Đại Kỷ Nguyên

Người nội tâm phong phú giỏi cúi đầu lắng nghe, nâng lên được thì buông xuống được

Năng lực trí tuệ (“intelligence quotient” – IQ, chỉ số thông minh) mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để chúng ta có được một cuộc sống như mong muốn… 

Trí tuệ xúc cảm (thường được biết đến với tên gọi “emotional quotient” – EQ hay chỉ số cảm xúc) là khả năng thấu hiểu và quản lý, sử dụng những cảm xúc của bản thân theo hướng tích cực. 

Để cho dễ hiểu: IQ có thể giúp bạn vào được đại học nhưng khi đứng trước những kỳ thi, bạn phải dựa vào EQ để cân bằng cảm xúc.

Chỉ số cảm xúc (EQ) cao nhất không phải là tâm kế với người khác, mà là đặt mình vào vị trí người khác và suy nghĩ một cách thiện ý. 

Rất nhiều người sẽ phát hiện, một số bạn bè có thể học không cao, nhưng khi nói chuyện với họ luôn cảm thấy như được tắm trong gió xuân, loại người này luôn luôn được xã hội tán thưởng và sống rất dễ chịu.

Mà có một số người, hễ mở miệng là lạnh lùng như băng. Nói chuyện với họ cứ ngỡ như va vào tường, đi vào bế tắc. 

Nói tóm lại người có EQ cao cũng đồng nghĩa với người có nội tâm phong phú

Một phần nguyên nhân nằm ở chỉ số cảm xúc này. 6 thói quen của người có chỉ số cảm xúc cao dưới đây sẽ phần nào thay đổi cuộc sống của bạn:

1. Người có chỉ số cảm xúc cao giỏi cúi đầu lắng nghe

Cúi đầu lắng nghe là một loại nghệ thuật, một loại phẩm đức, hơn nữa là biểu hiện của người có chỉ số cảm xúc cao. 

Thế nào là giỏi cúi đầu lắng nghe? Đó chính là chăm chú đợi người khác nói xong, chứ không làm gián đoạn trong khi họ nói. 

Khi người khác nói, người có chỉ số cảm xúc cao sẽ vừa lắng nghe vừa suy nghĩ, lại có thể đứng tại góc độ của đối phương để giao tiếp với họ. Cho nên lời của họ mới có thể nhận được sự chào đón rộng rãi của đại chúng. 

Trong “Sử ký” có viết: “Biết lắng nghe nên trình độ càng ngày càng tăng”. 

Người ta mất hai năm để học nói nhưng mất cả đời để học cách im lặng và lắng nghe. 

Nhu cầu được lắng nghe của con người là cực kỳ lớn. Cho nên, nếu bạn muốn nhận được sự yêu thích của người khác, thì nên học cách sử dụng đôi tai của mình, làm một người mà hiểu được giá trị của sự lắng nghe. 

Tử Kỳ nghe “Cao sơn lưu thuỷ” của Bá Nha, thế là Bá Nha và Tử Kỳ trở thành bạn tri âm.

Nếu bạn là “thính giả trung thành” của người khác, đối phương sẽ cảm nhận bản thân họ được xem trọng, từ đó sinh ra thiện cảm đối với bạn, nguyện ý kết giao cùng bạn.

(Ảnh: dailyvanity.sg)

2. Người có chỉ số cảm xúc cao có thể khống chế cảm xúc bản thân

Người không khống chế được cảm xúc của bản thân, dù năng lực lớn cũng khó có thể làm nên chuyện.

Trương Phi không chỉ có năng lực lớn mà còn thiện chiến, nhưng cái chết của Trương Phi lại rất bế tắc: ông không phải chết nơi chiến trường ác liệt, mà là chết bởi cảm xúc cá nhân. 

Nghe được tin người anh Quan Vũ bị hại, Trương Phi không khống chế được cảm xúc bi thương, huyết lệ nhỏ đầy vạt áo, sau đó mượn cớ say xỉn để đánh đập binh sỹ, yêu cầu họ ngày đêm nhanh chóng chế tạo binh khí, muốn lập tức báo thù cho anh.

