Người ta thường nói: “Con người không phải thánh hiền, sao có thể hoàn hảo được?” Khổng Tử là một trong những nhân vật lớn, trí tuệ lớn không chỉ ở Trung Quốc mà của nhân loại, nhưng ông cũng có những điều khiến bản thân phải hối tiếc.
Trong số các đệ tử của Khổng Tử có hai người từng khiến ông gặp phải những sai lầm khi nhìn người. Một là Tể Dư, nói hay nhưng hành động lại dở. Một người khác là Đạm Đài Diệt Minh (hay Tử Vũ), nhìn bề ngoài xấu xí có vẻ hung dữ, độc ác và nông cạn nhưng lại liêm khiết, trung nghĩa.
Tranh cãi về việc để tang khiến Khổng Tử lo âu
Tể Dư là người Lỗ Quốc, khi mới bước vào Khổng Môn được Khổng Tử rất kỳ vọng bởi tài ăn nói lanh lợi, có thể dùng lời nói để làm việc. Nhưng trên thực tế, trong quá trình học tập, những gì Tề Dư biểu hiện lại hoàn toàn đi ngược lại với mong muốn của Khổng Tử.
Một ngày nọ, Khổng Tử giảng giải về nghi lễ đám tang, Tể Dư hỏi: “Để tang phải mất ba năm, thời gian thật sự là rất lâu. Quân tử nếu trong ba năm để tang không thực hiện lễ nghi, lễ nghi tất bại hoại. Ba năm không tấu nhạc, âm nhạc sẽ hoang phế. Hơn nữa, ngũ cốc của năm cũ ăn không hết, ngũ cốc mới đã sản sinh. Xuân hạ thu đông bốn mùa, gỗ qua mồi lửa tất cả đều lần lượt thay đổi. Vạn vật theo chu kỳ năm đã tận, vì thế để tang một năm cũng đã có thể kết thúc rồi”.
Khổng Tử nghe anh ta nói để tang chỉ có một năm, liền nói: “Chỉ để tang một năm, con liền có thể mở miệng ăn gạo tươi mới, mặc quần áo hoa lệ, như thế tâm con có an không?” Tể Dư nói: “Tâm con an chứ”.
“Tâm con an, thì con cứ làm như thế đi, người quân tử lúc chịu tang, ăn cơm cũng không cảm thấy ngọt thơm, nghe nhạc không cảm thấy vui, sống ở nhà mà không cảm thấy thoải mái, vì thế mới không làm như vậy. Nếu như con đã cảm thấy tâm an, thì cứ làm như vậy”. Khổng Tử bất lực nói.
Khi Tể Dư ra ngoài, Khổng Tử nói: “Tể Dư thật sự không có nhân đức! Đứa trẻ sinh ra, cũng ở trong vòng tay của cha mẹ đến ba tuổi mới rời đi, để tang ba năm là tang lễ thông thường trong thiên hạ, chẳng nhẽ Tể Dư đối với cha mẹ mình không có lấy ba năm thương tiếc?”. Khổng Tử thật sự không hiểu người đệ tử này của mình.
Tể Dư ngủ trưa, Phu tử trách mắng
Một lần khác, Tể Dư ban ngày nằm ngủ lười biếng, Khổng Tử nhìn thấy liền thở dài nói: “Than ôi, gỗ mục nát thì không thể chạm khắc, dùng rác đắp tường cũng không được! Đối với người như Tể Dư, ta còn có thể than trách gì đây?”.
Thời đó, con người tôn trọng đạo trời, đến thời gian làm việc và nghỉ ngơi cũng tuân theo mặt trời mọc và lặn. Ban ngày là thời gian có ánh sáng tốt nhất, nên dùng để tập trung học hành chứ không phải lười nhác. Vì thế, khi Khổng Tử nhìn thấy Tể Dư ban ngày nằm ngủ, khó chịu đến mức dùng gỗ mục nát và rác rưởi để trách mắng anh ta.
Chuyện này cũng khiến cho Khổng Tử suy ngẫm lại về nhiều thứ, ông nói: “Ban đầu, khi xem xét một người, ta nghe những lời nói của người đó, liền tin tưởng vào hành vi của người đó. Bây giờ ta xem xét một người, nghe những lời nói của người đó, cũng phải quan sát thêm cả hành động của người đó”. Khổng Tử thừa nhận rằng trước đây đã dùng lời nói để xem xét một người, khi nhìn thấy những biểu hiện của Tể Dư, ông liền thay đổi cách suy nghĩ.
