Đại Kỷ Nguyên

Giải mã truyện cổ Andersen: Gió tháo tung các biển hàng – Tấm áo không làm nên thầy tu

Ảnh minh hoạ: Đại Kỷ Nguyên.

Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng thế giới người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích. Truyện của Andersen vừa mơ mộng tưởng tượng lại vừa hiện thực. Thế giới nhân vật trong truyện của ông vừa có những con người trong đời thực ở mọi tầng lớp, vừa có những nhân vật tưởng tượng hoặc lạ lùng như: nàng tiên cá, Bà Chúa Tuyết…, vừa có những đồ vật, đồ chơi ngộ nghĩnh như chú lính chì, đồng silinh bạc, con lợn ống tiền…, lại có cả động thực vật như chim họa mi, chim thiên nga, cây lúa mạch, cây thông…

Phong cách ấy biến những câu chuyện cổ tích của ông thành một dạng giống như ngụ ngôn. Truyện của ông đầy chất thơ và tưởng tượng phong phú nên cuốn hút trẻ nhỏ. Nhưng dưới hình thức mơ mộng ấy, nó hàm chứa cái nhìn sâu sắc và nhân ái của Andersen về cuộc đời, về con người, về tôn giáo với những triết lý nhân sinh rất thâm thúy hấp dẫn cả người lớn. Đó là yếu tố biến truyện cổ tích Andersen trở thành độc nhất vô nhị trong kho tàng cổ tích của nhân loại. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài giới thiệu và phân tích những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Gió tháo tung các biển hàng

Trích: “… Một truyện khác ông vẫn thường kể đi kể lại cho chúng tôi nghe là có lần tất cả các biển hàng ở kinh đô đã bị tháo khỏi móc.

Hồi còn trẻ, có lần ông nội cùng đi với các cụ thân sinh lên kinh đô chơi. Đó là lần đầu tiên ông nội được đi đến đấy. Trong các phố, thương nhân buôn bán tấp nập và hầu như nhà nào cũng treo biển hàng. Những tấm biển ấy, nếu đừng treo ở nhà ngoài mà bày vào trong nhà thì chẳng khác gì những bức hoạ! Giá đem tháo tất cả xuống thì trang hoàng được vô khối là cửa hiệu.

Trên biển hàng nhà bác thợ may vẽ đủ thứ quần áo. Trên biển hàng hiệu bán thuốc lá, người ta vẽ mấy chàng trai phì phèo những điếu xì gà to tướng.

Lại có tấm vẽ những miếng bơ, có tấm vẽ những chiếc cổ áo thêu ren. Tóm lại, đủ mặt hàng. Tất nhiên, người nào làm nghề gì thì treo biển hàng về nghề ấy.

Ông nội bảo:

“Cứ nhìn phía ngoài cũng đủ biết những người ở trong nhà là ai, như thế cũng tiện và thú vị”. Nhưng đúng vào thời gian ông nội ở kinh đô thì xảy ra một chuyện kỳ lạ về các biển hàng ấy. Chính ông nội đã kể cho chúng tôi nghe, và tuyệt nhiên không có ý thêu dệt tí nào, mặc dù mẹ tôi không tin. Ông tôi kể với một vẻ nghiêm trang và hào hứng.

Đêm đầu tiên ông tôi ngủ ở kinh đô nổi lên một cơn giông tố dữ dội, chưa tờ báo nào nói đến bao giờ. Chưa bao giờ người ta thấy một cơn giông như thế. Sét xé trời, sấm nổ ran không ngớt. Sông ngòi tràn ngập cả. Giông tố lướt qua làm đổ không biết bao nhiêu là ống khói và vặn xoáy nhiều chóp nhọn chuông nhà thờ và từ ngày ấy đến nay vẫn chưa được ai dựng lại.

Trên đồn cứu hoả có một tấm biển cũ kỹ, giông tố cũng chẳng tha, vèo một cái tấm biển bị gió thổi tung văng ra tận đầu phố. Do một sự ngẫu nhiên kỳ diệu, gió thổi áp tấm biển vào nhà một bác phó mộc. Trong một nạn cháy mới đây bác này đã cứu được ba người. Thế là tấm biển của đồn cứu hoả không ngờ lại ngự ngay ở nhà bác phó mộc.

Tấm biển bằng đồng của bác thợ cạo, hình chiếc đĩa, cũng bị bắn tung và bắn đến bao lơn nhà quan hội thẩm. Thật là ác, vì các bạn thân nhất của bà hội thẩm thường gọi bà ta là “dao cạo”. Bà ta rất ác khẩu, biết rất nhiều chuyện về từng người một mà chính bản thân người ấy cũng không rõ.

