Đại Kỷ Nguyên

Nhân sinh như một ly trà: Phong thủy tốt nhất chính là dưỡng tâm

Nhân sinh như một ly trà: Phong thủy tốt nhất chính là dưỡng tâm

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên minh họa.

Ai ai cũng mong muốn có được một gia đình thuận hòa phú quý, song đa số đều cho là “nhà ấy có phong thủy tốt”. Nhưng ít ai biết rằng ‘nhân dưỡng phong thủy’, chứ không phải ‘phong thủy dưỡng nhân’. 

Nhân sinh như một ly trà, chỉ có tĩnh tĩnh thưởng thức mới biết khổ tận cam lai. Nhân sinh như một cuốn sách, chỉ có chậm rãi nghiền ngẫm mới biết sách thơm bốn phía. Nhân sinh như một ván cờ, chỉ có nghiên cứu thật sâu mới thấu tỏ cuộc cờ cũng là cuộc đời…  

Thế nhân hỗn loạn, chỉ khi đặt lòng mình xuống mà chiêm nghiệm mới hiểu được tâm ý của người chia sẻ. Người biết lắng nghe tâm tình của bằng hữu khác nào người biết thưởng nhạc, chơi hoa, mà tâm hồn càng thêm phong phú… Dưới đây là vài lời chia sẻ về cách cải biến phong thủy gia đình, dám mong mỗi chúng ta sẽ lĩnh hội được đạo lý nhân sinh, để cuộc sống muôn phần hạnh phúc.

Một gia đình có phong thủy tốt thì không thể thiếu 4 yếu tố sau đây:

Hành thiện có thể tích đức

Đức Khổng Tử từng nói: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, ý tứ là những gì bản thân muốn lập thì cũng nên lập cho người khác, những gì bản thân muốn đạt thì cũng nên cho người khác đạt được. Khi tôi tốt, tôi cũng muốn bạn tốt, khi tôi có, tôi cũng muốn bạn có. Bởi giống như Einstein từng nói: “Người có thứ tốt mà không chia sẻ với người khác là người không có đạo đức”.

Có câu chuyện kể về một người nông dân nọ. Ông may mắn có được giống ngô tốt để gieo trồng vì thế năm nào cũng bội thu. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông đều lựa ra những bắp ngô tốt nhất để làm giống và rất khẳng khái đem biếu láng giềng và bè bạn gần xa.

Có người thấy vậy bèn hỏi: “Sao năm nào anh cũng đem biếu ngô giống cho khắp cả xóm vậy? Anh không thấy tiếc của sao?”. Nghe vậy, ông trả lời rằng: “Chúng ta đều cùng canh tác trên một khu đất, khi ngô đến thời kỳ thụ phấn, phấn hoa sẽ phát tán ra khắp nơi. Giống nhà mình tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến ruộng nhà hàng xóm, và giống của hàng xóm xấu hay tốt cũng ảnh hưởng đến ruộng của nhà mình. Vì thế, tôi đem biếu bà con làng trên xóm dưới, mỗi người một ít để chúng ta cùng được hưởng lợi”. Nói xong, cả hai cùng cất tiếng cười cười vui vẻ.

Phật gia giảng: “Phúc báo tại hậu diện” (phúc báo ở phía sau). Người sống thiện lương thường phải chịu thiệt thòi trước mắt, nhưng hậu vận lại nhận được phúc báo lớn. Vì thế, sống ở đời nên làm nhiều việc thiện, tạo phúc đức lưu truyền cho con cháu về sau.

Vào đời nhà Chu có dòng họ Chu Phức lập gia huấn lưu lại cho con cháu như sau: “Hành thiện để chấn hưng giáo dục, dạy người là trên hết, chu tế người cô quả là việc thứ hai”. Họ nhà Chu đã thành lập “giáo hữu đường” để giúp đỡ người nghèo, ở toàn vùng Trì Châu họ cũng kiến lập nhiều trường học, đóng góp cho Văn Miếu (miếu thờ Khổng Tử) làm công đức. Không chỉ có vậy, họ còn lập ra quy tắc: “Chỉ cần Chu gia còn tồn tại, thì việc cứu tế người nghèo là thiện hạnh, không thể chậm trễ”. 

Gia tộc Chu Phức năm đời theo Nho học, cho đến tận ngày nay gia phong vẫn không hề thay đổi. Gia tộc họ Chu vẫn như xưa, nhân tài xuất hiện lớp lớp, giữ gìn nền giáo dục của cha ông truyền lại mà con cháu đều thành đạt. Tuy thế, họ vẫn không dám quên lời di huấn của tổ tiên: Làm việc thiện tích đức cho con cháu.

