Đại Kỷ Nguyên

Người không giữ chữ tín, sao tìm được chỗ đứng giữa thế gian?

Nhạc Phi (1103 – 1142) là một danh tướng cuối triều Bắc Tống. Ông là bậc anh hùng dũng liệt trung thần. Võ công của ông không những tuyệt luân mà thư pháp, văn chương cũng đều xuất chúng một thời. Những vần thơ thấm đượm tinh thần trung nghĩa của ông luôn là khuôn mẫu cho hậu thế.

Nhạc Phi là biểu tượng của trung tín. Xoay quanh ông có rất nhiều giai thoại đẹp. Câu chuyện dưới đây là một trong số đó.

Năm Thiệu Hưng thứ 10 triều Tống, khi đi qua Phượng Cương ở Ba Dương, Giang Tây, để không ảnh hưởng dân chúng trong vùng, Nhạc Phi chỉ cho quân đóng trên núi Nguy Thạch gần đó. Trong rừng có một ngôi chùa cổ, trong chùa có một vị trưởng lão râu trắng như tuyết. Ông mời Nhạc Phi vào phòng nghỉ ngơi, hai tay hợp thập nói: “Nhạc tướng quân trên ngựa thì dũng mãnh, nhưng cởi giáp lại là văn nhân, sao không làm thơ kỷ niệm ngôi chùa trên núi Nguy Thạch?”.

Khó từ chối, Nhạc Phi bèn xắn tay áo thảo nhanh một bài thơ như sau:

“Chùa trên núi Nguy Thạch
Rừng núi sâu âm u
Tượng Phật ánh vàng kim
Lão tăng tóc bạc trắng
Đầm nước lạnh dưới trăng
Gió thu thổi rừng tùng
Ta đến gửi đôi lời
Lo lắng việc giúp dân”

Rạng sáng hôm sau, Nhạc Phi dẫn quan binh rời khỏi núi Nguy Thạch. Khi đoàn đi đến Phù Lương, Nhạc Phi chợt nghĩ đến câu thơ “Lão tăng tóc bạc trắng”, giật mình liền nói “Sai rồi, sai rồi, đầu lão tăng sao lại có tóc?”.

(Tạo hình Nhạc Phi trong phim. Ảnh: huang-xiaoming.info )

Ông nghĩ một hồi lâu, nhớ ra lão tăng có bộ râu trắng như tuyết xõa trước ngực, cho nên phải đổi “tóc bạc trắng” thành “râu như tuyết” mới đúng. Đoạn, Nhạc Phi lập tức sai bộ tướng là Thang Hoài cưỡi ngựa tức tốc trở lại Phượng Cương, thay ông đến chùa sửa lại bài thơ. Câu chuyện này được lưu truyền khá rộng rãi trong giới văn nhân thời bấy giờ và nhận được rất nhiều lời ca ngợi. Câu chuyện về trách nhiệm, coi trọng chữ tín của Nhạc Phi vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay.

Chữ tín là một trong 5 đạo lý mà Nho gia gìn giữ, gồm: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Có được chữ tín, xây dựng được lòng tin, người quân tử mới có thể hiên ngang đứng giữa đời. Chức vụ càng cao thì càng phải giữ chữ tín. Có được “tín” là có được lòng người. Mà phàm xưa nay có được lòng người cũng đồng nghĩa có được cả thiên hạ.

Đạo gia cũng giảng về “tu chân”, nói lời chân, làm điều chân, tức là làm việc gì cũng phải giữ được sự chân thành, gây được sự tín nhiệm, lòng tin. Người xưa rất coi trọng tín nghĩa. Có câu: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” (Người quân tử nói một câu, 4 ngựa khó đuổi). Thời đại ngày nay, chữ tín lại càng quan trọng hơn nữa nhất là khi quan hệ giữa người với người đang ngày càng bị xói mòn dần đi theo đà tụt dốc của đạo đức xã hội.

Vô Tư tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version