Đại Kỷ Nguyên

Nghệ thuật trọng dụng hiền tài của cổ nhân: Đã trao quyền thì tin tưởng tuyệt đối

Lý Mục là tướng giỏi nước Triệu, ông đóng quân trấn thủ ở quận Phạt Địa, Nhạn Môn chống quân Hung Nô, đặt các quan lại, thu thuế, lương thảo đem về phủ làm kinh phí cho binh sỹ.

Lý Mục ngày ngày giết bò khao binh sỹ, huấn luyện binh sỹ cưỡi ngựa bắn cung, cẩn thận canh gác đài phong hỏa, phái người đi trinh sát tình hình địch, hậu đãi binh sỹ.

Lý Mục đặt quân lệnh: “Nếu Hung Nô xâm phạm, người ngựa đều phải nhanh chóng vào thành cố thủ, kẻ nào cả gan đi đánh hay bắt địch thì sẽ bị chặt đầu”. Mỗi khi Hung Nô xâm nhập, đài phong hỏa truyền đi báo động, quân đội của Lý Mục đều rút hết vào thành cố thủ không nghênh chiến. Cứ như thế mấy năm, người ngựa và tài sản không mảy may tổn thất.

Quân Hung Nô cho rằng Lý Mục hèn nhát. Các quan binh vùng biên giới của nước Triệu cũng cho rằng chủ soái hèn nhát sợ không dám đánh. Triệu vương quở trách, Lý Mục vẫn cứ như cũ. Triệu vương nổi giận, triệu hồi Lý Mục về, phái người khác thay.

Trong hơn 1 năm, mỗi lần Hung Nô xâm phạm, quân Triệu lại xuất quân đánh, nhưng lần nào cũng thất bại, tổn thất người, vật nặng nề. Vùng biên cương giờ hoang vu, không ai chăn nuôi, trồng trọt nữa.

Triệu vương đành mời Lý Mục tái nhiệm, nhưng Lý Mục thoái thác bệnh không đi. Triệu vương phải ra lệnh nhiều lần, Lý Mục mới lĩnh mệnh và nói: “Nếu đại vương dùng thần, thần vẫn cứ làm như trước, thì mới phụng mệnh”. Triệu vương liền đồng ý.

Lần nào Hung Nô đến Lý Mục đều cho quân thủ chứ không đánh, bảo toàn được quân lương. (Ảnh: Youtube)

Lý Mục lại làm như trước. Quân Hung Nô mấy năm liền không thu được cái gì, đều cho rằng Lý Mục hèn nhát.

Quan quân biên cương hàng ngày đều được thưởng, mà lại không có đất dụng binh, đều muốn đánh một trận. Thế là Lý Mục chọn 1300 chiến xa, 1 vạn 3 nghìn chiến mã, lại chọn 5 vạn dũng sỹ can đảm xung phong hãm trận, 10 vạn binh sỹ giỏi bắn cung, tổ chức lại huấn luyện tác chiến. Đồng thời sai người cho chăn thả gia súc khắp nơi, người và gia súc khắp núi rừng, đồng cỏ.

Quân Hung Nô cho một toán nhỏ xâm nhập, Lý Mục giả thua, cố ý để Hung Nô cướp gia súc. Vua Hung Nô là Thiền Vu nghe tin liền dẫn đại quân xâm nhập. Lý Mục bố trí rất nhiều kỳ binh từ hai cánh đánh tới. Hung Nô đại bại, chết hơn vạn quân. Quân Triệu tiêu diệt Xiêm Lam, đánh bại Đông Hồ, thu phục Lâm Hồ, Thiền Vu chạy trốn. Từ đó cho đến mười mấy năm sau, quân Hung Nô không còn dám bén mảng đến gần biên giới nước Triệu nữa.

***

Sử dụng nhân tài, dùng người phải tin, không tin thì không nên dùng. Khi tin tưởng, giao quyền cho họ, vẫn cần phải tin tưởng vào cách làm, khả năng của họ, không nhìn những biểu hiện trước mắt, cũng không nghe lời gièm pha bàn tán.

Không tin thì tuyệt đối không nên dùng. Khi không tin, nếu cài cắm tai mắt theo dõi, bẩm báo, sẽ gây ra hai vấn đề: Thứ nhất, nhân tài thấy không được tôn trọng, không được tự do quyết định; Thứ hai, những tai mắt kia báo cáo sẽ bị sai lệch do trình độ nhận thức đánh giá vấn đề của họ thấp kém, và có thể cố ý nói theo ý kiến của họ vì mục đích, ý đồ riêng.

Nhân tài thường có suy nghĩ và cách làm khác với người thường, người thường khó mà lý giải nổi, nên dễ gây ra hiểu lầm gièm pha.

Nhân tài cũng là người nhìn xa trông rộng, nên họ bỏ cái lợi, cái kết quả nhỏ bé trước mắt để dồn tâm sức nhắm đến mục tiêu xa hơn, lớn hơn.

Khi gặp được Gia Cát Lượng, Lưu Bị cúi mình nhận lệnh hợp chiến từ Gia Cát mà không chút do dự hay nghi ngại, trong khi hai anh em Trương Phi lại thấy nghi ngờ, cho thấy tài dụng tướng của Lưu Bị. (Ảnh: Youtube)

Vậy nên khi sử dụng nhân tài, hãy tin tưởng họ, trao cho họ đủ quyền, và đủ không gian để thi triển tài năng. Đồng thời, chớ xem biểu hiện và kết quả ngắn hạn mà vội vàng đánh giá về họ.

Sử dụng nhân tài, nên để họ thỏa sức thực hiện ý tưởng riêng, chớ có can thiệp, chỉ đạo, áp đặt ý kiến chủ quan. Vì như vậy sẽ trói chân trói tay họ, tuy có tài cũng chẳng thể nào thi triển được.

Nam Phương

Exit mobile version