Đại Kỷ Nguyên

Người ăn mày thấy tiền không ham, cứu người đắc thiện báo

Vào Triều đại nhà Thanh, tại thị trấn Phong Kiều, Tô Châu là nơi tụ tập của các thương gia buôn bán lương thực bằng thuyền. Bên cạnh thị trấn Phong Kiều có một ngôi chùa cổ, có một người ăn mày vô gia cư buổi tối thường đến tá túc tại đây, 2 chân của người ăn mày bị bệnh nên anh không đi được xa, buổi sáng anh ta chỉ đi quanh thị trấn để xin ăn.

Người ăn mày buổi sáng khi đi vào nhà vệ sinh, thì thấy bên cạnh nhà vệ sinh có ai đó đánh rơi ví tiền, anh bỏ ra xem thì thấy có khoảng mấy trăm lượng bạc. Anh nghĩ rằng: đây là tiền mà người đi đường đánh rơi, mình vốn là người bạc mệnh, có thể hưởng số tiền này không? Mà mình lại không biết tiền này dùng để làm gì, nếu như đây là tiền để đi cứu mạng ai đó, nếu mình lấy thì có phải là sẽ có người thiệt mạng hay sao, mình sao lại tham như thế được. Anh quyết định hôm nay không đi ăn xin nữa, mà ở đây đợi người bị mất quay lại tìm.

Đến buổi trưa, quả nhiên có người hớt hải chạy tới, vội vàng tìm kiếm thứ gì đó, vẻ mặt rất lo lắng. Người ăn mày liền hỏi: “Anh đang tìm đồ đánh rơi à?” Người kia trả lời: “Đương nhiên là tôi bị rơi đồ, chẳng nhẽ anh nhặt được đồ của tôi sao?” Người ăn mày trả lời: “Đúng thế”. Sau đó người ăn mày hỏi kỹ để đảm bảo ví tiền đúng là của vị này, sau khi xác nhận là đúng anh liền đưa trả ví cho người kia. Người đánh rơi đồ vui mừng quá, đã tặng người ăn mày một nửa số tiền để cảm ơn.

Người ăn mày cười, rồi nói: “Cả túi tiền của anh tôi còn không cần, tôi lại đi nhận nửa túi tiền của anh sao? Mà tiền của anh thiếu đi một nửa, sợ rằng đi làm việc sẽ có khó khăn, mau đi làm việc của anh đi. Đừng làm mất thời gian xin ăn của tôi.”

Người kia nghe thế bất đắc dĩ phải dời đi, nhưng trước khi rời bước anh nhét 10 lượng bạc vào túi người ăn xin, coi như để cảm ơn, người ăn mày cuối cùng đành đồng ý nhận 10 lượng bạc.

Buổi chiều, người ăn mày đi xin ăn ở đường, bỗng nhìn thấy một cô gái trẻ đang ôm bố khóc lóc thảm thiết. Người ăn mày hỏi những người đứng xung quanh xem sự tình ra sao. Có người nói cho anh ta: “Chủ nợ đang bắt con gái của ông này đi gán nợ, cho nên cô gái này mới khóc lóc thảm thiết.” Người ăn mày hỏi kỹ thì biết, hai bố con này chỉ bị thiếu nợ người ta có 10 lượng bạc.

Lúc này người ăn mày mới giận giữ mắng mỏ chủ nợ bất nhân bất nghĩa, chỉ vì 10 lượng bạc mà làm gia đình người ta tan nát. Chủ nợ nhìn người ăn mày, vừa cười chế nhạo vừa nói: “Đã như vậy thì anh hãy trả nợ giúp họ đi!” Người ăn mày liền lấy ra 10 lượng bạc mà người đánh rơi tiền ban nãy nhét vào túi mình, giúp bố con nhà này trả nợ, chủ nợ không cách nào khác đành phải chấp nhận rời đi.

Kỳ thực mục đích của tên chủ nợ kia không phải vì 10 lượng bạc, mà là nhìn thấy cô gái tướng mạo xinh đẹp nên mới mưu đồ mà thôi. Chủ nợ cho rằng người ăn mày này đã can thiệp vào chuyện của ông ta, vì thế ghi hận trong lòng, nghĩ ra cách vu cáo người ăn mày là kẻ trộm, và 10 lượng bạc đó là tiền đi ăn trộm mà có. Huyện lệnh Trần mỗ sau khi nhận được đơn tố cáo, đã nghiêm túc thẩm tra xử lý, và biết rằng người ăn mày đã bị oan uổng. Thật trùng hợp, chuyện này đã đến tai người bị rơi tiền, ông này liền đến quan để làm chứng, oan khuất của người ăn mày đã được giải.

Huyện lệnh khi đó tán thưởng người ăn mày, và nghiêm trị tên chủ nợ vu khống. Sau đó quan phủ hạ lệnh, gạo mẫu mà các thương nhân hàng ngày phải giao nộp cho quan phủ để kiểm nghiệm, nay toàn bộ phải đưa cho người ăn mày, không để cho anh phải đi ăn xin nữa.

Người ăn mày dựa vào gạo được ban thưởng, dần dần tích cóp được một chút, liền muốn mời thầy thuốc chữa trị đôi chân cho anh. Sau đó anh may mắn gặp được một đạo nhân đưa cho anh một đơn thuốc. Người ăn mày dựa vào đơn thuốc đó chữa trị liền mấy ngày sau, quả nhiên chân của anh đã hồi phục bình thường, anh có thể làm việc kiếm tiền giống như người bình thường. Thời gian qua đi, chưa đến 10 năm anh đã từ một người ăn mày trở thành một phú ông.

Một người ăn mày mang bệnh, vậy mà thấy tiền không ham, còn làm việc thiện cứu người, cuối cùng trở thành một người giàu có. Thật sự khiến người ta không khỏi cảm thán: “Thiện hữu thiện báo!” Qua đó có thể thấy, hành thiện tích đức thì có thể mang đến phúc phận cho con người.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Thiên Minh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version