Người xưa nói: “3 đời mới có thể bồi dưỡng ra được một quý tộc”. Sự cao quý toát ra từ bản thân một người thì vàng bạc cũng không thể mua được.
Khí chất cao quý là một quá trình tích lũy lâu dài qua năm tháng, dần dần tu dưỡng, hun đúc mà trở nên tốt đẹp.
Người cao quý chân chính thường có 6 đặc trưng sau:
1. Nhân hậu
Đại trượng phu sống nhân hậu chứ không sống tệ bạc, sống chân thực chứ không sống hoa mỹ – Đạo Đức Kinh.
Người cao quý chân chính là người đôn hậu, không sống tệ bạc, tâm địa chân thật, không phù phiếm hoa mỹ.
Họ là người nhân hậu, không muốn để người khác chịu thiệt. Họ có tấm lòng rộng lớn, biết khoan dung lượng thứ cho người khác. Trong cuộc sống họ không so đo tính toán, không quá mức truy cầu phồn hoa, hư danh. Họ chất phác thuần hậu, ‘phản phác quy chân’.
Sách “Thái căn đàm” viết: “Phú quý danh dự, nếu từ đạo đức mà ra thì như hoa trong xóm núi, tự đã thư thái tốt tươi; nếu từ công lao sự nghiệp mà ra thì như hoa trong bồn, sẽ có di rời hưng phế. Nếu dùng quyền thế mà đắc được nó thì như hoa trong bình, không có rễ, sớm khô héo ngay thôi”.
Không có đức dày, chỉ dựa vào công danh, cơ hội hoặc dùng các thủ đoạn phi pháp đắc được phúc thì sẽ như hoa trong bình, bởi vì thiếu đất đai sinh trưởng nên sẽ nhanh chóng héo tàn.
Đức dày mới có thể chở được vật. Nếu đức hạnh không đủ mà có rất nhiều tài sản, có địa vị cao thì đó chỉ là dấu hiệu của họa hoạn mà thôi.
2. Thiện lương
Đạo Trời không thân với ai mà thường ban cho người thiện – Đạo Đức Kinh.
Ông Trời không phân biệt thân quen hay xa lạ, nhưng thường chiếu cố đến người thiện lương.
Thiện lương là lẽ sống của con người.
Người làm việc thiện cho người khác thì khí chất tường hòa, tích lũy ngày này qua tháng khác sẽ khắc họa lên gương mặt, ánh mắt. Họ thích giúp đỡ người khác, đồng thời đón nhận những nụ cười mà người khác báo đáp. Người như thế thì từ nội tâm đến bề ngoài tràn đầy ánh sáng, bất giác khiến người gần gũi.
Tăng Tử nói: “Con người mà thích hành thiện thì phúc tuy chưa đến nhưng họa đã tránh xa”.
Cầu Thần bái Phật không bằng giữ được thiện lương. Thiện lương mới là bùa hộ mệnh tốt nhất.
Lev Tolstoy nói: “Không có sự đơn thuần, thiện lương và chân thực thì không có sự vĩ đại”.
Thiện lương là sự cao quý và kiên trì của nội tâm, là sự bình thản ngửa mặt không hổ thẹn với Trời, cúi đầu không tủi hổ với Đất.
Làm một người tốt, trong lòng tự có thế giới tươi đẹp.
3. Thủ tín
Tín không đủ tức là chưa có tín vậy – Đạo Đức Kinh.
Thiếu thành tín thì sẽ không thể có được sự tín nhiệm của người khác.
Con người không có chữ tín thì không tạo dựng được chỗ đứng, quốc gia không có chữ tín thì không cường thịnh.
Một người không có chữ tín thì sẽ mất đi sức mạnh và cơ hội. Một người mà chữ tín phá sản thì có nghĩa là nhân cách phá sản.
Luận Ngữ viết: “Con người mà không có chữ tín thì không biết làm sao có thể làm người được. Như xe lớn không đòn ngang, xe nhỏ không ách, làm sao mà đi được”.
Xưa có câu chuyện Chu U Vương trên đài phong hỏa đốt lửa đùa giỡn chư hầu, ông ta lừa chư hầu đến cứu viện, liên tiếp mấy lần như vậy. Các chư hầu không còn tin ông ta nữa. Đến khi giặc ngoại xâm tấn công, ông lên đài đốt lửa kêu gọi cứu viện thì không có đội quân nào đến, cuối cùng người chết nước tan.
Thành tín là nền tảng để một người tạo dựng chỗ đứng trên đời, nếu không có chữ tín thì một bước cũng khó tiến.
4. Khiêm tốn
Sông biển sở dĩ là vua của vạn suối khe là bởi vì nó giỏi ở chỗ thấp – Đạo Đức Kinh.
Người có thành tựu chân chính đều biết khiêm tốn ở chỗ thấp.
