Từ xưa đến nay, những người làm việc thiện và giúp đỡ người khác cuối cùng đều nhận được phúc báo. Nhớ ơn và trả ơn người đã giúp đỡ mình khi khó khăn hoạn nạn là đức tính cao đẹp, được người đời ca ngợi.
Đôi khi, gặp người rơi vào cảnh khó khăn, bạn chỉ cần đưa tay ra và nở một nụ cười, nói một lời khích lệ hay chỉ đơn giản trao nhau một nắm cơm lót dạ cũng khiến người được giúp ấm lòng mà vượt qua khổ nạn ấy. Hành thiện và tích đức sẽ được báo đáp – đó là Thiên lý bất biến trong vũ trụ này!
Vào năm thứ hai đời vua Lỗ Tuyên Công, một lần Tuyên Tử – tên thụy hiệu của một vị đại thần thời Xuân Thu – đi đến núi Thủ Dương săn thú, lúc ở địa phận Ế Tang thì gặp một người đàn ông đang vô cùng đói khát.
Ông lập tức đến hỏi thăm bệnh tình của người này. Người này nói với giọng thều thào rằng: “Đã ba ngày nay tôi không được ăn thứ gì cả!”
Tuyên Tử vừa nghe vậy thì liền lấy đồ ăn của mình ra cho người này. Nhưng điều khiến Tuyên Tử khó hiểu, chính là người đàn ông này đã không ăn hết mà giữ lại một nửa đồ ăn.
Ông cất giọng hỏi: “Vì sao anh lại không ăn hết?”
Người đàn ông này nói: “Tôi rời nhà đã ba năm nay rồi, không biết mẹ tôi bây giờ còn sống hay đã chết. Chỗ này cách nhà tôi không còn xa nữa, xin ngài cho tôi đem một nửa đồ ăn này về cho mẹ tôi ăn.”
Tuyên Tử vội vàng nói: “Anh cứ ăn hết bát cơm này đi!” Vừa thúc giục người này ăn hết bát cơm, Tuyên Tử vừa gói ghém một bát cơm khác cùng với thức ăn để người này mang về nhà.
Nhiều năm sau, Tấn Linh Công – vị vua thứ 26 nước Tấn – một nước chư hầu của nhà Chu chỉ muốn ăn chơi, không lo việc triều chính và đánh thuế nặng được các quần thần khuyên ngăn thì không nghe.
Trong những quần thần đứng ra khuyên ngăn này có Tuyên Tử, vì vậy Tấn Linh Công muốn sát hại Tuyên Tử. Trong cuộc tàn sát đó có một người tên là Linh Triếp đã ra tay ngăn chặn các thuộc hạ của Tấn Linh Công. Nhờ vậy mà Tuyên Tử đã chạy trốn khỏi nước Tấn, thoát được nạn ấy.
Về sau, Tuyên Tử hỏi Linh Triếp: “Vì sao ngài lại cứu tôi?”
Linh Triếp trả lời: “Tôi chính là người đói ăn ở Ế Tang năm xưa!”
Tuyên Tử hỏi người này về danh tính và nơi ở, nhưng anh ta không nói mà xin cáo từ.
Câu chuyện báo ơn này về sau đã trở thành điển cố nổi tiếng trong lịch sử.
Nhà thơ nổi tiếng Đỗ Phủ đã từng viết trong bài thơ “Phụng tặng vi tả thừa trượng nhị thập nhị vận” rằng: “Thường nghĩ báo nhất phạn, huống hoài từ đại thần” (Tạm dịch: Bát cơm còn mang ơn nặng, Huống chi từ biệt bậc đại thần lại không nhớ nhung.)
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch