Đại Kỷ Nguyên

Lòng người là giấy chẳng phải vàng ròng, đừng dại dột đem đi thử lửa

Con người ta khi đối mặt với cám dỗ thường khó có thể vượt qua, trước lợi ích cá nhân, thất tình lục dục liền lập tức đánh mất mình. Bởi vì một điều đơn giản, lòng người là giấy chứ không phải đá, vàng. Vậy ta có nên đốt thử?

Những phép thử lòng người…nhận kết quả cay đắng.

Chuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông, trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa khóc vừa quạt. Lấy làm lạ, đạo sĩ kia mới đến hỏi sự tình, mới hay rằng, người dưới mộ là người chồng vừa khuất của thiếu phụ.

Nhưng trước khi chết có trăn trối lại rằng đến khi mộ khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ nhanh khô. Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt cái đã khô như những ngôi mộ cũ. Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về nhà, nơi ái nhân mới của mình đang mong đợi.

Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ. Vợ của đạo sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình. Được một thời gian, bỗng dưng người đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. Trước khi nhắm mắt mới trăn trối lại rằng hãy giữ quan tài đủ 49 ngày rồi hãy an táng. Người vợ khóc vâng lời.

Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Chỉ 3 ngày sau, người vợ đạo sĩ đã phải lòng người học trò.

Thế rồi được 7 ngày sau, người học trò lăn ra ốm. Bệnh ngày một nặng, mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn thịt người mới khỏi được. Người vợ loanh quanh suy nghĩ triền miên, rồi nghĩ rằng có lẽ chỉ còn xác chồng mình, dù sao cũng đã chết, có lẽ lấy ra cũng được….

Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. Người thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. Mới hay, đó là do phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử mà chết.

Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là một hiền triết của Phương Đông. Câu chuyện “vợ thầy Trang Chu” lưu truyền gần 2000 năm để chê cười cái gọi là “lòng dạ đàn bà.”

Con người ai cũng có mặt tốt xấu, vậy nên hãy cố gắng ước chế mặt xấu của chính mình. (Ảnh: Internet)

Những phép thử lòng người trong thời hiện đại…

Những câu chuyện thử lòng thời hiện đại sau đây không hiếm, thậm chí xảy ra ở rất nhiều nơi…Cả bạn nữa, bạn ngẫm lại lòng mình xem, rất có thể bạn hoặc “người của bạn” đã từng nảy ra ý định làm phép thử này…Tuy nhiên, nó thực sự nguy hiểm…

Phép thử lòng thủy chung….

Câu chuyện này đã gây ra nỗi đau cho những người trong cuộc: Đôi vợ chồng trẻ tuổi vốn tình cảm rất tốt, đang sống vui vẻ hạnh phúc, nhưng Lan Anh (người vợ) vẫn một mực lo lắng hoài nghi về lòng chung thủy của chồng, vì vậy Lan Anh đã nhờ bạn thân giúp cô thử thách xem chồng mình có phải là người trăng hoa hay không?

Vào một đêm trung thu, Lan Anh đi công tác bên ngoài, cô bạn theo kế hoạch đến nhà chơi, nói chuyện thân thiết với anh chồng. Kết quả rất không tốt, Lan Anh đã thực sự không vượt qua nổi phép thử của chính mình và hai vợ chồng phải ly dị.

Phép thử lòng tham lam…

Một câu chuyện khác như sau: Ông chủ của một văn phòng bất động sản có một nhân viên rất trung thành, chăm chỉ tận tụy, hiệu quả làm việc rất cao. Ông dự định thưởng cho cậu căn nhà nhỏ. Ông bảo cậu nhân viên này ở trong văn phòng tự chọn một căn nhà cho mình. Cuối cùng người nhân viên này chọn một căn nhà rộng 120 mét vuông khiến người chủ rất khó chịu.

Trước đó ông nghĩ rằng người nhân viên này sẽ chọn căn nhà diện tích 80 mét vuông, nhưng không ngờ lại tham lam như vậy. Vì thế ông đã thay đổi chủ ý, chỉ cho anh ta căn nhà nhỏ 80 mét vuông, làm cho người nhân viên này bất mãn trong tâm. Cuối cùng người chủ mất đi một nhân viên tốt.

Phép thử dành cho… người giúp việc

Vốn gia đình bà Phương có một cô giúp việc rất tốt, chăm chỉ, ngoan ngoãn, sạch sẽ, thật thà.. Bà đưa tiền đi chợ lúc nào cô cũng ghi chi tiết, về thừa cô trả lại bà đầy đủ… Song bà Phương vẫn không yên tâm, vẫn cảm thấy có lẽ cần phải thử thách xem cô gái này có tham lam hay không… Vì vậy bà thường xuyên để cố ý để tiền vương khắp nơi, trên bệ bếp, trong phòng ngủ, trong nhà tắm…nhưng rồi thấy cô đều tìm thấy và đem trả lại bà, còn nói bà sao dạo này hay lơ đãng để quên tiền khắp nơi như thế….