Một chiếc biển có vẽ một con cá thu đến ngoắc ngay vào nhà một ông chủ báo. Cái anh chàng gió thật là dại dột, vì chả nên gây sự với nhà báo làm gì.

Tấm biển viền đen treo bên cửa của một quán ăn nhỏ bay đến phô trương trên cửa một rạp hát mà từ xưa đến nay chẳng ai thèm vào xem cả. Thế là người ta được đọc cái quảng cáo nực cười: “Xúp cá, bắp cải nhồi thịt”, người ta nói như thế sẽ lôi kéo được khán giả.

Tấm da cáo của những người bán da thú, một tấm biển đắt tiền, bay đến ngoắc ngay vào dây chuông nhà một chàng trai trẻ rất đứng đắn, thường có thói quen đi co ro ngoài phố như một chiếc ô cụp, theo lời người cô, anh ta là một thanh niên kiểu mẫu.

Tấm biển “Trường cao đẳng” ngoắc ngay vào cửa một nhà bán cà phê có bàn chơi bi a, còn nhà trường lại thừa hưởng cái biển “Ở đây nhận nuôi trẻ em đang còn bú”.

Đêm ấy quả là một đêm khủng khiếp! Khi trời sáng, thật là kinh ngạc! Có thể nói là không một tấm biển nào còn ở nguyên chỗ và trong nhiều trường hợp gió đã gây ra nhiều cảnh tức cười. Ông tôi không kể hết, nhưng tôi nhận thấy rất rõ, khi kể đến chỗ ấy, ông cụ cười ngầm, và rất có thể là lúc đó ông tôi có một ý nghĩ gì thầm kín.

Vả chăng đó cũng là thói quen của ông tôi. Đã nhiều lần mẹ tôi thấy ông tôi cười mỉa mai, đánh bạo hỏi ông tôi cười gì, nhưng lúc nào ông tôi cũng trả lời:

“Con hãy còn non dại lắm con ạ!”.

Các bạn nên nhớ rằng lúc đó mẹ tôi đã chẵn ba nhăm tuổi.

Ông tôi kể tiếp:

“Cuối cùng, ngay sau hôm xảy ra trận giông tố lớn ấy, khách bộ hành và nhất là người ở xa đến, vì tin vào biển hàng nên cứ nhầm nhà nọ với nhà kia. Chẳng hạn: có những người muốn đến dự một buổi họp trang nghiêm bàn nhiều vấn đề quan trọng thì lại đi nhầm vào một trường học con giai nơi các nhãi đang nhảy từ hết bàn này sang bàn khác.

Thậm chí còn có người lẫn lộn cả nhà thờ với rạp hát nữa!”.

Ngày nay, ơn trời, chưa có một trận giông tố nào mạnh như vậy nữa. Chỉ có ông tôi được mục kích một trận giông tố như vậy, mà cũng là thời còn thơ ấu. Chắc hẳn đời chúng ta cũng chẳng được thấy trận giông tố nào như thế. Nhưng chúng ta cũng mong rằng nếu sau này cháu chắt chúng ta có gặp phải cơn phong ba như vậy thì chúng cũng biết ở yên trong nhà suốt thời gian bão táp”.

Lời bình:

Tấm biển hàng như một tấm thẻ căn cước của mỗi hàng, quán, cơ quan tổ chức. Trên ấy người ta trang trí những hình ảnh nói lên nghề nghiệp hay phong cách của chủ hàng, chủ quán hay cơ quan tổ chức ấy. Còn hơn một tấm thẻ căn cước, nó là vẻ ngoài, bộ mặt của những người ở trong nhà mà ai cũng cố gắng khiến nó đẹp và ấn tượng nhất. Cho nên, nhân vật “ông tôi” kể rằng: “Những tấm biển ấy, nếu đừng treo ở nhà ngoài mà bày vào trong nhà thì chẳng khác gì những bức hoạ! Giá đem tháo tất cả xuống thì trang hoàng được vô khối là cửa hiệu”.

Nếu cứ nhìn ở phía ngoài mà biết được những người trong nhà là ai thì cũng thuận tiện thật. Nhưng một cơn gió “ác ý” đã làm đảo lộn những tính toán của con người. Nó cuốn biển hiệu của đồn cứu hỏa vào nhà bác phó mộc, vì ông này mới là người cứu hỏa thực sự. Bà hội thẩm ác khẩu thì giờ mang tấm biển “thợ cạo”, vì cái lưỡi của bà ta cũng sắc như lưỡi dao cạo. Và đã là thợ cạo thì chỉ có cạo người khác chứ không tự cạo mình.