Cuối cùng, thuộc hạ của Trương Phi là Phạm Cường và Trương Đạt nhẫn chịu không nổi, lợi dụng lúc Trương Phi say khướt bèn giết ông trong doanh trại quân đội. 

Mỗi người đều sẽ sản sinh các chủng các dạng cảm xúc, nhưng người có chỉ số cảm xúc cao sẽ biết cách quản lý, chi phối những cảm xúc ấy, không làm nô lệ của cảm xúc. 

Bất kể lúc nào cũng đều làm được đầu não trầm tĩnh, hành vi lý trí, khống chế những xung động của cảm xúc, khắc chế những dục vọng thái quá, vậy sẽ khiến bản thân từ đầu đến cuối bảo trì tâm thái tốt lành, tâm tình trong sáng, tấm lòng rộng rãi. Đây mới là biểu hiện của người có chỉ số cảm xúc cao. 

3. Người có chỉ số cảm xúc cao nâng lên được thì buông xuống được

Cuộc sống chưa bao giờ là con đường phẳng phiu. Có khi chúng ta được hoa tươi và những tiếng vỗ tay, nhưng cũng có lúc trải qua những trắc trở và khó khăn.

Người có chỉ số cảm xúc cao có dũng khí gánh vác, nâng lên được lại có đủ trí tuệ mà buông xuống được.

Nâng lên được là sinh tồn, buông xuống được là sinh sống; nâng lên được là năng lực, buông xuống được là trí tuệ. 

Phạm Lãi sau khi phụ tá Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, từ quan mà đi buôn bán, quy ẩn thế gian. Ông cùng Tây Thi chèo thuyền phiêu diêu tự tại ở Tây Hồ. Văn Chủng vì không nghe lời khuyên của ông nên cuối cùng rơi vào kết cục đáng thương: “Chim hết rồi cung tên bỏ xó; Thỏ hết rồi chó bị phanh thây” (Ý tứ là: nước địch phá xong mưu thần bị giết). 

Tình cảm cũng vậy, hư danh cũng vậy, nâng lên được thì buông xuống được. Đây cũng là điều mà một người có chỉ số cảm xúc cao nên có. 

(Ảnh: lovepik.com)

4. Người có chỉ số cảm xúc cao làm việc có chừng mực

Một nhà thơ từng nói đại ý là: Hết thảy giao tiếp đều có giới hạn mà không thể vượt qua; tất cả những phiền phức và xung đột đều bắt đầu từ việc muốn đột phá giới hạn đó một cách vô ý. 

Có thể nói lời nào, có thể nói đến mức độ nào, làm sao mới khiến cho đối phương cảm thấy dễ chịu… việc nắm chắc các vấn đề đó thể hiện ra một người có chỉ số cảm xúc cao. 

Người có chỉ số cảm xúc cao đối đãi với người khác có chừng mực, đối đãi với bản thân có nguyên tắc.

Có lần trong sinh nhật của Tăng Quốc Phiên, một vị tướng là Bào Siêu tự mình đến trước để chúc thọ ông. 

Bào Siêu mang theo tổng cộng 16 túi lễ vật, trong đó có nhiều loại châu báu cổ xưa. 

Tăng Quốc Phiên xem rồi cười, từ trong đó chọn một cái mũ nhỏ, còn những cái khác thì trả lại hết cho Bào Siêu. 

Tăng Quốc Phiên đã không làm trái nguyên tắc của ông, lại không bác bỏ thể diện của cấp dưới. Có thể nói ông là người cư xử hết sức có chừng mực.

Khi biết đối xử với người khác như thế nào cho hợp tình hợp lý, bạn đã nắm vững được sự chừng mực của người có chỉ số cảm xúc cao. 

5. Người có chỉ số cảm xúc cao hiểu được lúc nào nên từ chối

Hiểu cách từ chối, cuộc sống mới có thể rộng rãi sáng sủa. Sự từ chối yêu cầu dũng khí, và người có chỉ số cảm xúc cao hiểu được cách từ chối đúng lúc. 

Dương Giáng là vợ của Tiền Chung Thư. Sau khi Tiền Chung Thư qua đời, Phí Hiếu Thông – người mà để ý Dương Giáng đã lâu – cho rằng đây là thời cơ của mình, bèn lấy danh nghĩa là bạn cũ để thăm Dương Giáng, hy vọng có thể chăm sóc cô.

