Đại Kỷ Nguyên

Không chỉ Trung Quốc, người Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan Ngọ của riêng mình

Tết Đoan Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch là một ngày lễ truyền thống tại một số nước Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mỗi dân tộc lại có một cách đón Tết riêng biệt, mang đậm bản sắc truyền thống. Hãy cùng khám phá những nét độc đáo ấy qua bài viết dưới đây. 

Trên bề mặt chữ nghĩa, “Đoan” nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều. Ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc. 

Ở Việt Nam, người ta gọi ngày Tết Đoan Ngọ là “Tết chiết sâu bọ”, là ngày phát động bắt sâu bọ, diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng. Nhiều loài sâu trong đó có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. 

Những món thường ăn trong tết đoan ngọ: Ảnh dẫn theo giadinh.net.vn

Nguồn gốc của ngày Tết này xuất phát từ Trung Hoa cổ đại. Vào cuối thời Chiến Quốc, có Khuất Nguyên là đại thần của nước Sở. Ông vốn tính tình mạnh mẽ, cương trực, ưa nói thẳng, nhiều lần can gián vua nhưng Sở Hoài Vương khi ấy trọng dụng những kẻ xiểm nịnh, cầm cố người hiền sĩ, không nghe lời phải.

Can vua không nghe, lại bị hãm hại, vu oan, Khuất Nguyên lòng mang một khối u buồn, trầm mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mùng 5 tháng 5. Người dân thương tiếc một bậc trung nghĩa, mỗi năm đến ngày này lại làm bánh quấn chỉ ngũ sắc, thả xuống sông, coi như là ngày giỗ Khuất Nguyên.

Nhật Bản 

Ngày này ban đầu được gọi là Tango no Sekku (từ thời Nara), được tổ chức vào ngày thứ 5 của tháng năm tính theo âm lịch hay lịch Trung Quốc. Sau khi Nhật Bản chuyển đổi sang lịch Gregorian, ngày đó cũng được chuyển sang mùng 5 tháng 5, được coi là ngày lễ dành cho các bé trai với tên gọi “Kodomo no hi”.

Vào dịp lễ đặc biệt này, người Nhật thường treo cờ cá chép (Koinobori) cầu cho những bé trai khoẻ mạnh, thông minh, ý nghĩa là “cá vượt vũ môn”. Họ còn trang trí các bộ áo giáp Kabuto mang theo ước nguyện của các bậc cha mẹ mong cho con mình thành đạt, hạnh phúc.

Cứ đến đầu tháng 5 là ở Nhật rợp trời cờ cá chép tung bay trong gió, mỗi nhà treo 3 hoặc 5 cờ, với 5 màu chủ đạo là: xanh lam, đỏ, đen, xanh lá, xanh tím. Những lá cờ Koi (cá chép) vải đầy màu sắc được treo trên mái nhà hoặc hành lang chung cư của các gia đình có con trai.

Rợp trời cờ cá chép tung bay ngày tết đoan ngọ tại Nhật Bản. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Bên trong nhà, họ cho trưng bày tượng chú bé “Kintarô” (金太郎) cưỡi cá “koi” và áo giáp hay nón giáp samurai gọi là “yoroi kabuto” (鎧兜) hay “kabuto” (兜, 冑). Vào ngày tết Tango, người Nhật làm bánh “mochi” (gạo nếp) gói trong lá “kashiwa” (lá sồi) và lá “ayame” (xương bồ” hay tre như bánh chưng bánh tét của Việt Nam ta), gọi là “kashiwa-mochi” và “chimaki” để cúng và ăn lễ Tết này.

Hồng Kông

Với người dân Hồng Kông, Tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch) là một ngày nghỉ theo quy định của nhà nước. Mỗi năm tới ngày này người dân Hông Kông sẽ tổ chức lễ hội đua thuyền rồng, tổ chức các nghi thức cúng tế, ăn bánh chưng…

Lễ hội đua thuyền rồng ngày tết đoan ngọ tại Hồng Kông. Ảnh dẫn theo english.jschina.com.cn

Lễ hội thường được tổ chức tại bãi biển Stanley, với hàng trăm đội thuyền tham dự. Trước khi cuộc đua bắt đầu, tất cả đều phải thực hiện một loại nghi thức có tên là “Thả rồng giấy”. Tham dự lễ hội đua thuyền là những chiếc thuyền rồng nhiều màu sắc dài từ 20 đến 40 m được điều khiển bởi hàng chục người đàn ông lực lưỡng.

Tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả sẽ chứng minh cho bạn thấy không có một lễ hội truyền thống nào ở Hong Kong lại sôi động và hào hùng như lễ hội thuyền rồng này.

Đài Loan

Người dân Đài Loan vẫn lưu truyền những phong tục cổ xưa truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch). Bữa ăn năm món gồm có bánh chưng, hạt đậu, cà quả, quả mận và quả đào, uống rượu Hùng Hoàng để xua đuổi ngũ độc (gồm bò cạp, rắn, rết, thạch sùng và cóc), vẩy nước Hùng Hoàng vào gầm giường, góc tường để trừ độc.

Ngoài ra họ còn có phong tục uống nước vào giờ Ngọ, tắm vào giờ Ngọ, và tin rằng nếu gà đẻ trứng vào đúng giờ Ngọ sẽ mang lại may mắn. Không những vậy, cũng như Hồng Kông người dân Đài Loan cũng tổ chức đua thuyền rồng vào mỗi dịp tết Đoan Ngọ.

