Đại Kỷ Nguyên

Hoa hòe dưới mưa

Trời lại mưa!

Đã hơn nửa tháng nay trời đổ mưa tầm tã. Nhìn ra trời mưa trắng xóa một màu, nhìn ra vườn cũng thấy một màu trắng xóa rũ rượi của hoa hòe nở rộ, thật xót xa lòng. Vậy là cả nhà phải đội mưa dầm nước ra vườn bẻ hòe về, nếu không, chỉ khoảng một tuần mưa mất một lứa hòe là coi như mất trắng vài triệu bạc.

Với người làm ruộng hạt thóc là nguồn thu nhập chính thì với người làm vườn quê tôi hoa hòe cũng có giá trị quan trọng như vậy. Một kg hòe khô trị giá tương đương bằng 30 kg thóc nên người làm vườn quý hạt hòe vô cùng. Đã hơn chục năm nay cây hòe đã trở thành cây chủ đạo của vùng đất bãi bồi bên con sông Hồng nặng phù sa màu mỡ. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, làng quê tôi nổi tiếng là làng vườn chuyên trồng cây trái, hoa quả, chăn tằm ươm tơ nổi tiếng cả nước. Sang đầu thế kỷ 21 khi hoa quả, vải vóc ngoại tràn ngập thị trường thì nghề trồng cây ăn quả và chăn tằm kéo kén của làng vườn đã dần mai một. Vốn có đầu óc nhanh nhạy trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với nền kinh tế thị trường, người làm vườn đã chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, cây hương dược liệu, và đặc biệt chú trọng cho việc chăm sóc, thu hoạch từ cây hòe.

Với đặc điểm của vùng bãi bồi ven sông, đất vườn quê tôi là đất ngọt pha cát giàu chất dinh dưỡng, cây cối lớn nhanh như thổi, vì thế cây hòe chỉ trồng đầu năm là giữa năm đã có hoa thu hoạch. Hoa hòe vị đắng, tính hơi lạnh có công dụng thanh nhiệt, chống tăng huyết áp, làm bền vững thành mạch, chống chất phóng xạ và có công dụng cả trong công nghệ nhuộm, xây dựng. Với các tính năng đó, hoa hòe luôn là mặt hàng đắt giá nhất trong nền sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Từ những nụ hoa trắng xanh nhỏ như hạt gạo nếp, hoa hòe được thu gom, chiết xuất thành tinh dầu xuất khẩu, chủ yếu đáp ứng nhu cầu thị trường châu Âu và châu Mỹ. Trong cuộc sống bộn bề lo toan vất vả, mỗi khi về với làng vườn được ngập chìm vào màu xanh mướt mát của hoa hòe và cây trái, nghe tiếng chim rúc rích trong vòm cây, hít thở hương thơm ngọt mát của đất trời, ta cảm thấy mình như lạc vào miền huyền thoại. Đi trong vườn hòe những bông hoa trĩu sai sà vào vai, vào cổ, mơn man trên má gợi lên một cảm giác thật gần gũi thân thương. Đến nơi đây dường như cái nắng, cái gió cũng chuyển màu xanh và tâm hồn con người trở nên thư thái, thanh thản lạ thường.

Người ở phố về, khách phương xa đến luôn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và quang cảnh của làng quê tôi. Thấp thoáng ẩn hiện trong ngờm ngợp màu xanh là những ngôi nhà, ngôi biệt thự lung linh soi bóng bên chiếc ao trong vắt. Mỗi nhà là một khuôn viên cây xanh rộng chừng trên dưới mẫu vườn. Trong vườn, người dân chỉ quy hoạch khu đất nhỏ trồng đủ rau và hoa quả để ăn, còn lại ưu tiên cho đất trồng hòe. Mỗi sào hòe một năm cho thu nhập khoảng 20 đến 25 triệu đồng, gấp khoảng 10 lần sào lúa. Có nhiều gia đình đấu thầu thêm đất trồng hòe, một năm thu tới 1,5 đến 2 tấn hoa khô. Có giá trị kinh tế lớn như vậy nên hòe quê tôi đã trở thành thương hiệu. Không chỉ riêng các địa phương trong tỉnh mà nhân dân các tỉnh khác cũng đổ xô về học hỏi và mua giống.

Những năm trước khi máy móc chưa được vận dụng vào các công đoạn làm hoa, mỗi khi thu hoạch hòe người dân cực kỳ vất vả. Mỗi tuần một lứa hoa, nhà nào nhiều hòe chia ra bẻ lần lượt ngày này sang ngày khác. Mùa hè nóng nực bẻ hoa từ sáng sớm sau đó về thi nhau tuốt, xát, đập rồi phơi tái và đem sao, phơi. Ngày nắng như vậy, còn mưa dai nhiều ngày chỉ có ngồi nhìn trời mà chịu mất. Nhiều nhà đã xây lò sấy nên việc thu hoa cũng đỡ thất thoát. Năm học 2014-2015 có hai em học sinh trường PTTH của địa phương đã tìm tòi sáng chế ra máy tuốt hòe có công dụng gần như máy tuốt lúa, góp phần đỡ đi những giọt mồ hôi của cha mẹ và bà con quê hương. Sản phẩm của các em đã đạt giải ba cuộc thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc năm 2015. Có máy tuốt hòe người dân làm vườn vô cùng phấn khởi, chỉ trong vòng 30 phút là có thể tuốt được một tạ hòe tươi bằng sức lao động của 5 người xát hòe trong nửa ngày cật lực. Vì diện tích trồng hòe ngày càng nhân rộng thêm, thu hoạch hòe ngày càng nhiều, bà con rủ nhau lên Thái nguyên mua máy sao chè về sao hòe, cho nên các công đoạn làm hoa khô được rút ngắn rất nhiều. Dân làng vườn làm hòe nhàn hẳn.

Năm nay sau đợt nắng hạn gay gắt kéo dài, trời bỗng đổ mưa tầm tã hàng tháng trời. Niềm vui có mưa tưới tắm không được bao lâu là nỗi lo thắt ruột khi nhìn ra vườn hòe trĩu bông trắng xóa. Ngớt mưa mọi người í ới gọi nhau ra vườn bẻ hoa, có máy tuốt, máy sao hòe rồi thì chỉ cần rinh “nàng” về nhà là yên tâm. Vì vậy trong những ngày mưa, nụ cười của dân làm vườn đã tươi dần trở lại.

Đêm, nghe mưa thánh thót ngoài hiên, tiếng côn trùng rả rích, tiếng cá quẫy mừng nước dưới ao sâu… tâm trạng con người không khỏi nỗi buồn lo, khắc khoải. Nhưng lắng hồn sâu hơn nữa tôi nghe thấy tiếng rì rầm của mầm non tách vỏ, tiếng rù rì của bầy ong xây tổ và những lời thầm thì của nụ hòe đang uống nước nở hoa. Nhịp điệu của cuộc sống vẫn luôn dạt dào ngọt ngào tuôn chảy dưới mưa rơi, thấm đẫm hương vị làng vườn. Và ngoài kia những cây hòe đang thi nhau vượt lên ra lá, trổ bông vươn cành xanh mướt mát dưới mưa.

Thúy Hằng


Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version