Đại Kỷ Nguyên

Nghệ thuật hoàn hảo xuất phát từ nội tâm thuần tịnh

Cổ nhân thường giảng: “Tướng tùy tâm sinh, cảnh tuỳ tâm chuyển”. Trong nghệ thuật cũng như vậy, có những bức hoạ được coi là ‘nét vẽ của Thần’, lại có những nhạc phẩm được gọi là ‘âm nhạc từ Thiên đường’. Vì sao lại như vậy?

Âm nhạc mỹ diệu xuất phát từ nội tâm thuần tịnh

Vào thời Xuân Thu, tại nước Lỗ có một bậc thầy về nhạc lý tên là Sư Tương. Khi ông gảy đàn, chim chóc cũng bay lượn theo tiếng nhạc, cá cũng nhảy lên khỏi mặt nước để lắng nghe. Tài nghệ của Sư Tương vượt ra khỏi nước Lỗ, khiến một người yêu âm nhạc là Sư Văn đã không quản ngại xa xôi, lặn lội từ nước Trịnh đến bái Sư Tương làm thầy.

Sư Tương là người thầy nổi tiếng nghiêm khắc, không dễ dàng nhận môn đồ. Sư Văn phải đến khẩn cầu ba lần, cuối cùng Sư Tương vì cảm động trước thành ý và quyết tâm của Sư Văn nên đã chấp nhận dạy nhạc lý cho anh.

Sư Tương dạy Sư Văn phối âm, nhưng ngón tay của anh lại quá cứng, học đến ba năm vẫn không đàn nổi một khúc nhạc hoàn chỉnh. Sư Tương liền nói: “Con vẫn thiếu ngộ tính, học đàn không đủ chuyên tâm, tốt nhất con hãy về nhà đi”.

Sư Văn hối hận tự trách mình: “Không phải con không thể đàn được, cũng không phải con không thể diễn tấu hoàn chỉnh một khúc nhạc. Bởi điều con chú ý không chỉ là âm điệu tiết tấu, mà là dùng tiếng đàn để biểu đạt nội tâm. Khi con không thể làm cho tiếng đàn chuyển tải nỗi lòng, không cảm ứng được nhạc khí (trong hợp với lòng, ngoài ứng với khí), thì con không dám buông ngón tay gảy đàn. Mong thầy cho con thêm thời gian xem có tiến triển không”.

Từ đó, Sư Văn tĩnh tâm lại, thanh trừ tạp niệm, hàng ngày chuyên tâm chăm chỉ luyện đàn, dụng tâm thể ngộ ý tứ mà âm nhạc biểu đạt, không ngừng hoàn thiện tu dưỡng nội tâm mình.

Từ đó, Sư Văn tĩnh tâm lại, thanh trừ tạp niệm, hàng ngày chuyên tâm chăm chỉ luyện đàn, dụng tâm thể ngộ ý tứ mà âm nhạc biểu đạt, không ngừng hoàn thiện tu dưỡng nội tâm mình. (Ảnh minh họa: dkn.tv)

Một thời gian sau Sư Văn lại đến bái kiến Sư Tương, Sư Tương hỏi: “Bây giờ con đánh đàn thế nào rồi?”. Sư Văn trả lời: “Đã chạm đến tâm can, xin thầy hãy nghe con đàn một khúc!”.

Sư Văn bắt đầu buông tay gảy đàn. Đầu tiên anh tấu vào dây Thương thuộc âm Kim, một khung cảnh của tháng Tám mùa Thu hiện ra, khiến người nghe cũng cảm nhận được làn gió thu mát mẻ, cây cối đang sinh trưởng kết trái đơm hoa.

Sau mùa thu vàng óng, anh đàn dây Giác thuộc âm Mộc, tiếng đàn gợi nhớ tháng Hai mùa Xuân, gió xuân ấm áp thổi về, hoa cỏ đâm chồi nảy lộc, đó là hình ảnh của một mùa Xuân với vạn vật canh tân.

Sư Văn lại đàn cung Vũ thuộc âm Thủy, tiếng đàn gợi cảm giác về một mùa Đông lạnh lẽo giữa tháng 11 với tuyết trắng bao phủ, sông hồ đóng băng, khung cảnh xơ xác tiêu điều như hiện ra trước mắt.

Tiếp theo, anh lại tấu cung Chinh thuộc âm Hỏa, tháng Năm như ùa về, trước mắt hiện lên cái nắng thiêu đốt của một mùa Hè rực lửa.