Giáo dục trẻ nhỏ cũng như trồng cây, trước tiên cần phải bồi dưỡng căn bản từ gốc rễ, ấy là lấy phẩm đức làm dinh dưỡng để cho cành lá được tốt tươi. Nếu thấy cây quá xa ánh sáng mặt trời, không thể quang hợp, thì nên cho lại gần một chút. Cũng như khi thấy đứa trẻ xa rời đạo lý, thì nên tìm người đức độ, tài ba mà dạy dỗ. Có như thế khi lớn lên đứa trẻ mới trở thành người tài đức, mới thực sự là hào khí của quốc gia, làm lợi cho dân, cho nước, ấy chính là phúc của cả dòng họ.

Ảnh minh họa: Chụp màn hình video Chánh Kiến.

Nhẫn nhịn có thể tạo phúc

Có một đôi vợ chồng đã trải qua hơn hai mươi năm sóng gió bên nhau, chung sống rất hạnh phúc. Có lần hai vợ chồng đến dự hôn lễ của người cháu họ, khi ấy cả tân lang và tân nương đã đến bái tạ và ca ngợi: “Không hay ông bà trẻ có bí quyết gì mà có thể hạnh phúc bên nhau suốt hơn hai mươi năm qua?”. Ông trẻ trả lời: “Chỉ có một chữ thôi, đó là ‘Nhẫn’”. Người vợ nối thêm vào: “‘Nhịn’ nữa các cháu ạ!”.

Thiết nghĩ, đôi khi nồi niêu bát đũa còn va vào nhau kêu lách cách, nữa là vợ chồng sống chung dưới một mái nhà! Mỗi khi có công to việc nhỏ cần phải bàn luận, làm sao tránh khỏi mâu thuẫn? Tuy không đến mức to chuyện, song việc tranh cãi vì bất đồng quan điểm là chuyện khó tránh. Những lúc như thế vợ chồng cần phải biết nhường nhịn lẫn nhau.

Có câu: “Tu trăm năm mới đi chung một thuyền, tu ngàn năm mới được chung gối chiếc”. Phải lòng nhau, ấy là ‘duyên’. Đến được với nhau thành vợ thành chồng, ấy là ‘phận’. Nhưng để có thể chung sống hạnh phúc bên nhau, đầu ấp, tay gối suốt cả một đời thì không phải chuyện dễ dàng. Thế nên đã là vợ chồng, thì cần phải biết tôn trọng lẫn nhau. Đạo vợ chồng ngoài ‘cái tình’ ra, còn cả ‘cái nghĩa’. Có câu: “Một ngày vợ chồng, nghĩa cả trăm năm”, hiểu được đạo lý ấy thì hạnh phúc mới bền chặt.

Trong tất cả các mối quan hệ nam nữ, cho dù hai người có yêu thương nhau đến mấy thì cũng khó có thể tìm được hai tâm hồn hoàn toàn đồng điệu. Vì thế cần phải biết sống khoan dung và nhường nhịn lẫn nhau. Đó chính là bí quyết để gia đình được hạnh phúc lâu bền và cũng là một loại phong thủy được truyền từ ngàn xưa.

Cần cù có thể phát tài

Người xưa thường nói: “Người cần lao, giàu không mấy chốc. Kẻ lười nhác, phú quý bao lâu?”. 

Ngày nay, xã hội đất chật người đông, người nhiều việc ít… câu nói ‘của khôn người khó’ đã thành cửa miệng của bao người. Vì thế cũng không còn ai dám sinh năm đẻ bảy như các cụ nhà ta ngày trước. Thường thì mỗi gia đình chỉ đẻ một hoặc hai con, như vậy cũng đã là quá vất vả rồi. Cũng bởi thế mà những đứa trẻ đều trở thành quý tử của các ông bố, bà mẹ… Chúng được chăm sóc và cưng chiều như những con ong chúa, chỉ biết hưởng thụ và luôn được cha mẹ bao bọc trong vòng tay.

