Đại Kỷ Nguyên

Giải mã truyện cổ Andersen: Con lợn ống tiền

Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng thế giới người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích. Truyện của Andersen vừa mơ mộng tưởng tượng lại vừa hiện thực. Thế giới nhân vật trong truyện của ông vừa có những con người trong đời thực ở mọi tầng lớp, vừa có những nhân vật tưởng tượng hoặc lạ lùng như: nàng tiên cá, Bà Chúa Tuyết…, vừa có những đồ vật, đồ chơi ngộ nghĩnh như chú lính chì, đồng silinh bạc, con lợn ống tiền…, lại có cả động thực vật như chim họa mi, chim thiên nga, cây lúa mạch, cây thông…

Phong cách ấy biến những câu chuyện cổ tích của ông thành một dạng giống như ngụ ngôn. Truyện của ông đầy chất thơ và tưởng tượng phong phú nên cuốn hút trẻ nhỏ. Nhưng dưới hình thức mơ mộng ấy, nó hàm chứa cái nhìn sâu sắc và nhân ái của Andersen về cuộc đời, về con người, về tôn giáo với những triết lý nhân sinh rất thâm thúy hấp dẫn cả người lớn. Đó là yếu tố biến truyện cổ tích Andersen trở thành độc nhất vô nhị trong kho tàng cổ tích của nhân loại. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài giới thiệu và phân tích những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Kỳ 3: Con lợn ống tiền

Căn phòng của trẻ con đầy những đồ chơi là đồ chơi.

Trên mặt cái tủ nhiều ngăn kéo có một cái ống tiền bằng sành, hình con lợn. Dĩ nhiên là lợn ta có một cái khe sau lưng, và người ta đã lấy dao rạch rộng ra để có thể bỏ lọt cả đồng bạc vào được. Trong ống có hai đồng bạc, chưa kể đến vô khối tiền siling. Lợn ta chật ních những tiền đến nỗi lắc không kêu. Không thể nào bắt nó chứa thêm được nữa.

Bây giờ lợn ta được đặt trên nóc tủ. Nó đưa mắt nhìn khắp phòng để tỏ ra rằng với số tiền chứa trong bụng mình, nó có thể mua được tất cả các thứ đồ chơi trong buồng. Giàu đến như thế, làm gì chẳng kiêu? Đây cũng đúng là dư luận của cả buồng, tuy rằng chẳng có ai nói ra, vì còn đang mải nói nhiều chuyện khác. Các ngăn kéo tủ để ngỏ. Trong đó có một con búp bê lớn hơi cũ, có một cái móc sắt sau gáy. Cô nàng nhìn quanh rồi lên tiếng: “Chúng ta chơi trò chơi người lớn nào! Vui đáo để!”

Thế là ầm ĩ cả lên. Ngay cả các bức chân dung cũng quay mặt vào tường để tỏ ra mình cũng có hai mặt, nhưng không có ý phản đối đề nghị của búp bê.

Nửa đêm. Chị Hằng lấp lánh qua cửa kính và chiếu sáng không lấy tiền. Đã đến giờ khai mạc, tất cả đều được mời đến, kể cả chiếc xe nôi, tuy rằng nó thuộc loại đồ chơi hơi thô.

Xe nôi trần tình: “Người nào có cái hay của người ấy chứ! Có phải tất cả thiên hạ đều là con nhà quý phái cả đâu. Người ta chả thường nói người nào phận nấy, là gì?”

Chỉ có mỗi lợn ta nhận được một thiệp mời, vì người ta cho rằng nó vắt vẻo trên cao thế thì dù có kêu to lên mà mời nó cũng chẳng nghe thấy nào. Mặc dù thế, lợn cũng không trả lời có đến hay không, và, quả nhiên nó không đến. Nếu nó muốn, nó sẽ dự cuộc vui tại chỗ; thu xếp thế nào thì thu xếp! Và mọi người đành phải chiều nó!

Lập tức người ta sửa soạn một cái sân khấu múa rối nhỏ vừa tầm để lợn có thể xem được. Đầu tiên là diễn kịch, sau đó là tiệc trà, rồi đến mấy trò chơi trong nhà. Cuộc vui bắt đầu.

