Đại Kỷ Nguyên

Nghệ thuật can gián lãnh đạo của người xưa, nghìn năm vẫn còn nguyên ý nghĩa

Trong cuộc sống, đặc biệt là trước những quyết định lớn, cần phải biết nhìn xa trông rộng, lắng nghe những lời can gián, đừng chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái hại về sau. Dưới đây là một số điển tích về các quan cận thần trung thành, khéo léo can gián bề trên nhờ đó mà tránh được mối loạn cho xã tắc, thiên hạ. 

Truyện xưa kể rằng, vua nước Ngô muốn đem quân đi đánh nước Kinh láng giềng. Quần thần trong triều ai cũng can ngăn nhưng nhà vua không nghe, còn phán rằng: “Ai còn can gián sẽ bị đem đi hành quyết ngay!”. Thế là bá quan lặng yên không dám ho he nửa câu nữa. Nhưng có một viên quan trẻ tuổi, nhiệt huyết, quyết không chịu thua.

Liên tiếp ba ngày sau đó, lúc trời hừng sáng, anh mang cung tên đến vườn sau của cung vua, bình thản đứng chờ dưới một gốc cây cổ thụ um tùm cành lá. Đến ngày thứ ba, vì lấy làm tò mò, nhà vua đến gần hỏi :“Khanh đứng đó làm gì để sương ướt áo thế? Có điều gì muốn tâu báo thì cứ nói!”. 

Viên quan trẻ tuổi nọ vòng tay cung kính trình tấu: “Tâu Bệ hạ! Trong vườn có một cây cổ thụ. Chót vót trên ngọn cây có con ve sầu, hút gió, uống sương, rả rích kêu, cả ngày tưởng đã được yên thân lắm. Con ve biết đâu đằng sau có con bọ ngựa, đang dơ hai càng chực bắt. Chính con bọ ngựa muốn bắt con ve sầu, lại biết đâu đằng sau có con chim sẻ nghển cổ chực mổ. Chính con chim sẻ muôn bắt con bọ ngựa, lại biết đâu dưới gốc cây có hạ thần cầm cung tên chực bắn. Chính thần đây muốn bắt con chim sẻ mà không biết sương xuống ướt đầm cả áo… Như thế đều là chỉ vì tham cái lợi trước mắt mà quên hẳn đi cái hại ở ngay sau lưng vậy“.

Nhà vua nghe qua, bỗng nhiên tỉnh ngộ, bỏ lòng tham, thôi hẳn ý định xâm lăng nước láng giềng. Toàn quốc thoát được cảnh can qua, vui hưởng thái bình.

Nhờ bỏ lòng tham, thôi hẳn ý định xâm lăng nước láng giềng, mà đất nước thoát được cảnh can qua, vui hưởng thái bình. Cũng là nhờ nhưng lời can gián đúng lúc, kịp thời của trung thần. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Lưu Bang, người mở ra cơ nghiệp nhà Hán, thời còn chinh chiến, hàn vi cũng không ít lần ra quyết định sai lầm, rơi vào sa ngã. Khi Lưu Bang mới tiến vào cung Tần, thấy cung điện nguy nga rực rỡ, chó ngựa xinh đẹp, của quý đầy kho, gái đẹp đầy hậu cung, thì lập tức muốn được tận hưởng vinh hoa phú quý.

Điều này khiến nhiều bộ hạ của Lưu Bang cảm thấy hết sức bất an. Phàn Khoái mạnh dạn can gián, chỉ trích Lưu Bang là muốn “làm một ông nhà giàu”. Nhưng những lời can gián đơn giản như vậy hoàn toàn không thể làm Lưu Bang thay đổi ý định. Quân sư Trương Lương khi ấy biết rằng muốn vượt qua quan ải an lạc vui chơi quả thực còn khó khăn hơn vượt quan ải gian nguy, sống chết rất nhiều lần.

Lằn ranh giữa sống và chết là rất rõ ràng, nhưng cái nguy hại của sự an lạc lại rất mơ hồ, không dễ nhìn thấy. Do vậy, muốn cho Lưu Bang xa rời những thứ chó khôn, ngựa đẹp, tiếng đàn, tiếng hát dịu dàng, cũng như bao nhiêu gái đẹp, thì cần phải tìm cách làm cho ông ta thức tỉnh. Cho nên, Trương Lương khéo léo khuyên rằng:

“Trước kia do nhà Tần vô đạo nên Bái Công mới có thể kéo quân tới được đây. Vậy nếu muốn trừ đi những thế lực vô đạo còn tồn tại, thì bản thân mình phải mặc áo vải, phải ăn chay. Nếu nay mới vừa tiến vào đất Tần đã nghĩ tới chuyện ngồi yên hưởng lạc thì chẳng hóa ra mình lại tiếp tay cho vua Kiệt làm điều bất nhân hay sao?”. Lời tục thường nói: “Thuốc đắng dã tật, lời thật khó nghe”. Vậy mong Bái Công hãy nghe theo lời khuyên của Phàn Khoái và bao nhiêu người khác”. 

Trương Lương thái độ bình tĩnh, lời nói dịu dàng, nhưng đã thực sự chạm đến tâm can Lưu Bang. “Sự vô đạo của nhà Tần”, “tiếp tay cho vua Kiệt làm điều bất nhân”, là những câu nói đánh mạnh vào tâm lý, làm thức tỉnh sự si mê của Lưu Bang. Cách nói như vậy quả thực còn sâu sắc hơn những tiếng giận dữ la ó biết bao. Người nghe không phản cảm, mà lại phải suy ngẫm thực sự thấm thía. Thủ pháp khuyên ngăn đó chính là nghệ thuật mà những mưu thần luôn dùng khi can gián nhà vua. 

Thủ pháp khuyên ngăn đó chính là nghệ thuật mà những mưu thần luôn dùng khi can gián nhà vua. Ảnh dẫn theo ĐKN

Rốt cuộc, Lưu Bang cũng bằng lòng niêm phong cung điện, kho tàng, tài vật của triều Tần, rồi kéo quân trở về Bái Thượng, chờ đợi những cánh quân của Hạng Vũ và chư hầu khác kéo tới. Chính hành động này đã cứu mạng Lưu Bang. Sau này, khi Hạng Vũ tiến vào Hàm Dương đã mang tội này ra trách móc.

Khi đó, chính Trương Lương đứng ra can ngăn, cho rằng Lưu Bang tiến vào Hàm Dương là đi trước dọn đường cho Hạng Vũ, đã đem toàn bộ tài sản niêm phong lại, chờ Hạng Vũ đến sắp xếp chứ không dám manh động làm trước. Hạng Vũ nghe xong, bèn vui vẻ mà không trách Lưu Bang nữa. Mưu sĩ Phạm Tăng khuyên nên giết Lưu Bang nhưng Vũ mấy lần đều từ chối. 

Vậy mới hay:

Khiến người ta nể lời không bằng khiến người ta tin lời.

Khiến người ta tin lời không bằng khiến người ta vui vẻ nhận lời.

Đem họa phúc mà răn dọa là khiến người ta sợ.

Đem lý lẽ mà răn dụ là khiến người ta tin. 

Dùng tâm lý mà giác ngộ là khiến người ta vui lòng mà nghe theo. 

Chân Tâm 

Xem thêm:

 

Exit mobile version