Đại Kỷ Nguyên

Ngưỡng mộ người khác chi bằng tự mình sống tốt hơn

Người ta sở dĩ không vui vẻ hạnh phúc là bởi vì họ cứ muốn làm người khác mà không muốn làm chính mình.

Có một câu chuyện ngụ ngôn thế này: Heo nói rằng giả như cho tôi sống thêm một đời nữa, tôi ước được làm một con bò, công việc tuy có vất vả một chút, nhưng danh tiếng tốt lại được con người yêu mến. Bò thì nói giả như cho tôi được sống thêm một cuộc đời nữa, tôi ước làm một chú heo, ăn no rồi ngủ, ngủ đủ lại ăn, không mất sức, không chảy mồ hôi, cuộc sống sướng như tiên. Chim ưng nói giá như cho tôi sống lại một lần nữa, tôi sẽ làm một con gà, khát có nước, đói có gạo, ở có chuồng, lại còn có người bảo vệ. Gà nói giá như cho tôi sống lại thêm một lần nữa, tôi phải làm một con chim ưng, có thể bay lượn trên trời xanh, vân du tứ hải, tùy thích muốn làm gì làm nấy.

Điều ước của các con vật trong câu chuyện ngụ ngôn kia cũng chính là những gì mà chúng ta vẫn thường làm: Rất ít người mong được làm chính mình, thay vào đó họ cứ đi ngưỡng mộ những thứ của người khác, ngưỡng mộ công việc của người khác, ngưỡng mộ con cái ưu tú của người khác, ngưỡng mộ chiếc xe mới của người khác. Hôm nay trông thấy Trương Tam mua một ngôi nhà mới, liền sinh oán giận chồng mình bất tài. Ngày mai thấy gia đình Lý Tứ hạnh phúc, liền cảm thấy bản thân mình đã gặp phải người chẳng ra gì. Chúng ta dường như quên mất rằng bản thân chúng ta có khi cũng là đối tượng mà người khác đang ngưỡng mộ.

Người khác có thể ngưỡng mộ bạn là người tài hoa, ngưỡng mộ cuộc sống thanh nhàn của bạn, hoặc con cái ngoan hiền của bạn, chỉ là bạn không biết mà thôi. Trái lại, bạn cũng không biết người mà bạn hâm mộ có thể đang phải chịu đựng nhiều áp lực, ăn không ngon ngủ không yên, hoặc đang có những đau buồn mà họ không thể thổ lộ.

Ai thực sự có thể nhìn thấy phía sau ánh hào quang của người khác?

Vài ngày trước, một người bạn học cũ gọi điện cho tôi và kể về một người bạn khác gặp cơ duyên tốt: Nào là người bạn đó sau khi tốt nghiệp đại học, được kết hôn với mối tình đầu, từ trước hay sau kết hôn đều là người khiến mọi người hâm mộ; nào là chồng bạn ấy không những có sự nghiệp thành công, còn biết quan tâm, lại giúp vợ làm việc nhà, hơn nữa còn vui đùa với con… Nào ngờ, sau khi kết hôn được 20 năm, người chồng đó lại còn có con riêng nữa, giờ đây họ đang làm thủ tục ly hôn… Thật là không thể ngờ rằng câu chuyện lại kết thúc như thế!

Chúng ta từ bên ngoài nhìn người khác, bởi vì chỉ có thể thấy được bề ngoài nên xem ra cứ tưởng rằng người khác là tốt hơn mình. Và người khác cũng chỉ thấy bề ngoài của bạn, họ không biết nội tâm bạn có gì, vì thế đôi khi bạn chỉ là gượng cười cho vui thì họ cũng không hề hay biết.

Trước đây, tôi thường ngưỡng mộ các đồng nghiệp thường xuyên đi nước ngoài công tác, tưởng tượng họ không cần dùng tiền túi mà vẫn có thể đi đây đi đó. Sau này đến lượt chính bản thân mình trải nghiệm, tôi mới vỡ lẽ rằng sự tình cũng không hẳn là thế: ngồi máy bay đường dài không những ăn chẳng ngon, ngủ chẳng được, miệng đắng, lưỡi khô rát, còn đau lưng mỏi gối nữa, ngần đó đã đủ mệt rồi, vậy mà khi về lại phải viết báo cáo báo cầy nữa, thật vô cùng mệt mỏi.

Cho nên, đừng chỉ nhìn bên ngoài của sự việc; con người có vẻ như ai cũng đều muốn giữ thể diện, thậm chí chỉ muốn khoe cái tốt của mình còn xấu xa thì đậy điệm lại… vì thế, hỏi mấy ai thực sự nhìn thấy những sự cố gì đang xảy ra ở đằng sau ánh hào quang của người khác?!