Ngựa gỗ đọc một bài diễn thuyết ngắn về những vật bằng gỗ và tính chất quý phái của con nhà dòng dõi. Xe nôi nói về đường sắt và sức mạnh của hơi nước. Đấy là những vấn đề “tủ” của chúng nên chúng nói rất thạo. Đồng hồ quả lắc thuyết trình một vấn đề chính trị và lớn tiếng kết luận :

– Tích tắc! Thời cơ đã đến!

Công chúng xì xào :

– Có lẽ chị ta không được khỏe lắm thì phải!

Một chiếc gậy bằng song Tây Ban Nha khoe khoang một cách kiêu hãnh cái đầu bịt sắt và cái tay cầm bằng bạc của nó. Hai chiếc đệm thêu đặt trên ghế trường kỷ chẳng nói gì, chúng có vẻ dễ thương nhưng đần độn.

Đến mục hài kịch.

Mọi người ngồi xuống xem. Có ý kiến phát biểu là nên vỗ tay và dậm chân để tán thưởng.

Cái roi da lên tiếng:

– Tôi thì chẳng bao giờ vỗ tay hoan nghênh những người già mà chỉ hoan nghênh những người chưa “hứa hôn”.

Một tay hay đùa nói:

– Tôi thì cứ vỗ tay tuốt tuột.

Ống nhổ chen vào:

– Thôi, giờ nào việc nấy!

Mọi người đều tán thành; ai cũng muốn xem hài kịch. Kịch bản không hay lắm, nhưng diễn xuất khá. Diễn viên nào cũng cố ý phô phía nào có nước sơn đẹp nhất ra, ai cũng diễn tài cả. Những dây buộc quanh con rối hơi thô một tí, nhưng như thế người ta càng thấy rõ hơn. Con búp bê cảm động đến nỗi rơi béng cả cái móc sắt cắm sau đầu, còn lợn ta thì cũng hài lòng đến nỗi định tặng cho diễn viên một cái gì đấy. Theo thói quen của nó, “nó sẽ ghi tên diễn viên ấy trên tờ di chúc và người ấy sẽ nằm trong mồ với nó lúc nó chết”.

Thật gần như không thể nào hiểu nổi. Thoạt đầu chẳng ai suy nghĩ để hiểu thấu cả.

Tiệc trà xong, chuyển sang các trò chơi có vẻ trí thức, tức là chơi trò chơi giả làm người. Chỉ là trò chơi mà thôi, không có ác ý gì cả.

Sau đó, mỗi người lặng yên suy nghĩ một mình về những câu hỏi của lợn, suy nghĩ một cách nặng nhọc, vì có liên quan đến một tờ di chúc và một đám tang.

Bao giờ thì chuyện ấy sẽ xảy ra?

Nó xảy ra sớm hơn chúng ta tưởng.

Cạnh! Con lợn rơi từ trên mặt tủ xuống, vỡ tan từng mảnh trên sàn và các đồng siling nhảy múa vung lên: đồng bé quay, đồng lớn lăn, nhất là đồng bạc trước nay vẫn muốn thoát khỏi nơi giam hãm. Lợn chết, cả tiền lẫn bạc đều được giải phóng. Nhưng lại có một con lợn khác thay thế ngay trên mặt tủ, con này cũng bằng sành, lúc này đây chưa có một siling trong bụng và người ta không cần phải lắc nó làm gì.

Tất nhiên là ban đầu đối với lợn ống tiền bao giờ cũng thế. Với chúng ta, thế là hết chuyện.

Lời bàn:

Người viết mỗi khi đọc “Con lợn ống tiền” đều tưởng tượng thấy khuôn mặt gầy gò trí tuệ của Andersen đang tủm tỉm cười mỗi khi nắn nót viết xong một câu trong chuyện. Bạn đọc phải chăng cũng có cảm nhận ấy? Trong “Con lợn ống tiền”, mỗi câu, mỗi dòng đều thâm thúy ý vị và sâu sắc.

Một xã hội đồ chơi của trẻ em cũng hết sức phong phú, phức tạp với thế thái nhân tình như xã hội của con người, của người lớn chúng ta. Chúng cũng nhiều suy tư và toan tính mặc dù chúng là đồ chơi của trẻ em – những tâm hồn thơ dại và hồn nhiên.

