Đại Kỷ Nguyên

Danh sĩ chế tác “Tiêu vĩ cầm” nghe được sát khí ẩn trong tiếng đàn

Thái Ung và Thái Văn Cơ là hai cha con nổi danh trong lịch sử, là nhà âm nhạc thời Đông Hán. Sau khi Thái Ung chết, Tào Tháo nghĩ cách đưa Thái Văn Cơ trở về nhà Hán. Sự tình ấy đã trở thành câu chuyện thiên cổ, được người người biết đến.

Cha của Thái Văn Cơ là Thái Ung, tên tự là Bá Giai. Ông là người con vô cùng hiếu thảo. Mẹ của ông từng bị ốm suốt ba năm liền, ông ngày đêm không nghỉ ngơi, cực nhọc hầu hạ mẹ.

Sau khi mẹ qua đời, Thái Ung ở cùng với chú ruột và người em họ. Người dân cùng quê đều ca ngợi ông là người có nhân cách cao thượng, tình nghĩa.

Nhân cách cao thượng khiến thích khách không đành lòng ám sát

Hình minh họa Thái Ung

Thái Ung có học vấn sâu rộng, giỏi văn chương, thuật số, có sở thích về thiên văn và tinh thông âm luật. Thời Hán Hoàn Đế, triều đình nghe tin Thái Ung có sở trường chơi đàn nên đã triệu ông vào kinh. Thái Ung thường xuyên góp ý thẳng thắn, can gián Hoàng đế nên làm mất lòng. Hơn nữa, trong triều có một người là Dương Cầu (tên danh nghĩa) vốn có hiềm khích với người chú ruột Thái Chất của ông. Vì thế, hai chú cháu ông bị bắt giam vào ngục và bị phán xử tử hình.

Tuy nhiên, trên đời thực sự vẫn còn người tốt! Vị thái giám và Lã Cường (tên danh nghĩa) vì thương xót Thái Ung vô tội nên đã cầu xin Hoàng đế Hán Linh Đế tha cho họ. Thái Ung được tha mạng, nhưng cả nhà đều bị lưu đày đến phương bắc.

“Dương Cầu” không hả lòng liền phái người đuổi giết Thái Ung. Tuy nhiên, kẻ ám sát vì cảm động trước tấm lòng và đạo đức cao thượng của Thái Ung nên đã không ra tay giết ông. “Dương Cầu” lại hối lộ quản giáo đầu độc Thái Ung, người quản giáo được hối lộ lại kể sự tình ấy cho Thái Ung biết, thậm chí còn nhắc nhở ông phải cẩn thận. Thái Ung mỗi lần gặp nạn đều có thể vượt qua.

Thái Ung, Lư Thực và Hàn Thuyết đang biên soạn và sửa chữa “Hậu Hán ký” thì đột nhiên Thái Ung bị lưu đày nên chưa kịp hoàn thành. Về sau, Thái Ung được đặc xá trở về quê hương. Khi Thái Ung rời khỏi đất Ngũ Nguyên, vị thái thú Ngũ Nguyên là Vương Trí bày tiệc tiễn ông. Sau khi uống rượu say, Vương Trí đứng dậy nhảy múa, nhưng Thái Ung không đứng dậy nhảy múa cùng. Vương Trí bởi vậy mà tức giận, lén lút vu cáo tội cho Thái Ung. Thái Ung lo lắng bản thân không thể thoát khỏi tai họa nên đã đi trốn ở đất Ngô suốt 12 năm.

Thái Ung chế tác Tiêu vĩ cầm

Ở đất Ngô, có người đốt cháy cây đồng (một thứ gỗ dùng để đóng đàn). Thái Ung nghe âm thanh lửa cháy trong cây đồng phát ra, biết được đó là cây gỗ tốt. Vì thế, ông xin khúc cây đồng kia về chế tác thành đàn.

Âm thanh phát ra từ cây đàn này quả nhiên rất tuyệt vời. Vì phần đuôi của cây đàn này bị cháy nên mọi người gọi tên cây đàn là “Tiêu vĩ cầm”. Âm sắc êm dịu dễ nghe của Tiêu Vĩ và được chế tác đặc biệt nên nó đã nổi danh bốn biển.

Cuối đời Hán sau khi Thái Ung bị sát hại, Tiêu Vĩ cầm vẫn được bảo quản hoàn hảo ở nội khố của hoàng gia. Hơn 300 năm sau, khi Tề Minh Đế lên ngôi, vì để thưởng thức tài nghệ đánh đàn hơn người của Vương Trọng Hùng, nên đã sai người đem Tiêu Vĩ cầm đã được cất giữ nhiều năm ra cho Vương Trọng Hùng diễn tấu.

Vương Trọng Hùng liên tục đàn 5 ngày, đồng thời cũng ngẫu hứng sáng tác “Áo não khúc” dâng hiến lên Minh Đế. Đến đời nhà Minh, Vương Phùng Niên người Côn Sơn đã cất giữ cổ cầm này.

Nghe được sát khí ẩn trong tiếng đàn

Nghệ sĩ gảy đàn tỳ bà (Ảnh: NTDTV)

Thời gian Thái Ung ở Trần Lưu, có người mời ông đi dự tiệc uống rượu. Trong tiệc có một vị khách ngồi sau bức bình phong đánh đàn. Thái Ung vừa đến cửa, yên lặng nghe và nói: “Ôi! Sao tiếng nhạc lại ẩn chứa sát tâm, ta còn có thể dự yến tiệc này sao?” Vì thế, ông liền quay trở về.

Người canh cửa thấy vậy báo với người chủ nhà: “Thái tiên sinh đã tới, tới sau cửa rồi lại trở về!”. Người chủ nhà thấy lạ bèn đuổi theo Thái Ung để hỏi nguyên do.

Thái Ung kể lại sự tình cho người chủ nhà nghe. Mọi người sau khi hiểu rõ, ai nấy đều bội phục tài am hiểu âm luật của ông.

Người đánh đàn nói: “Ta vừa rồi gảy đàn, nhìn thấy con bọ ngựa sắp sửa bắt con ve, con ve sắp sửa bay đi mà chưa bay được. Con bọ ngựa bởi vậy. đang tiến về phía trước thì dừng lại. Trong lòng ta vô cùng lo lắng, chỉ e con bọ ngựa …Chẳng lẽ đây là sát khí từ trong tiếng đàn lộ ra sao?”

Thái Ung cười nói: “Đúng là như vậy!”

Sự ra đi của Thái Ung

Năm Trung Bình thứ 6, Đổng Trác nắm quyền, vì ngưỡng mộ học vấn uyên thâm của Thái Ung nên đã trọng dụng ông. Đến lúc Đổng Trác bị Vương Doãn tru sát, Thái Ung khóc Đổng Trác.

Vương Doãn tức giận, bắt giam ông trong ngục. xin được nhận hình phạt chặt chân để viết nốt sử nhà Hán. Các sĩ phu thời ấy cũng thương tiếc ông, nghĩ mọi cách để cứu giúp nhưng không được Vương Doãn chấp nhận.

Thái Ung cuối cùng chết trong nhà ngục, Vương Doãn về sau vô cùng ân hận.

Sau này Tào Tháo nắm quyền, nhìn thấy Thái Ung không có người thờ cúng nên đã đưa con gái ông từ dân tộc Hung Nô trở về.

Thái Ung tuy rằng đã trải qua rất nhiều khổ nạn, nhưng câu chuyện về “Tiêu vĩ cầm” và khả năng tinh thông âm luật của ông vẫn lưu truyền tới ngày nay.

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version