Bà Phương sau khi thử nhiều lần vẫn cho kết quả tốt, trong tâm bà vẫn không buông, dường như cảm thấy khó chịu vì phép thử của mình không thành công vậy.

Rồi một lần, bà làm một phép thử nữa, đặt tiền vào túi cô gái, xem cô có nói gì với bà không, vì bà biết cô chẳng bao giờ giữ đồng tiền nào trong túi…Rồi bà trông đợi, lòng cảm thấy rất bất an…

Cuối cùng nhiều ngày qua đi, bà không hề thấy cô nhắc gì về số tiền nói trên, trong lòng bà sinh ra bực bội, nhưng lại không muốn nói gì với cô, thế là bà cứ mắng nhiếc cô vô cớ. Cô gái buồn rầu, khóc thầm, và một hôm xin bà cho nghỉ việc.

Phép thử của …người tu luyện: Tránh sắc như tránh mũi tên

Có một tăng nhân người Chiết Giang lập chí tinh tấn tu hành, ông thề không sợ gian nan khốn khổ, nhất định phải tu thành chính quả. Ông trước nay không hề nằm xuống ngủ một giấc, mà đều ngồi trên ghế dài ngủ một lúc, sau khi tỉnh dậy lại tiếp tục khổ tu.

Một đêm nọ có một cô gái diễm lệ tới bên vị tăng nhân Chiết Giang. Vị tăng nhân biết rằng đó là quỷ, liền nhắm mắt đả tọa, không nghe không nhìn những trò trêu ghẹo của ả. Cô nàng xinh đẹp đã giở mọi thủ đoạn quyến rũ nhằm mê hoặc vị tăng nhân, nhưng tâm vị tăng nhân rất chính, cô gái xinh đẹp cuối cùng cũng không thể lại gần chiếc ghế dài. Sau đó đêm nào cô gái xinh đẹp cũng đến, dù cho cô ả có giở thủ đoạn gì, trước sau gì cũng không thể khiến vị tăng nhân động lòng.

Cô gái xinh đẹp không còn cách nào, đành đứng ở một nơi cách vị tăng nhân rất xa mà rằng: “Định lực của huynh cao như vậy, ta quả thực nên đoạn tuyệt với những vọng niệm. Cảnh giới của huynh đã ở cảnh giới của bậc thiên nhân Đao Lợi Thiên, biết rằng gần ta nhất định sẽ bại hoại đạo, cho nên nhìn ta như hổ sói. Nếu ngài nỗ lực đạt được cảnh giới Phi Phi Tưởng Thiên, vậy thì dù cho da thịt có chạm vào người, ngài cũng sẽ không có cảm giác, như ôm tuyết lạnh vậy. Nhìn thấy dáng vẻ quyến rũ như nhìn thấy cát bụi, sẽ không vì sắc mà động lòng. Nếu tu đến cảnh giới Tứ Thiền Thiên, vậy thì dù hoa có tự soi mình vào trong gương, gương cũng không biết đến hoa, trăng tự in mình xuống nước, nước cũng không biết tới trăng, đã thoát khỏi sắc. Còn đến cảnh giới của chư vị Bồ Tát thì hoa đã không còn là hoa, gương cũng không còn là gương nữa, trăng không còn là trăng nữa, nước không còn là nước nữa, chính là vô sắc, rời xa hay không là do tự thần thông của mình, không thể tưởng tượng được. Nếu huynh dám để ta lại gần, mà thực không dao động, vậy thì ta sẽ nhất tâm quy y như Ma Đăng Già Nữ, không đến quấy rầy A Nan nữa.”

Vị tăng nhân Chiết Giang nghĩ rằng đạo lực của mình đủ để thắng tà ma, nên thản nhiên đồng ý phép thử nguy hiểm. Kết quả là cô gái xinh đẹp có thể lại gần ôm ấp vuốt ve, cuối cùng đã hủy đi giới thể của vị tăng nhân. Vị tăng nhân hối hận đã muộn, vô cùng thất vọng mà chết đi.

Khi đứng trước những lợi ích thiết thân, con người có vượt qua khảo nghiệm? (Ảnh: Internet)

Những câu chuyện…từ chối phép thử

Bác sĩ nổi tiếng Đan Mạch Stephenson, người từng đoạt giải Nobel, tuổi đã già muốn đào tạo một người kế nhiệm, có rất nhiều ứng viên, cuối cùng Stephenson chọn bác sĩ trẻ tên là Harry. Nhưng Stephenson lo lắng về việc không biết Harry có thể làm việc lâu dài trong phòng nghiên cứu rất nhàm chán khô khan hay không?

Một người trợ lý của George Stephenson đưa ra một kiến nghị rằng: Nhờ một người bạn của Stephenson thử mời Harry về với mức lương cao xem cậu ta hành xử thế nào?

