Loạt bài ‘Ra giêng nô nức trẩy hội du Xuân – nét văn hóa nghìn năm đất Việt’ sẽ kéo dài trong tháng Giêng, tháng Hai mùa xuân trẩy hội, để cùng độc giả du Xuân và ôn lại những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc suốt chiều dài 4000 năm lịch sử.
Kỳ 1: Dấu ấn nghìn năm trẩy hội du Xuân
Thời điểm đầu xuân, lòng người đang hạnh phúc vui tươi trong không khí rộn ràng, với những ngày nghỉ ngơi lễ Tết sau một năm lao động vất vả, nên lễ hội cũng diễn ra toàn tâm toàn ý, xa rời những lo toan bận rộn thường nhật thường thấy… Hội làng chính là thời điểm được mong đợi nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt đời này nối đời khác…
Lễ hội xuất phát từ những hội làng địa phương, là một nét văn hóa của người Việt từ xa xưa, vào dịp mùa xuân, sau những ngày Tết náo nhiệt làng nào cũng có hội. Thường mỗi làng đều có một vị Thành Hoàng, những vị Thần có công trong việc khai hoang, mở đất, đem lại sự bình yên cho xóm làng. Cũng có vị là một vị võ tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm đem lại sự bình yên cho xóm làng. Cũng có khi thành hoàng là người đem đến cho làng một nghề nhất định, tạo nên “làng nghề”.
Những luật tục của làng trở thành mối dây gắn kết các thành viên trong cộng đồng và có sức kết nối mạnh mẽ. Câu thành ngữ “phép vua thua lệ làng” đã thể hiện điều đó.
Mùa xuân em đi trẩy hội …
Thời điểm đầu xuân, lòng người đang hạnh phúc vui tươi trong không khí rộn ràng, với những ngày nghỉ ngơi lễ Tết sau một năm lao động vất vả, nên lễ hội cũng diễn ra toàn tâm toàn ý, xa rời những lo toan bận rộn thường nhật thường thấy ở vùng nông thôn đất Việt.
Hội làng chính là thời điểm được mong đợi nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt đời này nối đời khác: tế lễ, rước, trò vui và hát xướng…
Hội làng như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, bừng chảy trong đời sống tinh thần và tâm linh người Việt
Người ta ví hội làng như một mạch nước ngầm xuyên thời gian, bừng chảy tràn trề trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh người Việt. Trên trống đồng cổ, cũng có những nét hoa vǎn, dấu ấn của hội làng.
Có những hội làng trở nên tiêu biểu, nức tiếng gần xa như hội: Đền Hùng-tỉnh Phú Thọ, hội Cổ Loa, Lệ Mật, Phù Đổng của Hà Nội, hội Liễu Đôi (Nam Hà), Bắc Ninh có hội Đồng Kỵ, hội Lim… Bắc Giang có hội Yên Thế, Xương Giang, Thổ Hà, Vạn Vân, các hội làng ở Hà Tây, Hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), hội chùa Dâu, Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hội chùa Keo (Thái Bình) và hội đua ghe ngo của đồng bào Khơme Nam Bộ, hội vùng núi Sam (Châu Đốc – An Giang)…
Hội làng mang tính cộng đồng sâu sắc, là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã, vì lòng kính ngưỡng Trời đất, tổ tiên. Hội làng thường được tổ chức rất vui và đầm ấm tình làng nghĩa xóm, thể hiện từ những khâu chuẩn bị cho đến khi nuối tiếc lúc tan hội. Người xem hội làng sẽ cảm nhận hết ý nghĩa và lòng tự hào truyền thống văn hóa dân tộc vàng son.
Hội làng: Phần lễ và phần hội
Cũng như Lễ hội truyền thống, hội làng gồm hai phần lễ và hội, thường diễn ra ở các ngôi đình làng. Nhưng, ở hội làng, phần hội bao giờ cũng nổi trội hơn. Lễ thể hiện lòng ngưỡng mộ, sùng bái anh hùng, tôn vinh danh nhân, người có công với dân, tổ nghề, cũng có thể là những vị Thần, Phật, Thánh, Mẫu, là những vị Thần bảo trợ tinh thần và đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho cộng đồng.
