Đại Kỷ Nguyên

Mỗi người đều có ‘con mắt thứ ba’, bên trong ẩn giấu điều bí mật gì?

Mỗi người đều có một con mắt thứ ba, trong đó ẩn giấu bí mật gì?

Ảnh: Pixabay.

Từ cổ chí kim, nhiều tôn giáo và tín ngưỡng cho rằng mỗi người đều có một con mắt thứ ba, đôi khi còn rất siêu thường. Vậy thì con mắt thứ 3 có thực sự tồn tại? Phương thức tồn tại của nó là như thế nào?

Ví như Gia Cát Lượng ở trong mái nhà tranh mà biết được chuyện thiên hạ, Hoa Đà liếc mắt một cái là biết người có bệnh ở đâu… Truyền thuyết kể rằng bởi vì họ có con mắt thứ 3 nên mới có thể làm được những sự việc khiến người thường cảm thấy thần kỳ đến như vậy. Còn trên các bức tượng ở rất nhiều nền văn minh cổ xưa, hay trên mặt nạ của thầy tế, trên tượng Phật ở Ấn Độ, tượng Thần trong Đạo gia… dù không có giao hẹn từ trước nhưng đều được người xưa khắc họa một con mắt ở vị trí trước trán. Các triết gia Hy Lạp cổ đại gọi nó là “ngai vàng của linh hồn”. 

Thể tùng quả và con mắt thứ ba, bí mật của thiên mục

Đây là một sơ đồ giải phẫu của bộ não con người, trong đó “pineal gland” chính là thể tùng quả. Hình cầu ở góc dưới bên trái là mắt của chúng ta.

Thể tùng quả của cơ thể con người nằm ở trung tâm của bộ não, có kích thước chỉ bằng một hạt gạo và có hình dáng giống như quả của cây thông. Các nhà khoa học thông qua giải phẫu não người và nghiên cứu các lý thuyết phôi thai hiện đại đã phát hiện ra rằng con người quả thực có tồn tại một con mắt, chính là thể tùng quả trong não người đã bị thoái hóa. Đây là điều thần bí về con mắt đầy bí ẩn của nhân loại. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy thể tùng quả có cơ cấu tổ chức cảm quang cơ bản của một con mắt người, hơn nữa còn có hệ thống truyền tín hiệu cảm quang hoàn chỉnh. Ngoài ra, trong thể tùng quả còn chứa đầy sắc tố võng mạc, nên người ta đã gọi nó là “con mắt thứ ba”.

Các nhà khoa học gần đây đã phát hiện ra rằng những con cá mù Mexico không có mắt và nó đã sử dụng thể tùng quả để “nhìn” thế giới bên ngoài. Đối với cặp mắt thịt của con người, nó giống như ống kính máy ảnh, chỉ có tác dụng thu nhận ánh sáng, còn thể tùng quả giống như cảm biến CCD của máy ảnh, chính là có tác dụng thực sự phản ánh hình ảnh tại chỗ đó.

Giáo sư A Robin Baker của Đại học Manchester ở Vương quốc Anh đã phát hiện ra rằng có một từ trường sinh vật ở phía trước thể tùng quả, có thể thu thập các tia sáng và có thể đóng vai trò quét hình ảnh.

Khoa học cũng đã chứng minh rằng con người có tồn tại con mắt thứ ba. Giải phẫu y học phương Tây hiện đại đã phát hiện ra rằng vị trí của thể tùng quả giống hệt như vị trí của Thiên Mục và nê hoàn cung được mô tả trong Đạo gia phương Đông cổ đại. Những người theo thực hành tu luyện cho rằng, trẻ em từ 6 tuổi trở xuống vì còn rất trong sáng, ngây thơ nên con mắt thứ ba khá phát triển và dễ được khai mở. Còn với thanh niên trưởng thành thì con mắt thứ ba bị thoái hóa do bị cuốn vào ham muốn “thất tình lục dục” trong cuộc đời. Giải thích này khá trùng hợp với phát hiện của giới khoa học: trẻ em dưới 6 tuổi thì thể tùng ít bị vôi hóa, còn thanh niên trưởng thành hầu hết có thể tùng bị vôi hóa. Điều này có thể lý giải tại sao chỉ các nhà sư, các lạt ma Tây Tạng hay những người tu luyện tâm tính một cách chân chính mới có thể sở hữu những năng lực siêu thường thông qua con mắt thứ ba này.

