Đại Kỷ Nguyên

Lòng người rộng bao nhiêu thì hạnh phúc, may mắn nhiều bấy nhiêu

Trong dòng đời vội vã dường như nhiều người đã quên đi tình nghĩa giữa người với người. Nhiều lúc chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm tới những người khác. Đó chính là sự “cho” và “nhận” trong cuộc đời này. 

Sự trưởng thành, sự hoàn thiện của tâm tính không phải được quyết định bởi người đó gặp bao nhiêu sự tình mà nó được thể hiện ra ở thái độ và cách mà người ấy đối đãi với sự tình ấy ra sao. 

Lòng người càng rộng rãi bao nhiêu thì khoái hoạt, hạnh phúc càng nhiều bấy nhiêu.

Đời người ngắn ngủi, người với người gặp nhau là duyên, duyên dù tốt hay xấu đều nên trân quý. Cho đi thì ắt sẽ nhận lại được may mắn, hạnh phúc, đó là thiên lý. 

Nhưng, người một khi đã sẵn sàng cho đi, thì trong lòng họ đâu có nghĩ đến sự báo đáp, nhận lại? Bời vì người đã sẵn sàng cho đi là người chan chứa tình yêu thương, nhân hậu ở trong lòng. Họ cho đi chỉ đơn giản là bản năng tự nhiên của họ mà thôi! 

Có một đoạn phim ngắn cảm động của Thái Lan, được lan tỏa khắp cộng đồng mạng, đó là chuyện kể về một cậu bé nghèo vì không có tiền mua thuốc nên đã ăn cắp thuốc về cho mẹ đang bị bệnh và bị bắt quả tang. Trong khi chủ hiệu thuốc đang mắng mỏ cậu giữa chợ, thì một ông chủ quán ăn tốt bụng gần đó, trả tiền số thuốc và cho thêm cậu một bì súp rau củ. Cậu bé nhận bì súp và nhìn gương mặt khắc khổ nhưng phúc hậu của ông chủ một hồi rồi chạy đi.

Câu chuyện kết thúc với thông điệp: “Cho đi là cách giao tiếp tốt nhất”. (Ảnh: youtube.com)

30 năm sau, trong khi đang làm việc, ông chủ quán ăn đột ngột ngã quỵ. Khi đưa đến bệnh viện thì do chi phí quá nhiều khiến con gái ông không biết xoay sở ra sao đành phải bán nhà để lấy tiền trả viện phí cho người cha. Nhưng rồi một buổi sáng thức dậy bên giường bệnh, cô nhận được một chiếc phong bì, bên trong có ghi số tiền viện phí đã được thanh toán đầy đủ.

“Tất cả chi phí đã được thanh toán cách đây 30 năm bằng 3 túi thuốc giảm đau và một suất súp rau củ”, lời nhắn trên hóa đơn viện phí ghi lại. Thật bất ngờ khi người trả số tiền đó chính là cậu bé ăn cắp thuốc cách đây 30 năm. Bây giờ, cậu bé ấy đã trở thành một bác sĩ tài giỏi và cũng chính là người đã ngày đêm nghiêu cứu bệnh án để tìm cách cứu chữa ân nhân của mình thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Câu chuyện kết thúc với thông điệp: “Cho đi là cách giao tiếp tốt nhất”. Người xem clip có cảm giác rằng chính hành động tốt bụng của ông chủ quán đã khiến cậu bé ấy quyết định trở thành bác sĩ để có thể giúp đỡ mọi người, cũng là một phần lý do khiến cậu chọn cuộc sống “cho đi” như chính người đã giúp mình cách đây 30 năm.

“Cho” và “nhận” tưởng chừng như là hai khái niệm đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng mấy ai đã làm được những gì ngoài lời nói ? Hơn nữa, khi bạn “cho” đi, bạn có đảm bảo rằng bạn không mong “nhận” về không? 

Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Chỉ cần đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Mà hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim có những nhịp đập yêu thương. 

“Cho” là không mong được “nhận” lại, không mong người khác sẽ trả ơn lại cho mình vì đã giúp đỡ họ. Cuộc sống này có quá nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất. Một nhà văn từng nói: “Hạnh phúc là một thứ rất kỳ lạ mà người ta chỉ nhận được khi đem nó cho người khác”.

Một nhà văn từng nói: “Hạnh phúc là một thứ rất kỳ lạ mà người ta chỉ nhận được khi đem nó cho người khác”. (Ảnh: dkn.tv)

“Cho” và “nhận” cũng giống như “nhân”, “quả”, mà Đức Phật đã từng thuyết giảng. Nếu chúng ta biết yêu thương người thì cũng sẽ được yêu thương trở lại, khi chúng ta giúp người khác thì cũng chính là lúc chúng ta tự giúp mình. Khi chúng ta cho đi cũng chính là lúc chúng ta nhận lại, là lúc chúng ta tạo được những điều kỳ diệu nhất của cuộc sống. 

Nhiều người vẫn loanh quanh đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, nhưng không biết rằng ý nghĩa của cuộc sống nằm ngay trong những giá trị bình thường quanh ta. Chính sự “cho” và “nhận” trong cuộc sống đã xây đắp nên cuộc sống của chúng ta thật nhiều ý nghĩa, vậy nên mọi người cần trân quý. 

Chân Tâm

Exit mobile version