Tại Đài Loan ngày tết đoan ngọ bạn sẽ bị hấp dẫn bởi mùi bánh zongzi

Hàn Quốc

Tết Đoan Ngọ Dano (ngày 5/5 âm lịch) là một trong ba dịp lễ truyền thống lớn nhất Hàn quốc cùng với Tết Nguyên Đán và Trung thu “Chuseok”. Tết Dano có lịch sử hơn 1.000 năm, bắt nguồn từ tỉnh Gangneung.

Theo quan niệm của người Hàn, số 5 là biểu tượng của sức mạnh, sự cường tráng. Người ta quan niệm, ngày 5/5 mang theo sức mạnh và sự cường tráng cho con người, đem lại một mùa bội thu cho dân làng, cũng là dịp mọi người có thể nghỉ ngơi, thư giãn, ca hát, vui chơi và chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới. 

Nếu ở Việt Nam có bánh trôi, bánh chay thì Hàn Quốc có Suritteok và Yaktteok là hai loại bánh truyền thống làm chính từ gạo. Bánh Suriteok làm từ lá ngải cứu luộc chín, đem nấu chung với gạo không dính nên bánh có màu xanh và thường được nặn thành hình cầu.

Bánh Yaktteok thì lại đa dạng hơn khi được kết hợp gạo với nhiều loạt hạt khác nhau và được coi là một đặc sản vùng phía Nam tỉnh Jeolla. Bên cạnh đó, tết Đoan Ngọ của Hàn Quốc còn có sự xuất hiện của cây Diên Vĩ.

Phụ nữ Hàn Quốc tin rằng, nếu muốn tóc suôn mượt óng ả thì phải gội đầu bằng thảo mộc Diên Vĩ. Đàn ông Hàn Quốc thì quấn rễ cây này xung quanh thắt lưng để xua đuổi tà ma và bảo vệ mình khỏi những linh hồn xấu rình rập.

Ngày tết đoan ngọ tại Hàn Quốc phụ nữ tin rằng, nếu muốn tóc suôn mượt óng ả thì phải gội đầu bằng thảo mộc Diên Vĩ: Ảnh dẫn theo hancinema.net

Việt Nam

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được được coi là Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Sở dĩ gọi như thế là vì đây là thời điểm trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Người dân cùng nhau diệt côn trùng, sâu bọ để bảo vệ mùa màng. 

Đối với người Việt, Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp đầm ấm. Trong văn hoá Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao: 

Tháng Năm ngày tết Đoan Dương 
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang 

Tết Đoan Ngọ là dịp người ta quây quần bên gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi họ ngủ dậy. 

Tết đoan ngọ tại Việt Nam: Ảnh dẫn theo lichngaytot.com

Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ “sâu bọ”. Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ Ngọ người dân đi tắm biển. Tại vì ngày này, theo quan niệm dân gian khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an.

Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc. 

Vào dịp Tết Đoan Ngọ, ai bị cảm cúm nên dùng 5 loại lá: bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm ăn, và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Người ta cũng tìm mua cành xương rồng bỏ trong nhà để đuổi tà ma. 

Bánh tro đã trở thành món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ và Miền Nam Việt Nam. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như banh ú, bánh gio và bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo điệu phương.

Người ta làm bánh bằng gạo đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật. 

Rượu nếp hay cái rượu cũng là món ăn được nhiều người ưa thích trong tết Đoan Ngọ. Uống rượu hoặc ăn rượu nếp giết sâu bọ. Chè hạt sen nấu cùng bột sắn dây và chè đỗ đen có tác dụng giải nhiệt.

Tiết trời đầu tháng 5 nắng nóng, dễ sinh các bệnh nhiệt trong người, chè hạt sen, chè đỗ đen được nhiều gia đình lựa chọn làm món tráng miệng.

Các nước Đông Nam Á khác 

Người dân Campuchia cũng như một số nước Đông Nam Á khác có thói quen ăn bánh chưng trong ngày tết Đoan Ngọ. Có một điều đặc biệt là người dân Campuchia dùng túi làm bằng vải bao bố để gói bánh chưng. Nó được gọi là ‘bánh chưng túi”. 

Nhân bánh được làm bằng gạo nếp, đậu đỏ, táo đỏ… nhét chặt vào túi vải từng lớp từng lớp cho tới khi đầy và buộc chặt miệng túi lại rồi đem luộc chín. Khi ăn bỏ lớp túi vải bên ngoài và dùng dao để cắt. 

Kích thước bánh chưng của người Thái Lan làm trong tết Đoan Ngọ lại chỉ bằng kích cỡ như quả trứng gà. Bởi dùng lá bánh chưng để gói nên sau khi hấp chín bánh có màu xanh nhạt của lá, hương vị thanh đạm thơm ngon. 

Người dân Philippines thì có thói quen gói bánh chưng dài vào ngày tết Đoan Ngọ. Hương vị bánh có gần giống như mùi vị bánh của người Chiết Giang Trung Quốc. 

Người Indonesia rất cầu kỳ chú trọng khi làm nhân bánh chưng. Nhân bánh thông thường bao gồm thịt băm nhỏ, nấm hương và hành tây được băm nhuyễn. Tạo nên hương vị bánh chưng thơm ngon mà không bị ngấy. 

Bình Nhi 

Exit mobile version