Ngoài núi còn có núi, ngoài trời còn có trời. Con người mãi mãi không thể biết được người khác lớn mạnh như thế nào. Nếu trong mắt không coi ai ra gì thì sớm muộn sẽ tự khiến mình chịu tổn thất.
Khiêm tốn là một đại trí huệ, cũng là loại thông minh thực sự ẩn chứa mà không hiển lộ. Người khiêm tốn biết nhún nhường, biết nhượng bộ, mọi người đều yêu quý. Bề ngoài thấp kém nhưng luôn luôn lặng lẽ tiếp thu, khiêm tốn học tập.
Tự mãn thì tổn thất, khiêm tốn thì thọ ích.
Trong Chu Dịch, quẻ Khiêm là quẻ tượng duy nhất toàn cát.
Khiêm tốn đối xử với người khác thì mới được người ta tôn trọng. Khiêm tốn học tập thì mới có thể lớn mạnh không ngừng.
5. Chính trực
Khiến cho ta kiên định có trí tuệ, vững bước trên con đường Đại Đạo, duy chỉ sợ sai đường lạc lối – Đạo Đức Kinh.
Một người sau khi đã minh bạch đạo lý thì sợ nhất là lầm đường vào đường hẻm, bước vào tà môn oai đạo.
Một người có thể không vĩ đại nhưng không thể không chính trực. Chính trực là đường đường chính chính, biết rõ thị phi, quang minh lỗi lạc.
Người chính trực giữ vững lương tri, từng giờ từng phút kiểm điểm phản tỉnh bản thân, dốc sức đi cho chính, làm cho ngay, làm việc chính trực, công bằng.
Khổng Tử nói: “Người quân tử bình thản quang minh, kẻ tiểu nhân thường lo lắng nơm nớp”.
Nội tâm của họ không có tư lợi, dám độc lập đối diện với Trời Đất quỷ Thần.
Rất nhiều người tâm bất chính, bài vở mưu mẹo, nói một đằng làm một nẻo. Người như vậy giả dối khinh bạc ngông cuồng, khiến người ta chán ghét.
Mạnh Tử nói: “Sinh mệnh cũng là điều ta muốn, đạo nghĩa cũng là điều ta muốn. Nếu hai điều không thể có đủ thì xả bỏ sinh mệnh để lấy đạo nghĩa”.
Người chính trực thì nội tâm tự có khí hạo nhiên. Tuân theo lương tri thì khí hạo nhiên của nội tâm sẽ càng ngày càng lớn mạnh, khí chất sẽ tự uy nghiêm khiến người ta không dám mạo phạm.
Chính trực là cột sống của tinh thần, cũng là sự cao quý hiếm có nhất trong xã hội xô bồ này.
6. Kiên trì
Đài cao 9 tầng bắt đầu bằng một hòn đất, đường xa ngàn dặm bắt đầu bằng một bước chân – Đạo Đức Kinh.
Trên đời này không có thành công nào làm cái được ngay, việc gì cũng phải từng bước mà tiến tới.
Trên thế giới này, người thông minh rất nhiều, nhưng người sẵn lòng chịu khổ dốc công sức thì lại không nhiều.
Vương Dương Minh đã từng nói: “Tột bậc tri thức của chúng ta chỉ là đến giới hạn của mỗi cá nhân. Hôm nay lương tri thấy đến đây thì chỉ mở rộng hết giới hạn theo trí thức của mình. Ngày mai lương tri khai ngộ thì ngày mai sẽ mở rộng đến tột cùng”.
Vạn sự vạn vật đều là do từng tí từng chút tích lũy dần, muốn làm được tri hành hợp nhất thì nhất định phải chú ý kiên trì bền lòng, tuần tự tiệm tiến.
Tăng Quốc Phiên từ một người trung bình đã trở thành người đệ nhất lập công, lập đức, lập ngôn thời cận đại; đó chính là bởi ông đã kiên trì bền lòng.
Từ 30 tuổi lập chí thay đổi hoàn toàn; đến lúc lâm chung, ông đã luyện được thói quen luyện viết chữ, viết văn, ghi nhật ký, chưa từng có một ngày gián đoạn.
Mấy chục năm kiên trì đã tích lũy thành tầm cao của Tăng Quốc Phiên.
Rất nhiều người thông minh nhưng rất ít người bền lòng.
Đại Đạo chí giản chí dị, muốn siêu quần xuất chúng, trở nên trác việt thì cần phải kiên trì làm tốt những những việc đơn giản, bình thường nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Cứ như thế, lâu ngày sẽ tự thấy lên đến những tầm cao.
Giàu có chỉ là con số ở bề ngoài, cao quý mới chính là phẩm chất của nội tâm.
Cao quý trong cốt cách chính là sự tu dưỡng của con người, chính là sự tu hành cả một đời của con người.
Thanh Bình
Theo Vision Times
Bạn đang đọc bài viết: “Người cao quý hay không có thể thấy rõ ở 6 điểm này” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |