Đại Kỷ Nguyên

Người ‘vô liêm’ điều gì cũng dám tranh, kẻ ‘vô sỉ’ cái gì cũng dám làm

Cổ nhân dùng đức để đánh giá ‘hiền ngu’ của một người, họ cho rằng người đức hạnh cao thượng nhất định sẽ được mọi người tín phục. Trong đó Liêm và Sỉ là hai đức hạnh quan trọng nhất trong 8 đức hạnh cao thượng. Bởi vì, người vô liêm cái gì cũng dám tranh, kẻ vô sỉ cái gì cũng dám làm.

Cổ ngữ có câu rằng: “Dùng nhân nghĩa và đức hạnh trị sửa người là Đạo. Dùng Đạo trị sửa quốc gia thì quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Dùng quyền hành và sức mạnh trị sửa người chính là ác bá. Dùng ác bá trị sửa quốc gia thì hậu hoạn vô cùng vô tận, thế Đạo ắt loạn”.

Người xưa phân đức thành tám loại: Hiếu – đễ – trung – tín – lễ – nghĩa – liêm – sỉ, được gọi là “Bát Đức”, tức tám loại đức hạnh. Bát Đức cũng được gọi là “Bát Đãn”, ý nghĩa là nếu một người thiếu tám loại đức hạnh này thì không phải là con người. Người mất đi tiêu chuẩn làm người thì không được coi là con người.

So với thời xưa thì hiện nay giá trị đạo đức như Liêm và Sỉ đã không còn được coi trọng nữa, thậm chí ngày càng suy bại. Đạo đức bại hoại, không coi trọng bát đức cũng là nguyên nhân căn bản của tất cả các hiện tượng suy đồi trong xã hội ngày hôm nay.

Làm người, không thể không tu dưỡng Liêm và Sỉ

“Liêm” tức liêm khiết, là một phẩm đức quan trọng của nhân loại. Liêm bao gồm ý nghĩa liêm khiết và tiết kiệm, thanh đạm. Người xưa nói: “Liêm là cội nguồn của phú quý”. Không tham lam được coi là Liêm. Liêm thường được kết hợp với Thanh (trong sạch) thành Thanh Liêm, nghĩa là không tham lam, trong sạch, trong trắng. Suy nghĩ sâu thêm thì thấy Liêm có khởi nguồn từ Sỉ, tức xấu hổ, hổ thẹn. Vì người biết Sỉ ắt sẽ Liêm (không tham).

Làm người, không thể không tu dưỡng Liêm và Sỉ. (Ảnh: wxwenku.com)

“Sỉ” là chỉ tâm hổ thẹn. Khổng Tử nói: “Các hành vi của mình phải biết hổ thẹn”, nghĩa là biết giữ mình, biết rằng làm bừa tùy ý là việc đáng hổ thẹn. Mạnh Tử nói: “Con người không thể vô sỉ (không biết hổ thẹn)”.

Khổng Tử còn nói: “Biết hổ thẹn là đã gần với dũng cảm”. Một người biết hổ thẹn thì khi đứng trước tiền tài sẽ không tham, khi ở cảnh khốn cùng cũng không khuất phục. Người có Liêm Sỉ sẽ biết khiêm tốn, nhượng bộ, hiểu được lựa chọn hay buông bỏ. Bất kể là tu dưỡng cá nhân hay là khí tiết dân tộc thì Liêm và Sỉ đều là ‘lãnh đạo’ của lương tri.

Một người nếu biết hổ thẹn sẽ luôn luôn ước thúc hoặc kiểm soát hành vi của mình để không trái với đạo đức. Vì vậy, người biết Liêm Sỉ cũng là người dũng cảm. Bởi vì biết hổ thẹn nên họ luôn luôn tự xem lại hành vi đức hạnh của mình. Người biết hổ thẹn sẽ dũng cảm đối diện với những sai lầm của mình, vượt lên chính mình, đó chính là Dũng.

Mạnh Tử nói: “Không có tâm xấu hổ về cái ác cái xấu của mình thì không phải là con người”. Ông cho rằng người biết xấu hổ nhất định có đạo đức tốt đẹp, họ sẽ không bị danh lợi mê hoặc.

Chu Hy nói: “Người có Liêm Sỉ thì có những việc sẽ không làm”, tức là người có tâm hổ thẹn sẽ không làm những việc không nên làm.

Người biết hổ thẹn nhất định có ý chí kiên định. Khi đối diện với được và mất, nghĩa và lợi, cộng đồng và cá nhân, họ không bị dục vọng thao túng, khống chế.

Lã Khôn, học giả đời Minh nói: “5 loại hình phạt không bằng một chữ Sỉ”, ông cho rằng giáo dục để người dân hiểu được Liêm Sỉ quan trọng hơn hình phạt nặng nề. Bởi vì khi đạo đức của mọi người được nâng cao, họ sẽ biết nên làm thế nào và không nên làm điều gì, biết đúng sai thị phi thì cũng không cần dùng đến hình pháp nữa. Do đó, Nho giáo vô cùng coi trọng giáo dục, giáo dục là tiên phong, hình pháp là phụ trợ.

Người xưa coi các tiêu chuẩn đạo đức là cái gốc để cải biến con người. (Ảnh: pngtree.com)

Người xưa thanh liêm như thế nào?

Khi Bao Thanh Thiên thọ 60 tuổi, ông kiên quyết không nhận bất kỳ lễ vật nào của bất kỳ người nào đem tặng. Không ngờ, người đầu tiên đến chúc mừng và tặng quà cho ông lại là đương kim hoàng thượng Tống Nhân Tông. Trên bữa tiệc, thái giám viết 4 câu thơ:

Đức cao vọng trọng nhất phẩm quan,
Đêm ngày vì nước tựa Ngụy Trưng.
Hôm nay hoàng thượng mang quà tặng,
Chối từ nhận lễ lý chẳng thông.

Bao Thanh Thiên xem xong lấy bút viết tiếp 4 câu thơ bên dưới:

Thiết diện vô tư tấm lòng trung
Làm quan kỵ nhất cứ kể công.
Vì nước đêm ngày là trách nhiệm,
Chối từ nhận lễ giữ thanh liêm.

Thông qua bài thơ chối từ nhận lễ vật, hành động của Bao Thanh Thiên đã thể hiện ra sự liêm chính của ông, và cũng được hoàng thượng khen ngợi, bá quan trong triều và bách tính tôn kính.

Theo BLdaily
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version