỉ để tham mưu quân vụ cho Thạnh. Thạnh bại, Tuấn bị vây, bèn thắt cổ tự tử.

Lưu Dục người Vũ Thành, Sơn Đông; xuất thân từ Lại khoa cấp sự trung, thăng Thông chính sứ ty tả thông chính, rồi đến chức Tả tham chính ty bố chánh Hà Nam. Sau được đổi đến Giao Chỉ giữ chức Hữu tham chính. Dục tính hà khắc, ít nói, thiếu ân, tuy nhiên làm việc giỏi, đến nơi nào thuộc lại và dân cũng đều sợ, đến nay cùng chết với Tuấn”.

Trận Bô Cô. (Ảnh minh họa: wukong.com)

Bắt sống Giản Định Đế

Thế nhưng, niềm vui đại thắng của quân ta kéo dài không lâu. Sau trận Bô Cô, nội bộ quân hậu Trần bị chia rẽ vì chủ trương của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân khác với Giản Định Đế. Nghi ngờ 2 tướng của mình muốn tạo phản, mấy tháng sau Giản Định Đế đã ra lệnh giết họ. Con của 2 tướng trên là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị tức giận bỏ đi phò Trần Quý Khoách lên ngôi vua, gọi là Trùng Quang Đế.

Tháng 7 năm 1409, do quân Minh thua, Anh quốc công Trương Phụ lại được cử đem 47.000 quân từ Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Quảng, Quảng Đông, Quảng Tây sang.

Vua Giản Định tuy được vua mới (Trần Quý Khoách) tôn làm Thái thượng hoàng, nhưng không có thực quyền, rồi chẳng bao lâu bị đạo quân của Trương Phụ tăng viện cho Mộc Thạnh truy kích và bắt sống.

Đánh bại Trùng Quang Đế

Trùng Quang Đế lên ngôi với sự trợ giúp của 2 tướng tài Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung đã quyết chiến đến cùng với quân Minh. Dù cho sức yếu quân ít nhưng sự quả cảm và tài năng của tướng sĩ hậu Trần cũng khiến quân Minh đánh dẹp rất vất vả và thua một số trận.

Tháng 4 âm lịch năm 1413, Trương Phụ lại đánh vào Nghệ An; Trùng Quang Đế phải rút về Hóa Châu, sai Nguyễn Biểu làm sứ đi cầu phong. Nguyễn Biểu đến Nghệ An thì bị Trương Phụ bắt giữ, Nguyễn Biểu tức giận mắng Trương Phụ và bị Phụ giết chết.

Bước ngoặt chiến tranh xảy ra khi Thái phó Đại Việt là Phan Quý Hữu đầu hàng quân Minh, được một tuần thì chết. Trương Phụ cử con Quý Hữu là Phan Liêu làm tri phủ Nghệ An, và ban thưởng hậu hĩnh cho gia đình Liêu. Liêu bèn kể hết cho Phụ về thực lực các tướng, quân số của Trùng Quang Đế và địa thế Hóa Châu. Trương Phụ, Mộc Thạnh liền đem quân thủy bộ vào Hóa Châu, mất 21 ngày thì tới.

Tháng 9 âm lịch năm 1413, Nguyễn Súy dàn trận tại kênh Thái Đà, đánh nhau ác liệt với Trương Phụ. Nửa đêm, Đặng Dung dùng voi đánh úp dinh của Phụ, định nhảy lên thuyền Phụ bắt sống mà không nhận được mặt, Phụ nhảy lên thuyền nhỏ trốn mất, quân Minh tan vỡ quá nửa, thuyền chiến vũ khí bị đốt phá gần hết.

Thế nhưng, Nguyễn Súy không chịu hợp sức cùng Đặng Dung chiến đấu, mà quân thì còn rất ít. Trương Phụ thấy vậy bèn xua tàn quân phản công, thay đổi cục diện. Quân Đặng Dung tan chạy, ẩn nấp trong hang núi, không còn sức đánh lớn. Tháng 11 âm lịch năm 1413, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị định chạy sang Xiêm La thì bị quân Minh bắt.

Khi trông thấy Phụ, Nguyễn Cảnh Dị luôn mồm quát mắng: “Chính ta muốn giết mày, bây giờ lại bị mày bắt!”. Trương Phụ tức giận, giết Nguyễn Cảnh Dị. Trương Phụ chiếm được Tân Bình, Thuận Hóa, bèn đặt quan cai trị, điều tra dân số, làm sổ dân đinh và tâu xin vua Minh tăng cường quân trấn giữ.

Ngày 10 tháng 3 âm lịch năm 1414, Trùng Quang Đế chạy sang nước Lão Qua, Nguyễn Súy chạy sang châu Minh Linh, sau đều bị người của Phụ bắt. Người của Thuận Hóa cũng ra hàng, từ đó vương triều hậu Trần chấm dứt.

Tháng 4 âm lịch năm 1414, Trương Phụ thu quân về Đông Quan, sai người giải vua Trùng Quang, Đặng Dung và Nguyễn Súy về Trung Quốc. Giữa đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống nước tự vẫn. Hai tể tướng Đặng Dung, Nguyễn Súy sau đó cũng đều tuẫn tiết.

Nguyễn Súy không chịu hợp sức cùng Đặng Dung chiến đấu nên bị Trương Phụ đánh tan. (Ảnh minh họa: togetter.com )

“Bị ta chặn ở Lê Hoa, quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật!

Nghe Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân”

Vương Thông bị quân của Lê Lợi vây khốn ở Đông Quan liền cấp báo lên triều đình. Nhà Minh cử Mộc Thạnh cùng Liễu Thăng đem quân sang cứu.