Tuy nhiên, George Stephenson đã từ chối đề nghị này. Ông nói: “Đừng đứng trên quan điểm đạo đức cao để nhìn nhận người khác, Harry được sinh ra trong khu ổ chuột nghèo khó làm sao lại không bị ma lực của đồng tiền lôi kéo được chứ. Nếu chúng ta kiểm tra anh ta, một mặt cho anh ta một công việc lương cao hấp dẫn, một mặt trông chờ anh ta từ chối công việc để gắn bó với phòng nghiên cứu, thì đây chính là yêu cầu đối với một vị Thánh.”

Cuối cùng, Harry đã trở thành người thay thế kế nghiệp Stephenson, vài năm sau đó, Harry trở thành nhà y học nổi tiếng của Đan Mạch.

Sau khi nghe chuyện Stephenson từ chối thử thử thách mình, Harry rơi lệ nói: Nếu năm đó thầy lấy lợi ích làm mồi dụ, để đánh giá tính cách của con, con chắc chắn sẽ rơi vào cái bẫy này, vì mẹ con lúc đó đang trên giường bệnh, con cũng phải gửi tiền để nuôi các em ăn học, và nếu như vậy, con sẽ không có thành tựu như bây giờ.”

Còn bao nhiêu câu chuyện trớ trêu nữa mới đủ để chúng ta hiểu rằng, lòng người ta là giấy, chứ nào đâu phải vàng đá… Vì là giấy, nên sao ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?

Vua Đường Thái Tông lấy đại tín làm phương châm hành xử, từ chối những phép thử bất tín để phân biệt nịnh thần…

Thời đầu những năm Trinh Quan (627-647) triều đại nhà Đường, có người đệ trình thư thỉnh cầu trừ bỏ nịnh thần. Đức Vua Đường Thái Tông hỏi: “Trẫm bổ nhiệm quan viên, là để họ trở thành những hiền thần. Theo khanh, làm thế nào phân biệt ai là nịnh thần?”

Người đã viết thư đó trả lời: “Tâu bệ hạ, hạ thần ở nơi dân chúng, không biết rõ ai là nịnh thần trong cung. Nếu bệ hạ muốn biết, thì bệ hạ giả vờ nổi giận để thử lòng người. Nếu ai không sợ hãi mà đứng ra can gián, thì đó chắc chắn là người cương trực. Còn ai thuận theo mà a dua xu phụ thì quả nhiên là nịnh thần.”

Bấy giờ, Đường Thái Tông nói với Phong Đức Di:

Dòng nước chảy kia trong hay đục, ấy cũng là từ nguồn nước định ra. Vua ví như nguồn nước, trăm họ tựa như dòng. Vua tự thân làm điều giả dối, lại còn muốn triều thần công minh chính trực là sao? Đầu nguồn đã dơ bẩn, lại đòi có nước trong? Như thế không hợp đạo lý. Trẫm xưa nay vẫn cho rằng Ngụy Vũ Đế giảo trá, nên tự trong lòng khinh bỉ ông ta lắm. Lấy lối hành xử đó làm gương sao được?”

Xong, Đường Thái Tông bảo người đã dâng thư: “Trẫm vẫn mong lấy ‘đại tín’ làm phương châm cho hành xử trong thiên hạ. Không dùng ‘lừa dối’ để giáo hoá dân chúng. Lời của khanh dẫu có chỗ hay, nhưng Trẫm không thể làm theo được.”

Nói một người phụ nữ đẹp đến quyến rũ một người đàn ông đứng đắn, suy nghĩ và ý định đó bản thân đã là điều không tốt đẹp, vậy làm sao có thể tưởng tượng một kết quả tốt đẹp từ một xuất phát điểm không tốt đẹp…?

Không thể tưởng tượng kết quả sẽ ra sao, nhưng có điều chắc rằng đó là con đường không sáng sủa.

Người bình thường, ai cũng có sự ích kỷ của riêng mình, có những mặt tốt và mặt xấu cùng tồn tại. Cổ nhân đã nói: trong mỗi con người đều có Phật tính, nhưng cũng có ma tính…

Vì vậy nói, khi đứng trước những lợi ích thiết thân, những cám dỗ của những điều xấu xa, con người rất khó vượt qua khảo nghiệm, vì khi ấy phần ma tính, phần xấu trong con người ta đã bị kích động lên rồi.

Vậy phải chăng chúng ta hãy vun đắp cho mặt thiện tính, vun đắp cho bản chất tốt đẹp thiện lương của con người, hãy khơi gợi Phật tính, từ đó mặt ma tính sẽ bị tiết chế. Khi chúng ta chỉ nghĩ điều tốt đẹp cho người khác, bản thân những suy nghĩ tích cực ấy cũng có thể giúp vun bồi phía thiện lương của họ. Giống như một vườn cây, nếu chúng ta chỉ vun trồng lên đó những cây trái tốt đẹp, thì tự dưng cỏ dại phải rút lui…. HÃY BIẾT TRÂN QUÝ  NHỮNG NGƯỜI THÂN CỦA BẠN, ĐÓ CŨNG LÀ TRÂN QUÝ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH.

Hà Phương Linh, biên soạn và biên tập từ tinhhoa.net

Xem thêm:

Exit mobile version