Đại Kỷ Nguyên

Chỉ vì một lần không nghe lời sư phụ, Khương Tử Nha gặp nạn thập tử nhất sinh

Khương Tử Nha phò nhà Chu diệt Trụ, có thể nói là công lao to lớn, cũng có thể nói là thập tử nhất sinh. Trong đời mình, ông đã từng gặp phải nhiều đại nạn sinh tử nguy hiểm, rơi vào cảnh nghìn cân treo sợi tóc như vậy.  

Hồi thứ 37 của “Phong Thần diễn nghĩa” kể rằng, tướng quân nhà Thương là Trương Quế Phương mang 10 vạn quân chinh phạt Tây Kỳ (đất nhà Chu) đánh Khương Tử Nha. Nhờ có Na Tra anh dũng, thiện chiến, quân nhà Chu đã thắng được một trận.

Tuy nhiên Trương Quế Phương lại có tà thuật vô cùng lợi hại, dùng phép thu hồn, gọi to tên ai thì người ấy ngã ngựa bất tỉnh, hôn mê, đều bị hắn bắt lấy dễ như lấy đồ trong túi.

Dù thắng trận nhưng Khương Tử Nha vẫn lo lắng, âu sầu, sợ viện binh từ Triều Ca (kinh đô nhà Thương) kéo tới thì Tây Kỳ khó giữ, liệu sức mình khó thắng, bèn trở về núi Côn Lôn cầu cứu sư phụ của mình là Nguyên Thủy Thiên Tôn.

Nguyên Thủy Thiên Tôn. Ảnh dẫn theo: huyenmon.logu2.com

Khương Tử Nha vào cung Ngọc Hư, gặp sư phụ, nói: “Nay Trương Quế Phương có phép tà thuật, đem quân đến đánh Tây Kỳ, đệ tử tài năng còn kém, không cự lại, xin thầy ra ơn trợ giúp đệ tử“.

Nguyên Thủy Thiên Tôn nói: “Ngươi làm quan đến chức Thừa tướng, hưởng lộc triều đình, Võ vương phải kêu bằng Thượng phụ. Việc trên thế gian, bần đạo ta làm sao có thể quản hết thay ngươi được? Tây Kỳ đã được chúa có đức ngồi canh, không đến nỗi gì mà lo. Ngươi đừng sợ tà đạo, cứ về đi. Lúc nào gặp việc hiểm nghèo sẽ có người tài đến giúp“.

Tử Nha không dám hỏi tiếp, đành phải xuất cung. Bước ra khỏi cung, đồng tử Bạch Hạc trước cửa gọi rằng: “Sư huynh! Thầy có việc gọi lại!”. Tử Nha nghe thấy, vội vàng trở về, quỳ dưới đài Bát Quái.

Nguyên Thủy nói: “Lần này xuống núi, đi về dọc đường, nếu gặp người kêu thì đừng đứng lại. Nếu ngươi trả lời họ, ngày sau sẽ có ba mươi sáu đạo binh đến đánh ngươi. Còn ở Ðông Hải có một người đang chờ ngươi, đến đó sẽ gặp. Ta nói trước cho ngươi hay để khỏi ân hận. Thôi, hãy về đi“.

Tử Nha nghe xong, lạy tạ xuất cung, đoạn gặp Nam Cực tiên ông trao cho bảng Phong Thần rồi đưa tiễn đi.

Tử Nha không có người thân, nên không bị tình thân quyến luyến. Nhưng cái tình đồng môn ông vẫn chưa bỏ được, nên tự mình chuốc lấy phiền phức. 

“Phong Thần diễn nghĩa” chép rằng, Tử Nha cầm bảng Phong Thần, tới núi Kỳ Lân, toan độn thổ về thì chợt nghe phía sau có tiếng người gọi: “Này Khương Tử Nha!”. Khương Tử Nha tự nhủ: “Thật quả có người kêu ta. Nhưng sư phụ đã dặn không thể trả lời!“, bèn lờ đi. 

Đằng sau lại cất tiếng gọi khẩn thiết: “Khương Tử Nha ơi! Ði đâu vậy? Hãy dừng lại ta nói câu chuyện này“. Người kia lại gọi “Tử Nha Công” rồi “Khương Thừa tướng” nhưng năm lần, bảy lượt, Khương Tử Nha cũng không trả lời. 

Nam Cực Tiên Ông và bạch hạc đồng tử. Ảnh dẫn theo wzxun.com)

Người đó bèn hét lên: Khương Thượng bạc tình, bạc nghĩa, lại quên ơn cũ. Ngày nay huynh là Thừa tướng, chức trọng quyền cao lẽ nào đã quên thuở còn ở cung Ngọc Hư? Suốt bao nhiêu năm trời cùng nhau học đạo, thế mà hôm nay đệ gọi tên huynh vài lần huynh cũng không thèm trả lời”.