Tình ý của Phí Hiếu Thông thì người thông minh như Dương Giáng nhìn qua là cảm nhận được. Nhưng vì không muốn làm hỏng thể diện của người bạn cũ, trước khi ông đi, Dương Giáng ở trước mặt ông và nói:

– Cầu thang không dễ đi, sau này anh không cần ‘biết khó mà vẫn leo lên’ nữa.

Phí Hiếu Thông cũng là người thông minh, đã nghe hiểu ý của Dương Giáng, từ đó bỏ cái tâm tán tỉnh ấy đi. 

Từ chối không phải là lạnh nhạt mà là biết khước từ những yêu cầu không hợp lý.

Người có chỉ số cảm xúc cao sẽ biết phương cách từ chối thích hợp, có thể khiến bản thân sống thuận lợi và đầy đủ, cũng khiến bản thân không quá ấm ức. 

(Ảnh minh họa: ivsky.com)

6. Người có chỉ số cảm xúc cao biết đặt mình ở vị trí người khác mà suy nghĩ

Trong cuốn sách mang tên “Trí tuệ cảm xúc” của Daniel Goleman có đoạn viết: “Người IQ không cao mà EQ cao, quý nhân giúp đỡ; người IQ cao mà EQ không cao, có tài nhưng không có cơ hội”.

Nếu bạn thật sự nghĩ có chỉ số cảm xúc thấp là không có hy vọng, vậy thì hãy nhớ lấy điểm này là tốt rồi: dùng cái tâm chân thành, đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ. 

Khi còn ở phủ Khai Phong, Phạm Trọng Yêm từng phái người con thứ là Phạm Thuần Nhân đem chiếc thuyền chở 500 hộc lúa mì đến vùng Cô Tô để chu tế cho những người dân ở đó.

Khi qua Đan Dương, Phạm Thuần Nhân gặp bạn cũ của cha là Thạch Mạn Khanh tiên sinh. Lúc đó Mạn Khanh tiên sinh rất khốn đốn, trong nhà lại có tang, người chết đã 3 năm mà chưa mai táng. 

Phạm Thuần Nhân biết được điều đó, lập tức bán hết lúa mì, đem số tiền bán được toàn bộ tiếp tế cho Thạch Mạn Khanh. Sau đó Thuần Nhân còn biết được Mạn Khanh có hai người con gái, vì gia cảnh bần hàn nên chưa lấy chồng, bèn đem chiếc thuyền đưa cả cho Mạn Khanh tiên sinh. 

Phạm Thuần Nhân sau khi tay không về nhà, đem chuyện gặp Thạch Mạn Khanh nói cho phụ thân.

Phạm Trọng Yêm lập tức nói: “Con vì sao không đem 500 hộc lúa mì đưa cho ông ấy?”.

Phạm Thuần Nhân mới đáp lại: “Con đã đưa cho ông ấy rồi nhưng lại không đủ”.

Phạm Trọng Yêm lại hỏi: “Sao không đem cả chiếc thuyền đưa cho ông ấy?”. 

Phạm Thuần Nhân lại đáp rằng: “Con chính là đã lấy thuyền đưa cho ông ấy nên mới đi bộ về đây”. 

Phạm Trọng Yêm rất vui lòng: “Thế là đúng rồi, không hổ danh là con của ta!”.

Thời gian trôi qua mới thấy được tâm con người. Bạn không nhất định có thể thấy rõ một người có bao nhiêu thứ tốt và thứ xấu, nhưng nhất định có thể thấy được một người liệu có sống vì cá nhân không, có giỏi trong việc suy nghĩ cho người khác hay không.

Trí tuệ cảm xúc cao nhất chính là không có tâm kế với người khác, hơn nữa còn là đặt mình vào vị trí người khác và nghĩ thiện về họ. 

Mạn Vũ
Theo tw.aboluowang.com

Bạn đang đọc bài viết: “Người nội tâm phong phú giỏi cúi đầu lắng nghe, nâng lên được thì buông xuống được” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version