Đại Kỷ Nguyên

“Cây khô héo hay là xanh tươi mới tốt?” – câu trả lời của bậc trí giả..

Trong đời đôi khi ta sẽ gặp phải chuyện hay dở. Phàm là con người thì chuyện hay thì vui mừng, chuyện dở thì thất vọng, đau buồn. Vì sao như vậy? Chung quy cũng bởi muốn sự thể luôn “như ý”. Nhưng đấy là cái lý của người, không phải của Thần..

Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm là đại sư nổi tiếng thời nhà Đường, ông cùng với rất nhiều cao tăng có “sở trường”, giỏi về việc dẫn dắt ngộ tính của các đồ đệ.

Có một lần, Duy Nghiễm thiền sư dẫn hai vị đệ tử của ngài là Đạo Ngô và Vân Nham đi xuống núi. Thiền sư Duy Nghiễm chỉ tay vào một cái cây khô trong rừng và hỏi: “Các con nói xem, cái cây này khô héo mới tốt hay là xanh tươi mới tốt?”

Đạo Ngô không nghĩ ngợi gì, lập tực trả lời: “Đương nhiên là xanh tươi mới tốt chứ ạ!”

Duy Nghiễm thiền sư lắc đầu nói: “Hết thảy phồn hoa cuối cùng rồi cũng biến mất!”

Đến lúc này, câu trả lời dường như đã sáng tỏ, nên Vân Nham lập tức nói: “Theo con thì là khô héo mới tốt!”

Ai ngờ, Duy Nghiễm thiền sư vẫn lắc đầu nói: “Khô héo thì cuối cùng cũng trở thành quá khứ!”

Vừa hay lúc này có một vị tiểu hòa thượng đi qua ba thầy trò họ. Duy Nghiễm thiền sư liền đem câu hỏi này để khảo nghiệm vị tiểu hòa thượng. Tiểu hòa thượng thông minh, không nhanh không chậm mà từ tốn nói: “Khô héo thì để nó khô héo, mà tươi tốt thì nên để nó tươi tốt!”

Duy Nghiễm thiền sư vuốt cằm và khen ngợi: “Tiều hòa thượng nói đúng! Bất kể sự tình gì trên thế giới này đều nên là để cho nó tự nhiên, đừng chấp nhất. Đây mới là thái độ của tu hành!”

Sự thăng trầm của vạn vật đều là có quy luật. Hoa sẽ không bởi vì con người yêu thích mà luôn luôn nở, ánh trăng cũng không bởi vì con người bất mãn mà vắng bóng.

Quy luật tự nhiên là rộng lớn bao la mà cũng rất khắc nghiệt. “Khô héo” cũng thế mà “xanh tươi” cũng vậy, thuận theo thời gian thì đều sẽ biến mất.

Đời người, xinh đẹp, quyền lực, của cải, danh lợi đều chỉ bất quá là tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Con người nên thuận theo tự nhiên mà sống, càng không nên làm trái ngược lại, truy cầu mà nhận lấy mệt mỏi và làm mê lạc chính mình.

Lão Tử nói: “Nhân pháp đích, đích pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.” (Tạm dịch: Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên).

Trên thế gian này, luật to lớn nhất chính là luật tự nhiên, luật của con người kỳ thực là nhỏ bé nhất. Cho nên, “thuận theo tự nhiên” mới là đạo sinh tồn của nhân loại.

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Exit mobile version