Đại Kỷ Nguyên

Lơ là phòng dịch, bệnh tả đã hoành hành suốt 5 năm cuối thời nhà Thanh

Hình vẽ thần chết mang bệnh tả đến, theo Le Petit Journal (1912) (nguồn: Wikipedia).

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, ngoài các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay xà phòng, chúng ta cũng nên chú trọng tới vệ sinh môi trường. Kinh nghiệm trong quá khứ đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng đối với việc phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là bài học đúc kết từ dịch tả xảy ra vào cuối thời nhà Thanh. 

“Dịch tả” là thuật ngữ xuất hiện trong y học cổ đại Trung Hoa. Trong Hoàng Đế Nội Kinh hay các sách y học hiện đại đều có mô tả về những triệu chứng của bệnh tả, như: đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, nặng có thể bị sốt, v.v. Nhưng trong các tài liệu cổ xưa, bệnh tả là chỉ triệu chứng của bệnh đường ruột cấp tính đơn thuần, hoàn toàn không giống với dịch tả do vi khuẩn Vibrio Cholerae gây ra vào thế kỷ thứ 19.  

Trước thế kỷ thứ 19, vi khuẩn Vibrio Cholerae đã gây ra dịch tả ở Ấn Độ, Trung Quốc và một số quốc gia lân cận. Nhưng sau đó dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát 7 lần, mỗi lần bùng phát lại lây lan sang các khu vực mới, tổng cộng đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, gây ra dịch bệnh ở nhiều quốc gia. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp kỳ lạ là trong cùng một thôn làng có những nhà nhiễm bệnh, nhưng lại có những nhà không nhiễm. Đối mặt với căn bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và gây tử vong cao này, loài người đã phải đau đầu để nghiên cứu phương thức lây lan của nó. Mãi đến giữa thế kỷ thứ 19, con người mới biết rõ về căn bệnh tả này.

Năm 1849, bác sĩ John Snow (1813–1858) mới tìm được ra cách thức lây lan của dịch tả thông qua phương thức thực nghiệm và thống kê học. Ông đã viết cuốn Nghiên cứu về phương thức lây lan của dịch tả (On the Mode of Communication of Cholera). Trong đó ông chỉ rõ, dịch tả lây lan do thức ăn và nước bị ô nhiễm, từ đây khuyến cáo cộng đồng có ý thức vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Điều này rất quan trọng và là cách tốt nhất phòng tránh bệnh tả. Mặc dù bệnh tả cho đến nay vẫn còn xuất hiện, nhưng là căn bệnh rất ít gặp ở các nước phát triển, chủ yếu chỉ xuất hiện ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém.

Theo nhà nghiên cứu y học nổi tiếng thời cận đại là Ngũ Liên Đức (1879–1960), dịch tả tràn vào Trung Quốc vào năm Gia Khánh thứ 25 đời nhà Thanh (năm 1820). Để phân biệt với dịch tả thời cổ đại, một số tài liệu thời cận đại gọi bệnh tả bằng một số tên khác như “tiêu chảy cấp” hay “chuột rút”. Trong Tùy Hồng Thức Tiểu Lục đời nhà Thanh có ghi, vào giữa tháng 6 và tháng 7 năm Tân Tỵ Đạo Quang (năm 1821), dịch bệnh hoành hành, triệu chứng ban đầu là chân bị chuột rút, không duỗi ra được, sau đó bệnh nhân bị ói mửa hoặc tiêu chảy. Dịch bệnh này đã kéo dài 5 năm, là căn bệnh kéo dài lâu nhất và ảnh hưởng lớn nhất trong triều nhà Thanh.

Thời đó, mặc dù triều đình nhà Thanh đã áp dụng rất nhiều biện pháp chữa trị, nhưng các biện pháp và thuốc chữa khi đó đều không có tác dụng. Cho đến đầu thế kỷ 20, bệnh tả vẫn là căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng ở Trung Quốc. Dịch tả hoành hành vào giữa tháng 6 và tháng 7 năm Quang Tự thứ 28 (năm 1902) ở Hàng Châu khiến 10.000 người tử vong. Nguyên nhân là vì từ thời nhà Thanh về sau, toàn bộ các khu vực như Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu mật độ dân số ngày một đông, hệ thống cấp thoát nước không theo kịp đà phát triển của thành phố, ô nhiễm sông Hà Xuyên ngày một nghiêm trọng, người dân chỉ còn cách tự đào giếng lấy nước sinh hoạt. Nhưng độ sâu của giếng chưa đạt, dẫn đến nước trong giếng vẫn là nước mặt, dễ bị ô nhiễm. Do người dân vẫn giữ thói quen uống trực tiếp nước sông và nước giếng nên dẫn tới bệnh tả ngày một lan rộng.

Thời Dân Quốc, chính quyền đã bắt đầu từng bước xây dựng hệ thống nước máy tại khu vực thành phố để cấp nước sạch cho người dân sinh hoạt. Nhưng mặc dù chính phủ và những nhân sỹ tiến bộ đã cố gắng kêu gọi dân chúng uống nước sạch, vệ sinh môi trường, dọn dẹp vệ sinh, nhưng vì các cấp quản lý địa phương không ý thức về việc cải thiện nguồn nước ô nhiễm thải ra sông Hà Xuyên, nên dịch tả lại có cơ hội bùng phát. Cách trị bệnh chủ yếu vẫn dựa vào các phương pháp trị liệu, cách ly, chỉ chữa triệu chứng mà không chữa được gốc của bệnh. Mỗi một địa phương, một vùng lại áp dụng các cách thức phòng trị khác nhau, nhưng vẫn không cách nào ngăn chặn được sự lây lan và kéo dài của dịch tả.

Từ đó cho thấy, cách thức đối phó với bệnh tật thời ấy chủ yếu chú trọng vào “tránh” và “trị”, mà không phải là “phòng”, thiếu hẳn những hành vi chủ động tích cực. Dù là dịch tả hay là dịch COVID-19, thì việc tìm ra gốc rễ của bệnh và từ đó trừ bệnh tận gốc mới là cách phòng dịch tốt nhất.

Theo Từ Phong, Secretchina
Quỳnh Chi biên dịch

Video: Virus Vũ Hán được dự báo từ năm 1981 trong một tiểu thuyết Mỹ

Exit mobile version