Đại Kỷ Nguyên

Hành thiện tích đức mới là bí quyết đối nhân xử thế, phúc báo dài lâu

Trong xã hội hiện nay, nhiều bậc cha mẹ đều muốn con cái thành tài, mong muốn con cháu được phúc báo. Từ nhỏ họ đã cho con đi học đủ các loại lớp học thêm, chỉ sợ con cái bị thua ngay từ vạch xuất phát. Tuy nhiên, các bậc làm cha làm mẹ lại chưa từng nghĩ đến: ‘vạch xuất phát’ là ở chính bản thân họ.

Sách “Lịch sử cảm ứng thống kỷ” có ghi chép một câu chuyện văn hóa truyền thống, đã nói cho chúng ta biết bí quyết để con cháu hiển đạt phú quý là gì.

Tổ tiên tích đức, cháu con được phúc báo

Dương Vinh là người Kiến An triều Minh (huyện Kiến Ninh, tỉnh Phúc Kiến ngày nay), tên chữ là Miễn Nhân, là danh thần triều Minh.

Tổ tiên của Dương Vinh là người lái đò dựa vào chèo đò sinh sống. Vào thời đại ông cụ tằng tổ của ông có xảy ra trận hồng thủy. Nước lũ cuốn phăng nhà cửa, rất nhiều người dân và tài sản bị nước lũ cuốn trôi theo dòng nước. Khi đó, có rất nhiều người lái đò đã thừa cơ tranh nhau đi vớt tài sản bị nước cuốn trôi, duy chỉ có cụ tằng tổ và ông nội của Dương Vinh là không quản sự an nguy của bản thân, chèo thuyền dốc toàn tâm toàn sức đi cứu những người dân đang bị chìm trong dòng nước. Còn của cải trôi nổi thì hai người họ không hề vớt một thứ gì.

Sau đợt đó, những người chèo đò khác đều vì thế mà phát tài lớn, chỉ có cha con họ Dương vẫn phải chèo thuyền sinh sống như trước. Người làng đương thời đều thầm chê cười hai cha con họ, nói ‘đúng là quá ngu si rồi’. Nhưng hai cha con họ Dương vẫn không mảy may động tâm, họ lại thấy rất vui mừng vì đã cứu được nhiều người.

Đến đời cha của Dương Vinh, gia cảnh mới dần dần khá giả. Một hôm có một vị Thần nhân tu Đạo (tức người tu luyện đã đắc Đạo) đi qua cổng nhà họ Dương, nói với cha Dương Vinh rằng: “Ông nội và cha của ông đã tích được âm đức, sau này con cháu sẽ phú quý hiển đạt. Ông có thể an táng cha và ông nội của ông ở chỗ kia, nơi đó đất mộ gọi là Bạch thố (thỏ trắng)”.

Nhà họ Dương liền an táng theo địa điểm mà vị Đạo nhân này chỉ dẫn.

Sau đó nhà họ Dương sinh ra Dương Vinh, từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, rất có tài trí lại thích đọc sách. Dương Vinh tuổi trẻ đã đỗ tiến sỹ, ban đầu làm quan Biên tu, sau đó dần dần thăng làm Cẩn Thân điện Đại học sỹ, làm quan đến chức Thượng thư bộ Công.

Dương Vinh làm việc nhanh nhẹn, mưu lược hoạch định chính sự quả cảm quyết đoán, đã trải qua 4 đời các hoàng đế Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông và Anh Tông, đều được trọng dụng. Ông cùng với Dương Sỹ Kỳ, Dương Bác được vào nội các, hiệu xưng là Tam Dương. Sau này Dương Vinh làm quan đến chức Tam Công, hoàng đế còn truy phong ông nội và ông cụ tằng tổ của ông cùng chức quan.

Sau khi Dương Vinh qua đời, hoàng thượng ban tặng chức quan Thái sư, ban tên thụy là Văn Mẫn, con cháu đời đời đều hưng thịnh. Cháu tằng tôn là Dương Đán làm quan đến chức Thượng thư bộ lại, tổng đốc Lưỡng Quảng.

(Ảnh minh họa: meiwen.com)

Văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại

Khi tôi còn nhỏ thường nghe ông nội, bà nội nói câu cửa miệng là ‘tích đức’, ‘tổ tiên tích đức, con cháu hưởng phúc’, lúc đó tôi không hiểu. Đến khi bước vào trường học, bước chân vào xã hội, thấy rất nhiều sự việc xung quanh, tôi dùng quan niệm văn hóa truyền thống đánh giá thì mới biết người xưa thật vĩ đại biết bao. Người xưa đã thông qua thực tiễn rất nhiều đời, đem bí quyết làm người, bí quyết con cháu hiển đạt phú quý truyền lại cho các đời sau thông qua các câu chuyện xưa, giúp người đời sau tránh được những con đường vòng.

Tổ tiên Dương Vinh hành thiện cứu người, tích được âm đức lớn, đến đời Dương Vinh được phúc báo, cuối cùng làm quan đến chức Tam Công (tức 3 chức quan lớn nhất triều đình), được hoàng đế truy tặng chức quan cho cả ông nội và cụ tằng tổ. Dương Vinh khi qua đời được hoàng thượng ban tặng chức quan Thái sư, ban tên hiệu là Văn Mẫn, con cháu ông đời đời hưng thịnh. Cháu tằng tôn là Dương Đán làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, Tổng đốc Lưỡng Quảng. Đây chính là tổ tiên tích đức để lại phúc báo lớn cho con cháu các đời sau.

