Chúng ta đều biết, Tam Quốc là thời kỳ có rất nhiều bậc kỳ tài thần cơ diệu toán, đoán việc như Thần. Ngoài Thuỷ Kính tiên sinh và Gia Cát Lượng thì còn có Quách Gia. Tuy nhiên Quách Gia đối với nhiều người thì tương đối lạ lẫm.
Quách Gia (170–207), tự Phụng Hiếu, vốn là người huyện Dương Địch, quận Dĩnh Xuyên, Dự Châu (tỉnh Hà Nam ngày nay). Ngay từ khi còn trẻ, Quách Gia đã có chí hướng khác người, thường kết bạn với những kẻ tuấn kiệt, trí giả.
Quách Gia từ nhỏ thiên bẩm đã thông minh hơn người, lại có chí làm nên nghiệp lớn, ông sớm dự liệu thiên hạ sẽ đại loạn cho nên đã tìm nơi cư ẩn. Một mặt là ẩn cư sinh sống, một mặt là tĩnh tâm tu dưỡng đợi thời cơ. Sau này khi hạ sơn, lúc đầu Quách Gia đầu quân cho Viên Thiệu, đương thời Viên Thiệu cũng vô cùng trọng dụng tài năng Quách Gia. Tuy nhiên Quách Gia lại nhìn ra Viên Thiệu là người không có tính quả quyết, cũng không thực sự biết cách dùng người, sau này khó làm được việc lớn cho nên đã sớm rời đi.
Sau này khi Tào Tháo thực thi chính sách kêu gọi hiền tài, lại được Tuân Úc tiến cử nên Quách Gia đã đầu quân về với Tào Tháo. Ngay lần đầu tiên gặp Quách Gia, Tào Tháo nhận định: “Kẻ khiến ta thành đại nghiệp, ắt hẳn là người này đây”. Còn chính Quách Gia cũng nhận xét Tào Tháo: “Thực là chân chúa của ta vậy”.
Nếu như trước đây Quản Trọng từng nói: “Sinh ta ra là cha mẹ, hiểu được ta chỉ có Bảo Thúc Nha”, thì nay Tào Tháo cũng lại như thế, người hiểu được Tào Tháo lại chỉ có mình Phụng Hiếu mà thôi.
Bấy giờ, Viên Thiệu làm chủ bốn châu rộng lớn: Ký Châu, U Châu, Tịnh Châu và Thanh Châu, chính là kình địch lớn nhất của Tào Tháo. Tháo muốn đánh Viên Thiệu nhưng còn nghi ngại. Quách Gia lập tức chỉ ra 10 điều bại của Viên Thiệu và 10 điều thắng của Tào Tháo. Chỉ khi ấy, Tào Tháo mới quyết kế đánh Viên Thiệu. Quả nhiên sau này Viên Thiệu đã thảm bại dưới tay Tào Tháo dù sở hữu lực lượng hùng mạnh hơn nhiều.
Không chỉ có vậy, trong 11 năm phục vụ cho Tào Tháo, tài năng của Quách Gia đã góp công lớn không những giúp Tào Tháo chiến thắng các lãnh chúa kẻ thù như Viên Thiệu, cũng như thủ lĩnh của bộ lạc Ô Hoàn là Đạp Đốn mà còn giúp Tào Tháo đánh bại cả Lã Bố.
Trong Tam Quốc Chí chép, năm 198, Tào Tháo phát binh đánh Lã Bố, qua ba trận giao tranh đều thắng lớn. Bố phải rút lui liên tiếp, cố thủ trong thành, không dám xuất đầu lộ diện. Giằng co mãi, binh sĩ đã rất mỏi mệt, Tào Tháo định lui binh. Nhưng Quách Gia lại khuyên nên đánh gấp.
Ông nói: “Xưa kia Hạng Tịch đánh nhau hơn bảy mươi trận, chưa từng thua một trận nào, một ngày thất thế mà thân chết nước mất, ấy là hữu dũng vô mưu vậy. Nay Bố thua trận liên tiếp, khí suy lực tận, trong ngoài thất thủ, mà uy lực của Bố chẳng bằng được Hạng Võ, song nỗi khốn quẫn lại trầm trọng hơn nhiều. Nếu chúng ta thừa thắng tấn công, thế tất có thể bắt được Bố”.
