Đại Kỷ Nguyên

Những câu chuyện tình yêu sống mãi với thời gian (P1)

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, “yêu” (愛 – ái) là sự kết hợp của chữ “tâm” (心) và chữ “thụ” (受) – nghĩa là nhận lấy, đón lấy. Chữ “tâm” đứng chính giữa chữ “thụ”, vì vậy mà “yêu” giống như một bàn tay đang trao tặng trái tim vào một bàn tay khác. Ở đây, yêu được mô tả là tình cảm xuất phát từ tâm hồn, vô tư, không vị kỷ.

Chữ yêu trong văn hóa Hy Lạp lại có sự phân chia theo từng trạng thái tình cảm khác nhau. “Agape” cũng là yêu, nhưng thường dùng để nhắc đến thứ tình cảm trong trẻo và lý tưởng, yêu trong tâm hồn và thăng hoa trong cảm xúc hơn là những hấp dẫn về mặt thể xác.

Có phải thế chăng mà những câu chuyện tình nổi tiếng nhất trong lịch sử và nghệ thuật đều ngợi ca nét trong trẻo và thuần khiết của tình yêu? Đó là tin tưởng, là thủy chung, là sẵn sàng quên đi bản thân để đem lại hạnh phúc cho người mình yêu thương,… Và dưới đây là một vài trong số những câu chuyện tình như thế.

Tristan và Iseult (Anh Quốc)

“Tristan và Iseult” là chuyện tình lãng mạn và đẹp nhất thời Trung cổ, dựa trên một huyền thoại trong văn hóa Celtic ở Châu Âu. Câu chuyện sống mãi với thời gian bởi nó ca ngợi thứ tình yêu thuần khiết, trong sáng, không suy tính. Đó là thứ tình cảm thánh khiết, là giấc mơ lý tưởng, là tình yêu đích thực chỉ có trong thế giới của triết gia Platon. Tình yêu của Tristan và nàng Iseult đã làm rung động trái tim của biết bao họa sĩ. Có không ít tác phẩm hội họa mô tả câu chuyện này.

Chàng hiệp sĩ Tristan mang sứ mệnh lên đường tới Ireland để ngỏ lời cầu hôn công chúa Iseult cho chú của chàng là vua Mark ở Cornwall (ngày nay là một phần của nước Anh). Trên đường hộ tống công chúa trở về vương quốc, cả Tristan và Iseult đã uống nhầm một thứ rượu nhiệm màu khiến tình yêu trong họ chớm nở. Mặc dù vậy, cả hai đều giữ lòng trung tín với đức vua và không dám đi quá xa trong chuyện tình cảm.


Tristan và Iseult, tranh của họa sĩ Herbert James Draper (1863-1920)

Khi phát hiện tình cảm của hai người, vua Mark vô cùng tức giận và muốn trừng phạt họ. Nhưng may mắn thay, đôi bạn trẻ đã kịp chạy trốn vào khu rừng rậm xứ Morrois. Khi nhà vua vào rừng và nhìn thấy cả hai đang nằm ngủ với một thanh gươm để giữa hai người, ngài vô cùng cảm kích trước tình yêu lãng mạn nhưng trong trắng của họ, và quyết định tha thứ tất cả mọi lỗi lầm. Trước lòng độ lượng của nhà vua, Iseult trở lại triều đình, còn Tristan tình nguyện đến xứ Bretagne. Tại đây, chàng cưới quận chúa Iseult “bàn tay trắng” bởi tên gọi của nàng gợi nhớ đến tình yêu trong trái tim chàng. Nhưng tình yêu dành cho nàng Iseult vẫn không bao giờ nguôi ngoai, chàng không bao giờ gần gũi vợ mình mà chỉ một lòng thương nhớ đến người yêu dấu.


