Năm 1959, Liên Xô tiến hành tuyển chọn ứng cử viên xuất sắc cho chuyến hành trình đầu tiên của nhân loại bay vào không gian vũ trụ. Sau khi vượt qua hàng ngàn ứng cử viên, cuối cùng còn lại 3 người xuất sắc bước vào vòng cuối cùng.
Sắp tới ngày ra mắt, tổng kỹ sư trưởng Sergei Korolev tiến hành kiểm tra lại ba ứng cử viên lần cuối. Sau khi kiểm tra xong hai người trước, tới lượt người cuối cùng, Sergei Korolev thấy chàng thanh niên nhẹ nhàng cúi người xuống rồi từ từ cởi giày của mình ra trước khi bước vào khoang máy.
Sergei Korolev rất lấy làm lạ mới hỏi: “Này chàng trai, vì sao cậu lại cởi giày khi bước vào đây? Điều này đâu có trong quy định?
Chàng trai đáp: “Thưa ngài, tuy đây chỉ là khoang máy mô hình, nhưng tôi cho rằng nó có thiết kế vô cùng tinh xảo, không nên để bụi bẩn bám vào sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận hành nên tôi đã cởi giày ra”.
Cuối cùng Sergei Korolev lựa chọn chàng trai này thực hiện sứ mệnh cao cả của nhân loại, là người đầu tiên bay vào không gian vũ trụ. Đây chính là Yuri Alekseievich Gagarin, phi công và phi hành gia Nga Xô-viết. Ông được ghi nhận là người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào vũ trụ, ngày 12 tháng 4 năm 1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông.
***
Mỗi người đều mong muốn bản thân là người thành công, là người làm lên điều vĩ đại. Tuy nhiên, thành công có hàng vạn con đường, vậy con đường nào thích hợp với bạn nhất? Chúng ta không nhất thiết phải là người ưu tú, nhưng chúng ta phải là người làm việc chăm chỉ, thận trọng, đối với mỗi một sự vật sự việc, dù to dù nhỏ vẫn phải có thái độ nghiêm túc. Bởi đôi khi, sự thành công của một việc to lớn, vĩ đại lại được bắt nguồn từ một chi tiết nhỏ. Năm xưa, trong ba ứng cử viên cuối cùng tham gia, thì Gagarin là người có trình độ thấp hơn hai người còn lại, nhưng chính nhờ chi tiết cởi giày mà ông đã giành chiến thắng. Có thể nói: “Thành công của Gagarin bắt đầu từ việc cởi giày”, tuy đơn giản nhưng nó lại thể hiện tính cách một người làm việc thận trọng.
Làm người cũng lại như thế, đừng vì việc thiện nhỏ mà bỏ qua, việc ác nhỏ lại coi thường. Đôi khi đối với chúng ta, đây chỉ một việc thiện nhỏ nhưng đối với người khác lại là ân đức to lớn. Và cũng đôi khi, nhìn bề ngoài thì đây chỉ là việc ác nhỏ, nhưng hậu quả mang lại lại vô cùng nghiêm trọng. Nguyên nhân chính bởi chúng ta, người phàm, mắt thịt không thể thấy được chân tướng thâm sâu đằng sau chúng.
Ảnh hưởng đến sự thành công của mỗi người trên đường đời có vô số yếu tố, nhưng chúng ta chỉ cần làm việc thì kiên trì, thận trọng, làm người thì chân thành, khoan dung, độ lượng, ắt sẽ có thành công. Cổ nhân cũng từng nói: “Người làm việc lớn trước tiên phải được bắt đầu từ việc trau dồi đạo đức, khi đức đủ lớn thì phúc sẽ đủ dày, khi đó thành công cũng là điều tất yếu”. Một người đức độ, ắt sẽ có tất cả.
Minh Vũ