Tào Tháo nghe theo đó mà làm, quả nhiên càng đánh càng hăng, càng đánh càng bóp chặt Lã Bố, cuối cùng đã bắt sống được Lã Bố trị tội, còn Quách Gia trở thành một trong những bộ hạ được tin tưởng và yêu quý nhất của Tào Tháo, giúp thế lực quân đội Tào Tháo lớn mạnh nhanh chóng.
Tiếc thay tài cao yểu mệnh, sau khi giúp Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, Quách Gia bị bệnh khi mới vừa 37 tuổi rồi qua đời. Sau này rất nhiều người cho rằng, nếu như Quách Gia còn sống ắt hẳn Tào Tháo sẽ không thể bại trận Xích Bích mà thống nhất thiên hạ.
Mọi người đều rõ, Tư Mã Ý là bậc kỳ tài, diệu kế cao thâm, sau khi Quách Gia qua đời thì chỉ có ông mới đủ khả năng đối đầu với Gia Cát Lượng. Đối với Tào Tháo mà nói, Tư Mã Ý cũng chính là một tâm phúc trước sau nhất mực trung thành. Tuy nhiên, trước lúc Quách Gia qua đời, Tào Tháo đã hỏi ông nhìn nhận thế nào về Tư Mã Ý? Quách Gia đáp: “Tư Mã Ý dụng kế cao thâm, thần không thể sánh bằng. Sau khi thần qua đời, nếu có thể dùng được thì dùng, không được thì nên giết đi trừ hậu họa”, nói xong câu này Quách Gia liền trút hơi thở cuối cùng.
Đối với lời trăn chối cuối cùng này mà nói, tuy trước sau như một, Tào Tháo đều ghi nhớ trong lòng. Nó cũng như lời cảnh cáo đối với Tào Tháo về nguy cơ tiềm ẩn từ Tư Mã Ý. Tuy nhiên cả đời Tào Tháo lại là người khao khát nhân tài như nắng hạn cầu mưa, biết Tư Mã Ý là người giấu giếm dã tâm, nhưng bản thân Tào Tháo lại thấy rõ Tư Mã Ý cơ mưu diệu toán hơn người, thiên hạ ắt chẳng có được mấy người, đặc biệt lại là sau khi Quách Gia không còn.
Vậy nên đối với người như Tư Mã Ý tốt nhất là tận dùng chứ không nên loại bỏ. Hơn nữa lúc đó, Tào Tháo đã thống nhất trung nguyên, nên trong mắt ông thì một Tư Mã Ý nhỏ bé kia xử lý lúc nào mà không được, thử hỏi Tào Tháo đâu cần gì phải quá bận tâm? Thế nên Tào Tháo không nghe lời Quách Gia mà vẫn giữ Tư Mã Ý bên mình.
Tuy nhiên vạn cổ xưa nay luôn có câu: “Hành sự tại nhân, thành sự tại thiên”, con người trăm tính ngàn mưu cũng chẳng bằng ý trời đã định. Vào những năm cuối đời, Tào Tháo đã có phần xem nhẹ khả năng nhẫn chịu của Tư Mã Ý, còn Tư Mã Ý vẫn luôn là kẻ cao thâm khó lường, không ai có thể thực sự thấu hiểu con người của y.
Sau khi Tào Tháo qua đời không được bao lâu, Tư Mã Ý vẫn một mặt che giấu dã tâm, một mặt triển khai thế lực của mình. Cuối cùng một kiếm định giang sơn, Tư Mã Ý đã nhanh chóng nắm hết thực quyền của Tào Ngụy, đem toàn bộ giang sơn mà đích thân Tào Tháo gây dựng lên đổi tên thành họ Tư Mã. Đây có lẽ là điều mà có nằm mơ Tào Tháo cũng không hề nghĩ đến. Nếu như Tào Tháo nghe lời Quách Gia thì đã không có cơ sự sau này.
Minh Vũ