Đại Kỷ Nguyên

Nghệ thuật chơi chữ nghĩa của người Việt xưa (P3)

Trước sự uy hiếp của triều đình Bắc quốc, các sứ thần Đại Việt đã ung dung bình thản đối đáp, thể hiện trí tuệ và dũng khí của nhà Nho nước Nam.

Từ khi giành lại độc lập từ phương Bắc, nước ta đã trải qua hơn nghìn năm vừa xây dựng vừa chinh chiến. Bên cạnh những trận chiến gươm đao bi tráng thì cuộc chiến ngoại giao cũng không kém phần khốc liệt.

Các bậc đại khoa của nước Việt non trẻ đã không cô phụ lòng tin của triều đình và nhân dân. Họ đã dùng tài năng của mình và khả năng ứng đối trong ngoại giao để bảo vệ danh dự nước nhà cũng như ngăn họa binh đao. Đó không chỉ đơn giản là cách ứng đối, mà chính là nghệ thuật sử dụng chữ Hán sao cho người phương Bắc (cái nôi của Hán tự) phải nể phục mà vẫn không làm nhục quốc thể. Đôi khi một lời nói hay câu thơ cũng có sức mạnh của cả một đạo quân. Nó không những thể hiện nền tảng văn hóa thâm sâu của các bậc túc nho Đại Việt, mà còn là khí phách của cả dân tộc gửi gắm qua những bậc anh tài kiệt xuất – những nhà Nho chân chính.

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

Vị Trạng nguyên họ Mạc có lẽ là người có ngoại hình khiêm tốn nhất trong các bậc đại khoa. Nhưng tài văn chương của ông thì lại xếp vào hạng nhất. Các giai thoại câu đối khi đi sứ của ông không những bảo tồn danh dự quốc thể mà còn đem đến cho ông danh hiệu “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”.

Ứng đối với quan lại nhà Nguyên

Khi Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, trong lúc chờ thiết triều Quan Thái sư ra vế đối:

“Nghìn dặm giống nhau, giống nước, giống núi, giống mặt trời và trăng.”
(“Thiên lý vi trùng, trùng thủy trùng sơn trùng nhật nguyệt.”)

Hàm ý câu này là nước Việt và Trung Quốc cách xa nghìn dặm mà núi sông đều giống nhau, cùng mặt trời, mặt trăng, nghĩa là chung một bầu trời, hàm ý là văn hóa nước Việt cũng là học từ Trung Quốc. Mà thiên tử lại là con Trời cai trị thiên hạ, như vậy vế đối ngầm khẳng định rằng nước Việt nhỏ bé cũng chỉ là một phần của Trung Quốc, phải để cho thiên tử Trung Quốc cai trị.

Nhưng sứ thần Mạc Đĩnh Chi không hổ danh là đệ nhất anh tài nước Nam, ông đã ung dung đối lại như sau:

“Một người thành lớn, vua lớn, nước lớn, trời đất lớn.”
(“Nhất nhân thành đại, đại quân đại quốc đại càn khôn.”)

Cái hay của câu “Đại quân đại quốc đại càn khôn” là: không những đối chữ mà còn đối lại về hàm ý. Vì sao nước Việt nhỏ mà lại là “đại quân đại quốc”? Có phải là quá khoa trương hay không? Không những không nói quá mà là nói rất đúng, vì thời điểm đó Đại Việt được kế thừa văn hóa Nho học chính thống. Những bậc tài danh Nho giáo, binh pháp cho đến Tam giáo cửu lưu đều chạy nạn Mông Cổ mà sang Việt Nam, lẽ dĩ nhiên đem theo cả những thứ tinh hoa nhất mà lưu giữ tại đây. Ngoài ra nhà Trần là đối thủ duy nhất chính diện ba lần đánh bại nhà Nguyên một cách oanh liệt. Nên mới nói, nước Việt tuy nhỏ mà lại là “đại quốc” (đánh bại nước lớn) chứa “đại càn khôn” (văn hóa lớn), nước Nguyên tuy lớn nhưng thực chất lại là “nhỏ” vì không kế thừa tinh hoa Hoa Hạ chính thống, gốc gác lại là dân du mục vốn hay bị người Hán coi thường do quan niệm Hoa Di từ xa xưa.

Thấy vậy, một viên quan Thái úy (quan võ) liền ra vế đối dọa nạt:

“Trong biển chứa nước, trời xanh bao bọc cả mặt trời mặt trăng và các vì sao.”
(“Hải trung hàm thủy, thanh thiên bao nhật nguyệt tinh thần.”)

Ý của viên quan này là thế nước Trung Quốc lớn rộng như biển thâu hết nước mọi nơi, cũng giống như bầu trời giữ mặt trời, mặt trăng và các vì sao. So sánh ra thì thấy nước Việt quá nhỏ bé. Mạc Đĩnh Chi đối lại như sau:

“Trên trời chia hướng, chỉ đất bao gồm cả đông tây nam bắc.”
(“Thiên thượng phân kim, chỉ địa quát đông tây nam bắc.”)

Người xưa đo đất thường dùng la bàn phong thủy có phân kim để định hướng. Trên trời nhìn xuống thì đất ở đâu cũng to như nhau bất kể đông tây nam bắc. Hay nói cách khác, Trung Quốc không thể cho mình là lớn mà cậy thế ăn hiếp nước nhỏ được.

Ảnh bìa cuốn sách về Mạc Đĩnh Chi của NXB Kim Đồng.