Cho dù thế nào đi nữa, nếu chỉ đơn thuần xét về thành tích trong ngôn ngữ thì Tể Dư và Tử Cống là những người nổi bật nhất. Trong Mạnh Tử – Công Tôn Sửu Thượng cũng thừa nhận: “Tể Dư, Tử Cống, rất giỏi dùng lời nói”. Khổng Tử từng nói rằng những học trò của ông đều là những người tài năng.
Tấm lòng trung thành chính trực của cha con Tử Vũ, chiếm được sự tin tưởng của các đại phu Lỗ Quốc
Khổng Tử có một đệ tử khác là Tử Vũ. Tử Vũ là trở thành đệ tử của Khổng Tử là do Tử Du tiến cử. Tử Du cảm thấy Tử Vũ là một người đàng hoàng, làm việc có quy tắc, chưa từng nghĩ đến chuyện giở thủ đoạn, càng không làm những chuyện dậu đổ bìm leo, vì thế khi Khổng Tử hỏi ông: “Nơi con làm quan, có ai là nhân tài không?”. Ông liền tiến cử Tử Vũ với Khổng Tử.
Khi Tử Du tiến cử Tử Vũ, từng nói ông là người “hành bất do kính”, “kính” ở đây chỉ những con đường nhỏ, vòng quanh, ông ngưỡng mộ hành vi ngay thẳng, luôn đi trên đường lớn, chứ không lựa chọn những con đường nhỏ quanh co của Tử Vũ.
Nhưng Tử Vũ khi mới bước vào Khổng Môn, vì dung mạo xấu xí hung dữ, nên Khổng Tử cho rằng ông chỉ có bản chất bình thường, chẳng có tài năng gì, vì thế khá thất vọng.
Sau này, từ những hành động của Tử Vũ, giá trị con người của ông đã được khẳng định ngày một rõ ràng hơn.
Tử Vũ không những tính tình ngay thẳng, mà còn không khôn vặt, không vì lợi ích của mình mà tính toán với người khác. Tử Vũ mặc dù là thuộc hạ của Tử Du nhưng nếu không vì việc công thì ông ấy nhất định không đến nhà Tử Du, càng không kết bè kết phái, bắt nạt người khác. Tử Vũ có đức tính tốt đẹp của cha, làm việc trung thành, tận tuỵ, làm người công chính không vụ lợi.
Cha của Tử Vũ và Đại Phu Vương Phạm của nước Ngô có quan hệ rất thân thiết. Vào năm thứ 8 Lỗ Ai Công (TCN 487), nước Ngô Quốc dấy binh tấn công nước Lỗ. Đại quân Ngô dừng dưới chân thành, người dân nước Lỗ lo lắng cha con Tử Vũ sẽ câu kết cùng với giặc Ngô, ngoại ứng nội hợp diệt trừ Lỗ quốc. Nhưng tấm lòng trung trực chính nghĩa của cha con Tử Vũ đã khiến những đại phu khác của Lỗ Quốc tin tưởng.
Tử Vũ đến Ngô, Sở và những nơi khác để dạy lễ nhạc, khi đó đệ tử của ông có trên 300 người, ông nhận được sự tôn trọng của chư hầu các nước, hơn nữa với bản tính hành sự công chính không vụ lợi, ở Lỗ Quốc ông cũng là một đại phu có tiếng.
Vì thế, vào những năm cuối đời, Khổng Tử nghe tin Tử Vũ qua đời, đã thở dài nói:
“Dùng lời tuyển người, nhìn sai Tể Dư; Dùng dung mạo tuyển người, nhìn sai Tử Vũ”.
Khổng Tử nói trước đây ông từng vì những lời nói mà nhìn lầm Tể Dư, cũng từng vì dung mạo mà nhìn lầm Tử Vũ. Khi ông gặp phải những chuyện xung đột với quan niệm cố hữu của bản thân, ông đã tự suy nghẫm và không ngừng nhận sai, cải thiện chính mình. Đây cũng là điều mà ít người làm được.
Đỗ Nhược, Epochtimes
Ngọc Linh biên dịch