Đại Kỷ Nguyên

Làm người chớ nhìn xa trông rộng quá, nông cạn một chút mới thực là thông minh

Người ta thường cho rằng kẻ biết nhìn xa trông rộng mới là người thông minh. Nhưng cổ nhân lại khuyên con người không nên nhìn quá xa, có tầm nhìn nông cạn một chút mới là bậc trí huệ. 

Một viên chức nhỏ vì nhìn xa trông rộng mà lo nghĩ tới mất mạng

Câu chuyện “Cái chết của một viên chức nhỏ” của tác giả người Nga Chekhov kể về một viên chức nhỏ vô tình đắc tội với vị tướng quân. Lúc đó, hai người đang xem kịch trong nhà hát thì cậu viên chức đó không kìm được, hắt hơi một cái, nước miếng bắn tứ tung, vô tình bắn đầy chiếc đầu hói của một vị tướng quân. 

Cậu viên chức mặt mày tái mét, trong lòng thấp thỏm lo âu. Từ lúc đó trở đi, cậu không ngừng tưởng tượng ra đủ loại viễn cảnh tồi tệ và vắt óc suy nghĩ cách tạ tội với ông. Cậu còn tưởng tượng ra cảnh tướng quân trừng phạt, hành hạ mình thật nặng nề, kinh khiếp ra sao. Cuối cùng cậu ta vì sợ quá mà chết thật.

Cậu viên chức này đã phạm phải một lỗi lớn là quá lo lắng, “nhìn xa trông rộng” quá mức. Cậu tưởng tượng ra đủ mọi viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra trong tương lai, tự mình hù dọa mình. Do đó trong tâm cậu vô cùng mâu thuẫn, sợ hãi, và làm hại chính bản thân mình. Kỳ thực, chúng ta cũng thường phạm phải lỗi này, tức là lo quá xa, đôi khi tưởng tượng ra những điều hoàn toàn viển vông và làm khổ cái tâm vì chúng.

Lo quá xa, đôi khi ta tưởng tượng ra những điều hoàn toàn viển vông và làm khổ cái tâm vì chúng cuối cùng lại chẳng được gì. (Ảnh: dkn.tv)

Việt vương vì “nhìn xa trông rộng” mà tự hại chính mình 

Trong “Lã Thị Xuân Thu” cũng có một câu chuyện đau lòng về chuyện nhìn xa trông rộng thái quá. Việt Vương có 4 người con trai. Gian thần muốn hãm hại họ bèn sàm tấu với Việt Vương rằng hoàng tử này định làm phản, hoàng tử kia sắp làm phản. Việt Vương lo lắng cho vương vị của mình đang bị đe dọa nên lần lượt giết chết 3 vị hoàng tử của mình.

Cuối cùng chỉ còn sót lại một người con trai duy nhất. Nhưng tên gian thần nọ vẫn không chịu buông tay mà tiếp tục bày kế hãm hại hoàng tử út. Lúc này Việt Vương đã không còn tin vào những lời sàm tấu của y nữa. Nhưng trớ trêu thay hoàng tử út chứng kiến cảnh các hoàng huynh của mình lần lượt bị hại chết trong lòng lo lắng không yên. Hoàng tử thầm nghĩ: “Mình không làm phản thì cũng bị vua cha xử tử như các hoàng huynh mà thôi. Lúc ấy cái mạng này của ta cũng chẳng thể giữ nổi!”. Cuối cùng hoàng tử út đã thực sự làm phản, ra tay giết chết Việt Vương.

Trước khi chết Việt Vương mới hối hận: “Sớm biết thế này thì ta đã nghe theo lời đại thần kia giết nốt đứa con trai này rồi”. Cái nhìn xa trông rộng của Việt Vương chính là luôn đề phòng người khác và tự tưởng tượng ra những viễn cảnh không có thực. Có câu: “Tướng do tâm sinh“. Khi trong tâm luôn đề phòng người khác thì hành vi và phán đoán của bạn chắc chắn sẽ không còn chuẩn mực. Do đó người ta khi hành sự thì kiêng kỵ nhất là nhìn xa trông rộng quá mức. Chi bằng chỉ nên giữ một tầm nhìn nông cạn mà thôi!

