Đại Kỷ Nguyên

Nghĩ cho người khác, nhường bữa ăn cho người khác mà cứu mạng chính mình

Thiện niệm thiện hành đắc thiện báo. (Pixabay)

“Thụ nhân điểm tích dũng tuyền tương báo” – Nhận ân người một giọt, báo đáp cả dòng sông, cảm ơn và báo ơn lòng tốt của người khác là một mỹ đức trong văn hóa Á Đông.

Đối xử với người khác bằng một thiện niệm, một thiện hành có thể nhận được thiện báo to lớn, trong chính sử có những ghi chép như thế.

Vì nghĩ cho người khác mà được thiện báo

Âm Khanh, tự Tử Kiên, là người Võ Uy, Cô Tang trong thời Nam Bắc triều, nay là Võ Uy, tỉnh Cam Túc. Cha ông là Âm Tử Xuân làm quan đến tả vệ tướng quân của Lương triều. Âm Khanh thời nhà Lương gia nhập quân đội của Tương Đông Vương Pháp Tào, được thăng chức Tấn Lăng thái thú. Sau khi cải triều hoán đại, ông tại vương phủ Thủy Hưng đảm nhậm chức tham quân lục sự, viên ngoại tản kị thường thị. Âm Khanh rất am hiểu lịch sử, đặc biệt giỏi làm thơ ngũ ngôn, nổi tiếng đương thế. Trong yến hội Trần Văn Đế, ông khởi bút liền tác thành bài thơ “Tân Thành An Lạc Cung”, được Văn Đế tán thưởng!

《新成安樂宮》
新宮實壯哉,雲裡望樓台。
迢遞翔鵾仰,連翩賀燕來。
重檐寒霧宿,丹井夏蓮開。
砌石披新錦,梁花畫早梅。
欲知安樂盛,歌管雜塵埃。

Tân Thành An Lạc Cung”
Tân cung thật tráng tai, vân lí vọng lâu đài. 
Điều đệ tường côn ngưỡng, liên phiên hạ yến lai. 
Trọng diêm hàn vụ túc, đan tỉnh hạ liên khai.  
Thế thạch phi tân cẩm, lương hoa họa tảo mai.
Dục tri an nhạc thịnh, ca quản tạp trần ai.

Dịch thơ
Tân cung thật tráng lệ, mây cũng ngắm lâu đài.
Xa xa cát phượng ngưỡng, liên phiên hoan yến lai.
Mái cong sương lạnh tụ, giếng đỏ hè sen khai.
Thềm đá vân như gấm, xà hoa họa sớm mai.
Muốn biết cung An Lạc, hát tạp khúc trần ai.

Khi Âm Khanh còn trẻ, ông từng một lần mở tiệc mời thân hữu, trong bữa tiệc, mọi người uống rượu nói cười rất vui vẻ. Âm Khanh thấy người hầu rượu rót rượu mời khách không ngơi tay, đi đi lại lại rất mệt, nên mời anh ta uống rượu và chia sẻ thịt nướng. Khi những vị khách trong bữa tiệc nhìn thấy hành cử của Âm Khanh, tất cả họ đều cười ông. Âm Khanh nói, chúng ta uống rượu thoải mái cả ngày, nhưng người bận rộn bưng vò rượu cho chúng ta thì một giọt rượu ngon cũng không được nếm, điều đó chẳng phải không hợp nhân tình sao!

Sau đó Hầu Cảnh tác loạn, đô thành của nhà Lương bị vây chặt, Âm Khanh rơi vào tay loạn tặc. Vào thời điểm nguy cấp, có người đã giải cứu ông thoát chết. Sau khi dò hỏi, hóa ra người cứu mạng ông chính là người hầu rượu trong bữa tiệc hôm đó. Người hầu cảm nhận được sự ấm áp từ món quà rượu thịt của Âm Khanh, không ngờ vào thời khắc then chốt anh ta lại hồi báo ông nhiều nhất!