“Tristan and Iseult” – tranh của họa sĩ John William Waterhouse năm 1905

Trong một lần đấu kiếm, Tristan bị trọng thương. Chàng ngầm sai gia nhân đem thuyền rước Iseult đến, bởi chỉ có sự hiện diện của nàng mới giúp chàng hồi phục. Nhưng quận chúa “bàn tay trắng” đã biết được điều này, và tìm cách gạt Tristan rằng Iseult không tới. Quá đau buồn, chàng gục xuống và chết… Nàng Iseult cũng gục chết trên xác chàng. Sau khi hai người được chôn cất, trên mộ của họ mọc lên hai thân cây đan chặt vào nhau. Nếu chặt chúng đi thì cành mới sẽ lại mọc lên to hơn, rậm rạp hơn, và còn bện chặt chẽ hơn nữa.

Layla và Majnun (Ả Rập)

Câu chuyện “Layla và Majnun” còn được gọi là “Layla và chàng điên”, hoặc “Layla và Qays”. Đây là một giai thoại tình yêu nổi tiếng ở vùng Trung và Cận Đông, trong thế giới Ả Rập và đặc biệt là ở Iran và Azerbaijan. Giai thoại dựa trên một câu chuyện có thật về nàng Layla và chàng Qays ibn al-Mulawwah ở phía Bắc của bán đảo Ả Rập, dưới triều đại Umayyad ở thế kỷ thứ 7.


Layla và Majnun – tranh trên thảm của Nezami

Câu chuyện tình bắt đầu từ khi Layla và Majnun cùng học chung một lớp. Majnun thường bị thầy giáo đánh vì không chú ý nghe giảng, nhưng mỗi lần như vậy, chỉ có Layla là chảy máu. Khi gia đình biết chuyện, họ đã ngăn cấm hai người gặp nhau. Tuổi thơ của cả hai là những chuỗi ngày cấm đoán, và mãi đến khi trưởng thành họ mới gặp lại nhau. Về sau, Layla bị buộc phải lấy người khác, nhưng lòng cô chỉ hướng đến người bạn thời thơ ấu. Vì quá ghen tuông, chồng của Layla đã tìm đến Majnun ở sa mạc. Ngay trong khoảnh khắc thanh kiếm của ông đâm vào tim Majnun, thì Layla ở nhà cũng ngã xuống và chết. Cảm kích trước câu chuyện tình cảm động của hai người, dân làng đã để hai ngôi mộ gần nhau. Cả gia đình và chồng của Layla đều cầu nguyện cho họ sớm được đoàn tụ ở thế giới bên kia và được yêu nhau mãi mãi..

Layla thăm Majnun trong rừng – trích từ “Khamsah”, 5 bài thơ (Quintet) của Amir Khusro Dihlavi

Theo truyện kể lại, trong thời gian sống ở sa mạc, Majnun luôn làm thơ ca ngợi tình yêu với Layla. Tình yêu khắc khoải khiến chàng trở thành người điên, vì vậy, người đời không gọi chàng bằng tên thật (Qays) mà là “chàng điên Layla” hay gọi đơn giản là “Majnun”.


Bức tranh Layla trên cuốn sách được xuất bản năm 1836. Bản thảo đầu tiên được thực hiện bởi James Atkinson (1780-1852)

Câu chuyện Layla và Majnun đã trở thành bi kịch về một tình yêu bất tử mà 400 năm sau, nó cũng trở thành nguồn cảm hứng cho William Shakespeare viết về Romeo và Juliet. Đây cũng là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa nổi tiếng thế giới.

Theo văn hóa Ả Rập, tình yêu của Layla và Majnun được gọi là “tình yêu trinh khiết” (hay “virgin love” trong tiếng Anh), nghĩa là một tình cảm trong ngần và không vướng vào ham muốn thể xác.

Orpheus và Eurydice (Hy Lạp)


Orpheus và Eurydice, tranh của họa sĩ Christian Gottlieb Kratzenstein (1783-1816), lưu trữ tại bảo tàng Ny Carlsberg Glyptotek ở Copenhagen, Đan Mạch

Orpheus được nhắc đến trong cả thần thoại Hy Lạp, trong truyền thuyết, và cả trong các câu chuyện lịch sử. Là một trong 9 thi sĩ lừng danh của Hy Lạp cổ đại, Orpheus còn đặc biệt nổi tiếng với giọng ca và tiếng đàn lia (lyre). Tương truyền, những bài hát của Orpheus có thể làm xiêu lòng vạn vật, khiến cho cả đất trời và thần linh phải rơi lệ. Thậm chí, cả hoa lá, cỏ cây, và đất đá cũng say mê trước giai điệu của chàng.