Đạo gia xem thể tùng quả là nê hoàn cung, Hoàng Đình, Côn Luân, là nguyên thần, linh hồn của con người. Nó đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động sống của cơ thể, là trung tâm của bộ não, cốt lõi của cốt lõi, thậm chí còn được coi là trung tâm của tính mạng con người.

Mỗi người đều có một thể tùng quả và mọi người đều có thể thông qua tu luyện mà khai mở con mắt thứ ba của bản thân. Tuy nhiên, không thể vì mục đích theo đuổi khai mở thiên mục mà bước vào tu luyện. Đạo Pháp là tự nhiên, khi tu luyện tới một trình độ nhất định thì thiên mục sẽ được khai mở. 

Câu chuyện Đạo gia về Nhị Lang Thần Dương Tiễn trong “Phong thần diễn nghĩa” cùng thái sư tu luyện ra con mắt thứ ba (con mắt này hiện hữu ở không gian khác nên người bình thường không nhìn thấy được).

Thời Xuân Thu, Lão Tử và học trò của ông Canh Tang Sở cũng có con mắt thứ ba. Lã Thị Xuân Thu – Trùng Ngôn Thiên chép: “Thánh nhân nghe trong im lặng, nhìn trong vô hình… Lão Đam (tức Lão Tử) cũng vậy”.

Trọng Ni Thiên trong Liệt Tử chép: “Hữu Canh Tang Sở giả, đắc Đam chi đạo, năng dĩ nhĩ thị nhi mục thính”. Nghĩa là: Lão Tử có một học trò là Canh Tang Sở, đã tu luyện và đắc được sự chân truyền của Lão Tử, đạt tới trình độ nghe và nhìn đều do tinh thần chi phối, không bị giới hạn bởi các cơ quan, bộ phận cơ thể.

Biển Thước Liệt truyện trong Sử Ký viết rằng, Thần y Biển Thước có công năng, có thể nhìn thấu “màu sắc ngũ tạng của con người”. Ông có thiên nhãn, có thể nhìn thấu bên trong thân thể người, sau đó kết hợp với kiến thức y học của bản thân mà giúp người trị bệnh.

Theo báo cáo của Pravda vào tháng 1 năm 2004, cô bé Natasha Demkina sinh năm 1987, sống ở thành phố Saransk (Nga) cũng có thể nhìn thấu các bộ phận bên trong cơ thể người, thấy được người đó có bệnh ở đâu.

Tu luyện có thể khiến thể tùng quả của con người tránh cặp mắt thịt mà nhìn trực tiếp xuyên thấu các thời không, thế giới khác nhau, thấy được bản chất của sự vật.

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử từng miêu tả cảnh giới này: “Bất xuất hộ, tri thiên hạ. Bất khuy dũ, kiến thiên đạo. Kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiểu. Thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri, bất kiến nhi danh, bất vi nhi thành”. Nghĩa là: Chẳng ra khỏi cửa mà biết thiên hạ. Chẳng dòm qua cửa sổ, mà biết đạo Trời. Đi càng xa, biết càng ít. Cho nên thánh nhân chẳng đi mà biết, chẳng thấy mà hay, chẳng làm mà nên.

