Âm nhạc hay nghệ thuật nói chung rốt cuộc là tấm gương soi tỏ tâm hồn người nghệ sĩ. Khi tâm hồn đạt được sự thuần tịnh thì tác phẩm sẽ dung hòa với đất trời, mang vẻ đẹp thánh khiết động đến tâm can người cảm thụ.
Sư Văn là một nhân vật lịch sử sống vào thời Xuân Thu. Từ nhỏ ông đã lập chí học âm nhạc, nên khi nghe nói tiếng đàn của Sư Tương có thể khiến cho chim chóc nhảy theo bản nhạc, cá nhảy lên khỏi mặt nước để nghe, ông liền chuẩn bị hành lý đến bái Sư Tương làm thầy.
Sư Tương là một người thầy nổi tiếng nghiêm khắc, không dễ dàng nhận đồ đệ. Vậy nên Sư Văn phải khẩn cầu ba lần, cuối cùng Sư Tương cũng cảm động trước thành ý và quyết tâm của ông nên đã thu ông làm đồ đệ. Sư Tương giảng nhạc lý, cầm tay dạy cho Sư Văn cách chỉnh đàn định âm, nhưng ngón tay của ông cứng nhắc, sau ba năm cũng không đánh nổi một khúc nhạc hoàn chỉnh.
Sư Tương nói: “Con vẫn thiếu ngộ tính, học đàn không đủ chuyên tâm, tốt nhất là đi về đi”.
Sư Văn hối hận tự trách mình: “Con biết, là do con thường hay tâm thủ bất chuyên. Con không phải là không thể chỉnh được thanh, định chuẩn âm, cũng không phải là không biết tấu một nhạc chương hoàn chỉnh. Điều con quan tâm không chỉ là âm điệu tiết tấu, điều con thực sự muốn là dùng tiếng đàn để biểu đạt nội tâm mình. Khi con chưa làm cho âm nhạc phát từ nội tâm, rồi cảm ứng đến nhạc cụ, nên tay cũng không thể phối hợp tốt với dây đàn. Xin thầy cho con thêm thời gian xem có thể tiến bộ được không”.
Từ đó, Sư Văn tĩnh tâm lại, chuyên tâm nhất trí, thanh trừ tạp niệm, hàng ngày chăm chỉ học tập, dụng tâm thể ngộ ý tứ mà âm nhạc biểu đạt, không ngừng hoàn thiện tu dưỡng.
Một thời gian sau ông lại đến bái kiến Sư Tương, Sư Tương hỏi: “Bây giờ con đánh đàn thế nào rồi?”
Sư Văn trả lời: “Xin thầy hãy nghe con đánh một khúc!”
Sư Văn bắt đầu căng dây đánh đàn, đầu tiên ông tấu âm thương thuộc kim âm, một khung cảnh của tháng tám mùa thu hiện ra, tiếng đàn mang theo những làn gió thu mát mẻ, cây cỏ đều sắp đến mùa thu hoạch.
Sau mùa thu vàng óng, ông lại tấu một bài âm giác thuộc mộc âm, theo đó dường như có làn gió xuân ấm áp thổi về, hoa cỏ đâm chồi nảy lộc, đó là hình ảnh của một mùa xuân với vạn vật canh tân.
Tiếp đó Sư Văn tấu bài cung vũ thuộc thủy âm, hiện ra trước mắt là một mùa đông lạnh lẽo giữa tháng 11 với tuyết trắng bao phủ, sông hồ đóng băng.
Tiếp theo nữa, ông lại tấu cung chinh thuộc hỏa âm, đại biểu cho nhạc luật của tháng 5, khiến cho người ta cảm nhận thấy sự nắng nóng của một mùa hè rực lửa.
Khi nhạc khúc sắp kết thúc, Sư Văn tấu âm cung đầu tiên trong ngũ âm, kết hợp với thương, giác, vũ, chinh, từ bốn phía đều có gió nam thổi nhè nhẹ, những áng mây lững lờ trôi, dường như có một dòng cam lộ từ trên trời giáng xuống, dòng suối mát từ trong nguồn chảy ra.
Sư Tương nghe xong liền khen rằng: “Tiếng đàn của con quá mỹ diệu, thực sự đưa người ta như đi vào khung cảnh vậy!”
Thái độ học tập của Sư Văn vô cùng nghiêm túc. Sau khi được thầy giáo giáo huấn rằng phải dụng tâm chuyên nhất, ông đã cảm ngộ được sự cao siêu của nghệ thuật âm nhạc. Cái chí của âm nhạc không ở thanh, mà ở “đắc tâm ứng thủ”, nhấn mạnh vào tác dụng chủ đạo của tâm hồn trong diễn tấu âm nhạc, “nội đức vu tâm, phương năng ngoại ứng vu khí”.
Điển cố thành ngữ “đắc tâm ứng thủ” cũng sinh ra từ đó, miêu tả việc nỗ lực đến nhà thầy học tập, vận dụng nhuần nhuyễn cả bàn tay và trái tim; nó đã trở thành một nguyên tắc học quan trọng trong diễn tấu âm nhạc cổ đại Trung Quốc.
Bất cứ việc gì cũng phải dụng tâm, đặc biệt trong nghệ thuật. Học kỹ nghệ ở đây không chỉ là học kỹ thuật bên ngoài, mà còn cần lĩnh ngộ được nội hàm bên trong, không ngừng đề cao tu dưỡng bản thân. Dùng chính tâm, chính niệm để đạt được sự thanh tịnh, thân tâm hòa làm một, đạt đến cảnh giới tương hòa với trời đất.
Không chỉ trong âm nhạc mới cần chú trọng đạo đức mà bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào cũng vậy. Sự thăng hoa trong nghệ thuật chỉ đạt được đỉnh cao khi người nghệ sỹ không ngừng đề cao tu dưỡng đạo đức, tâm hồn thông qua lời dạy của các bậc Thánh nhân, kinh sách, đạo… Khi tâm hồn đạt được sự thuần tịnh thì tự khắc tác phẩm sẽ dung hòa với đất trời mang vẻ đẹp thánh khiết động đến tâm can người cảm thụ.
Theo Minh Huệ
Nhã Thanh biên soạn