Ứng đối với hoàng đế nhà Nguyên

Đến khi thiết triều, vua Nguyên thấy sứ giả An Nam thấp lùn xấu xí, liền ra vế đối:

“Lị, mị, võng, lượng bốn con quỷ nhỏ.”
(“Lị mị võng lượng tứ tiểu quỷ.”)

Thiên tử nhà Nguyên có ý chê Mạc Đĩnh Chi hình dung xấu như quỷ, hơn nữa lại chơi chữ: bốn chữ “Lị” (魑), “Mị” (魅), “Võng” (魍), “Lượng” (魎) đều có chữ “Quỷ” (鬼) ở bên phải.

Mạc Đĩnh Chi đối lại:

“Cầm, sắt, tỳ bà tám vua lớn.”
(“Cầm sắt tỳ bà bát đại vương.”)

Các chữ “Cầm” (琴), “Sắt” (瑟), “Tỳ bà” (琵 琶) đều có tám chữ “Vương” (王) đặt ở trên tên các loại đàn. Ông ngầm nói mình học nhạc của Thánh hiền là Cầm, Sắt, Tỳ bà, và có phong độ vương giả, chứ không như người ngồi trên ngai thiên tử kia toàn là học theo ma quỷ bốn loài.

Lẽ dĩ nhiên là thiên tử Nguyên triều không còn lý do gì bắt bẻ Mạc Đĩnh Chi được nữa, dẫu có mất mặt cũng không thể thể hiện ra ngoài.

Sứ giả Đỗ Khắc Chung

Khi cuộc chiến tranh Nguyên Mông – Đại Việt nổ ra lần thứ hai (năm 1285), Trần Thánh Tông hỏi các quần thần rằng ai có thể sang trại Nguyên làm sứ giả? Đỗ Khắc Chung bèn xung phong là người sang thương thuyết với Ô Mã Nhi.

Ô Mã Nhi hỏi:

– Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ “Sát Thát”, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm.

Khắc Chung đáp:

– Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?

Nói rồi giơ cánh tay cho xem.

Ô Mã Nhi lại nói:

– Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?

Khắc Chung nói:

– Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người.

Ô Mã Nhi nói:

– Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, quốc vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát.

Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng:

– Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xuống là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói “Chó nhà cắn người”, quả là giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được.

Triều đình và nhân dân thời nhà Trần đã làm lên chiến thắng chấn động năm châu khi đánh bại quân Nguyên Mông. (Ảnh minh họa: soha)

Thám Hoa Giang Văn Minh

Giang Văn Minh là người xứ Đoài (nay thuộc Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), làm quan dưới triều đình của vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng. Năm 1637, ông vâng mệnh đi sứ Trung Quốc.

Trung Quốc thời đó là đời vua Minh Tư Tông, hiệu Sùng Trinh, là vị vua cuối cùng của nhà Minh. Lúc này quân Mãn Thanh cũng như phản quân Lý Tự Thành đang nổi dậy mạnh mẽ, trong khi quân Minh suy yếu để mất rất nhiều lãnh thổ, nên triều đình nhà Minh hay ra uy với các sứ giả để không bị mất thể diện trước các nước chư hầu.

Do đó khi sứ thần Đại Việt vào triều đình diện kiến, vua Minh đã phủ đầu bằng cách ra vế đối bắt sứ thần họa lại.

Vế xuất đối là:

“Trụ đồng đến nay rêu đã xanh.”
(“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục.”)

Câu đối này mang hàm ý đe dọa sứ giả nước Nam bằng cách nhắc lại tích xưa: Tướng nhà Hán là Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó dựng một chiếc cột đồng rồi khắc lên dòng chữ: Nếu cột đồng gãy thì đất Giao Chỉ bị diệt vong.

Bình thản trước câu đối ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã đối lại:

“Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ.”
(“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng.”)

Vế đối chỉnh và vô cùng cứng rắn. Giang Văn Minh đã nhắc lại ba lần đại bại trên sông Bạch Đằng của quân Nam Hán năm 938, quân Tống năm 981 và quân Nguyên năm 1288. Đến nay máu của quân phương Bắc vẫn còn nhuộm đỏ nước sông Đằng.

Vua Minh ra câu đối chẳng qua cũng vì Thiên triều đã quá mất mặt với quân Mãn Thanh, nên muốn vớt vát chút ít thể diện với xứ An Nam chư hầu, ngờ đâu lại nhận được kết quả muối mặt giữa triều đình. Minh Tư Tông đã làm một việc hèn hạ mà tự cổ chí kim hiếm có trong thông lệ ngoại giao: giết sứ giả trong thời bình (khi hai nước không có chiến tranh).

Minh Tư Tông ra lệnh:

– Mổ bụng sứ thần An Nam để xem chúng to gan lớn mật đến đâu.

Khi thi hài của Giang Văn Minh được đưa về kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông cùng chúa Trịnh Tráng đã đến bái kiến linh cữu và truy tặng chức cao và tước hậu cho ông, đồng thời ban tặng câu:

“Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ.”
(“Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng.”)

Nay trên mộ của Giang Văn Minh còn rõ bốn chữ “Thiên Cổ Anh Hùng”. Người sau có làm đôi câu đối, nay vẫn còn khắc trong đình thờ ông:

“Lễ nghĩa bách niên Mông Phụ ấp
Phong thanh thiên cổ Thám hoa môn.”

Tạm dịch là:

“Lễ nghĩa trăm năm làng Mông Phụ
Tiếng thơm nghìn thuở cửa Thám hoa.”

(Còn nữa)

Tĩnh Thủy

Exit mobile version