Thể tùng quả trong nền văn minh cổ đại vô cùng quan trọng. Cây Sự Sống Kabbalah của người Sumer cầm trên tay chính là hình quả thông. Người Sumer miêu tả thể tùng quả trên đầu là biểu thị quyền lực của quốc vương. Họ cho rằng thể tùng quả ở trung tâm đại não chính là bí mật của sinh mệnh, là căn nguyên của ý thức con người, là nơi cư ngụ của linh hồn.

Sức mạnh của Osiris, vị thần cai quản âm phủ trong huyền thoại Ai Cập giống như hai con rắn Kundalini. Nó cũng tượng trưng cho DNA, và đỉnh trông giống như hình một quả thông, tượng trưng cho tuyến tùng quả, nơi tập trung tất cả năng lượng. Trong thời cổ đại, người ta coi thể tùng quả là trung tâm của năng lượng, chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động bình thường của các chức năng cơ thể con người. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng thể tùng quả (pineal gland) tiết ra một loại hoóc-môn có tên là melatonin. Melatonin là chất có ảnh hưởng đến quá trình sinh sôi ở tế bào và hệ thống miễn dịch, đồng thời cũng là một chất chống ôxy hóa, có thể kéo dài sự sống.

Trong Thánh Kinh có viết: “Khi các vị chỉ có một con mắt, toàn thân liền quang minh”. Ý nói ở đây không phải là khi người ta bị mù đi một con mắt và chỉ còn lại một con mắt thôi, mà là chỉ con mắt thứ ba của con người. Cho nên khi con mắt thứ ba này hoạt động, thì người ta có thể nhìn thấy được những điều mà người bình thường không thể thấy, có thể thấy các không gian khác nhau trong vũ trụ, thấy được bản chất của sự vật, thấy những thứ hiện hữu ở thế giới khác thế giới con người này. Điều đó có thể tăng thêm niềm tin vào tín ngưỡng cho con người, đồng thời, khẳng định một nguyên lý mà con người nơi xã hội vẫn hay bài xích, không tin, chính là những thứ không hiện hữu không có nghĩa là không tồn tại.

Đỉnh của vương trượng do thần Hy Lạp Dionysus nắm giữ là hình nón thông. Trong sân của đình viện Vatincan cũng có một bức tượng hình quả thông màu xanh bằng đồng cao 4m. Cây Giáng sinh của Kitô giáo chủ yếu là cây thông màu xanh – biểu tượng tái tạo sự sống. Cốt lõi của sự tái tạo sự sống là sự tái sinh của linh hồn. Người Hy Lạp cổ đại tin rằng tuyến tùng quả là nơi kết nối thế giới tâm linh, là cánh cổng cho năng lượng vũ trụ đi vào cơ thể con người, là lối đi giữa thế giới vật chất và thể giới tâm linh, là cánh cổng của thời gian và không gian và là ngai vàng của linh hồn.

Cùng quan sát một phần bức bích họa kiệt tác “Chúa Trời tạo ra Adam” của Michelangelo. Khi chúng ta nhìn kỹ vào nhóm các Thiên thần đang bao quanh Chúa, sẽ phát hiện toàn bộ bức tranh góc đó chính là hình một bộ não người. Bức màn vải bao quanh các thiên sứ rõ ràng là một đường vòng bao quanh tạo nên một hình ảnh bộ não hoàn chỉnh. Vị trí của Chúa chính là vị trí của thể tùng quả, cánh tay phải của Chúa đưa ra, giao hội với tấm màn vải bao quanh (tạo nên hình bộ não) chính là vị trí của con mắt thứ ba trên trán con người.

Bức bích hoạ Chúa Trời tạo ra Adam (Ảnh: Wikimedia)

Vì sao động vật hiện đại vẫn còn lưu tồn con mắt thứ ba?

Một trăm năm trước, khi các nhà khoa học gia lần đầu tiên phát hiện ra con mắt thứ ba, ai nấy đều vô cùng kinh ngạc. Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra hết lần này đến lần khác: Cá, động vật lưỡng cư, bò sát, chim, thậm chí động vật có vú và con người chúng ta, tất cả đều có ba mắt.