Khi nhạc khúc sắp kết thúc, Sư Văn đàn dây Cung đứng đầu trong ngũ âm, kết hợp với Thương, Giác, Vũ, Chinh, từ bốn phía đều có gió nam thổi nhè nhẹ, những áng mây lững lờ trôi, dường như có một dòng Cam Lộ từ trên trời giáng xuống, dòng suối mát từ trong nguồn chảy ra.

Sư Tương nghe xong liền khen rằng: “Tiếng đàn của con thật tuyệt vời, khiến người ta như đi vào khung cảnh vậy!”.

Sau này Sư Văn là người nổi danh về âm nhạc một thời của nước Trịnh.

Câu chuyện về Sư Văn tầm sư học nhạc cho thấy âm nhạc mỹ diệu bắt nguồn từ con tim. Sự cao siêu của nghệ thuật nằm ở lòng người chứ không phải ở dây đàn, nằm ở chí người chơi đàn chứ không phải ở thanh âm, bởi chỉ có “tâm hồn” mới khởi lên tác dụng chủ đạo trong diễn tấu âm nhạc. Phần kỹ thuật và nhạc lý thì hầu như ai ai cũng có thể nắm được, nhưng để đạt đến cái mỹ diệu cao siêu thì nếu không có nội tâm thuần tịnh sẽ không thể lĩnh hội được đạo lý phi thường này. Do đó, người nghệ sĩ phải dùng chính tâm, chính niệm để đạt được sự thanh tịnh, thuần khiết, thân tâm hòa làm một, mới có thể đạt đến cảnh giới giao hòa cùng trời đất.

Người nghệ sĩ phải dùng chính tâm, chính niệm để đạt được sự thanh tịnh, thuần khiết, thân tâm hòa làm một, mới có thể đạt đến cảnh giới giao hòa cùng trời đất thể hiện sưu tinh tế mỹ diệu của âm nhạc thời xưa. (Ảnh: soundofasia.com)

Điển cố thành ngữ “đắc tâm ứng thủ” (tay chuyển theo tâm) cũng sinh ra từ đây, trở thành một nguyên tắc quan trọng trong diễn tấu âm nhạc cổ đại.

Nghệ thuật làm thay đổi tướng mạo người nghệ sỹ

Có câu chuyện kể rằng, trước kia có một nhà điêu khắc khá điển trai, luôn tự hào về tướng mạo của mình. Nhưng sau một thời gian, anh bỗng thấy mình càng ngày càng xấu xí. Anh đã đi khắp nơi, tìm đến các danh y mà anh biết, cũng đã uống đủ loại phương thuốc khác nhau, nhưng tất cả đều vô hiệu.

Một lần, anh có cơ duyên gặp vị sư trụ trì ở một ngôi chùa nọ. Khi nghe nhà điêu khắc kể về nỗi khổ trong lòng mình, vị sư trụ trì mỉm cười nói: “Bệnh này của thí chủ lão tăng có thể chữa được. Nhưng trước hết, xin thí chủ hãy tạc giúp bổn chùa vài pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm với các thần thái khác nhau”. Nhà điêu khắc nghe vậy rất vui mừng, liền đồng ý với điều kiện của vị sư trụ trì.

Vậy là từ đó, anh ngày ngày chuyên tâm tạc tượng Bồ Tát Quán Âm. Bởi Bồ Tát là hiện thân của thiện lương, thánh khiết, và từ bi, nên nhà điêu khắc phải nghiên cứu không ngừng, thậm chí còn bắt chước các thần thái của Bồ Tát, mới có thể tạc ra được những pho tượng Bồ Tát sống động như thực. Cứ thế, anh miệt mài với công việc đến độ nhiều bữa quên ăn, nhiều đêm quên ngủ, đến mức người nhà cũng phải ngạc nhiên với sự cần mẫn ấy.

Nửa năm sau, anh đã tạc xong các bức tượng một cách mỹ mãn. Có bức là tượng Bồ Tát với dáng vẻ từ bi nhưng uy nghiêm, có bức là Bồ Tát đang cầm bình tịnh thuỷ và cành dương liễu, mắt dõi nhìn thế gian, lại có bức là hóa thân của Bồ Tát trong hình hài một cô thôn nữ tay bưng giỏ cá… Tất cả đều rất đẹp và sống động, tưởng chừng như Bồ Tát đang triển hiện ngay trước mắt anh.