Nhường một bữa ăn, cứu mạng bản thân

Triệu Thuẫn chăm sóc một người đàn ông đói khát dưới gốc cây dâu, kết quả thành thiện duyên. (Ảnh minh họa)

Vào thời Xuân Thu, nước Tấn là một nước lớn. Công tử Trọng Nhĩ  lên ngôi lấy hiệu là Tấn Văn Công, sau này trở thành một trong Ngũ bá thời Xuân Thu, truyền ngôi cho Tấn Linh Công, nhưng Tấn Linh Công lại hoang dâm vô đạo.

Tấn Linh Công áp sưu thuế nặng nề, hút mỡ nhân dân để tạo du viên, xây cao đài cao lầu, điêu tường họa cột. Ông ta thường ở trên lầu cao tiệc tùng hưởng lạc, thu hút dân chúng đến xem. Khi đó, ông ta ngồi trên đài cao, dùng cung bắn đạn vào dân, dân chúng bị đạn bắn vỡ đầu chảy máu, hò nhau quay đầu bỏ chạy. Tấn Linh Công ngồi trên đài thấy vậy ngạo nghễ cười lớn, thích thú lấy đó làm trò tiêu khiển. 

Linh Công có một đầu bếp nấu món tay gấu cho ông ta, nhưng tay gấu còn chưa nấu chín, thì Linh Công đã nổi cơn thịnh nộ, giết luôn người đầu bếp, yêu cầu cung nữ mang thi thể ra khỏi cung vứt bỏ. Khi cung nữ đi ngang qua phố thị, gặp các đại thần Triệu Thuẫn và Tùy Hội, lúc này một bàn tay của người chết trong khuông màu lam lộ ra ngoài, tiết lộ nội tình. Trước đây vì chuyện bắn vào người dân, Triệu Thuẫn và Tùy Hội đã nhiều lần khuyến cáo vua, lần này phát sinh chuyện ác liệt như vậy, hai người thế nào cũng không thể làm ngơ, liền phân công nhau tiến lên khuyến nghị Linh Công.

Trước tiên Tùy Hội khuyên can, nhưng Linh Công không nghe. Linh Công trong tâm không nghĩ Triệu Thuẫn cũng tiến gián, liền khởi chủ ý xấu. Tấn Linh Công trong tâm ban đầu đã bất mãn với Triệu Thuẫn, khi Tấn Tương Công qua đời, Triệu Thuẫn là thụ mệnh đại thần. Tương Công chỉ định Di Cao (tên Linh Công, mẹ Mặc Doanh) kế thừa ngôi báu, nhưng Di Cao đương thời còn nhỏ tuổi, Triệu Thuấn vì kế quốc gia, đã tìm một ứng cử viên khác. Sau này Linh Công vẫn lên nắm quyền dưới sự nỗ lực đấu tranh của mẹ là Mặc Doanh, nhưng ông ta đối với Triệu Thuẫn đã sinh tâm oán ghét thậm trọng. Lần này, ông ta cử lực sĩ Trừ Nê đi thích sát Triệu Thuẫn.

Trừ Nê được lệnh lẻn vào nhà Triệu Thuẫn, thấy cửa phòng ngủ của Triệu Thuẫn đã mở, Triệu Thuẫn đã mặc triều phục và chờ đợi buổi chầu sáng. Lúc đó là sáng sớm, Triệu Thuẫn ngồi trong sảnh nhắm mắt dưỡng thần. Trừ Nê lặng lẽ rút lui, thở dài nói: “Triệu Thuẫn, trung thần, không quên cung kính, chủ của nhân dân! Giết trung thần là bất trung, vứt bỏ lệnh vua là bất tín, đều là tội, thà chết cho xong.” Trừ Nê nhận ủy thác của Linh Công, nhưng anh ta không nỡ hạ sát trung thần, cũng không dám bội tín quân vương, do đó anh ta bước đến một gốc cây hòe trong sân đình, đập đầu vào thân cây mà chết. “Ấu học quỳnh lâm – Quyển 4 – Hoa Mộc loại” có câu nói “Trừ Nê xúc hòe, bất nhẫn tặc dân chi chủ”, chính là về màn này trong lịch sử.