Sau đó, người ta phát hiện ra rằng trong hầu hết các loài động vật có xương sống đều có con mắt thứ ba này. Ví như ếch, con mắt nhìn thấy dưới da trên đỉnh hộp sọ. Đối với thằn lằn, con mắt thứ ba được bao phủ bởi vảy, nhưng nó cũng có thể được tìm thấy dưới da trong hộp sọ. “Dưới da trong hộp sọ của thằn lằn là ‘con mắt thứ ba’ phản ứng với ánh sáng, nó tương tự như thể tùng, nơi tiết ra những nội tiết tố, phía bên trong của sọ người. Thể tùng của con người bị chặn ánh sáng trực tiếp, nhưng cũng giống như con mắt thứ ba của thằn lằn, nó cho thấy việc sản xuất ra hoóc-môn melatonin tăng cường vào ban đêm,” tiến sĩ Cheryl Craft, Trưởng khoa Tế bào và Sinh học Thần kinh, Đại học Nam California (Mỹ) đã viết về “con mắt tinh thần” vào năm 1995. “Giải phẫu thể tùng của thằn lằn cho thấy nó có cấu tạo giống hệt con mắt cả về hình dáng lẫn cấu tạo giác mạc.”

Các nhà khoa học đã rất mong ngóng để có thêm hiểu biết về chức năng của con mắt thứ ba này. Họ đã làm rất nhiều thí nghiệm và chứng minh được rằng, con mắt này có thể sinh ra phản ứng đối với ánh sáng, thậm chí có thể phân biệt được màu sắc. Trong khi đó, có rất nhiều động vật phổ thông mà cặp mắt của chúng không thể phân biệt được màu sắc.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng động vật máu lạnh sử dụng con mắt thứ ba để làm nhiệt kế. Những động vật như vậy không thể duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định. Để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, chúng phải tránh ánh nắng mặt trời thiêu đốt vào ban ngày và tránh cái lạnh thấu xương vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu đi vào vùng thời tiết khắc nghiệt, khi thân thể chúng quá lạnh hay quá nóng, thì đã quá muộn để tìm chỗ né tránh, có thể bị trúng nắng hoặc lạnh cóng mà chết. Những lúc như vậy, chúng sẽ sử dụng con mắt thứ ba để đo nhiệt độ môi trường xung quanh, nếu nhiệt độ quá cao hay quá thấp, chúng sẽ chủ động tìm nơi tránh trước hoặc sẽ không đi vào khu vực đó nữa.

Ở động vật lưỡng cư, chúng còn có thể điều chỉnh màu sắc của da thay đổi tùy theo màu sắc của môi trường. Nếu đem nòng nọc vào trong một căn phòng tối, sau nửa giờ, da của nó sẽ sáng lên. Tuy nhiên, với con nòng nọc nào mà con mắt thứ ba bị gỡ bỏ đi, thì da của nó sẽ không bị biến sắc.

Đối với động vật có vú thì con mắt thứ ba nằm sâu trong hộp sọ của chúng, tuy nhiên chúng có thể biết được chính xác những gì đang xảy ra bên ngoài. Chúng có thể cảm nhận được ban ngày cũng như ban đêm, giống như được tiếp nhận thông tin một cách trực tiếp vậy.

Bí mật về con mắt toàn diện

Con mắt của Thần Horus ở Ai Cập cổ đại

Horus là hóa thân của thần đầu chim ưng và thần mặt trời, con mắt thần thánh của Thần Horus có thể nhận biết được mọi thứ trên Thế gian, đại biểu cho phước lành và quyền tối cao của các vị Thần. Người Ai Cập cổ đại cũng tin rằng con mắt của Horus có vai trò trong sự tái sinh và phục sinh. Vậy nên, trên xác ướp của pharaoh Tutankhamun, triều đại thứ 18, Ai Cập, người ta thấy con mắt của Horus được vẽ trên đó.

