Đại Kỷ Nguyên

Long hổ so tài: Phân biệt cái dũng của quân tử và cái dũng của thất phu

Ảnh chụp tác phẩm hội họa của họa sĩ Kaname Ozuma (nguồn: Jigsaw).

Một điểm tinh hoa – Thơ văn Hồng hà nữ sĩ là tuyển tập các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm, không chỉ thể hiện tài văn thơ trác tuyệt của bà mà còn ẩn chứa nhiều đạo lý làm người.

Bà thậm chí đã được suy tôn là Tiên nương nơi Dao Trì cung, giáng bút giáo hóa nhân quần (quần chúng, nhân loại). Những giá trị nhân văn, phổ quát trong tác phẩm Một điểm tinh hoa đã phần nào nói lên điều đó.

Long Hổ đấu kỳ ký trong tuyển tập mượn chuyện rồng và hổ thi tài so văn để nói lên thuyết nhị nguyên Âm Dương của tạo hóa. Trong Thiên Địa mênh mang, đời sống sinh mệnh phong phú, vẫn luôn tồn tại ranh giới giữa chính diện và phụ diên, giữa Thiện và ác, giữa tốt và xấu, giữa cái tinh túy của dương và tinh túy của âm. Làm người cần minh bạch, để lựa chọn cho đúng.

Sau đây xin tóm tắt một vài phần trong tác phẩm do PGS.TS Trần Thị Băng Thanh sưu tập và chuyển ngữ.

Truyện rằng, tại núi Phượng Hoàng ở huyện Chí Linh, phía Đông biển có thế đất nghìn ngọn rồng vươn, vạn dòng hổ cuộn, thật là một nơi bậc nhất về phong thủy. Trong vùng có động Hữu Lân là nơi vắng vẻ, tuyệt không có dấu chân người. Đạo sĩ Nguyên Quy tự nói là người đời Hồ tránh nạn Mã Kỳ nhà Minh ẩn náu trong đó. Ông theo đạo tịch cốc (tu tiên, người tu không ăn ngũ cốc chỉ ăn hoa quả), hàng ngày chỉ uống vài chén nước cầm hơi, hỏi bao nhiêu tuổi cũng không nhớ. Ông có phép thuật kỳ lạ, có thể thuần phục thần quái, ma quỷ cũng không thể gieo tai giáng họa, nọc độc của cầm thú cũng không thể xâm hại.

Một hôm đạo sĩ dạo chơi trong núi non, bỗng thấy một con rồng vàng uốn khúc múa lượn trên đỉnh núi, rung râu vờn ngọc, vui vẻ tự đắc; lại thấy một con hổ nhảy múa bên sườn núi, nhe nanh giơ vuốt coi như chung quanh không có ai. Bấy giờ rồng đã biết là hổ nhưng vốn khinh hổ kém tài, không muốn gặp nên giả vờ không thấy. Hổ lúc đầu không biết là rồng, cho là một con vật tầm thường, bèn lao mình lên thẳng chỗ rồng trừng mắt ngó chăm chăm. Đạo sĩ lấy làm lạ, nhân ngồi ở góc núi dò xét xem chúng định làm gì. Một lát sau hổ gầm lên tiếng người:

“Ta là trưởng các giống vật có lông, là vua trăm loài thú; từ phía nam núi Nam đến phía bắc núi Bắc đều do ta cai quản. Người là giống gì mà dám ngang nhiên đường đột? Xem ra tấm thân rắn vẩy cá của ngươi cũng đủ dâng một bữa cho ta đấy!”

Rồng nghiêng sừng lắng nghe, nhả ngọc ra cười rồi cũng nói tiếng người:

“Ta là trưởng loài trùng có vẩy, đứng đầu tứ linh, hoặc nhảy nơi vực sâu, hoặc hiện trên ruộng phẳng, các nơi đó đều là bờ cõi của ta. Ngươi là loài gì mà dám mặc ý rông rỡ kiêu ngạo? Cái thân lông vằn thịt tanh của nhà ngươi vị tất đã đủ cho ta một bữa no”.

