Đại Kỷ Nguyên

Nguồn gốc của câu thành ngữ: “Vẽ đường cho hươu chạy”

Rất nhiều người chúng ta đều biết câu thành ngữ này nhưng không mấy ai tỏ tường nguồn gốc, câu chuyện đằng sau câu nói quen thuộc của người xưa.

Vào những năm cuối của triều đại nhà Đường, ở Tuyên Châu có một gia đình nằm sát bên một ngọn núi vừa cao vừa đồ sộ. Gia đình họ có ba người gồm hai vợ chồng trẻ và một cậu con trai nhỏ tuổi.

Mỗi đêm trôi qua, cậu bé này đều thấy một con quỷ dẫn theo một con hổ đến để truy bắt mình. Cậu bé đã chứng kiến cảnh ấy đến hơn mười lần rồi. Vì vậy, cậu liền nói với cha mẹ rằng: “Cha mẹ! Hằng đêm quỷ đều dẫn hổ đến truy bắt con, chắc con sẽ không thoát khỏi cái chết. Con nghe người xưa bảo rằng hổ ăn thịt người, hồn người ấy không biết đi đâu, lại theo con hổ, để đưa hổ về ăn thịt người khác, vì thế những kẻ giúp kẻ ác làm ác đều gọi là Trành. Khi con biến thành Trành, con hổ bắt con dẫn đường đi ăn thịt người, con sẽ dẫn nó đến làng mình. Cha hãy làm bẫy, chắc chắn sẽ bắt được nó, cứu được dân làng.”

Không lâu sau, cậu bé này quả nhiên bị con hổ đến ăn thịt.

Qua mấy ngày tiếp theo, cha của cậu bé nằm mộng. Trong giấc mộng, cậu bé hiện về nói với cha rằng: “Cha ơi! Con đã biến thành Trành, ngày mai con sẽ dẫn lão hổ đến làng mình. Cha hãy làm một cái bẫy chỗ ngã ba đường để bắt hổ.”

Người cha tỉnh dậy, nhớ lại lời con trai nói trước khi chết và trong cả giấc mơ, liền tin theo. Ông cùng với dân làng đào ngay một cái bẫy thật lớn theo đúng lời cậu bé căn dặn. Quả nhiên, ngày hôm sau, một con hổ già đã bị mắc bẫy và dân làng đã bắt được con hổ ấy.

Câu thành ngữ: “Vẽ đường cho hươu chạy” cũng từ đây mà ra đời.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch 

Exit mobile version