Trong xã hội muôn màu ấy, kẻ nào cũng cố gắng khoe ra vẻ ngoài, nước sơn của mình, chỗ này hơn người, chỗ kia hơn người. Kẻ tự cho mình con nhà dòng dõi, quý phái như chú ngựa gỗ. Kẻ kia khoe khoang về sức mạnh của kỹ thuật và hiện đại hóa, nghe có vẻ thức thời như xe nôi. Thế nhưng, dù bàn tán với nhau chuyện gì, trong đầu chúng vẫn luôn thầm biết ai là người quyết định ở đây. Và mặc cho các diễn giả đang thao thao bất tuyệt, điều duy nhất chúng để tâm là thái độ của con lợn ống tiền.

Đó là một kẻ có vẻ khinh khỉnh, ngậm miệng không thèm nói và ngự ở nơi cao nhất trong phòng là cái nóc tủ, từ đó nhìn xuống các loại đồ chơi phía dưới. Ai ngờ kẻ được đám đồ chơi nhún nhường ấy chỉ là một con lợn, chẳng cần khoe gốc gác dòng dõi, chẳng cần hiện đại hợp thời hay trí tuệ hiểu biết, chỉ là một con lợn sành mà thôi. Nhưng sức mạnh không lời của nó nằm ở những đồng bạc và đồng siling chật ních bên trong nó. Và cái đám đồ chơi bên dưới đều khuất phục cái sức mạnh kim tiền bên trong con lợn ống tiền. Vì ai cũng có “máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”.

“Chót vót trên cao có một tao
Nào tao có muốn nói đâu nào…” (1)

Kẻ có tiền được mọi người tôn sùng vây quanh, tâm trạng của xã hội đồ chơi cũng nhuốm mùi tiền bạc. Trong ánh sáng vô tư của chị Hằng cũng mang màu sắc miễn phí. Ấy là vì cũng như bức chân dung, đám đồ chơi cũng đều có hai mặt: một mặt tỏ vẻ vô tư, một mặt toan tính, do vậy chúng mới rủ nhau diễn kịch.

Màn kịch này, diễn chỉ để cho “đại gia” lợn xem, vì thế riêng nó có thiếp mời mà không thèm đến, còn đám “quần chúng” đồ chơi với nhau thì chỉ mời miệng. Lợn cần gì phải đến, nó biết đám kia diễn kịch là vì nó, hay nói đúng hơn, vì để được thừa kế cái đám bạc trong bụng nó. Nhưng diễn gì thì diễn, ai cũng phải nhìn sắc mặt của lợn mà hành động.

Cho nên, dù nội dung vở kịch rất xoàng, ai cũng biết tỏng ra rồi, nhưng các diễn viên đều có diễn xuất thật khá. Ai cũng tỏ vẻ duyên dáng, hài hước. Ai cũng muốn chứng tỏ mình là người xứng đáng được thừa hưởng cái đám bạc trong bụng lợn kia. Giống như các đại gia lắm tiền nhiều của luôn có người xung quanh vây vo lấy lòng.

Bản thân lợn cũng hài lòng. Kẻ làm nó hài lòng sẽ được viết tên lên tờ di chúc với nó. Kẻ ấy có được nhận gia tài của nó hay không, hay nằm cùng nó trong mồ? Thì các “quần chúng” muốn lấy lòng nó đến thế còn gì, tỏ vẻ o bế nó thế còn gì. Có ai muốn đi cùng lợn không? Đám “quần chúng” suy nghĩ nặng nhọc lắm, làm sao lọt vào mắt xanh của lợn, vì cái khoản gia tài kia lớn quá, nhưng lại không phải đi cùng lợn xuống suối vàng?

Và bao giờ thì đến cái thời khắc mà cả đám đồ chơi đều mong mỏi đó?

Chúng không phải chờ lâu, kẻ ních đầy tiền bạc thường nặng nề, lại thường là mục tiêu săn đuổi của nhiều người, nên khó thọ. Con lợn nặng nề rơi xuống, vỡ tan. Lợn chết mặc lợn chứ,  nhưng tiền cũng tiêu tan, chả ai “xơ múi” được chút gì vào đó.

Vắng cô thì chợ vẫn đông, sẽ có ngay một con lợn khác thay thế. Vì lợn không phải kẻ giàu có thực sự, chỉ là cái ống giữ tiền mà thôi.

Lí Chình

(1): Bài thơ “Trời nói”, tương truyền là của Nguyễn Khuyến

Exit mobile version