Trước khi chết Việt Vương mới hối hận: “Sớm biết thế này thì ta đã nghe theo lời đại thần kia giết nốt đứa con trai này rồi”. (Ảnh: wikipedia.org)

Giữ tầm nhìn nông cạn, xử lý tốt những việc trước mắt 

Nghe qua thì người có “tầm nhìn nông cạn” có vẻ không tốt lắm và lại có phần thiển cận. Nhưng nông cạn ở đây không đồng nghĩa với làm việc cẩu thả, không nhìn trước ngó sau. Nông cạn ở đây có nghĩa là chỉ quản làm tốt những việc trước mắt mà bản thân có thể làm tốt chứ không phải nghĩ ngợi viển vông, tưởng tượng ra điều huyền hoặc mà hù dọa mình. 

Trong quá trình ấy, những điều bạn lo nghĩ, những mâu thuẫn, những điều khiến bạn sợ hãi tự nhiên sẽ được hóa giải. Vậy nên tập trung vào những điều chúng ta có thể làm trước mắt mới là cách hành xử của người thông minh nhất. 

Ví như trên mặt đất có một con đường bằng phẳng, dẫu chỉ rộng 50cm thôi thì ai cũng đều có thể đi lại nhẹ nhàng, khoan thai. Nhưng nếu con đường ấy đặt trên một cây cầu độc mộc cũng chỉ rộng 50 cm, thì chắc hẳn ai cũng đều phải phấp phỏng lo âu!

Nếu phải đặt chân trên một cây gỗ rộng 50cm, hai bên đều là vách núi dựng đứng, thì mấy ai có thể bước đi một cách bình thản được đây? Vậy nên lo lắng quá nhiều quả là lợi bất cập hại, thậm chí còn gây thêm nhiều phiền toái không cần thiết. Nếu “nhìn xa trông rộng” quá mức thì trong lòng chỉ thêm nhiều âu lo, chỉ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn mà thôi!

Tập trung vào những điều chúng ta có thể làm trước mắt mới là cách hành xử của người thông minh nhất. (Ảnh: dkn.tv)

Người ta sở dĩ luôn phập phồng lo sợ vì sao? Vì nghĩ tới tương lai, trong lòng luôn canh cánh, sợ đi lệch sẽ rơi xuống vực. Kỳ thực, chúng ta không nên suy nghĩ quá nhiều. Nếu bạn không nghĩ tới những cảnh rùng rợn do tự mình tưởng tượng ra ở hai bên đường thì con đường rộng 50cm không hề khó đi. Cho nên hãy chỉ để tâm tới hiện tại, đừng suy nghĩ, lo lắng quá nhiều về những chuyện không chắc chắn trong tương lai. 

“Chuyện tương lai không chào đón, chuyện quá khứ chẳng luyến tiếc thì hiện tại mới thuận buồm xuôi gió”

Tăng Quốc Phiên từng nói rằng, khi hành sự ông luôn có một bộ tâm pháp, nguyên tắc bất di bất dịch cho mình. Chính là ông không hề nghĩ đến những chuyện xảy ra trong tương lai, cũng không dự liệu trước. Ông chỉ tập trung vào những chuyện của hiện tại. Như vậy sẽ khiến công việc không trở nên phức tạp và bớt rối loạn hơn. Hiện tại bạn đang làm việc gì thì cứ chuyên tâm làm việc đó. Khi chuyện ấy đã qua đi rồi thì cũng đừng lưu luyến. Như vậy mới là cách xử trí của người thông minh. 

“Tầm nhìn nông cạn” kỳ thực lại giúp con người buông bỏ những phiền não về tương lai và vương vấn trong quá khứ, để có thể sống vui vẻ và toàn tâm toàn ý với hiện tại. Làm được điều này chúng ta cũng khiến cuộc sống của mình thú vị và hạnh phúc hơn.

Theo Cmoney
Hiểu Liên biên dịch

Exit mobile version