Tháng 3 năm 1427, Chinh Nam tướng quân thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh cùng tham tướng Hưng An bá Từ Hanh và Tân Ninh bá Đàm Trung làm tả hữu phó tướng quân, theo đường Vân Nam tiến đánh cửa ải Lê Hoa. Thật đúng là:

“Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng

Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy

Đinh Mùi tháng chín, Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại

Năm ấy tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang”.

(“Bình Ngô Đại Cáo” – Nguyễn Trãi)

Là một lão tướng dày dặn kinh nghiệm chiến trường tại Đại Việt và cũng từng đại bại, Mộc Thạnh rất cẩn thận chứ không tham công kiêu ngạo như Liễu Thăng. Ông ta dẫn quân vào nước ta nhưng đánh chắc, tiến chắc chứ không muốn tiến nhanh, ý cũng muốn coi kết quả của cánh quân Liễu Thăng rồi mới quyết định bước tiếp theo.

Thế nhưng, điều Mộc Thạnh không bao giờ ngờ đến là đối thủ của ông sau 10 năm không còn là một nhóm quân ô hợp mất nước mà đã là một đạo quân chính quy tinh nhuệ, với những tướng lĩnh không những tinh thông binh pháp mà còn lão luyện chiến trường và cực kỳ am hiểu tình hình quân Minh.

Họ biết tính cách của Mộc Thạnh như thế nên ưu tiên xử lý Liễu Thăng, còn mặt trận ải Lê Hoa thì chỉ cầm cự là chủ yếu. Và cứ như thế, Mộc Thạnh dần dần rơi sâu vào cái bẫy rập của quân Lam Sơn mà không hay biết, còn tự cho rằng cách đánh của mình là đúng.

Kết quả đến liền ngay sau đó: Liễu Thăng chết tại trận; cánh quân Quảng Tây bị đánh tan tác với 1 loạt chiến dịch liên tiếp. Đúng thật là:

“Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường

Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước

Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,

Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ”.

(“Bình Ngô Đại Cáo” – Nguyễn Trãi)

Những trận đánh lưu danh thiên cổ của nghĩa quân được Nguyễn Trãi thể hiện trong “Bình Ngô Đại Cáo”. (Ảnh: vanmau.com)

Bình Định Vương Lê Lợi sai lấy 1 chỉ huy và 3 thiên hộ của quân Minh mà ta bắt được, cùng những sắc thư, phù ấn của Liễu Thăng đưa đến chỗ quân Mộc Thạnh.

Mộc Thạnh trông thấy rất hoảng sợ; trong phút chốc, quân tan vỡ tháo chạy. Quả thật không còn chút thể thống nào của vị Đại tướng Quốc công từng bắt sống 2 vua Đại Việt năm xưa. Ông ta và đoàn quân của mình đã phải trả giá hết cho những gì từng gây ra trên đất nước này.

Ban đầu, 2 tướng trấn giữ ải Lê Hoa là Trịnh Khả và Phạm Văn Xảo được lệnh cầm cự với Mộc Thạnh chứ chưa giao chiến lớn. Nhưng khi thấy quân Vân Nam muốn rút lui, 2 tướng đã nhân cơ hội tung quân tập kích mà lập nên chiến công lừng lẫy tại Lãnh Câu và Đan Xá:

“Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc

Thành Đan Xá thây chất thành núi, nhơ để ngàn năm”.

(“Bình Ngô Đại Cáo” – Nguyễn Trãi)

Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép:

“Trịnh Khả nhân quân sĩ đà đang sắc bén, tung quân ra đánh phá; chém hơn vạn thủ cấp, bắt được hơn 1.000 quân và hơn 1.000 ngựa. Mộc Thạnh chỉ kịp một người một ngựa chạy thoát”.

An Nam truyện trong Minh sử cũng chép:

“Mộc Thạnh kéo quân đến Thủy Vĩ, làm thuyền bè, sửa soạn để chực tiến quân. Được tin Thông đã nghị hòa, Thạnh cũng rút lui. Địch thừa thắng đổ ra đánh. Thạnh thua to”.

Theo Minh thực lục, ngày 14 tháng 12 năm 1427, Mộc Thạnh cùng thuộc hạ chạy tới Cao Trại, Thủy Vĩ thì bị quân Lam Sơn phục kích cả trên sông lẫn trên bờ, phải vất vả làm lại thuyền mới đi tiếp được.

Năm 1428, sau khi quân Minh rút về nước, Vương Thông cùng Trần Trí, Mã Anh, Phương Chính, Sơn Thọ, Mã Kỳ đều bị giam vào ngục, tịch thu gia sản nhưng Mộc Thạnh, Từ Hanh, Đàm Trung thì không bị Minh Tuyên Tông hỏi tội, mặc dù bọn Thạnh cũng bị triều thần Bắc Kinh hặc tội.

Như vậy, thất bại của vị Đại tướng Mộc gia uy danh lừng lẫy Trung Nguyên đã dệt thêm một trang sử vàng cho nước Việt. Quả đúng là:

“Một cỗ nhung y chiến thắng,

Nên công oanh liệt ngàn năm”.

Tĩnh Thuỷ

Tài liệu tham khảo:

Đại Việt sử ký toàn thư. Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1993, bản điện tử, trang 351.

Đại Việt thông sử. Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1976, trang 79, 80, 240.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục: Chính biên, quyển XII, XIII, XIV.

Lam Sơn thực lục. Nhà xuất bản Tân Việt, 1956, cuốn 2.

Minh sử: Liệt truyện, quyển 42, 145, 154, 321.

Việt Nam sử lược. Bản in của Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa năm 1971, tập 1, trang 232 và 233.

Việt sử tiêu án. Nhà xuất bản Văn Sử 1991, Phần Ngoại thuộc nhà Minh, bản điện tử.

Exit mobile version