Orpheus dắt Eurydice qua âm gian – tranh của họa sĩ Jean-Baptiste Camille Corot (1796-1875)

Tình yêu của Orpheus dành cho người vợ Eurydice đã viết nên câu chuyện tình bất hủ. Chuyện kể rằng, trong một lần dạo chơi trong rừng, Eurydice đã bị Aristaeus rượt đuổi. Nàng chạy cố chạy trốn vào rừng nhưng lại không may rơi vào hang rắn và bị cắn chết. Đau lòng trước cái chết của nàng, Orpheus cất lên tiếng ca đau thương khiến cả thần tiên cũng động lòng. Chàng đã tìm đường xuống địa ngục, vượt qua những bóng ma và âm hồn, và đến cầu xin trước mặt âm vương Pluto và hoàng hậu Persephone. Tiếng đàn của Orpheus đã làm âm gian cảm động, Pluto và Persephone sau đó đồng ý cho phép Eurydice trở lại dương gian, nhưng với một điều kiện: Trước khi cả hai lên đến dương thế, Orpheus phải tuyệt đối giữ tim lặng và không được ngoái lại nhìn vợ đang đi phía sau. Hành trình trở lại dương gian dài đằng đẵng, nhưng sau một thời gian lâu, Orpheus không nghe thấy tiếng bước chân và hơi thở của Eurydice nữa, chàng lo lắng quay đầu nhìn lại. Chàng chỉ còn thấy hình ảnh nàng Eurydice lùi nhanh về phía địa phủ rồi biến mất. Orpheus vội quay lại nhưng người lái đò âm gian không cho phép chàng đi tiếp, dù chàng phải quỳ ở đó suốt 7 ngày 7 đêm. Trở lại dương gian, tình yêu dành cho vợ vẫn chưa thể nguôi ngoai. Cho đến lúc chết, cây đàn lyre của chàng vẫn vang lên tiếng hát tha thiết, yêu thương.

Odysseus và Penelope (Hy Lạp)

Penelope là công chúa xứ Spart và là vợ của Odysseus, vua xứ Ithaca. Nàng không những xinh đẹp mà còn là người phụ nữ thông minh. Đặc biệt, nàng là người vợ thủy chung chờ đợi chồng suốt 20 năm ròng rã.


Nàng Penelope khước từ mọi lời cầu hôn – bức tranh “Penelope and the suitors” của họa sĩ John William Waterhouse năm 1912

Khi Penelope vừa mới sinh hạ con trai đầu lòng Telemachus, thì Odysseus (Ô-đi-xê) phải tham gia vào cuộc chiến thành Troja. Chiến tranh đã kết thúc nhưng Odysseus vẫn bặt vô âm tín, ai cũng nghĩ rằng chàng đã bỏ mạng nơi chiến trường. Nhưng Penelope vẫn không nguôi hy vọng một ngày chàng trở về. Và trong suốt 20 năm mòn mỏi đợi chờ, nàng đã tìm mọi cách để khước từ 108 người cầu hôn nàng. Những người đến cầu hôn vô cùng ngang ngược và làm đủ mọi điều ngông cuồng khiến nàng buộc phải hứa sẽ chọn một trong số đó làm chồng. Để trì hoãn, Penelope vờ may tấm áo tang cho vua cha Laertes và nói rằng nàng chỉ nhận lời cầu hôn khi may xong. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là nàng lại ngồi dệt vải trước mặt đám đông, nhưng khi đêm đến, nàng lại tháo tấm vải mình vừa dệt ra.


Nàng Penelope và anh hùng thành Troy Odysseus – tranh của họa sĩ Johann Heinrich Wilhelm Tischbein (1751–1829)

20 năm đợi chờ và kiên định niềm tin đã giúp nàng Penelope trở thành biểu tượng của tấm lòng thủy chung sắt đá. Tấm lòng kiên trinh của nàng đã làm rung động những người yêu truyền thuyết thành Troy và thần thoại Hy Lạp.

Hồng Liên

Exit mobile version