Trừ Nê đã chết, Triệu Thuẫn vẫn còn sống, Linh Công lại nghĩ ra một kế khác. Vào tháng 9 năm đó, Linh Công lập kế mời Triệu Thuẫn uống rượu, bí mật phục kích các võ sĩ để lấy mạng ông. Triệu Thuẫn không biết tâm kế của Linh Công, vua ban rượu, đại thần không uống có đạo lý không? Vừa uống ba tuần rượu, Đề Di Minh, xa tả của ông, liền tiến lên nhắc nhở ông: “Thần tử nhận rượu vua ban, ba chén là xin lui, quá ba chén là thất lễ!” Triệu Thuẫn nghe lời này liền xin lui.

Linh Công vốn định chuốc cho Triệu Thuẫn thật say rồi để phục binh bắt gọn ông, nhưng lúc này phục binh còn chưa bố trí xong, Linh Công lập tức thả con chó dữ của mình ra cắn Triệu Thuẫn. Triệu Thuẫn hét lớn: “Không dưỡng sĩ cũng không dưỡng chó, liệu có ích gì?” Ông vừa đánh chó vừa rút lui, và xa tả Đề Di Minh đã đánh chết mãnh cẩu.

Lúc này, phục binh đã đến, hùng hổ truy sát Triệu Thuẫn. Trong lúc nguy cấp, một trong những võ sĩ của Triệu Thuẫn tiến lên, khua giáo chặn đường, phục binh nhất thời bị chặn lại, Triệu Thuẫn có được cơ hội thoát chết.

Sau đó, Triệu Thuẫn hỏi tên của vị võ sĩ, võ sĩ trả lời: “Tôi chính là người đàn ông đói khát dưới gốc cây dâu.” Ngoài ra, anh ta không nói gì thêm.

Người đàn ông đói khát đó là ai? Theo ghi chép lịch sử, anh ta tên là Linh Triếp, người nước Tấn, từng chịu ân của Triệu Thuẫn. Triệu Thuẫn có một lần đến Thủ Sơn (phía đông nam huyện Bồ Phản, Hà Đông) để nghỉ ngơi dưới bóng cây dâu. Khi đó, ông nhìn thấy một người đàn ông có khuôn mặt ốm yếu dưới gốc cây dâu, nên hỏi anh ta bị bệnh gì. Người đàn ông nói: “Tôi đã không được ăn ba ngày rồi.” Triệu Thuẫn sai thủ hạ mang thức ăn cho anh ta, nhưng người đàn ông chỉ ăn một nửa. Khi được hỏi tại sao, anh ta nói: “Tôi xa nhà cầu học đã ba năm, không biết cha mẹ hiện tại đang sống như thế nào? Nhà tôi ở gần đây, tôi muốn mang số thức ăn này cho cha mẹ.” Triệu Thuẫn cảm động hiếu tâm của anh chàng, liền đưa cho anh ấy tất cả số thức ăn đựng trong nhiều túi. Sau đó, người đàn ông này gia nhập quân đội của Triệu Thuẫn làm võ sĩ, nhưng Triệu Thuẫn không biết sự tình đó. Sau sự kiện này, vị võ sĩ đã ra đi không lời từ biệt, anh chàng không muốn được báo ân, nên tự mình ra đi.

Bất luận là hành thiện hay cảm ơn báo ơn, đều khiến người ta cảm động, vì họ đã thực hành mỹ đức mà thiên đạo tán thưởng. Trong sự tuần hoàn của mỹ đức, nó thúc đẩy giá trị đặc biệt của con người, khiến nhân gian càng thêm mỹ hảo. Mà người sẵn có mỹ đức đó, tầng thứ của sinh mệnh cũng được đề cao, từ đó mà nhận được càng nhiều sự hồi báo từ thiên đạo. 

Tư liệu nguồn: “Nam sử – Liệt truyền 54 Âm Tử Xuân Truyền”, “Xuân Thu tả truyền”, “Xuân Thu tả truyền chính nghĩa quyển 21 Tuyên nguyên niên, tận tứ niên”, “Sử ký tam gia chú – Tấn thế gia”.
Tác giả: Doãn Gia Huy, theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version