Hổ nghe nói mới biết là rồng, tự nghĩ trí khôn của mình chẳng kém nên muốn trổ tài, cùng rồng giao tranh một trận quyết thắng thua. Rồng nói thà đấu trí chứ không đấu sức, sau đó hai con vấn đáp văn chương.

Hổ nói: “Một tiếng gào trong hang, ràn rạt sinh gió như hào Nhị quẻ Tốn, ta và anh, ai hơn?”

Rồng nói: “Một tiếng ngâm dưới đầm, nhởn nhơ mây bay trên trời biếc, ta hơn hay anh hơn?”

Rồi sau đó là màn so tài đối đáp về thế uy phong lẫm liệt, khí phách hào hùng của các anh hùng, quân vương dựng nước trong thiên hạ, cũng lại dùng nhiều điển xưa tích cũ để nói lên khí chất đặc trưng của hổ và rồng.

Hai con đối đáp qua lại, viện dẫn chứng cứ, vạch bẩn nêu nhơ, bới lông tìm vết, hoặc khoe cái hay của mình, hoặc nêu chỗ dở của người, có đền vài ngàn lời. Đạo sĩ lược ghi câu chuyện, nhân đem những điều nghe được đến hỏi ta và khẩn thiết xin ta nhận xét hơn kém.

Nhân vật “ta” trong câu chuyện lúc đầu cho rằng điều này thật viển vông, rồng và hổ sao có thể tranh biện thao thao như học giả uyên bác vậy được. Nhưng Đạo sĩ nói: “…Thực thì truyền thực, hư thì truyền hư, đó là phép ‘truyền nghi’ của Kinh Xuân thu, không nên vội vàng mà bác bỏ vậy”.

Ta nghe lời nói có lý mới bảo rằng:

“Lúc đầy mỗ tôi cho những lời ông nói toàn là chuyện không thể kê cứu, chưa từng thấy qua, nếu cứ nghe theo mà nói lời khen chê thì e rằng thiên hạ sẽ hùa theo như cỏ dạt theo gió, đua tranh bàn suông không có sự thực, như thế sẽ có hại cho đạo Nho thanh cao nghiêm cẩn, vì thế phải ngăn chặn ngay cái tệ vẽ rắn thêm chân. Nay ông đã đem lời vàng ngọc trách cứ, tôi đâu còn dám tiếc lời khen ngợi, mời ông ngồi lại tôi xin thưa:

Đại phàm mọi sinh vật trong thiên hạ đều không ngoài hai khí âm dương. Được cái tinh túy của dương là rồng, được cái tinh túy của âm là hổ, cả hai đều là thứ kỳ lạ trong loài vật. Cho nên để biểu thị sự vinh quang của khoa cử thì đặt tên là bảng rồng bảng hổ; thuật trường sinh của Trương gia (Trương Lương) thì lấy rồng hổ đặt tên cho núi. Rồng cuộn hổ ngồi thì được coi là thế đất đẹp của thuật phong thủy; hổ bước rồng đi thì được coi là tướng quý trong sách xem tướng. Nếu chỉ bằng vào những ghi nhớ quen thuộc của tai mắt thì hình như khó phân biệt con trâu và con ngựa ký (ý nói người tài và kẻ bất tài), tuy nhiên tôi nghe Bá Ôn nói rằng:

‘Trời có cái tinh túy nhất, đất có cái tinh túy nhất, loài có vẩy mà được phú bẩm thì thành rồng; trời lại có thứ dữ dằn nhất, đất có thứ tối tăm nhất, loài thú biết chạy bẩm phú được thì thành hổ. Vì thế bản chất của rồng ví như bậc minh triết của loài người, loan phượng của loài chim, kỳ lân của loài thú, chi lan của loài cỏ, tùng bách của loài cây, vàng ngọc của loài đá, đều là bẩm thụ được cái tinh túy của khí cả. Còn bản chất của hổ thì ví như yêu nghiệt của loài người, cú vọ của loài chim, rắn rết của loài có vẩy, độc hại của loài cỏ, tạp nhạp của loài cây, sỏi vụn của loại đá, đều không bẩm thụ được cái tinh túy của khí vậy.

