Đại Kỷ Nguyên

Nguy hại khôn lường của game, những ai có con càng cần phải đọc

Hiện nay, tình trạng nghiện game đã trở thành vấn nạn cho nhiều gia đình. Nhiều trẻ em nghiện game, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học. Người nghiện nhiều lần muốn cai game mà không được, mặc dù đã thử mọi cách, dùng đủ mọi biện pháp. Cai được một thời gian, họ lại bị lôi kéo vào game. Điều này khiến chúng ta thắc mắc tại sao game lại có ma lực lớn đến thế?

Chơi Game bạo lực chính là đang tạo nghiệp ác

Hiện nay nội dung game đa số là bạo lực. Trong game, người chơi phải đi giết nhân vật khác. Do đó, khi chơi game, chúng ta liên tục có ý niệm sát sinh. Các nhân vật trong game liên tục bị giết, rồi đầu thai lên chỉ để bị giết tiếp. Quá trình này hình thành 1 vòng tuần hoàn, không ngừng lặp lại. Theo giáo lý nhà Phật, hễ chúng ta động niệm xấu, chính là đang tạo nghiệp ác rồi. Vì vậy, có thể nói việc chơi game khiến người ta liên tục tạo nghiệp.

Hơn nữa, rất nhiều nhân vật trong game là người chơi khác điều khiển. Việc này kích thích tâm lý đấu tranh, hơn thua và đố kỵ giữa người với người. Từ đó, họ liên tục hình dung và nghĩ ra cách tiêu diệt đối thủ. Suy nghĩ này dần hình thành một cách vô thức và phát triển mạnh mẽ trong đầu não. Vậy phải chăng game đang “dạy” chúng ta giết hại lẫn nhau?

Khi chơi game, chính người chơi đang thực hiện hành vi bạo lực. Trong đó có việc tiêu diệt hoặc tra tấn 1 sinh mệnh khác. Trong ý niệm, vì người chơi quyết định thực hiện hành vi đó, nên chính người đó đang tạo nghiệp. Ngoài ra, mức độ bạo lực trong game ngày càng cao. Song song, nó cũng đồng hóa quan niệm người chơi với mức độ đó, bình thường hóa yếu tố bạo lực trong tiềm thức của họ. Việc thực hiện hành vi bạo lực trong game cũng biến người chơi trở thành đồng lõa với nó. Vì vậy, rõ ràng người ta không phải chơi game; mà ngược lại, game đang ra chỉ thị cho con người. Nó bắt ta phải thực hiện mệnh lệnh, bất kể chúng sai lệch và bại hoại đến đâu.

Nghiêm trọng hơn, hiện nay nhiều game thiết kế nhân vật mang hình tượng của Thần, Phật. Nhưng game lại mô tả họ là kẻ tà ác mà người chơi phải tiêu diệt. Nghĩa là game bắt người ta phải tiêu diệt các nhân vật Thần, Phật đó mới được chơi tiếp. Vì vậy, game đang cấy những ý niệm bất kính, xúc phạm và phỉ báng Thần Phật vào tư tưởng người chơi.

Qua đó, có thể kết luận: Game là công cụ khiến người ta tạo nghiệp ác. Trong đầu não người chơi luôn nghĩ cách tiêu diệt đối phương, cũng chính là người chơi khác. Nó kích thích tâm tranh đấu và sát sinh. Dần dần, các ác tâm này sẽ lấn át lý trí của con người. Do đó, game khiến người ta thờ ơ, lãnh cảm, thậm chí là hả hê, thỏa mãn trước nỗi đau của người khác. Từ đó, khiến người chơi đánh mất ý thức tôn trọng và trân quý sinh mệnh.

Game khiến người ta thờ ơ, lãnh cảm, không để ý tới bất cứ ai khác. Ảnh computerhope.com

Hiện nay trên Internet, mạng xã hội và các diễn đàn, đầy rẫy những ngôn từ thô lỗ, lời chửa rủa, và lăng mạ lẫn nhau. Trên mạng, người ta dễ nổi nóng, gây chuyện, tranh cãi về quan điểm bất chấp đúng sai. Thực tế đã có nhiều trường hợp đánh lộn và chém giết ngoài đời chỉ vì mâu thuẫn trong game.

