Đại Kỷ Nguyên

Muốn có tướng mạo thoát tục, hãy có nội tâm phi phàm

Muốn có tướng mạo thoát tục, hãy có nội tâm phi phàm

Ảnh: Pixabay.

Nếu muốn có một vẻ ngoài thoát tục, thì trước hết cần phải có một nội tâm phi phàm.

Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln từng phỏng vấn một nhân viên ứng tuyển vào Nhà Trắng. Trợ lý của ông cho rằng ứng viên này là người có năng lực, nhưng Lincoln lại không chấp nhận anh ta. Người trợ lý hỏi: “Ngài cảm thấy anh ta không tốt sao?”. Lincoln trả lời: “Không phải, mà là vì tôi không thích ngoại hình của anh ta”. 

Người trợ lý thắc mắc, bèn hỏi tiếp: “Vẻ ngoài không ưa nhìn chẳng nhẽ cũng là lỗi của anh ta sao?”. Lincoln đáp: “Ngoại hình của một người trước 40 tuổi là do cha mẹ quyết định, nhưng ngoại hình sau 40 tuổi là do bản thân anh ta quyết định”. 

Đúng vậy, ngoại hình mà cha mẹ ban cho không có cách nào thay đổi, nhưng nhân cách và những trải nghiệm trong cuộc sống sẽ để lại dấu ấn trên khuôn mặt, lời nói và hành vi của mỗi người. Dung mạo của một người trong nửa cuối cuộc đời là do nhân cách và phẩm giá mà thành. 

Có một truyền thuyết kể rằng, ở Sơn Đông có một người thợ điêu khắc rất giỏi, đặc biệt có sở trường khắc họa hình yêu ma quỷ quái. Những tác phẩm của anh vô cùng sống động, linh hoạt, nhận được rất nhiều lời tán dương. Ngày tháng trôi qua, công việc làm ăn của anh cũng ngày càng phát đạt giúp anh kiếm được rất nhiều tiền. 

Tình cờ, người thợ điêu khắc nhìn vào gương và phát hiện khuôn mặt của anh không biết từ lúc nào trở nên hung ác và xấu xí. Anh đã thăm khám rất nhiều danh y nổi tiếng mà không tìm được phương thuốc chữa. 

Một ngày nọ, người thợ điêu khắc đến thăm chùa và đã kể lại nỗi khổ tâm của mình với vị hòa thượng trụ trì. Vị hòa thượng nói: “Bần tăng có thể thực hiện nguyện vọng của thí chủ, nhưng trước hết thí chủ cần phải làm cho chùa các pho tượng Quan Âm với đủ mọi thần thái khác nhau”. Để hoàn thành tâm nguyện của bản thân, người thợ điêu khắc đã đồng ý với điều kiện này. 

Trong tín ngưỡng dân gian, Quan Âm Bồ Tát là biểu tượng của sự từ bi, nhân từ, thể hiện ra sức mạnh vô biên của Phật Pháp. Dung mạo của Quan Âm cũng là hình tượng hóa cho những khái niệm này. Vậy nên trong quá trình chế tác, anh ta đã không ngừng nghiên cứu về tâm thái và thần khí của Quan Âm, suy xét về biểu cảm của Quan Âm, đến mức có những lúc anh gần như quên đi chính mình, hoàn toàn cảm thấy mình là Quan Thế Âm. 

Nửa năm sau, những bức tượng Quan Âm với các thần thái khác nhau đã được hoàn thành và đặt trang trọng trong khuôn viên nhà chùa, khiến người xem không khỏi tán dương ca ngợi. 

Lúc này, người thợ thủ công cũng bất ngờ phát hiện tướng mạo của anh đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây, nét mặt từ bi, hòa nhã, phong thái trang nghiêm, đĩnh đạc đường hoàng. Bệnh của anh không cần chữa mà tự khỏi. 

***

Người xưa có câu: “Tâm sinh tướng”. Tướng là tấm gương phản chiếu nội tâm, và ngoại hình là biểu hiện của nội tâm. Tâm thế nào thì ngoại hình sẽ thế ấy, nên cũng nói: Tướng là kết quả của tâm, còn tâm là nguyên nhân của tướng. 

Vì vậy, nếu muốn có tướng mạo thoát tục thì trước hết cần có một nội tâm phi phàm. 

Đại thi hào Tô Thức từng viết: “Phúc hữu thi thư khí tự hoa” (bụng chứa sách vở tất mặt mũi sáng sủa). Cho dù trên thân khoác bộ áo vải thô kệch, như nếu trong tâm đầy thơ ca bác học, thì tướng mạo bên ngoài tự nhiên cũng sẽ quý phái cao sang. 

Cũng giống như một căn phòng, nếu bên trong chứa đầy rác sẽ phát mùi xú uế, nếu chứa đầy hoa tươi sẽ có hương thơm ngát, và nếu bên trong là kim cương thì căn phòng ấy sẽ tỏa sáng lấp lánh. Một người nếu nội tâm chân thành, lương thiện, khiêm nhường, vậy thì khi xử lý mọi chuyện sẽ thể hiện ra sự từ bi, ôn hòa và chính nghĩa.

Dung mạo là cửa sổ của nội tâm, dung mạo cũng là tấm gương phản chiếu tâm hồn. Đẹp và xấu không phải dựa trên ngũ quan mà đánh giá. Tâm trí cởi mở, nhân cách tốt xấu và những trải nghiệm của đời người sẽ hòa tan vào cơ thể, dần dần tạo nên khí chất và phong thái của mỗi người. Đây mới là tiêu chuẩn của đẹp và xấu, cũng là câu trả lời của cố Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln trong câu chuyện chúng ta vừa kể. 

Theo Bình Tâm, Secret China
Ngọc Linh biên dịch

Video: Người hẹp hòi sống nhờ chữ ‘nhận’, người quảng đại sống bằng chữ ‘cho’

Exit mobile version