Ai Cập nổi tiếng với các kim tự tháp. Một số người cho rằng đỉnh của hình vẽ kim tự tháp trên đại ấn của Mỹ quốc xuất phát từ con mắt của Horus ở Ai Cập cổ đại.

Con mắt thu hút mọi ánh nhìn ở phía trên đầu Chúa Giêsu trong “Bữa tiệc tại Emmaus” của họa sĩ người Ý Pontormo năm 1525. Trong bức vẽ thời kỳ Trung cổ và văn nghệ phục hưng, hình vẽ ánh mắt (được bao bọc trong một hình tam giác) rõ ràng tượng trưng cho Tam vị nhất thể của Kitô giáo. Người ta biết đến một cách rộng rãi rằng Mắt Thần là một biểu tượng cổ điển của thời Phục hưng (thế kỷ 14 đến 17) và Mắt của Thiên Chúa được nhắc đến nhiều lần trong Kinh thánh Kitô giáo. Con mắt của Thượng Đế vào thế kỷ 17,18 ở Châu Âu được miêu tả là một con mắt lơ lửng trong không trung, đôi khi được bao quanh bởi những đám mây hoặc ánh sáng.

Người ta còn thấy con mắt của Chúa trên quốc huy Hoa Kỳ và mặt sau tờ tiền một đô la, nó được gọi là “Con mắt nhìn toàn diện”. Nó đại diện cho con mắt của Thiên Chúa để dõi theo con người, hình thức phổ biến của nó là một con mắt được bao quanh bởi một hình tam giác và một tia sáng.

Phần chính của mặt trái của con dấu là một kim tự tháp còn dang dở, ở dưới cùng của Kim Tự Tháp được khắc các chữ số La Mã vào năm 1776. Trên đỉnh của kim tự tháp được hoàn thành bằng một con con mắt của Chúa đang quan sát mọi thứ.

Có hai dòng chữ bên trái và bên phải: Annuit Cceptis có nghĩa là “Chúa cho phép chúng tôi bắt đầu” và Novus Ordo Seclorum có nghĩa là “Trật tự mới của thời đại”. 

Nhiều người nghĩ rằng con mắt phía trên kim tự tháp có liên quan đến Freemasonry (Hội Tam Điểm). Trên thực tế, con mắt không phải là một biểu tượng độc quyền của Hội Tam Điểm, thậm chí cũng không phải do Hội Tam Điểm thiết kế (Hội Tam Điểm lần đầu tiên áp dụng hình vẽ con mắt vào năm 1797).

Có người phát hiện ra rằng kim tự tháp trên tờ tiền một đô la với hoa văn Mắt thần là một lời tiên tri cho Hoa Kỳ: Quốc gia được thành lập vào năm 1776 và lọt vào tầm nhìn của Thiên Chúa vào năm 2012. Những người thức tỉnh sẽ gặp nhau và hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là “thanh lọc trái đất”.

Trên trang bìa đầu tiên của Tuyên ngôn Nhân quyền nước Pháp năm 1789 có Con mắt của Thiên Chúa kỳ diệu và Tượng Nữ thần Tự do. Con mắt của Thiên Chúa giống như trên đồng đô la Mỹ. Tượng Nữ Thần tự do của Mỹ vốn có nguồn gốc là Tượng Nữ thần Tự do trên Cầu Grenel qua sông Seine ở Paris, Pháp.

Kim tự tháp được tìm thấy ở xích đạo được cho là đến từ lục địa Atlantis. Nó rất giống với kim tự tháp trên tờ tiền một đô la. Khi được chiếu bằng tia cực tím trong môi trường tối, đôi mắt phía trên kim tự tháp sẽ phát sáng. Chúa Giêsu đã nói: “Những người ngồi trong bóng tối đã nhìn thấy ánh sáng vĩ đại”.