Phần lễ thường gồm các hoạt động rước nước và mộc đục, rước và tế… Hội là dịp thể hiện những sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ múa, hát giao duyên, hát thờ, các diễn xướng sân khấu cổ truyền, các cuộc thi tài mang tính thượng võ (bơi trải – hội làng Đăm, chạy cờ – làng Triều Khúc, thú chơi cờ người – làng Xuân Phương…), các trò diễn phong tục (thổi cơm thi – làng Thị Cấm, bơi cạn và bắt chạch trong chum – làng Hồ, trình nghề – làng Sài Đồng, thú chơi thi thơ, thú chơi tạo cây cảnh, con giống bằng sáp nến, thú chơi chọi gà, vùng Bưởi)…
Tùy theo đặc điểm địa hình của từng làng, chẳng hạn như nuôi tằm dệt lụa, làng gốm, làng tranh được thể hiện trong các lễ hội xuân hoặc Tết cổ truyền. Có cờ quạt võng lộng, những đám rước quanh làng náo nhiệt, cầm cờ, đánh trống. Kiệu được rước từ làng trên xuống xóm dưới. Len vào từng con ngõ, len vào tận mái nhà. Những trò chơi dân gian cũng được mở ra như đánh đu, đánh cờ… tế lễ, hát văn ban ngày, diễn tuồng ban đêm..
Trong các sinh hoạt hội, mọi người tham gia trình diễn, sáng tác, thưởng thức và hưởng thụ sau những ngày lao động vất vả, không kể sang hèn. Vì thế, có thể cho rằng, hội làng đã tạo nên niềm cộng cảm sâu sắc giữa các thành viên trong cộng đồng, là sự nhất quán trong việc trao truyền các giá trị vǎn hóa giữa các thế hệ.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hội làng vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn của nó. Bởi hội làng là tinh hoa văn hóa Việt Nam, là dấu ấn của một nên văn hóa tín ngưỡng Thần, tôn kính Trời đất, nên đó cũng chính là những gì con người Việt Nam cần gìn giữ và trân trọng nhất.
Không khí nô nức trẩy hội Xuân, nào ta cùng lên đường…
Không có gì dễ hình dung không khí nô nức trẩy hội du Xuân bằng việc cùng đọc lại những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp nổi tiếng, bài Đi chùa Hương (sáng tác năm 1935), trong lời tự sự của một cô bé mộng mơ đi trảy hội:
Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.
Me cười: “Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?”
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.
Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm,
(Ý đợi người tài trai).
Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.
Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.
Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.
Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?
Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
“Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, giời ôi chen!”
Chàng thưa: “Vâng, thuyền đông!”
Rồi ngắm giời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.
Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: “Hay! Hay quá!”
Em nghe rồi ngẩn ngơ.
Thuyền đi. Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
“Nam mô A-Di-Đà!”
Réo rắt suối đưa quanh,
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ:
Cảnh đẹp gần như tranh.
Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.
Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.
Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.
Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói toả mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.
Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
“Mai mới vào chùa trong.”
Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
“Mai ta vào chùa trong!”
Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.
Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều… Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!
Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.
Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.
Me bảo: “Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan Thế Âm bồ tát
Là tha hồ đi mau!”
Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).
Khi qua chùa Giải Oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay, lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.
Tấm tắc thầy khen: “Hay!
Chữ đẹp như rồng bay.”
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây).
Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
Me vui mừng hả hê:
“Tặc! Con đường mà ghê!”
Thầy kêu: “Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về.”
Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!
Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở!
Chàng ôi, chàng có hay?
Đường đây kia lên giời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!
Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng.
Hết phần 1
Hà Phương Linh tổng hợp và biên soạn
Xem thêm:
Lời tri ân gửi quý độc giả Xuân Đinh Dậu 2017
Ngày Xuân nghe tiếng đàn nhị hồ: âm thanh nhẹ như tơ mang cả không gian mùa Xuân về