Trở về với hình ảnh Bồ Tát uy nghiêm thần thánh, thì trái tim, tâm hồn anh và thế giới trong anh được hòa mình vào ánh sáng của sự từ bi, diện mạo của anh đã đẹp lên tự lúc nào. (Ảnh: nonnuocart.com)

Đến khi nhà điêu khắc soạn sửa hành trang để đến gặp vị sư trụ trì, anh vô tình nhìn vào tấm gương và bất giác kinh ngạc khi thấy tướng mạo của bản thân mình đã thay đổi tự lúc nào, anh đã trở nên đĩnh đạc, có phong thái, và đẹp lên rất nhiều. Dường như có một con người rất khác trong chiếc gương kia, không còn xấu xí, không còn cau có, cũng không còn khắc khổ như trước đây. Lúc này anh mới bừng tỉnh hiểu ra được nguyên do.

Thì ra cái gốc của căn bệnh “trở nên xấu xí” là vì trước đó anh đã liên tục tạc những bức tượng quỷ Dạ Xoa gớm ghiếc. Trong lúc tạc những bức tượng xấu xí đó, dường như tâm tính và thần thái của anh cũng biến đổi theo, và đó chính là nguyên nhân khiến diện mạo của anh thay đổi.

Chỉ đến khi trở về với hình ảnh Bồ Tát uy nghiêm thần thánh, thì trái tim anh, tâm hồn anh, và thế giới trong anh mới được hòa mình vào ánh sáng của sự từ bi, cứ thế mà tâm tính, diện mạo của anh đã đẹp lên tự lúc nào.

***

Văn hóa cổ xưa, cũng là văn hoá Thần truyền, giảng rằng “Thiên Nhân hợp nhất”, con người và trời đất là tương thông. Trong cuốn “Chu Lễ – Khảo công ký”, cũng viết: “Thiên hữu thời, địa hữu khí, tài hữu mỹ, công hữu xảo, hợp thử tứ giả, nhiên hậu khả dĩ vi lương”, nghĩa là: Trời có thời, Đất có khí, tài vật có vẻ đẹp, người thợ có kỹ xảo, hợp bốn thứ ấy lại sẽ có thể đạt được kết quả tốt đẹp. Vậy cũng nói, nghệ thuật khi vượt khỏi thủ pháp kỹ thuật thì chính là sự biểu hiện của tư tưởng và tinh thần con người. Nghệ thuật xuất phát từ một nội tâm tinh khiết và thuần tịnh mới thật sự là thứ nghệ thuật hoàn mỹ nhất, cũng là thứ nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa. Vì thế nếu muốn sáng tác nên các tác phẩm có giá trị, thì người nghệ sĩ phải đề cao nhân cách đạo đức của bản thân mình.

Nghệ thuật xuất phát từ một nội tâm tinh khiết và thuần tịnh mới thật sự là thứ nghệ thuật hoàn mỹ nhất, cũng là thứ nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa. (Ảnh: shenyunperformingarts.org)

Ví dụ như trong quá khứ, rất nhiều hoạ sĩ có tâm kính ngưỡng Thần Phật đã từng nhìn thấy cảnh tượng không gian khác và vẽ nên những tuyệt tác được coi là “nét vẽ của Thần”. Ví dụ như những bức vẽ về Thiên Đàng và Chúa trên vòm nhà nguyện của Thánh đường Vatican đều mang dấu ấn của Thần. Giờ đây khi ngắm nhìn những tuyệt tác ấy, bất cứ ai cũng đều có cảm giác được đắm chìm trong một thứ hào quang thần thánh.

Ngược lại, khi người hoạ sĩ không vẽ bằng nội tâm thuần tịnh, thì tác phẩm sẽ mang màu sắc u ám. Hầu hết những bức danh hoạ theo trường phái ấn tượng, trường phái biểu hiện, và trường phái dã thú, đều được sáng tác khi người nghệ sĩ tiến nhập vào trạng thái điên điên khùng khùng, do đó bản thân bức vẽ cũng gợi lên cảm giác âm u và ma quái.

Cho nên, chỉ khi tư tưởng và tinh thần của người nghệ sĩ được thăng hoa, thì mới có thể mang vào tác phẩm những ý vị thuần thiện, thuần mỹ. Hội họa truyền thống của cả phương Đông và phương Tây đều ca ngợi Phật, Đạo, Thần với những nét vẽ truyền thần, đây thật sự là nghệ thuật chân chính.

Nhã Thanh

Exit mobile version