Năm 2002, vòng tròn kim tự tháp xuất hiện trên ruộng lúa mạch ở Hampshire, Anh. Ngoài ra, còn có một con mắt đang nhìn ở phía trên kim tự tháp cùng với 33 tia sáng xung quanh kim tự tháp. Số 33 có liên quan đến Cơ đốc giáo, Hội Tam Điểm, Phật giáo và Đạo giáo.

Trong kỷ nguyên của Pythagoras, vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, số học đã chỉ định 33 là số cuối cùng cao nhất, 33 là số thiêng liêng nhất, là ký hiệu chân lý thần thánh:

Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá ở tuổi 33.

Thánh Joseph và Thánh Maria kết hôn khi họ 33 tuổi.

Chúa Giêsu đã hoàn thành 33 phép lạ.

Tên của Thiên Chúa xuất hiện 33 lần trong “Sáng thế ký”.

Newton đã tạo ra một tập hợp các phương pháp đo nhiệt độ dựa trên các hiện tượng tự nhiên ─ Phương pháp đo Newton. Lấy nhiệt độ của băng tan làm gốc, được gọi là 0 độ. Và nhiệt độ của nước sôi trong quá trình giả kim đưa lại kết quả cuối cùng là là 33 độ. Newton cũng là một thành viên của Freidiaonry.

Thiền tông trong Phật giáo có 33 thế hệ tổ sư.

Đạo gia nhìn nhận rằng bên trong tam giới có tổng cộng 33 tầng trời.

Trên đầu các bức tượng Phật phần lớn đều có hình dáng quả thông, ví như tượng Phật Thiên Đàn ở Hồng Kông… Nó tượng trưng cho nguồn gốc của trí huệ, đây cũng chính là vị trí của Thiên mục cách ấn đường một đoạn trên trán tượng Phật.

Phật gia gọi con mắt thứ ba chính là thiên mục, tầng thứ của thiên mục được phân thành: Nhục nhãn thông, Thiên nhãn thông, Huệ nhãn thông, Pháp nhãn thông và Phật nhãn thông. Mặc dù gần đây, các chức năng sinh lý của thể tùng quả mới được tiết lộ, nhưng trong các nền văn minh và tôn giáo cổ xưa khác nhau đã biết rằng thể tùng quả ở trung tâm của bộ não con người là đường thông giữa thế giới vật chất và thế giới tâm linh. Thể tùng quả rất quan trọng trong việc phát triển các khả năng siêu nhiên. Nó được coi là một nguồn năng lượng cấp cao và có liên quan chặt chẽ đến sự cải thiện tâm linh của con người. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói rằng, ông có thể nhìn thấy ba ngàn thế giới trong một hạt cát. 

Tượng Phật trong lúc tĩnh tọa, giống như một kim tự tháp có thể thu thập năng lượng vũ trụ. Có thể thấy, mắt thứ ba trên tượng Phật giống như con mắt ở trên mô hình kim tự tháp của quốc huy nước Mỹ, đang tĩnh tĩnh quan sát mọi sự trên thế gian. Trong Phật gia nói rằng Phật ở khắp mọi nơi, Phật Pháp là vô biên và có thể cứu tất cả chúng sinh, ánh sáng của Đức Phật tỏa sáng khắp thế giới, “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”. Vì vậy, là con người sống nơi thế gian đầy cạm bẫy, ham muốn dục vọng này, hãy luôn biết nhìn lại bản thân, biết sửa sai mỗi khi mắc lỗi, biết đối xử lương thiện, bao dung với mọi người, bởi lẽ: “Trên đầu ba thước có Thần linh, người đang làm, Thần đang nhìn”. Nếu được như vậy, bạn hãy tin rằng, cuộc đời này luôn có an bài tốt đẹp nhất đến với mình.

Ảnh trong bài: Theo Sound Of Hope

Theo Vương Nhuận, Văn Tư Mẫn / Sound Of Hope
Tâm Thanh biên dịch

Exit mobile version