Đại Kỷ Nguyên

Dạy con như Gia Cát Lượng – trăm ngàn năm sau vẫn còn nguyên giá trị

Nếu như mẹ yêu con như ánh mặt trời ấm áp chở che, thì cha yêu con như đại dương trầm hòa. Mẹ chăm lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ, còn cha lại đau đáu dạy bảo con sống có đạo nghĩa, sống cho nên người. Suốt chiều dài lịch sử, có những lời căn dặn của cha đã trở thành bài học kim cổ, không phải vì tình thân phiền lụy, mà bởi vì những đạo lý uyên thâm của những người cha có tấm lòng cao thượng.

Chu Công Đán dặn con phải khiêm tốn

Chân dung của Chu Công Đán. Ảnh: Wikipedia.

Chu Công, tên Cơ Đán, là con của Chu Văn Vương, em của Chu Vũ Vương, thúc phụ của Chu Thành Vương đời nhà Chu, trong thời cổ đại Trung Hoa. Chu Công làm phụ chính, dẹp yên miền Đông, chú giải bát quái, hoàn tất Chu Dịch, dùng Đức trị vì thiên hạ.

Ông đã lập nên một hệ thống lễ nghi và âm nhạc cổ điển để hướng dẫn dân chúng hành xử trong đời sống hàng ngày. Khổng Tử cũng tôn kính ông như một vị thánh nhân.

Đương thời, Chu Thành Vương muốn phong đất Lỗ cho Chu Công, nhưng vì mang trọng trách phụ chính, nên ông từ chối không nhận. Sau đó vua Thành Vương quyết định cấp nước Lỗ cho Bá Cầm, con trai thứ ba của Chu Công. Khi Bá Cầm sửa soạn rời nhà đi nhậm chức, Chu Công dặn dò con trai rằng:

Địa vị của ta bây giờ rất cao so với nhiều người trong thiên hạ, nhưng ta vẫn bị khách khứa đến quấy rầy khi đang gội đầu hoặc đang dùng cơm như lúc xưa. Để tiếp khách tử tế đàng hoàng, thường thường ta phải vội vàng bỏ dở gội đầu, đi ra khỏi phòng tắm 3 lần, hoặc ngưng ăn bữa cơm tối đến 3 lần trong một đêm. Dầu vậy, ta vẫn e ngại việc đón tiếp nhân sĩ thiên hạ của mình có thể bị thiếu sót, không được tề chỉnh cho lắm”.

Đạo Trời có huỷ diệt điều gì cũng để lại sự khiêm tốn ích lợi, đất có biến đổi bao nhiêu cũng lưu lại tính khiêm tốn; quỷ thần, con người tất cả đều không thích kẻ kiêu căng, mà lại ưa chuộng người khiêm tốn. Con nhất định phải ghi nhớ kỹ những điều này! Không vì được thụ phong nước Lỗ mà coi thường nhân sĩ!”.

Người quân tử mà hành vi đạo đức thì nghĩa là sức mạnh như trâu, nhưng họ không bao giờ đấu với trâu để chứng tỏ sức của ai mạnh; có nghĩa là nhanh như ngựa nhưng không bao giờ chạy đua với ngựa để chứng tỏ ai nhanh; có nghĩa là trí tuệ như bậc học sĩ cao nhưng họ sẽ không tranh đấu với người để chứng tỏ trí tuệ của ai cao thâm”.

Gia Cát Lượng nhắc con chuyên cần tu dưỡng

Tạo hình Gia Cát Lượng trong phim “Tam Quốc diễn nghĩa” 1996. Ảnh dẫn qua: Tienphong

Gia Cát Lượng (181 – 234), tự Khổng Minh, đạo hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là vị quân sư và đại thần của nước Thục thời hậu Hán của Trung Quốc. Ông là một chính trị gia, nhà quân sự, học giả lỗi lạc.

Trong “Thư dạy con” (Giới tử thư) gửi cho con trai Gia Cát Kiều, Gia Cát Lượng viết:

Phẩm hạnh của người đức tài toàn vẹn là dựa vào nội tâm an tĩnh, tinh lực tập trung để tu dưỡng thân và tâm; là dựa vào tác phong giản dị để bồi dưỡng phẩm đức. Không xem nhẹ danh lợi thì không thể xác định được chí hướng của bản thân, thân tâm không tĩnh lặng thì không thể có lý tưởng cao xa.