Nước ngay từ đầu nguồn đã chia ra trong đục rồi cho nên khi sinh ra đã phân dòng phân nhánh, lẽ nào lại không có thiện ác khác nhau? Xem ra, bản chất của rồng, sáng tối, lớn nhỏ, không cái gì không làm được; biến hóa, bay nhảy chẳng ai có thể lường được. Rồng có đức trung chính, có lòng nhân rộng khắp, thật là một vật rất quý, người đời thường đem sánh với bậc thiên tử, khen là có đức của thánh nhân. Điều đó không có gì khác mà chỉ vì thích cái tên mang điềm lành của rồng. Hổ thì dũng mà không biết lễ, hung bạo mà không có nhân, khôn ngoan kém cả loài cáo mượn oai, tức giận thì dùng bừa kỹ xảo cùng quẫn của con lừa, có lúc quật đuôi vì bị sa hố, có lúc rơi nước mắt vì bị mắc lưới. Hổ chính là con vật tồi tệ, người đời thường ví với sự bạo liệt của chính sự hà khắc, sánh với sự nhơ bẩn của bọn quan lại ác độc. Điều đó không có gì khác mà chỉ vì ghét cái tên tanh tưởi của hổ. Lẽ nào hổ có thể ngang hàng với rồng được!’

Sách dạy con của Vương Tăng Kiền có viết: ‘Hơn thì là rồng, kém thì là hổ’ chính là vì lẽ đó. Ông về xem ở đó cũng đã có thừa thày dạy rồi”.


Cả lời của Đạo sĩ và nhân vật “ta” đều ẩn chứa đạo lý ở trong đó. Đạo sĩ nói lên cái lý, rằng người hiểu biết, khi nghe những chuyện dù huyền hoặc, khó tin, sẽ không vội vàng bác bỏ ngay. Nhân vật “ta” cũng giữ gìn đạo học thanh cao nghiêm cẩn mà không khen chê ngay tức thì hùa theo sự vật hiện tượng.

Thêm nữa là cái nhìn thấu đáo trước những thứ tương đồng. Rồng, hổ đều là những con vật biểu trưng cho uy vũ, khí phách, nhìn qua thì khó phân biệt cao thấp, nhưng cùng là dũng, có cái dũng của người quân tử thì cũng có cái dũng của kẻ thất phu. Đều là có sức mạnh, tài năng, nhưng sức mạnh, tài năng của người nhân đức sẽ khác với kẻ hung bạo ích kỷ.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn hay ngưỡng mộ những tiêu chuẩn như sức mạnh tiền tài, danh vọng của những người thành công. Nhưng tiền tài danh vọng của người đường đường chính chính có được, khác với danh vọng tiền tài của kẻ bất chấp thủ đoạn mà tước đoạt. Ngưỡng mộ mà không phân định rạch ròi sẽ khiến tiêu chuẩn đạo đức rối loạn, người người chỉ cầu danh phát tài mà bất chấp đạo lý, tiếp tay cho các xấu, cái ác nhũng loạn.

Thế gian luôn có phân định tốt xấu, đúng sai, làm người cần có nguyên tắc để nhận thức cho minh bạch. Theo cái tốt, cái thiện, dù có thể chưa tới, nhưng vẫn còn hơn theo cái xấu, cái ác mà hủy hoại bản thân. Giống như nhân vật ta trong câu chuyện có nói: “bắt chước rồng mà không nên thì làm một kẻ sĩ biết giữ gìn cẩn thận, điều đó chính như câu: ‘Vẽ chim hồng hộc không thành thì còn giống được con cò’. Đến như bắt chước hổ không nên thì sẽ rơi vào loại người tham lam bạo ngược, điều đó chính như câu: ‘Vẽ hổ không thành lại giống con chó’”.

Video: Nguồn gốc, ý nghĩa của các điệu múa Lân – Sư – Rồng

Exit mobile version