Game không chỉ khống chế đại não…

Nếu chơi game, có bao giờ bạn thấy các hình ảnh trong game tự diễn biến trong đầu? Chúng diễn ra theo một kịch bản riêng, và không tắt đi được. Đây là một triệu chứng rất phổ biến của người nghiện game. Điều này chứng tỏ các tín tức game đã chiếm dụng một phần đại não của người chơi. Chúng tự lưu trữ và hoạt động không cần thông qua sự cho phép của chủ ý thức. Về lâu dài chúng có tác dụng gì?

Tác dụng đầu tiên là khó cai nghiện game. Không chơi một thời gian, chúng cũng suy yếu dần, nên chúng hối thúc người ta chơi lại. Ngoài ra, chúng còn câu thông với chủng tín tức đồng loại trên mạng. Nghĩa là không cần trực tiếp chơi game, chỉ cần người nghiện tiếp xúc với hình ảnh game trên mạng khi lướt web, cũng dễ dàng bị lôi kéo lại. Các chủng tín tức này khống chế đại não người chơi và sai khiến họ phải tiếp xúc lại để ‘đồng bọn’ của chúng có cơ hội tiến nhập vào. Nếu không thì chúng làm người ta khó chịu, bồn chồn, mất tập trung … Cuối cùng, chỉ có việc chơi game lại thì mới thỏa mãn và giải tỏa các ức chế tâm lý đó. Đây là lý do khiến việc cai game rất khó khăn. Nguyên nhân cốt lõi bởi vì trong đầu não đã tồn trữ sẵn một số lượng tín tức nhất định về game.

Giữa ý thức và thân thể con người có mối liên quan chặt chẽ. Có thể nói, chủ ý thức góp phần quyết định trạng thái thân thể. Vì vậy, khi chơi game thì dần dần mỗi tế bào người ta đều biến thành game.

Ý niệm như thế nào sẽ dẫn đến trạng thái thân thể tương ứng. Một khi game chiếm giữ đại não, nó dễ dàng khống chế tư duy, thân thể và hành vi của con người. Dần dần, nó khiến người ta kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, có thể khẳng định, game là một loại ký sinh sống bám vào đại não. Nếu còn dung túng, cho phép chúng tồn tại, thì người ta không ngừng suy yếu, tạo điều kiện cho chúng không ngừng phát triển.

Một khi game chiếm giữ đại não, nó dễ dàng khống chế tư duy, thân thể và hành vi của con người, mất tập trung khi học tập và làm việc. Ảnh daniel-wong.com

… mà còn khống chế cả hành vi

Nghiêm trọng hơn, khi khống chế được đại não, chúng dễ dàng điều khiển hành vi con người. Khi chơi game, thực chất người ta đang học cách thực hiện mệnh lệnh chúng đề ra. Các nhiệm vụ này ngày càng khó khăn, khiến người chơi không dễ hoàn thành. Vì vậy, họ phải liên tục “học” và “luyện tập” để chơi giỏi hơn. Điều này tạo điều kiện để các tín tức game kể trên tiến nhập vào đầu não mỗi lúc càng nhiều, khống chế tư duy vững chắc hơn.

Hiện tượng này dẫn đến trạng thái nhiều người chơi game trong vô định, mù quáng. Họ không ý thức được thời gian và không biết lúc nào nên dừng. Ngoài ra, người chơi còn dễ phát tiết, nổi giận khi thua game, hoặc không hoàn thành “nhiệm vụ”. Nó khiến người ta phải liên tục nạp tiền, đầu tư thời gian, tâm huyết và sức khỏe… để cống hiến cho nó. Ở mức độ nặng, những tín tức này gần như chiếm hữu toàn bộ đầu não, khiến người chơi không còn ý thức được đúng và sai, thật và giả.

Có thể nói game là một dạng ma túy, tách biệt người chơi khỏi gia đình, nhà trường và công việc. Người nghiện nặng sẽ bất chấp lời khuyên từ gia đình, can thiệp của nhà trường, và luật pháp xã hội chỉ để thỏa mãn trong game. Rõ ràng game đang thao túng họ, biến họ thành con nghiện để bổ sung năng lượng cho nó.