Học tập cần phải chuyên tâm ý chí, để phát triển tài năng thì cần phải học tập khắc khổ. Không nỗ lực học tập, thì không thể phát triển tài trí; không xác định rõ chí hướng thì không thể thành công trong học tập. Truy cầu hưởng lạc và biếng nhác, không tập trung, thì không thể phấn khởi tinh thần; nói năng tùy tiện và nóng nảy cáu gắt thì không thể bồi dưỡng tính tình. Tuổi tác trôi qua, ý chí tiêu mòn theo năm tháng, thì cuối cùng sẽ như cây khô lá úa mà thôi, không có ích gì cho xã hội. Đến lúc đó ngồi trong góc nhà đau buồn than thở thì có ích gì đâu?”.

Vương Trị Văn bị bức hại vẫn động viên con gái “vui vẻ, bao dung”

Ông Vương Trị Văn và con gái Danielle trong một bức ảnh chụp tháng 7/1997 (Ảnh do Danielle cung cấp)

Ông Vương Trị Văn, kỹ sư của Doanh nghiệp Thương mại Vật liệu Đường sắt Trung Quốc, là một trong những điều phối viên đầu tiên của Hiệp Hội Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc.

Ông Vương bị bắt bất hợp pháp vào ngày 20/7/1999, đúng ngày mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Nửa năm sau, ông Wang bị đưa ra xét xử và bị kết án tù án 16 năm tù, một bản án được coi là để ‘dằn mặt’ đối với công chúng.

Trong những năm tù giam, ông Vương bị đánh gãy răng, cả hai xương đòn của ông bị đánh vỡ và không trở về vị trí bình thường. Ông đã bị ép phải làm lao động khổ sai, xiềng xích của ông nặng hơn 20 kg. Có những lúc ông bị tra tấn bằng cách ngăn không cho ngủ, lúc khác ông bị chọc tăm vào các đầu ngón tay.

Con gái ông, cô Danielle Vương, đã quá sốc trước bản án khắc nghiệt dành cho cha đến nỗi bị mất thị lực trong một thời gian. Cô cũng không dám lên tiếng bảo vệ cha, dù đang sống trên đất Mỹ. Các quan chức chính quyền Trung Quốc đe dọa gia đình cô rằng: Nếu cô đưa vụ việc ra công luận, thì họ sẽ trừng trị cha cô.

Ông Vương và con gái Danielle tại một nhà hàng ở Trung Quốc (Ảnh do Danielle cung cấp)

Tuy nhiên, ông Vương đã động viên con gái trong một lá thư năm 2001, ông viết:

Người cao thượng sẽ luôn cao thượng, còn người hung ác sẽ luôn lo lắng”.

Trong hoàn cảnh tù đày và tra tấn thường xuyên, ông Vương vẫn giữ thái độ hòa ái. Ông Vương chia sẻ với con gái rằng:

Vui vẻ, bao dung, không mưu cầu danh lợi, trong sạch, bình thản, thong dong, bình tĩnh, sống tự tại,… là cội nguồn của hạnh phúc thực sự. Đây chính là trạng thái, cảnh giới mà cha muốn hướng tới, đồng thời xác lập nên thái độ sống hòa ái, phóng khoáng”.

Khi đọc những dòng thư của cha, cô Vương quyết định sẽ lên tiếng vì cha mình. Danielle viết trong một bài luận được phát sóng lên Đài Phát thanh Quốc gia (NPR) Mỹ: “Bức thư của cha đã cho tôi thấy rằng ông vẫn sống mà không thù hận hay cay đắng vì tập Pháp Luân Công, thế nên tôi bắt đầu lên tiếng”.

Tạm kết

Những lời căn dặn của người cha đối với con mình có thể trở thành bài học cho hết thảy người đời, chẳng phải vì ẩn chứa trong đó là phẩm đức cao thượng sao?

Từ xưa đến nay, người cha luôn có địa vị vững chắc, là rường cột của gia đình, là cây cao bóng cả, là tấm gương tu dưỡng ý chí và phẩm hạnh để con cháu noi theo. Chẳng thế mà Khổng Tử đã nói: “Xét người con thì khi cha còn sống, xem chí hướng của người ấy, khi cha chết thì xem hành vi của người ấy. Ba năm không thay đổi so với đạo của cha, thì có thể gọi là hiếu vậy”.

Mã Lương (tổng hợp và biên soạn)

Xem thêm:

 

Exit mobile version