Đại Kỷ Nguyên

Nếu còn băn khoăn về sở hữu và cuộc đời, hãy lắng nghe bài học vô giá mà cây cối dạy chúng ta

Các nhà văn nhà thơ trên khắp thế giới đang ngày một quan tâm và yêu thích chủ đề cây cối, đến nỗi có hẳn một làn sóng sáng tác về những cái cây. Thi sĩ người Đức và cũng là một triết gia, Hermann Hesse đã từng viết rằng: “Khi chúng ta học cách để lắng nghe cây cối… đó chính là nhà, là niềm hạnh phúc vô biên”.

Trong cuốn “Hermann Hesse và tác phẩm Cây cối đã dậy chúng ta điều gì về sở hữu và cuộc đời” của Maria Popova đã viết: “Tôi tỉnh dậy sáng nay để khám phá một cây bạch dương nhỏ mọc lên giữa khu vườn lâu năm nằm giữa thành phố của tôi, cái cây này đã có những nỗ lực không thể tượng tượng được để đưa hạt giống của nó đi qua lớp bê tông và cát sỏi, để bắt đầu sự sống ở một vùng đất không màu mỡ. Và tôi đã nghĩ, lạy Chúa, thật là kỳ diệu. Đúng là phép màu. Một lời nhắc nhở rằng sự sống không đợi chờ giấy phép để được sinh sôi”.

(Ảnh: National Geographic)

Một câu chuyện khác về sức sống kỳ diệu của cây cối tới từ nông trại xa xôi của nước Mỹ vào những năm 50 của thế kỷ trước. Có một chủ nông trại nọ vì muốn tiện cho việc nhốt gia súc nên đã quấn dây thép quanh thân cây du. Theo thời gian, cây du lớn lên và chiếc vòng sắt kia mỗi lúc một thít chặt vào thân cây, để lại một vết thương sâu hoắm.

Năm đó, bỗng dưng bùng phát một dịch bệnh lạ trên thực vật, trong vòng bán kính vài chục cây số, toàn bộ những cây họ du đều đột ngột chết hết. Duy chỉ có cây du mang vết thương sâu trên thân là sống sót.

Tại sao cây du ấy lại không hề hấn gì trong dịch bệnh? Câu hỏi này đã hấp dẫn các nhà thực vật học tại địa phương. Họ đã tổ chức một nhóm công tác đến tìm hiểu và nghiên cứu và kết quả đã khiến nhiều người ngạc nhiên: Chính vết thương trên thân đã giúp cây du sống sót qua dịch bệnh.

Trong quá trình bị vòng sắt siết chặt vào thân cây, cây du đã hấp thụ một lượng sắt nhất định, nhờ đó nó mới có khả năng miễn dịch đặc biệt trước dịch bệnh. Cây du đó hiện tại vẫn đầy sức sống tại bang Michigan, nước Mỹ.

(Ảnh: Soha)

Những cái cây có thể dậy con người chúng ta những bài học sâu sắc về cuộc sống, chỉ cần bạn quan sát và lắng nghe chúng.

Trong cuộc đời, không ai trong chúng ta là có thể tự tin khẳng định mình sẽ không bao giờ gặp phải sự thống khổ hay tổn thương nào đó. Nhưng những điều đó rồi sẽ trở thành một thứ vật chất tuyệt vời, giống như chất sắt thấm sâu vào thân cây du kia, nó sẽ giúp cho sinh mệnh của chúng ta trở nên kiên cường, tràn trề nhựa sống và hy vọng mới.

Những tác động ngoại cảnh là không thể tránh khỏi, những cái cây không thể chống lại được số phận, nhưng chúng không vì thế mà chết gục, ủ rũ. Những cái rễ vẫn ăn sâu một cách yên bình trong sâu thẳm. Chúng len lỏi qua các lớp bê tông kiên cố, sinh sôi ở ngay vùng đất khô cằn, oằn mình sau những cơn bão giông để rồi lại vươn lên trổ hoa, ra trái…

(Ảnh: National Geographic)

Cây còn dậy con người bài học về sự tuần hoàn của cuộc sống. Đôi khi bạn rực rỡ sắc màu và cho rất nhiều hoa trái, đôi khi bạn mất mát, héo úa và đôi khi thậm chí bạn sẽ hoàn toàn không còn gì cả, trần trụi, không có trái cây, không có lá, không có cả sức sống. Nhưng hãy kiên trì chờ đợi và chấp nhận bởi mọi việc đều có nguyên do, đó là quy luật của sự sống.

Không có điều bất hạnh nào xảy ra với bạn, không có ai xuất hiện trong cuộc đời bạn mà không có lý do. Trên hành trình của cuộc đời, việc chúng ta tiếp nhận tất cả mọi nhân duyên, bất luận là thuận hay nghịch là một điều đương nhiên và là lớp học bắt buộc. Hãy để vạn sự tùy duyên, tự tại mà sống giữa cuộc đời như một cái cây tràn đầy nghị lực sống.

(Ảnh rwsentosa.com)

Những cái cây to lớn nhất đều có bộ rễ tương xứng. Đây là một bài học tuyệt vời cho chúng ta, rằng chỉ khi chúng ta tập trung nỗ lực để đạt được hạnh phúc bằng cách phát triển từ bên trong bản thân thay vì tìm kiếm từ thế giới bên ngoài thì con đường phát triển mới là bền vững nhất.

(Ảnh: National Geographic)

Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng những cây đẹp nhất là những cây nhiều tuổi nhất? Khi cây trưởng thành bộ rễ của chúng cũng khỏe mạnh hơn, thân cây càng cứng hơn và cho hoa cũng dày đặc hơn. Đây là vẻ đẹp của thời gian. Cũng giống như con người, khi chúng ta đã học cách chịu đựng và sống sót qua các biến cố của cuộc đời, qua các thăng trầm, buồn vui, chúng ta sẽ không còn phải chiến đấu để sống sót mà đã học được cách sống an nhiên, tự tại.

(Ảnh: National Geographic)

Cây còn dậy chúng ta rằng, là một phần của khu rừng, bạn được bao quanh bởi tất cả các loại cây, nhưng ở bên dưới mặt đất chúng ta đều được nuôi dưỡng từ cùng một chất dinh dưỡng và tất cả chúng ta đều hướng đến bầu trời giống nhau. Trong một khu rừng, sẽ không có cây cao nhất hoặc xanh tốt nhất đứng tách biệt, cây xanh luôn chia sẻ và trở thành một phần của một quần thể lớn hơn.

Và cuối cùng, khi chết đi, những thân cây không phải trở thành thứ đồ bỏ, nó chỉ đang chuyển đổi cuộc sống của mình thành những dạng thức khác để làm lợi cho con người hay những sinh mệnh xung quanh nó. Con người cũng có thể dùng chính đời của mình để làm lợi cho người khác khi sống một cuộc sống kiên cường và đức độ, để đảm bảo rằng mặc dù cuộc đời của bạn có lúc thăng lúc trầm, nhưng bạn đang để lại hình mẫu tốt và cảm hứng sống tốt cho người thân, bạn bè và cả thế hệ mai sau.

(Ảnh: National Geographic)

Và như Hesse đã cảm thán:

Cây cối có những suy nghĩ sâu xa, nhịp thở sâu và sự bình yên, chỉ vì chúng có cuộc đời dài hơn chúng ta. Chúng thông minh hơn chúng ta, chỉ là chúng ta không biết cách lắng nghe chúng mà thôi.

Phương Lâm – Thu Hiền

Xem thêm:

 

Exit mobile version