Game là 1 dạng ma túy, tách biệt người chơi khỏi gia đình, nhà trường và công việc. Ảnh addictionrecov.org

Ngoài phạm vi của Game

Ngoài ra, các tín tức này không chỉ nằm trong phạm vi của game. Hiện nay, chúng đầy rẫy trong máy tính, mạng internet và vô số các sản phẩm truyền thông. Chúng là dạng thông điệp, ý nghĩa ngầm nằm trong hình ảnh, quảng cáo, thông tin, diễn đàn, phim ảnh, ca nhạc, game … Chúng có tác dụng kích thích sự tiêu thụ, ganh đua, phô trương, hiển thị, đố kỵ, tranh đấu, sắc dục… Chúng tràn ngập trên mạng nhưng rất tinh vi và khó nhận biết, khiến người xem rất dễ bị động tâm nhưng không hiểu tại sao. Ngoài ra, tâm thái tò mò dễ bị dẫn dắt sang các nội dung khác. Khi tiếp xúc mạng Internet, thì các chủng tín tức đủ mọi thể loại sẽ tuôn trào, tiến nhập vào đại não.

Khi lướt web, nhiều hình ảnh tưởng rằng không nhìn thấy nhưng thật ra chỉ 0,01 giây là chúng đã có thể tiến nhập vào. Dưới dạng thông điệp ngầm, chúng đi thẳng trực tiếp vào đại não, tinh vi đến mức mà ý thức con người không nhận ra. Nếu tiếp xúc mạng Internet hàng ngày, chúng sẽ tăng dần về số lượng và mật độ. Đến một thời điểm, chúng sẽ khởi tác dụng và gây một số ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ và quan niệm người dùng.

Nghiện game đưa đến hậu quả gì?

Đầu tiên là sức khỏe bản thân. Chơi game nhiều dẫn đến tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, mất tập trung, cận thị, nhức đầu, căng thẳng, suy sụp về thể chất…. Ngoài ra, chơi game còn tiêu tốn thời gian, rối loạn nhịp sinh hoạt, cản trở việc ăn uống, nghỉ ngơi, học hành và các công việc khác.

Chơi game nhiều dẫn đến tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, mất tập trung, cận thị, nhức đầu, căng thẳng, suy sụp về thể chất…. Ảnh: ins.ĐKN

Ngoài ra, người nghiện game sẽ thua thiệt về nhận thức và kinh nghiệm so với bạn bè đồng lứa khi ra đời. Hiện nay, trong khi bao nhiêu người đang trau dồi kỹ năng sống, chắt lọc kinh nghiệm thực tiễn, học 1 ngoại ngữ mới, mở rộng mối quan hệ thì nhiều người vẫn cắm đầu vào màn hình chơi game. Hơn nữa, những “thành tích” đạt được trong game chỉ có tác dụng trong đó. Chúng hoàn toàn vô nghĩa khi đem ra ngoài đời. Tương tự, liệu kiến thức trong game có thể ứng dụng ngoài xã hội? Đến khi cai nghiện được game, bước ra cuộc sống thật, họ mới nhận ra mình đánh mất những gì. Thời gian, sức khỏe, tiền bạc, gia đình, sự nghiệp, trí tuệ… game có trả lại cho họ? Sự hối tiếc đó không ai có thể bù đắp. Lúc đó, người nghiện game chỉ có thể trách chính mình vì đã quá dễ dãi, nuông chiều bản thân mình.

Game là một loại ma túy, nó mê hoặc đầu não bằng những tín hiệu điện tử. Dù thừa biết chúng là giả, nhưng người ta vẫn chạy theo các ảo tưởng đó. Dần dần, tín tức game và nghiệp tư tưởng sẽ tạo thành một trường vật chất dày đặc, bao quanh và giam giữ tâm trí họ. Trường vật chất này tách biệt họ hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài, và thay thế cuộc sống thực của người chơi. Đến lúc này, chúng dễ dàng chiếm hữu đại não và thể xác của họ, biến họ thành nô lệ của chúng.

Ngược lại, có thể nói chính người chơi game đã tự xây một nhà tù giam giữ thể xác và tinh thần của mình. Lúc này, họ sẽ không tiếp thu ý kiến nào trái với quan điểm cá nhân mình; và không quan tâm đến những gì xảy ra bên ngoài. Nghĩa là họ tự cô lập mình hoàn toàn.

Người chơi game đã tự xây 1 nhà tù giam giữ thể xác và tinh thần của mình, họ tự nhốt mình vào một không gian riêng ở tất cả mọi nơi. Ảnh idc.com

Đáng sợ hơn, đó chính là hậu quả đối với sinh mệnh  

Những người mê game chủ động rời khỏi cuộc sống thật, mang tâm lý trốn tránh thực tại, chỉ để thỏa mãn bản thân mình. Điều này phải chăng đi ngược lại so với mục đích tồn tại của một sinh mệnh, hay đi ngược lại so với sự an bài của các chư Thần?

