Đại Kỷ Nguyên

Hương sắc mùa xuân qua tranh hoa điểu

Hội họa cổ điển của Trung Quốc không mang tính chất miêu tả ngoại vật như bên phương Tây là truyền thần cảnh vật, mà chủ yếu là mang một ý nghĩa để cho người xem tự mình tìm hiểu lấy.

Không những đường nét nói lên ý nghĩa mà chính những khoảng trống cũng rất quan trọng. Họa gia vẽ một bức tranh thủy mặc trước hết phải là một thư gia và đường nét bút mực quan trọng hơn khả năng tả lại ngoại cảnh.

Tranh thủy mặc khi mới ra đời là bắt nguồn từ nghệ thuật thư pháp (nghệ thuật viết chữ) của Trung Quốc. Những họa gia thời xưa thường rất chú trọng đến tu dưỡng bản thân, trong mọi việc, mọi hoàn cảnh đều chú ý hành xử theo đạo lý. Làm thơ, vẽ tranh, chơi đành, cầm kỳ thi họa không phải là nghề nghiệp mà là công cụ thể hiện ý chí của kẻ sĩ. Chính vì vậy mà tranh vẽ cũng không nhiều, họa gia chỉ vẽ khi thực sự có điều muốn bày tỏ, luôn chú ý tiết chế, chọn lọc, sao cho nói ít mà hiểu được nhiều. Tả ít nhưng đạt được sự truyền cảm sâu sắc.

Hoa hồng trong tranh thủy mặc

Một bức tranh thủy mặc bao giờ cũng phải có thêm những dòng chữ lạc khoản của chính tác giả hay một người khác, và nét nào là nét vẽ, nét nào là nét chữ không phải dễ dàng phân biệt.

Trường phái vẽ tranh thủy mặc được công nhận bắt đầu từ thời Bắc Tống (950-1120). Lúc đó trong giới họa gia vốn vẫn dùng màu sắc theo đường lối từ xưa, và nặng về hình thức, màu sắc, lấy kỹ thuật làm chủ. Nhưng có một người vốn luôn luôn thích tìm tòi cái mới, đó là Tô Đông Pha. Ông ta ngoài nổi tiếng về thơ văn, còn là người viết chữ rất đẹp, và ông đã đưa thư pháp của mình vào làm họa pháp, không cầu kỳ màu sắc. Và từ đó đường lối vẽ tranh thủy mặc ra đời. (Tất nhiên người ta vì trọng Tô Đông Pha nên mới gán cho ông làm thủy tổ của tranh thủy mặc, mặc dù đường lối dùng mực đen, giấy trắng để vẽ vốn đã có từ lâu). Trường phái vẽ tranh thủy mặc là vẽ theo hứng, dùng một màu nhưng đậm nhạt, khác nhau để nhấn mạnh chủ ý. Vẽ kiểu này ít câu thúc, nhiều sáng tạo và không chú trọng đến kỹ thuật như trường phái cổ điển.

Một bức vẽ hoa mộc lan theo lối vẽ tranh thủy mặc
Hội họa Trung Quốc cổ thường được chia làm năm loại chính là bình, sách, quyển, trục và phiến. Lố chia này dựa trên cơ sở bức họa được vẽ ra sẽ có mục đích treo như thế nào. Đây chính là điểm khác biệt trong cách chia so với hội họa của phương Tây.

– Bình là bốn, sáu hay tám bức tranh treo dọc cùng khuôn thước (nhưng đôi khi bức đầu và bức cuối nhỏ hơn một chút) đuợc vẽ cùng một đề tài hoặc liên tục, hoặc tương phản như mai, lan cúc, trúc hay xuân hạ thu đông. Tranh loại này có thể treo trên tường hay dùng để ngăn phòng gọi là bình phong (chắn gió).

– Sách là nhiều bức tranh đóng thành một tập cùng một đề tài nhưng khác chi tiết, hoặc nhiều đề tài.

– Quyển là loại tranh cuộn theo chiều ngang vốn do gốc tích từ những thanh tre nối với nhau. Quyển được vẽ từ phải sang trái và do vậy cũng được mở từ phải sang trái vì người Tàu đọc từ trên xuống dưới, phải sang trái nên khi xem một họa quyển, người ta cũng đi theo thứ tự đó. Chiều dài quyển không giới hạn có khi chỉ một mảnh nhưng lại rất dài hàng mét.

– Trục được vẽ theo chiều dọc từ trên xuống dưới và do vậy các bức tranh cũng được treo theo chiều dọc từ trên xuống dưới.

– Phiến tức là hình vẽ trên quạt. Trước đây Trung Quốc chỉ có loại quạt phẳng hình tròn, hoặc dưới vuông trên tròn. Sau đó quạt xếp được du nhập từ bên ngoài vào (Tây Vực, Ba Tư) khoảng đời Tống. Phiến nguyên thủy là những hình vẽ trang điểm cho các quạt dùng trong triều đình, vua chúa, phi tần và các quan. Người ta thường vẽ hoặc viết một bài thơ trên đó.

Mời độc giả xem một số tranh hoa điểu, loại tranh vẽ đề tài hoa và chim, cá nhẹ nhàng dung dị, vẽ từ mực nước trên giấy mang đậm tinh thần Á Đông, mang đậm hương sắc mùa xuân.

Vinh Hoa tổng hợp

Tuyệt tác trên vòm nhà nguyện tại Thánh đường Vatican – phải chăng Michelangelo đã nhìn thấy thiên đường?

100 năm trôi qua, 13 địa danh nổi tiếng thế giới ‘thời ấy – bây giờ’ vẫn không chút thay đổi

Một phương pháp độc nhất vô nhị giúp bác sĩ đầu ngành tại Mỹ thoát khỏi sang chấn tinh thần nhiều năm

Exit mobile version