Họ có phiền não của họ, bạn có hạnh phúc của mình

Hạnh phúc giống như con người uống nước, ấm hay lạnh chỉ tự mình biết. Bạn không phải là tôi, sao thấu hiểu được chặng đường tôi đã qua, trong tôi là niềm vui hay nỗi khổ?

Bạn thấy kết quả học tập tốt của bạn bè mà khởi tâm ngưỡng mộ, nhưng bạn có biết họ mỗi ngày đều cần tận lực đầu óc, ra sức suy nghĩ, ngày đêm dùi mài như thế nào? Bạn ngưỡng mộ một ngôi sao hay minh tinh màn bạc có thân hình yêu kiều nào đó, nhưng bạn có biết cô ấy luôn tính toán chi ly đến từng xen ty mét, ăn kiêng giữ dáng, có khi mỗi ngày chỉ ăn có một bữa không?

Bạn ngưỡng mộ một người nào đó đạt được nhiều thứ, nhưng có biết đâu rằng có thể họ đang phải đảm nhận nhiều trách nhiệm và nguy cơ, nguy hiểm gấp bội so với một người bình thường?

Bạn ngưỡng mộ người nào đó có thể đi đây đi đó, đi khắp các nơi mà không bị gò bó câu thúc hay ràng buộc gì cả. Nhưng điều đó cho thấy mặt trái của vấn đề là người ấy cũng phải lo lắng cho sự nghiệp không cố định của họ, hoặc túi tiền cũng sẽ bị vơi mỏng đi bởi vì chi phí đi lại, phải vậy không?

Mỗi một chuyện trên đây đều giống hai mặt của đồng xu, hay hai mặt của tấm huy chương thôi, nó có mặt phải và mặt trái. Khi chúng ta ngưỡng mộ người khác, cũng là khi chúng ta không nhìn thấy những nỗi đau và phiền muộn trong lòng của họ mà họ không hề để lộ cho người khác biết.

Cuộc sống không có ai là hoàn hảo, cho nên không cần phải ngưỡng mộ người khác. Chỉ cần hiểu rằng, người ta có mối phiền muộn của người ta còn bạn có hạnh phúc của bạn. Hạnh phúc của người khác không liên quan đến hạnh phúc của bạn. Nếu như bạn biết bản thân mình cần gì thì bạn sẽ không cần ngưỡng mộ hạnh phúc của người khác; nếu như bạn không biết bản thân mình cần gì, thì cho dù bạn đã đạt được hạnh phúc, nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ.

Bạn thử nghĩ xem, nếu như Trương Tam chỉ ngưỡng mộ sự nghiệp của Lý Tứ, còn Lý Tứ chỉ ngưỡng ngộ gia đình của Trương Tam, vậy thì làm sao có thể hạnh phúc, vui vẻ được?

Làm sao để vượt qua sự đố kỵ và ngưỡng mộ?

Thứ nhất, hãy biến những điều mình đang ngưỡng mộ thành hình mẫu để khích lệ chính mình. Đối với những người ưu tú, hãy thưởng thức họ theo cách cải biến sửa đổi thái độ, tâm thái của bản thân mình. Có người tốt hơn mình thì khen ngợi tán thưởng họ, khẳng định họ, bạn không cần phải thi thố so đo với người đó, nhưng ít nhất giữa bạn cùng họ có mối quan hệ tốt, thì có thể học hỏi được từ họ, không phải vậy sao?

Thứ hai, hãy thử hỏi người ta rằng: “Bạn hạnh phúc không?” Trong thế giới này chẳng có gì là thập toàn vẹn mỹ, một vài người mà chúng ta gọi là ngưỡng mộ kia, họ đồng thời cũng đang chịu đựng những thứ không như ý, đúng như cái gọi là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhà nào mà chẳng có cái khó riêng của mình cần phải vượt qua, phải trải nghiệm.

Thứ ba, hãy tự hỏi mình: “Tại sao lại ghen tức, đố kỵ họ?” Vô luận không cần biết bạn đang đố kỵ ai, chỉ thấy rằng bạn không bằng người ta, không được như người ta, thế thì cứ nuôi tâm đố kỵ để làm gì?

Cuối cùng, hãy tự hỏi mình: “Vì sao ta ngưỡng mộ họ?” Người với người luôn là đang ngưỡng mộ lẫn nhau. Cái giá của ngưỡng mộ người khác, thường chính là bỏ quên, đánh mất đi chính mình. Tại sao không để chính mình trở thành đối tượng ngưỡng mộ của người khác?

Vậy nên, ngưỡng mộ người khác chi bằng cứ tự hoàn thiện bản thân mình.

Trích từ “Tầm nhìn quyết định thế giới của bạn” – Nhà Xuất bản Cao Quý

Tác giả: Hà Quyền Phong

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Ban Mai biên dịch


Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version