Ngoài ra, công nghệ game ngày nay đã phát triển đến mức độ cho người chơi có thể làm bất cứ điều gì. Trong thế giới ảo đó, họ hoàn toàn không bị giới hạn bởi cơ chế vật lý, hành vi, trải nghiệm, hay tiêu chuẩn đạo đức. Xu thế này nếu phát triển thêm thì kết cục sẽ như thế nào đây?

Hơn nữa, một khi người chơi bị dẫn dắt bởi tính tò mò và hiếu kỳ, thì hoàn toàn không có điểm dừng cho các ảo tưởng và tham vọng của họ. Nghiêm trọng hơn, điều này còn khiến họ không còn nhận thức và niềm tin vào Thần, Phật hay Pháp lý. Vậy sự việc diễn ra trong đó có thể bại hoại đến mức độ nào?

Các bậc cha mẹ hãy ra tay bảo vệ con mình

Bản thân tôi chơi game từ nhỏ, nghiện nặng nhất trong thời gian từ học cấp 3 đến đại học. Có thời gian, tôi chơi game đến mức độ thay cà phê để tỉnh ngủ. Khi đó, tôi từng nghĩ rằng cai game là điều không tưởng. Tuy nhiên, từ việc mê game, tôi học ngành thiết kế game và tìm hiểu về lĩnh vực này một cách có lý trí. Qua các số liệu nước ngoài, tôi thấy được tầm ảnh hưởng của game vô cùng rộng lớn, ma lực của nó đã bao phủ toàn cầu. Từ các dữ liệu trên, tôi dần nhận ra mặt trái của game, cũng như các tác hại khôn lường của nó.

May mắn thay, nhờ bước vào tu luyện Phật Pháp, tôi dần hiểu ra tiêu chuẩn đạo đức và ý nghĩa tồn tại của một sinh mệnh. Từ đó, tôi có thể nhìn lại chính mình và đối chiếu với tâm thái và mục đích của những nhà làm game. Vì cạnh tranh, vì lợi nhuận, họ đã bán rẻ quyền lợi và sự an toàn của người dùng. Vì vậy, họ liên tục tạo ra thiết bị chơi game và sản phẩm game ngày càng hấp dẫn và gây nghiện hơn.

Nhờ bước vào tu luyện Phật Pháp, tôi dần hiểu ra tiêu chuẩn đạo đức và ý nghĩa tồn tại của 1 sinh mệnh. Ảnh en.falundafa.org

Hiện nay trên thế giới có hơn 1,8 tỷ người chơi game. Mức độ gây nghiện của game cũng ngày càng tăng. Mục tiêu chính của chúng là giới trẻ, đối tượng chơi game càng lúc càng trẻ hóa. Lạ lùng là giờ đây, trẻ em 2, 3 tuổi cũng có biểu hiện nghiện game và các thiết bị điện tử iPad.

Hơn nữa, không ngừng có đủ các thể loại game được thiết kế phù hợp cho nhu cầu mỗi người, trong mọi tầng lớp xã hội. Điều này nghĩa là với 1 đứa trẻ, luôn có vô số tựa game chờ sẵn, theo suốt quá trình lớn lên của bé, ở mọi thời điểm trong cuộc đời. Do vậy, nếu tiếp xúc sớm từ nhỏ, thì trẻ dễ dàng có khuynh hướng lệ thuộc vào thiết bị điện tử và có khả năng nghiện game hơn khi trưởng thành.

Mục đích bài viết này không phải hoàn toàn để bài xích mạng Internet và công nghệ. Mà chúng ta cũng cần sử dụng công nghệ như một công cụ. Trọng tâm ở đây chính là thái độ và mục đích sử dụng máy tính của người dùng. Hãy xác định rõ mục đích, lên danh sách công việc cần làm và giới hạn thời gian sử dụng máy tính. Như vậy sẽ hạn chế việc bị sa đà và vô ý bị dẫn dắt sang phía phụ diện.

Đồng thời, cũng muốn nhắn nhủ đối với các bậc phụ huynh, hãy để mắt và quan tâm con cái mình nhiều hơn. Thay vì quẳng cho chúng một chiếc Ipad để chúng ngồi mải mê trong những trò chơi điện tử, hãy dành thời gian ở bên con, cùng đọc sách, cùng đi dạo hay đi dã ngoại… Làm cha mẹ, chúng ta hãy có trách nhiệm bảo vệ con mình tránh xa những trò chơi điện tử đáng sợ kia.

Minh Sơn

Xem thêm:

Exit mobile version