Một nhà hát với những món ăn tinh thần rẻ tiền, bèo nhèo thì mang tấm biển của quán cơm bình dân với những xúp cá, bắp cải nhồi thịt. Chàng trai trẻ “đứng đắn” được gọi là “thanh niên kiểu mẫu” lại bị gió phủ lên một tấm da cáo, té ra bên trong là một con cáo già thực thụ. Quán cà phê và bi-a thì mắc biển hiệu của trường cao đẳng. Có lẽ đây mới là nơi các sinh viên “sôi kinh nấu sử” thực sự. Còn nhà trường cao đẳng lại thừa hưởng tấm biển của nhà trẻ. Hóa ra, đây không phải là nơi đào tạo ra nhân tài, trí thức tương lai mà chỉ là nơi trông nom nuôi dưỡng “trẻ đang còn bú”.

Thế mới biết rằng: “Tấm áo không làm nên thầy tu”. Những gì người ta phơi bày ra ngoài không nhất thiết là bản chất bên trong của họ. Nhưng cơn gió đã đặt mọi thứ về đúng vị trí của nó, một điều con người tự thân không làm nổi. Vậy là “gió trời” hay “ý trời”? Giấu ai chứ sao giấu được Trời Đất. Các tấm biển hiệu nhờ cơn gió đã ở đúng chỗ, phản ánh đúng những gì diễn ra bên trong nó.

Đọc lại “Gió tháo tung các biển hàng”, người viết bài này đã có một giấc mộng kỳ lạ. Ở một vương quốc nọ, một hôm giông gió về, cơn gió lớn lắm. Mọi người ở trong nhà đóng chặt cửa, không ai dám ra đường. Đến sáng hôm sau thì người ta thấy một số nhà trẻ và trường phổ thông mang tấm biển hiệu “trại giáo dưỡng”.

Hóa ra có trường thì trẻ bị đánh đập vì biếng ăn, có trường thì trẻ bị uống nước giẻ lau bảng vì nói chuyện trong lớp. Còn chính tấm biển “trường Phổ thông cơ sở” thì lại bay tới áp vào các quán game online, vì trong đó toàn học sinh phổ thông luyện game chăm chỉ trong giờ đi học.

Một số trường quay gameshow bị đeo tấm biển của những quán cơm bình dân hạng bét, nguyên là vì họ chuyên làm những show hài dung tục, nhảm nhí. Chàng MC chính còn tuyên bố: “Nếu không thích xem hãy tắt TV”. Một phòng họp lớn thật là lớn mang biển hiệu “Nhà nghỉ” vì những người đi họp toàn ngủ… Thật không kể cho xiết những trường hợp biển hàng bị tráo đổi như vậy. Những tấm biển hàng ở vương quốc này thật là nhiều và còn lộng lẫy hơn cả trong truyện của Andersen.

Cả vương quốc rối loạn vì sự cố này. Không ai nghĩ là gió làm nổi điều ấy, họ nghĩ rằng có một thế lực nào đó đã chơi khăm mình. Họ vừa bao biện cho mình vừa nghi ngờ người khác xấu chơi. May thay, có một số người can đảm nói rằng: “Sự kiện này là dịp để tôi nhìn lại mình và sửa lại những sai lầm của mình. Không phải là ai chơi xấu hết, có lẽ đó là ý Trời”.

Những người khác nhìn thấy cũng xấu hổ và bắt chước anh ta. Mọi người trở nên chân thật và biết nghĩ cho nhau, ai cũng cố gắng làm tốt việc của mình. Bỗng nhiên, các tấm biển hiệu lại quay trở về chỗ cũ. Gió cũng ngừng. Thật là một kết cục có hậu. Tiếc rằng khi ấy giấc mộng kết thúc.

Đọc “Gió tháo tung các biển hàng”, chúng ta như đang nhìn thấy nụ cười tủm tỉm hiền lành mà ý nhị của nhân vật “ông tôi”, một hóa thân của nhà văn Andersen. Lại nhớ về ông tôi trong bài đồng dao của phim “Tể tướng Lưu Gù”: 

“Ông tôi kể chuyện rất hay

Đó là câu chuyện của ngày hôm qua

Có người tốt, có gian tà

Có người hay dở đều là thị phi

Chuyện này có thể đúng sai

Có thể là chuyện do ai đặt điều

Dù sai đúng được bao nhiêu

Chuyện cũng để lại nhiều điều nghĩ suy

Ai ơi, nhớ lấy mà ghi…”

Tái bút: Hình như đài báo… đêm nay gió về!!

(Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Video: Huyền cơ ẩn sau những nhân vật được lựa chọn trong Tây Du Ký

Exit mobile version