Một gia đình dù giàu hay nghèo, ở thành thị hay nông thôn thì cũng tìm mọi cách để cho con mình được bằng bạn bằng bè, không thiếu thốn thứ gì, không phải chịu khổ dù chỉ một ngày. Tình yêu thái quá đối với con cái vô tình biến cha mẹ trở thành những con “ong thợ” chăm chỉ, lăn lộn kiếm tiền để chu cấp cho “ong chúa”. Những đứa con cưng chỉ biết ung dung hưởng thụ, không biết tự lập, không phải làm bất cứ thứ gì. Dần dần chúng càng ngày càng trở nên lười biếng, ăn bám và đòi hỏi… Nhưng xét cho cùng, con trẻ đáng thương hay đáng trách? Vì chúng đâu có phân biệt được củ hành với củ tỏi mà tự chăm sóc bản thân kia chứ!

Tăng Quốc Phiên – một học sĩ lỗi lạc thời Mãn Thanh từng nói: “Giáo dục trẻ nhỏ ngoài việc đọc sách ra còn cần phải dạy cho chúng biết dọn dẹp nhà cửa, thu phân, rẫy cỏ làm vườn, ấy là vô cùng tốt. Làm những công việc phù hợp với khả năng thì không có gì là tổn hại, không thể không làm mà vẫn được hưởng”.

Tất cả sự rèn giũa sẽ tạo cho trẻ tính cách tự lập, ngoài thời gian học tập cần phải biết tranh thủ thời gian giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà. Có như vậy chúng mới biết yêu quý công lao dưỡng dục của cha mẹ và tự biết xa rời khỏi cuộc sống xa hoa, rời xa những cám dỗ của đời thường. Đó mới là cách yêu thương con đúng mực.

Chân dung Tăng Quốc Phiên (nguồn: Wikipedia).

Năng đọc sách có thể dưỡng khí

Đọc sách Thánh hiền mỗi ngày có thể khai mở trí tuệ, đồng thời góp phần kế thừa và phát huy truyền thống gia đình. Thông qua đọc sách chúng ta có thể kết giao với bằng hữu gần xa, gặp được người tri âm, tri kỷ. Cuốn sách định hướng cho ta đi tìm lời giải cho câu hỏi cuộc sống, giúp nhân sinh quan, vũ trụ quan được khai mở. Ta có thể ở ngay trong cuốn sách mà du lịch khắp các danh sơn đại xuyên, mở mang tầm mắt, lĩnh hội những giá trị nhân văn và ý nghĩa cao đẹp của kiếp nhân sinh.

Thi gia Hoàng Sơn Cốc thời Bắc Tống từng nói: “Ba ngày không đọc sách, thì lời nói trở nên sáo rỗng, vẻ mặt khó coi”. Đối với một gia đình mà nói, không có gì tốt hơn là văn hóa đọc, tạo cho con trẻ thói quen đọc sách. 

Lịch sử Trung Hoa có ghi chép về một gia tộc truyền thừa hơn 2000 năm, sự nghiệp bề thế và thịnh vượng đến mức hiếm thấy. Đó chính là gia tộc họ Bùi. Theo gia phả, họ Bùi có 59 người làm quan tể tướng, 59 đại tướng quân, hàm quan thất phẩm 3000 người, người được ghi tên bảng vàng cũng lên đến con số hàng nghìn. Thậm chí, ngôi làng Bùi gia sinh sống còn được mệnh danh là ‘Làng tể tướng”.

Theo như hậu bối họ Bùi tiết lộ, thì bí quyết của thành công ấy chính là năng đọc sách. Họ Bùi còn đặt ra quy tắc: Con cháu không đỗ tú tài thì không được vào từ đường. Cho nên người nhà họ Bùi từ trên xuống dưới, từ lão chí ấu, nam nhi, nữ tử… ai ai cũng tay không rời sách, tạo nên một trào lưu tốt đẹp trong gia tộc. Suốt hơn hai nghìn năm qua cho tới tận ngày nay, lớp lớp các thế hệ con cháu của Bùi gia đều rất thành đạt, đều là chủ các doanh nghiệp lớn, làm ăn thịnh vượng.

Mới hay, đọc sách có thể biến hóa khí chất người ta, giúp cho ta mở mang tầm mắt, làm người có phong thái cao, biết nhường nhịn nhịn người khác, giàu có mà độ lượng. 

Trạng Diêu Văn Điền thời nhà Thanh từng nói: “Thế gian hàng trăm năm qua, việc nhà đơn giản là tích đức, việc tốt trong thiên hạ không có gì bằng đọc sách Thánh hiền”. Người trên khuôn mặt luôn hiển lộ phúc khí đẹp đẽ như đóa hoa, khẳng định là người ham đọc sách Thánh hiền.

Video: Người thực sự thiện lương không cần xem phong thuỷ

Exit mobile version