Người xưa nói: hành thiện tích đức mới là bí quyết đối nhân xử thế, mới là sự đảm bảo tốt đẹp cho tương lai của sinh mệnh.

Thuyết vô thần và triết học đấu tranh ngày này hoàn toàn trái ngược với những giá trị văn hóa truyền thống. Văn hóa truyền thống coi trọng tu thân dưỡng tính, hành xử thuận theo ý Trời, tiết chế dục vọng và tham niệm, một lòng hướng thiện, lễ kính Thần Phật, thì sinh mệnh được phúc báo. Văn hóa vô thần tôn sùng cái tôi, buông thả chạy theo tư dục và tham niệm, bức hại Thần Phật, làm bại hoại nhân tâm và thiện niệm, chạy theo cái xấu cái ác, dối trá lừa bịp để có được quyền lực, có được tiền tài. Đây chính là hành xử ngược với ý Trời, khiến sinh mệnh phải chịu ác báo.

Khi xã hội mất đi các giá trị truyền thống, giá trị phổ quát của nhân loại, lan tràn những thứ giả dối, lừa dối, độc ác, xấu xa, tranh giành, đấu đá, tiền tài lợi lộc, sắc tình, dâm loạn thì giá trị đạo đức xã hội bị bại hoại, đạo đức con người tụt dốc và băng hoại.

(Ảnh minh họa: mymeterstore.com)

Trường hợp ác báo thời hiện đại

Thời hiện đại, nhiều người đã mất đi lòng kính ngưỡng Thần Phật, không còn kính trọng đối người tu luyện. Khi không còn cái tâm kính sợ, không tin ‘thiện ác hữu báo’, không tin có đời trước đời sau thì việc gì họ cũng dám làm, dẫu độc ác đến đâu họ cũng dám phạm vì họ nghĩ ‘có tiền mua Tiên cũng được’. Phương châm sống ‘phấn đấu’ của họ là: “Thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ”. Thế nên họ dựa vào quan hệ, tiền tệ để mua quan bán tước, sẵn sàng bán rẻ danh dự nhân phẩm để có được chức quyền, địa vị và danh lợi. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để lấy lòng thượng cấp, để được thăng quan tiến chức.

 Chu Vĩnh Khang đầu tiên là một kỹ sư dầu khí, rồi leo dần lên các vị trí lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (CNPC). Đây là giai đoạn ông ta dùng phương châm ‘thứ tư trí tuệ’ để vươn lên.

Sau đó ông ta chuyển sang phương châm ‘thứ ba quan hệ’. Ông ta làm thị trưởng hoặc bí thư đảng ủy ở một số thành phố nhỏ có giếng dầu như Bàn Cẩm ở Liêu Ninh, Đông Dinh ở Sơn Đông. Sau đó ông ta làm quen và kết thân với một ‘Thái tử đỏ’ là Bạc Hy Lai, một ngôi sao trẻ trên chính trường lúc bấy giờ. Để tiến thêm bước nữa, dùng phương châm ‘thứ nhì hậu duệ’ ông ta đã lấy cháu gái Giang Trạch Dân là Giả Hiểu Diệp. Người ta nghi ngờ người vợ trước của ông qua đời bởi tai nạn giao thông là do chính ông ta bày ra để lấy Hiểu Diệp hợp pháp.

Có người ‘chống lưng’, ông ta lần lượt ngoi lên các chức Bộ trưởng bộ Đất đai và Tài nguyên, Bí thư tỉnh Tứ Xuyên, rồi đến Bộ trưởng bộ Công an kiêm Chủ tịch ủy ban Pháp luật và Chính trị, trở thành tay chân đắc lực của Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công, và được cấp ngân sách an ninh vượt cả ngân sách quốc phòng. Chu Vĩnh Khang xây dựng đội ngũ chân tay bao trùm khắp nơi, ông ta được mọi người gọi là “ông trùm an ninh” và “Sa Hoàng duy trì trật tự” (Duy trì trật tự là cụm từ dùng để đàn áp tôn giáo, đàn áp tín ngưỡng, người bất đồng, và đàn áp dân chúng khiếu kiện đông người).

Tuy ông ta không tin vào Thần, không tin vào nhân quả báo ứng, nhưng luật nhân quả là luật của vũ trụ, nó vẫn cứ lặng lẽ diễn ra bất chấp người ta có tin hay không. Năm 2013 Chu Vĩnh Khang ngã ngựa với tội danh tham nhũng. Những việc hành ác của ông ta vạ lây đến cả gia đình. Mẹ Chu Vĩnh Khang tuổi ngoài 89 thắt cổ tự tử. Em trai ông ta cũng bị bắt và nhân lúc sơ hở đã đâm đầu vào tường tự tử. Em gái và con trai ông ta cũng bị bắt. Bản thân Chu Vĩnh Khang quỳ mọp xuống trước mặt người thẩm vấn cầu xin miễn tội chết.

***

Văn hóa truyền thống dạy con người trồng nhân thiện để kết quả thiện, sinh mệnh được phúc báo, con cháu cũng được nhờ đó hưởng phúc. Hiểu rõ thiện ác, bỏ ác hướng thiện, hành thiện tích đức, cứu người tích âm đức là những việc đại thiện. Hành xử thuận theo Đạo Trời, theo quy luật vũ trụ thì mới là người tốt thực sự, sẽ được phúc báo lâu dài, con cháu nhiều đời được hưởng phúc. Đó chính là bí quyết để con cháu hiển đạt phú quý.

Kiến Thiện
Theo zhengjian.org

Xem thêm:

Exit mobile version