Tử Nha nghe thấy lời này, liền quay lại xem thử người nào, chỉ thấy người ấy cưỡi trên lưng cọp, đầu bịt bao đánh xanh, mình mặc áo rộng, tay cầm gươm báu sáng ngời. Nhìn kỹ hóa ra là sư đệ Thân Công Báo, Tử Nha mừng rỡ nói: “Ôi, sư đệ đây mà! Sự phụ có dặn trên đường về nếu nghe ai kêu tên thì không được trả lời. Vì vậy tôi không dám làm trái lời thầy, chẳng ngờ lại gặp sư đệ. Vậy xin miễn chấp“.

Thân Công Báo lại hỏi: “Anh cầm trên tay tượng gì vậy?“. Khương Tử Nha trả lời: “Ðây là bảng Phong Thần, không phải bức tượng“.

Thân Công Báo lại nói: “Bây giờ đem đi đâu?“, đáp: “Tôi đem về Tây Kỳ làm đài Phong Thần mà treo bảng ấy“.

Sau đó hai người trò chuyện, hàn huyên rồi tranh luận về chí hướng. Thân Công Báo muốn phò vua Trụ còn Khương Tử Nha quyết phò nhà Chu. Thân Công Báo biểu diễn thần thông trước mặt Khương Tử Nha, lấy gươm tự cắt đầu mình quăng lên trời mà thân mình vẫn đứng trơ trơ.

Khương Tử Nha thất kinh. Lúc đó Nam Cực tiên ông đi qua, thấy đầu Thân Công Báo bay lơ lửng trên trời, liền sai Bạch Hạc đồng tử hiện nguyên hình thành con hạc trắng, cắp lấy đầu Thân Công Báo đem về Nam hải.

Khương Tử Nha thấy đầu của Thân Công Báo bị tha đi mất thì giậm chân kêu lên: “Ðồ yêu nghiệt từ đâu đến tha đầu người bay mất“. Đang hốt hoảng như thế, đột nhiên Nam Cực tiên ông vỗ mạnh vào vai làm Khương Tử Nha sực tỉnh. Nam Cực tiên ông nói rằng Thân Công Báo là dùng tà thuật mà mê hoặc người, đầu của hắn nội trong một giờ ba khắc mà không lắp lại được thì sẽ mất mạng.

Khương Tử Nha nghe xong động lòng thương, nói: “Nếu sư huynh biết quá giờ mà không ráp được đầu nó sẽ chết thì xin tha cho một phen. Lòng đạo ai cũng lấy tình thương làm trọng. Thân Công Báo tu luyện đã lâu năm, chẳng lẽ vì biểu diễn công lực cho bạn bè xem mà hại nó như vậy?“.

Nam Cực tiên ông thấy Khương Tử Nha năn nỉ, bèn cho Bạch Hạc đem đầu Thân Công Báo trở lại. Thân Công Báo lắp đầu vào, lại hoạt động như thường, lòng đầy bực bội, hậm hực nhìn Khương Tử Nha và Nam Cực tiên ông, nói: “Rồi đây sẽ thấy pháp thuật của tà đạo lợi hại đến mức nào“. Nói xong cưỡi lên lưng cọp rồi đi thẳng.

Bạch Hạc Đồng Tử: Ảnh dẫn theo thepicta.com

Chuyện sau này, có lẽ mọi người đều minh bạch. Khương Tử Nha và Thân Công Báo kết thù kết oán, một người phò Trụ, một người diệt Trụ. Chuyện xảy đến với Khương Tử Nha, sư phụ Nguyên Thủy Thiên Tôn đã sớm biết trước, đã sớm dặn dò.

Tuy nhiên một người tu Đạo như Tử Nha lại không thể giữ mình được vững, đứng trước ràng buộc về tình nghĩa huynh đệ vẫn để mình sơ suất, dẫn đến tai ách, kiếp nạn sau này, bị 36 lộ binh của vua Trụ đến đánh.

Trong trận đánh quyết liệt ấy, rất nhiều lần Khương Tử Nha rơi vào cảnh nghìn cân treo sợi tóc. Sau may nhờ có sự giúp sức của Nguyên Thủy Thiên Tôn và Xiển giáo mà đẩy lùi được quân của vua Trụ, giữ được bờ cõi, lại phản công, đánh đổ nhà Thương, diệt trừ hôn quân.

Nhã Văn 

Xem thêm: 

 

 

Exit mobile version